Có những buổi chiều, hắn đi bộ chơi. Lưng hơi gù, tóc hoa râm, tay chống ba-toong, hắn lững thững quanh hồ Hoàn Kiếm. Lúc mệt, hắn ngồi nghỉ trên ghế, nhìn nước nhìn mây. Trông sang nhà Gô-đa bên bờ kia, hắn còn thấy tấm ghế mà hắn cùng anh Xi ngồi than thở với nhau về cảnh nghèo, rồi anh Xi cho hắn hai hào.
Gần khắp các nơi hắn cố ý hoặc vô tình mà đi qua, mà nhìn thấy, đều nhắc nhở hắn một kỷ niệm cũ. Nhưng khác với người ta là có nơi gợi kỷ niệm buồn, có nơi gợi kỷ niệm vui, còn đối với hắn, nơi nào cũng đánh dấu một tội, làm hắn hối hận.
Hắn muốn về quê chơi vài hôm. Nhưng không thể. Sức hắn còn yếu, chưa chịu được nổi mệt nhọc đường trường. Bác sĩ Pi-ca mấy tuần đầu, ngày nào cũng đến thăm hắn một lần. Rồi thấy bệnh giảm dần, thì vài hôm thăm một lần, và bây giờ, một tuần mới phải đến thay đơn.
Thừa tiêu mất lắm tiền thuốc, nhưng mừng rằng khỏi chết. Người còn thì của hãy còn.
Hôm được tin chiếc Bắc Kỳ đắm, hắn rất giận Ma-ri tham lam và hà tiện khoảng không. Những việc kinh doanh lớn, không thể để đàn bà làm được. Đàn bà chỉ nhìn thấy cái lợi tủn mủn trước mắt, không nhìn thấy cái lợi to lớn lâu dài. Khỏe lên, hắn phải xuống Hải Dương để trông nom công việc mới được. Hắn tin rằng, với hắn, thì một năm, lấy lại được chiếc Bắc Kỳ, và vài năm thôi, thế nào cũng có thêm vài chiếc mới, chạy các đường sông khác.
Nhưng bỗng tin chiếc Đại Pháp đắm đến tai hắn. Rồi lốc nhốc Ma-ri và lũ con kéo về.
Hắn tiếc của, tiếc công lao. Hắn bực bội, thấy chính vì Ma-ri ngu dại mà dìm quá nửa cơ nghiệp của hắn xuống nước. Thêm nỗi uất, là hắn không được sống một mình, sống yên ổn, vui vẻ với những kỷ niệm đau khổ xưa, để ân hận cho nhẹ mình nữa. Thật thế, từ nay, tuy sống ở nhà hắn, ngay giữa thành phố Hà Nội đông đúc, với vợ, với con xung quanh, nhưng mắt hắn sẽ nhìn thấy thái độ lạnh lùng của lũ con thờ ơ, tai hắn sẽ nghe thấy lời xói móc đay nghiến của người vợ ngang ngược, giả dối, không trung thành với chồng. Hắn thấy không khác gì bị dụ ra ở một hòn đảo hoang vắng, để tâm hồn hắn chơ vơ, hiu quạnh.
Bác sĩ Pi-ca biết tin chiếc Đại Pháp đắm, vội vàng đến an ủi hắn và cho hắn thuốc an thần.
Nhưng tâm thần hắn không thể an tĩnh được. Hắn tiếc, hắn uất, hắn bực dọc, chán ngán.
Đêm ấy, hắn lại thấy người rạo rực. Không thể chịu được, hắn lại thổ ra huyết. Lần này, máu ra nhiều gấp rưỡi lần trước.
Cũng lại Ma-ri phải thân hành đi mời bác sĩ Pi-ca đến. Bác sĩ nghe ngực, xem mạch, rồi cho thuốc và dặn Ma-ri:
– Lần trước, ông Thừa đương khỏe mạnh thì thổ ra huyết. Nhưng lần này, ông chưa khỏe thật mà lại thổ ra huyết, và nhiều hơn. Vậy muốn cho ông chóng bình phục, bà tin ở thuốc của tôi đã đành, nhưng chính gia đình cũng phải giúp tôi là giữ cho xung quanh buồng người ốm được yên lặng. Đừng ai nói to. Đừng ai di mạnh. Đừng cho ông nghe thấy điều gì làm ông lo nghĩ, buồn phiền.
Ma-ri hứa.
Bởi lấy nê lời thầy thuốc, lũ con không lai vãng đến chỗ Thừa nằm. Cả ngày chúng nó diện ngất với phấn sáp để nhởn nhơ đi chơi. Tối đến, chúng nó dắt bạn về nhà, cười nói hát hỏng, đùa nghịch với nhau rầm rầm.
