Đến nơi, ông chưa vào thăm bệnh nhân vội. Ông ngồi ở buồng khách, đòi lấy nước rửa mặt, rửa tay. Ông bẻ là thau không đánh sạch, ông không dùng xà phòng và khăn chung với người khác. Ông ngửi chén, ngửi chè mãi rồi mới nhắp một tí nước vào miệng. Ông bảo nước hơi khói, và phàn nàn rằng chè hơi mốc.
Rồi ông ăn cơm. Thấy mâm đánh bóng nhoáng, bát, đũa, thìa, cốc sạch như li, ông không chê vào đâu được, ông mới uống rượu.
Sau một chén, hai chén, ba chén, rồi bốn năm chén, ông mới đưa bát xới cơm.
Ma-ri thấy ông cành cơi, thì đi ra đi vào, có vẻ rất sốt ruột.
Nhưng ông lang rất ung dung, ông cứ ăn thật thong thả, y như không có việc gì phải vội vàng.
Ông ngồi một mình một mâm cơm, không nói không rằng với ai. Ai đi qua, ông cũng không mời mọc, vô phép. Thấy lũ con của Thừa, ông không chào, còn nhìn chúng nó để chờ chúng nó chào trước. Vì không được đứa nào tỏ vẻ kính trọng, ông phàn nàn với Ma-ri là chúng nó thiếu lễ độ với ân nhân của gia đình.
Ăn xong, ông rửa mặt, xỉa răng, uống nước. Chán chê rồi ông mới hỏi Ma-ri:
– Đâu? Ông Hàn nằm ở đâu?
Ông đến gần giường bệnh. Cũng không chào chủ nhân. Ông rón mấy đầu ngón tay để bắt mạch, rồi lắc đầu:
– Chỉ tai hại về tin đốc tờ với thầy khách đây thôi.
Ông bắt lấy bã thuốc của thầy Cắm Sềnh cho ông xem. Ông chép miệng:
– Không trách bệnh tăng cũng phải.
Ông bảo Ma-ri:
– Cứ tin lời quảng cáo trên báo, còn là tiền mất tật mang!
Ông nhìn các nhãn thuốc tây:
– Tôi không hiểu thuốc tây, nhưng chỉ biết là không có bệnh, mà uống thuốc tây, thì cũng sinh bệnh. Ai lại chữa lao, mà tiêm vi trùng lao vào thân thể người ta bao giờ!
Ông kê đơn, bắt đi cân ngay thuốc.
Thừa uống được một nước, tối hôm ấy. Hôm sau ông lang không cần nghe kết quả, đòi Ma-ri cho đánh xe để ông về Thạch Từ.
Ông nói:
– Tôi còn phải có nhiều khách. Ông xơi ba thang, thấy thế nào, bà cho xe về đón tôi ra.
Nhưng Thừa chỉ thấy bệnh mỗi ngày một biến ra nhiều chứng. Ma-ri lại quay về thuốc tây. Lần này, hắn mời bác sĩ Ánh, một thầy thuốc trẻ tuổi, không chữa bệnh theo phương pháp cũ rích như bác sĩ Pi-ca.
* * *
Một buổi trưa, đương mơ màng, Thừa thấy tiếng léo séo cãi nhau, ở nhà dưới.
Thừa hỏi, thì hai Điều lúng túng:
– Dễ thường tiếng ở nhà bên cạnh.
Thừa cau mặt:
– Rõ rằng tiếng thằng Pôn. Mà cả có tiếng thằng Mão. Ông nghe hộ tôi xem đúng không nào?
Hai Điều vờ lắng tai:
– Trình ông lớn, dễ thường đúng đấy ạ.
Thừa đập tay xuống giường:
– Sao lại dễ thường! Ông xuống xem chúng nó làm gì hộ tôi.
Một lát, lão già lên:
– Trình ông lớn, các cậu cãi nhau ạ.
Thừa gắt:
– Ai không biết! Nhưng đứa nào cho thằng Mão vào? Chúng nó cãi nhau cái gì?
– Trình ông lớn, đâu vì tranh giành chia của thế nào ấy, con nghe lõm bõm câu được câu chăng.
Thừa rên lên:
– Tôi đã chết đâu mà chúng nó tranh nhau chia của. Ông xuống gọi chúng nó lên đây cho tôi.
Hai Điều sợ quá:
– Dạ.
Một lát, tiếng to dần.
Chúng nó không cãi nhau, nhưng lại chửi nhau. Tiếng thằng Mão:
– Ừ, tao chửi thằng bố mày đấy. Thằng bố mày là đứa nào ấy, chứ không phải bố tao.
Tiếng thằng Giăng:
– Tổ tiên sư bố mày, ông cho một nhát thì bỏ tổ tiên sư bố mày bây giờ!
