Bỗng một chiếc xe nhà giương mui ở phía xa chạy tới. Xe sơn màu đồi mồi như xe của cô Bé Tý. Xe chạy đến trước nhà hắn, thì đỗ lại. Thừa thấy Ma-ri xuống đất. Và một người nữa cũng xuống đất. Người này đội khăn, mặc pa-đờ-xuy, và có râu, tay xách cái đàn nguyệt. Thừa biết ngay là Ma-ri ở điện nhà cô Bé Tý về. Hắn được cô Bé Tý tiễn bằng xe của cô. Nhưng hắn lại ngồi đôi với anh cung văn!
Anh cung văn dặn với Ma-ri:
– Tối mai nhé.
Ma-ri đáp:
– Để còn xem thằng lẹm về chưa đã. Nó còn ở Hải Dương, thì em mới đến được. Nếu không, tha lỗi cho em nhé!
Thừa lại hiểu thêm về Ma-ri. Hắn là quỷ đực thì Ma-ri vẫn là quỷ cái. Và lũ con là quỷ con. Cung văn đàn ngọt hát hay, không trách nó quyến rũ được bao nhiêu người mê nó. Thật là dột từ nóc dột xuống. Đến cả thằng Mão cũng nảy nòi đi ăn cắp lấy tiền nuôi gái. Đến cả Xuy-dan cũng làm đĩ giang hồ! Mắt Thừa rưng rưng. Hắn nhịn khóc.
Hắn tự an ủi bằng ý nghĩ đỡ đòn. Ba đứa con gái của hắn, sao chỉ có hai thằng con trai? Thế thì đứa nào không giống cha mẹ. Hắn sực nghĩ ra. Con Ma-gơ-rít uống thuốc đọa thai, đương bị ốm rê ốm rệt. Nhân tình nó không đến.
* * *
Thừa trằn trọc nằm trên giường. Bụng hắn nôn nao. Cổ ứ lên như buồn ộc. Rồi rạo rực quá, hắn ghé đầu ra ngoài thành giường. Một chất lỏng ộc ra khỏi miệng hắn, làm đỏ loang cả nền gạch men trắng. Hắn đã hộc ra máu tươi.
Ma-ri sợ hết hồn, gọi thất thanh lũ con. Cả bốn đứa vào buồng, nhìn Thừa nằm ngửa, thở hổn hển, miệng đỏ ngòm, nhưng da xám ngắt như người chết.
Ma-ri bảo hai con trai đi mời ngay bác sĩ Pi-ca đến cấp cứu.
Nhưng thằng Pôn nhìn thằng Giăng. Thằng Giăng nhìn thằng Pôn. Để chờ nhau vâng trước. Rồi hai thằng con trai nhìn hai đứa con gái.
Thấy lũ con trù trừ, Ma-ri giục chúng nó. Bấy giờ chúng nó mới lên tiếng. Đứa nào cũng kêu nhức đầu, sợ đêm sương. Đứa nọ đùn đứa kia.
– Tết nhất, lại đêm khuya, chẳng biết bác sĩ còn thức không?
Rút cuộc, Ma-ri phải đi vậy.
Pi-ca đến, gõ ngực, nhìn lưỡi, xem mạch, xét nhiệt độ, rồi tiêm cho Thừa một ống dầu long não và một ống thuốc an thần:
– Bà đừng lo. Đúng là ông đã uống rượu say, rồi đi đêm, nên bị cảm. Người khác như vậy thì không sao đâu. Nhưng vì ông đã làm việc nhiều, thân thể và tinh thần suy nhược, nên không chống lại được với tiết trời, với sương gió. Sáng mai, tôi sẽ khám kỹ hơn, và cho thuốc.
Bác sĩ dặn:
– Cần im lặng cho ông nghỉ ngơi. Không ai được vào đây, trừ bà. Nhưng bà cũng không nên nói to, đi mạnh.
Lũ con hớn hở, đứa nào về buồng nấy. Ra đến cửa, chúng nó cười rúc rích và nói ồn ào.
Thấy Thừa nằm im, Pi-ca xếp dọn đồ đạc vào va-ly, rồi bảo Ma-ri:
– Thổ ra huyết rất hại người, ông cần nghỉ lâu. Tôi muốn khuyên bà, một là hãy tạm đóng cửa sở tàu ở Hải Dương lại, hai là, nếu có thể, thì bà xuống đấy, điều khiển thay ông.
Ma-ri đáp:
– Để mai, nhà tôi tỉnh, tôi sẽ bàn.
Pi-ca xua tay:
– Nên để ông tĩnh tâm. Tự bà quyết định thôi.
– Hơi khó. Vì hãng tàu là của nhà tôi. Tôi chỉ chung một phần nhỏ. Hay tôi bàn với thằng Pôn và thằng Giăng. Bởi vì chúng nó đã lớn, có trí khôn rồi. Vả chúng nó làm việc mại bản. Mỗi chiếc tàu là của một đứa sau này.
– Tùy bà. Nhưng theo tôi, thì bà không nên bàn với hai con bà. Họ là thanh niên, đương ham chơi. Chính họ phàn nàn nhiều lần với tôi là không muốn làm việc này, vừa nhọc mệt, vừa bó buộc, mất cả tuổi thanh niên. Chắc chắn họ sẽ tán thành đóng của sở, để được tự do vui chơi cho sung sướng.
Ma-ri thở dài. Pi-ca hỏi:
– Mồng mấy đầu năm, tàu chạy mở hàng?
– Mồng bốn.
– Còn cả ngày mồng hai và mồng ba. Nếu bà có đi Hải Dương và ở đây, xin bà cứ yên trí, tin ở sự tận tâm về nghề nghiệp của tôi, và ở tình thân mật của tôi đối với gia đình nhà ta.