Thừa muốn cáu gắt, nhưng không biết cáu gắt với ai. Hắn muốn đóng cửa lại cho khỏi nhộn lỗ tai, nhưng hắn không ngồi dậy được. Hắn đành thở dài, rên rỉ một mình, rồi đập cánh tay xuống giường.
Ma-ri cứ đến tối là không ở nhà. Hắn nói là đi lễ bái, kêu cầu cho Thừa chóng khỏi. Nhưng Thừa biết là Ma-ri chỉ cốt gặp mấy anh cung văn.
Thừa không chịu được hiu quạnh, hiu quạnh người, hiu quạnh tình. Hắn phải tự nghĩ cách làm cho hắn đỡ hiu quạnh. Hắn muốn tìm một người máu mủ ruột thịt để ở luôn bên cạnh hắn, người ấy sẽ săn sóc hắn, giúp hắn rót chén nước, lau cái mặt. Người ấy thỉnh thoảng nói chuyện cho hắn khuây. Vậy người ấy phải là người thuộc tính hắn, chịu được lúc hắn cáu bẳn. Người ấy phải nửa là họ hàng, nửa là đầy tớ, mới hầu được người ốm khó tính.
Thừa bảo Ma-ri viết giấy về quê, gọi ông chú họ hai Điều ra.
Hai Điều đến nhà Thừa, lão tụt guốc dưới chân thang, rồi rón rén lên gác.
Lão thấy Thừa nằm ngửa, hai mắt nhắm nghiền. Hắn lắng nghe hơi Thừa thở, thì biết là Thừa ngủ. Nghĩa là hãy còn sống. Và còn sống thì còn biết. Lão bèn tỏ ngay tình chú cháu cho Thừa cảm động. Lão bưng miệng hộc lên rất to:
– Ôi ông lớn ơi! Con không ngờ ông lớn bỏ con…
Bỗng Thừa giật nảy mình, choàng mắt dậy.
Hai Điều cố làm như mừng rỡ và cố làm như bẽn lẽn vì mình đã khóc lầm.
Cả Ma-ri và lũ con nghe tiếng hai Điều khóc thì chạy đến. Thấy lão già tẽn, lũ trẻ ôm bụng mà cười.
Hai Điều lấy vạt áo hỉ cái mũi không có nước, và chùi đôi mắt không đỏ, rồi nói:
– Con nghĩ khôn chẳng nghĩ, lại cứ nghĩ dại! Thôi, ông lớn càng thọ!
Hai Điều nắm lấy cổ tay Thừa, rồi cố mếu máo uồm uồm nói:
– Con đọc thư của bà lớn, mà cứ như nghe tiếng sét. Chỉ sợ ra không kịp!
Ma-ri nói:
– Quan đốc dặn là nên khẽ khàng, kẻo quan nhà nhức tai khó thở.
Lũ con trai con gái thấy không còn gì để cười nữa, rủ nhau đi.
Ma-ri giao công việc hàng ngày cho hai Điều, rồi cũng đi nốt.
Thấy được vắng vẻ, Thừa mới dám thổ lộ tâm tình:
– Ông ạ, tôi khổ lắm. Sống ở nhà mình với vợ con, mà tôi cứ thấy như sống ở nhà ai ấy. Đấy, thoáng nhìn ông rõ chưa?
Hai Điều muốn an ủi nên lắc đầu:
– Trình ông lớn, không phải thế. Có cái là người ta lúc ốm thì hay nghĩ tủi thân, chứ bà lớn với các cậu các cô thiệt tốt.
Thừa cười:
– Nếu thiệt tốt, thì tôi đã chả nhắn ông ra đây.
Hai Điều không dám làm cho Thừa tin lời nói của mình là đúng nữa, sợ mất chỗ kiếm ăn, mới im lặng.
Thừa hổn hển kể cho lão nghe việc hai chiếc tàu đắm. Hắn bảo:
– Tôi lo buồn, phiền não quá, cho nên tôi ốm. Tôi xem trong mình yếu lắm, không chắc sống được, ông ạ.
Hắn rơm rơm nước mắt. Hai Điều lắc đầu:
– Ông lớn đừng lo thế. Cổ nhân nói, nhất thanh nhì sắc, tiếng ông lớn còn tốt lắm. Không việc gì đâu.
Thừa cau mặt:
– Nhất thanh nhì sắc là nói cô đầu, chứ nói đâu người ốm!
Lão già cười lạt. Thừa nói:
– Tôi lo buồn, phiền não quá, nên phát ốm. Mà có ốm mới càng nhìn rõ vợ con mà lo buồn, phiền não thêm. Cho nên tôi chỉ muốn có người thân thích ở bên cạnh, để thỉnh thoảng được nói câu chuyện cho vợi khổ. Vậy tôi giao hẹn với ông là tôi hỏi gì thì ông nói, ông đừng làm tôi bực mình mà ốm thêm.
Hai Điều gật gật:
– Dạ.