Tiếng thằng Mão:
– Ông chửi bố nó chứ ông chửi bố mày à mà mày động lòng? Mày chửi bố ông thì là ai, mày có biết không?
Thấy lũ con vừa đến buồng mình, vừa chửi nhau, Thừa nổi cơn ho sù sụ:
– Khổ chưa? Nhục chưa? Thế nào? Vào cả đây!
Cả ba thằng con trai và ba đứa con gái tiến vào buồng Thừa.
Thằng Mão hầm hầm xông vào thằng Giăng:
– Ông thách đấy!
Thừa cố thét ra tiếng:
– Im! Thế nào?
Thằng Pôn túm được thằng Mão. Nhưng thằng Mão tránh được. Nó vồ lấy con Ca-mê-li-a. Cả ba đứa con gái cùng the thé:
– Ôi hàng phố ơi! Ôi ông đội xếp ơi! Nó giết tôi.
Thừa cố vùng ngồi dậy. Nhưng hắn lại ngã ngay xuống giường. Hắn thở, mắt giương lên để nhìn tấn náo kịch.
Ba đứa con gái chạy tán loạn, vấp đổ cả ghế. Còn ba đứa con trai thì ôm vật nhau. Những tiếng đấm, tiếng thụi, nghe rợn cả tóc gáy. Thằng nọ ngã, thằng kia nhổm dậy. Rồi thằng kia ngã, thằng nọ lại nhổm dậy. Chúng nó cởi thắt lưng da, quật vào đầu nhau, ném chén, ném cốc vào mặt nhau, chiếc ghế gỗ giơ lên cao rơi huỵch xuống gãy tan tành.
Thừa nhắm mắt lại. Hai dòng nước ứa ra, từ đuôi con mắt chảy xuống má:
– Ông Hai ơi! Tôi không sống được nữa. Ông trình cẩm đuổi chúng nó đi cho tôi.
Hai Điều nói to:
– Ông lớn truyền các cậu các cô đi. Ông lớn mệt.
Thằng Mão cãi:
– Nhà của bố tôi thì tôi ở, ông không có phép đuổi!
Thằng Pôn quắc mắt:
– Nhà này là nhà chúng tao. Bố chúng tao cho chúng tao.
– Tiên sư thằng bố mày!
Ba thằng lại xông vào nhau, vật nhau và đánh nhau. Thừa lịm đi, bất tỉnh.
§19. Một cuộc gặp gỡ tình cờ
Bà mẹ Mão lại đau mắt. Lần này, vì không có tiền để sang tận Thịnh Bát, nhờ ông nhì Trường chữa cho, bà đành đến nhà thương đau mắt ở Hà Nội, xin bố thí thuốc vậy.
Cho nên, cũng không còn ai quen trong đất Hà Thành hoa lệ này, bà phải ở nhờ trong xó nhà của Ĩnh con. Ta nhớ rằng con mụ này còn nợ bà tiền.
Vốn hay lam hay làm, nên đi thì chớ, hễ ở nhà là chẳng lúc nào bà để ngơi tay. Quét nhà, gánh nước, thổi cơm, gặp việc gì có thể giúp được dì, là bà không để Ĩnh con phải bảo.
Hôm nay, tuy đôi mắt vẫn còn bọc băng kín mít, bà cũng chẻ củi. Hai tay bà lần lối vào bếp, bà sờ soạng soạn củi, để riêng những thanh to, rồi sờ soạng tìm con dao rựa. Bà ôm củi, cầm dao ra sân, rồi lụi hụi chẻ huỳnh huỵch.
– Gớm, con mẹ này mới vô ý chứ! Đương giữa trưa, không để người ta ngủ! Mù dở mà không biết thân! Chân đã tập tễnh rồi, lỡ bập dao vào tay nữa thì cụt, là bỏ đời.
Ĩnh con vào sân. Nó hấp háy đôi mắt nhìn bà rồi bảo thế. Bà mẹ Mão ngửa mặt, nhăn răng ra cười:
– Có! Làm thì phải cẩn thận chứ, hở cụ?
Ĩnh con bực mình:
– Thôi! Không khiến! Bỏ đấy! Đun cho tao ấm nước vậy.
Nó lầm bầm:
– Thương nó mà chứa nó, thật phiền!
Nói xong, nó ra nhà ngoài.
Nó lại nằm trên phản, quắt như tàu lá cải phơi để muối dưa.
Bỗng có người con gái đứng ở ngoài cửa, hỏi vào:
– Thưa cụ, tôi hỏi thăm cụ, bà Ĩnh con ở nhà trong hay nhà ngoài ạ.
Ĩnh con ngẩng đầu dậy:
– Tôi đây.
Nó cau mặt:
– Ai bảo cô mà cô réo tên tục tôi lên thế?