Thừa bảo hai Điều kê cái chõng ở cạnh giường ngủ của hắn, để luôn luôn hắn được nhìn thấy người cho vui mắt.
Hắn hỏi chuyện quê nhà. Hắn hỏi thăm những bạn cùng lứa tuổi với hắn bây giờ đói no, thiếu đủ ra sao. Hắn hỏi thăm cảnh nơi chôn nhau cắt rốn có những gì đổi khác.
Hai Điều trả lời từng câu. Thừa nói:
– Con người ta, đến lúc có tuổi, đến lúc ốm đau, mới khao khát cảnh cũ người xưa đầy thâm tình. Tôi chỉ ao ước được về thăm quê nhà một lần thì có nhắm mắt cũng hả.
Lão già đáp:
– Vâng, ông lớn nói thiệt đúng. Nhiều lúc con ở nhà quê, con nhớ ông lớn bà lớn, với các cô, các cậu cứ cồn cào cả ruột. Chỉ muốn ra chơi thăm ngay thôi.
Thấy câu nịnh hót không thật thà, Thừa nhịn bực. Hắn nằm quay mặt vào:
– Thôi, tôi mệt. Ông cho tôi yên nhé.
* * *
Bệnh của Thừa mỗi ngày một tăng.
Ma-ri lo ngại, muốn thay thầy thuốc.
Hắn mời ông thầy thuốc tên là Cắm Sềnh mới ở Quảng Đông sang, dù bệnh nặng đến đâu, ông chỉ cho uống ba thang là khỏi liền.
Ông Cắm Sềnh vừa vào buồng bệnh nhân, thì quay ra ngay.
Ma-ri sợ hãi, cho là thầy chê. Hắn nói:
– Thưa cụ, cụ đã quá bộ đến đây, thế nào cũng xin cụ xem cho ông cháu. Hay là cụ thấy thế nào, cũng xin cụ bảo thật cho một tiếng, để chúng tôi khỏi ân hận.
Ông thầy nghiêm trang đáp:
– Tôi nhìn quan bệnh nhân, thì biết rằng chỉ một hai thang là chuyển thôi. Nhưng tôi nhất định không chữa chung với đốc tờ. Nếu bà theo thuốc tây thì đừng dùng thuốc bắc, nếu bà mời tôi đến, thì đừng bày ở trước mắt tôi những chai lọ kia nữa.
Ông trỏ tay lên mặt bàn cạnh giường Thừa nằm.
Hai Điều vội vàng dọn dẹp hết thuốc tây đi. Ma-ri dịu dàng, nói:
– Nếu chúng tôi tin thuốc tây, thì chúng tôi đã chẳng mời cụ.
– Ừ, thế thì được.
Ông thầy trở lại.
Ông xem mạch rất lâu, rồi nói:
– Nguyên bệnh không nặng. Nhưng chỉ vì thuốc tây mà hóa ra nặng. Trước hết, tôi phải cho uống tẩy hết thuốc tây đã, thì thuốc của tôi mới có công hiệu.
Ông đứng dậy, bảo Ma-ri cho người đi theo ông để lấy thuốc về.
Ông Cắm Sềnh vừa ra khỏi nhà, Thừa liền bảo đầy tớ lại bày các thứ chai lọ lên mặt bàn. Hắn không muốn làm mất lòng bác sĩ Pi-ca. Hắn phải giấu người thầy thuốc lâu năm của gia đình việc dùng thuốc bắc.
Thừa uống một thang, hai thang, không thấy bệnh chuyển. Hắn uống thêm thang nữa. Rồi lại mời ông Cắm Sềnh đến xem mạch, ông thầy nói:
– Ba thang vừa rồi là để tẩy. Từ hôm nay, ông mới uống thuốc bệnh.
Thừa uống đến thang thứ hai thì thấy quả trong người có khác. Hắn lâm râm đau bụng cả ngày, và đi ngoài đến bốn lượt.
Thấy sắc mặt Thừa nhợt nhạt, hai Điều đến hỏi thầy lang.
– Phải rồi. Vì thuốc công hiệu. Đi ngoài tức là tiêu độc.
Nhưng Thừa không chịu nổi lối tiêu độc ấy đến ba hôm liền. Hắn bỏ thuốc thầy Cắm Sềnh và cho mời ông lang Thạch Từ, vẫn nổi tiếng xưa nay là hay, và chỉ chữa cho các quan.
Ông lang Việt Nam này không giản dị như ông thầy tây, thầy khách ở ngay trong thành phố Hà Nội. Phải đánh ô-tô về tận làng, ăn nói rất lễ phép để mời ông, ông mới bằng lòng đi. Khi ông yên trí bệnh nhân là nhà giàu thật, và cam đoan thết đãi ông như ý ông muốn, bấy giờ ông mới đội khăn mặc áo.
Ngồi xe ô-tô, ông chê đệm bẩn, máy cũ, tài-xế lái vụng.