Người con gái xin lỗi:
– Xin cụ tha cho, tôi không biết. Tại ông Trần Đức Thừa bảo thế.
Nghe thấy ba tiếng Trần Đức Thừa, Ĩnh con vội vàng ngồi dậy:
– A! Cô vào chơi. Quan bảo gì thế ạ?
– Không ạ. Ông Trần Đức Thừa viết thư cho tôi, nói là bao giờ tôi đến Hà Nội, thì nhắn cụ cho ông ấy biết.
Ĩnh con đang bới tóc chưa xong, miệng còn ngậm cái lược, nghe thấy thế, thì nó ngừng tay, và nhìn người con gái. Một tay nó giữ món tóc bới dở, một tay nó bỏ cái lược vào miệng:
– Cho quan biết làm gì ạ?
– Tôi không rõ.
Ĩnh con bới cho xong tóc, lại nhìn người con gái bằng đôi mắt nghi ngờ.
Nó làm nghề gọi gái. Thừa lại là đứa hay chơi gái. Nên thấy người con gái nhờ nó nói với Thừa, thì nó không thể hiểu khác được rằng người này là con gái tử tế. Nó hỏi:
– Cô nhờ tôi nói với quan thế nào nhỉ?
Người con gái hỏi lại:
– Cụ nói quan là ông Trần Đức Thừa ấy ạ?
– Vâng, quan hàn An-be tôi. Ngài được thưởng hàn lâm và long bội tinh.
– Vâng. Nhờ cụ nói rằng, tôi là Thúy Lan, không ở Hải Dương nữa và đã lên Hà Nội ngay từ mấy hôm sau nhận được giấy của ông Thừa. Nhưng sở dĩ tôi chưa cho ông ấy biết ngay, vì tôi cho việc ấy là không cần thiết lắm.
Ĩnh con nhếch mép:
– Cần thiết chứ! Chắc là quan mong cô.
Rồi nó thử:
– Hay là cô đến thăm quan! Quan đương yếu.
Thúy Lan vẫn thản nhiên:
– Tôi muốn đến thăm, thì tôi hỏi cụ nhà ông ấy. Nhưng tôi không đến, vì ông ấy dặn thế, tôi cứ làm đúng như thế.
Ĩnh con kháy:
– Vâng, cô đến thăm quan, chắc quan vui lắm, vì bà hàn với các cô các cậu được tiếp cô.
Đến câu này thì mặt Thúy Lan có tái đi thật. Như bắt được đúng kẻ gian, Ĩnh con hỏi:
– Tôi hỏi thật nhé. Cô là thế nào với quan hàn nhỉ?
Thúy Lan lúng túng:
– Thưa, ông Trần Đức Thừa là bạn với thầy tôi ở Hải Dương ạ.
– Bạn với ông cụ thân sinh ra cô ấy à?
– Vâng.
– À ra thế đấy. Vậy cô cũng có quen cậu Pôn, cậu Giăng ạ?
Thấy Ĩnh con tò mò quá, Thúy Lan mỉm cười, lắc đầu:
– Thưa không ạ.
– Thế hẳn cô là bạn với các cô Rô-da-lin, Ma-gơ-rít, Ca-mê-li-a?
Thúy Lan vẫn lắc đầu:
– Không ạ.
Lần đầu tiên Thúy Lan được nghe những tên ấy, thì biết là Thừa có hai trai và ba gái, đều lớn.
Xong việc, Thúy Lan đứng dậy. Nhưng Ĩnh con chưa hết tò mò:
– Mời cô hãy thư thả. Cô bảo là cô không ở Hải Dương và đã lên Hà Nội phải không ạ?
– Vâng. Nhờ cụ nói rõ cả rằng tôi đã nhận được thư ông Thừa. Nhưng sở dĩ tôi không nhắn ngay cho ông ấy biết, vì cho là không cần thiết.
– Vâng. Tôi xin nói tất cả ngần ấy câu. Thế ra cô ở Hài Dương, cũng chả lại chơi đằng nhà quan Hàn Thừa lần nào.
– Vâng. Chỉ có thầy tôi hay lại thôi ạ.
– Hèn nào cô không biết các cậu, các cô. Nhưng cô có quen bà Hàn không ạ?
– Thưa không.
Muốn không cho Ĩnh con thóc mách, Thúy Lan hỏi:
– Thưa cụ, ông Thừa ở phố nào ạ?
Ĩnh con cho là Thúy Lan muốn hỏi dò về Thừa, thì nó lắc đầu để khoe:
– Quan hàn có lắm nhà lắm, cô ạ. Đâu dễ đến hơn mười chiếc. Vợ con tha hồ sung sướng!
Nói xong, nó tròng trọc nhìn Thúy Lan, nhưng Lan lặng thinh. Nó lại tiếp:
– Quan Hàn thật là người làm ăn giỏi, số giàu có khác.