– Cám ơn bác sĩ.
Pi-ca đứng dậy:
– À, nhân tiện, cô Ma-gơ-rít thế nào?
– Cám ơn bác sĩ. Cháu đã khá.
– Mai tôi đến thăm ông, sẽ thăm cả cô một thể. Các cô nhà này nên dùng thuốc hạn chế sinh đẻ. Có thuốc này thì không sợ có mang. Nó không nguy hiểm như thuốc đọa thai, bà ạ. Tôi đương chế thứ thuốc ấy để giúp các cô con gái chưa muốn lấy chồng. Ngặt vì không có ai để thí nghiệm thuốc xem công hiệu đến đâu. Nếu bà cho phép, tôi nhờ ba cô nhà ta.
Ma-ri đáp cho nhã nhặn:
– Vâng. Xin để tôi hỏi các cháu xem chúng nó có vui lòng làm vật thí nghiệm hay không.
Pi-ca nhún vai:
– Nếu bà hỏi các cô, thì các cô sẽ mừng rỡ mà ký cả hai tay. Xin nói trước rằng, nếu thuốc tôi chưa công hiệu, lỡ cô nào có thai, tôi sẽ chữa đền!
Ma-ri yên lặng.
* * *
Nằm liệt mươi hôm, Thừa mới dậy được. Hắn đứng trước gương để soi. Hắn giật nảy mình. Hắn trông hắn mà tưởng là ai: mắt trũng, xương má dồ, và tóc trên đầu bạc gần một nửa. Vì nhìn còn yếu, hắn trông nước da, thấy vàng như nghệ. Vì óc còn lao đao, hắn tưởng cái gì xung quanh cũng như quay. Hắn vội vàng vịn tường, về giường nằm.
Ma-ri đã xuống Hải Dương làm việc thay hắn. Ý kiến ấy là ý kiến của hắn. Lúc nghe Pi-ca khuyên Ma-ri xuống Hải Dương, hắn muốn tán thành ngay. Nhưng vì quá mệt, nên phải im.
Sáng hôm sau, không đợi Ma-ri kịp có thì giờ bàn bạc việc làm ăn với hai con trai, Thừa đã vẫy Ma-ri đến gần.
Hắn không nói thật vì sao hắn muốn tránh Hải Dương để ở một mình tại Hà Nội. Hắn bảo:
– Từ nay, hai chiếc tàu, tôi giao hẳn cho hai đứa. Chúng nó phải liệu mà làm việc. Nhưng vì chúng nó ít tuổi, đương độ mê chơi, thì bà phải xuống Hải Dương mà kèm chúng nó. Bà đứng chủ thay tôi. Tôi có khỏi và khỏe, cũng không xuống Hải Dương nữa đâu. Đừng cho chúng nó biết cái ý ông đốc tờ là tạm đóng cửa sở. Chúng nó nghe thấy, thì như giặc được nối giáo đấy.
Hai thằng con trai được mẹ cho biết quyết định của bố, thì mừng rơn.
Thằng Pôn bảo thằng Giăng:
– Ở với bà via thì tha hồ làm tướng. Hôm nào thấy mệt, thấy chán, thì khai nhức đầu, ông nghỉ ở nhà.
Thằng Giăng gật đầu:
– Hôm nào mày nghỉ, mày bảo tao. Tao cũng nghỉ. Hai tàu mà nghỉ cả thì bà cụ sướng mê. Bà cụ cũng ham chơi bỏ mẹ bà cụ đi ấy mà!
Con Rô-da-lin ghen với hai anh:
– Chúng tao không ở đây với ông cụ đâu. Chúng tao cũng đòi cho kỳ được xuống với bà cụ. Ở với ông cụ mất cả tự do, lại phải coi người ốm, phiền bỏ mẹ! Không có ông bô nhà nào hủ lậu, gàn dở, vô nhân đạo như ông bô nhà này! Chán mớ đời!
Thằng Pôn đáp:
– Chúng ông mới có cớ theo bà via, chứ chúng mày cũng đòi thì thá gì mà đi? Mày hãy hỏi ướm nó, xem nó có giữ dịt mày ở đây hay nó cho mày ở xa nào?
– Tao là vợ nó đâu mà nó có quyền giữ! Mấy lị nhớ tao thì xuống với tao. Bà cụ có cấm đâu?
Con Ma-gơ-rít rít lên:
– Thôi, chúng mày câm họng đi, đừng làm ông sốt ruột! Không biết ông ốm lúc này là ông thiệt à?
Con Ca-mê-li-a chì bỉu:
– Sướng lắm thì khổ nhiều. Tại ai? Còn kêu! Con bà cô!
Con Ma-gơ-rít tức:
– Cha tiền nhân con ranh! Ăn nói như bà cụ. Mày hãy liệu cái thần xác mày rồi mới nói được ông.
* * *
Thừa được ở một mình với con Ma-gơ-rít còn yếu. Hắn được tự do cho lương tâm cắn rứt, nên hắn vợi được đau khổ.
Hắn cầm bút viết thư cho Xuy-dan:
Thúy Lan em.
Anh vừa khóc vừa viết bức thư này cho em.
Anh biết rằng từ tối hôm mồng một tết đến hôm nay, nước mắt em đã chảy nhiều là ngần nào rồi.
Câu chuyện xảy ra cho anh hôm ấy như thế này. Anh đến nhà ông tham Giảng. Ngờ đâu anh bắt gặp con hoạn thư nhà anh nó định rình để bắt chúng ta.
Con hoạn thư nhà anh, em cũng biết đấy. Nó thật là thâm trầm, tai quái. Không rõ nó được ai mách về anh với em, mà nó âm mưu làm nhục em.
Nó bắt anh phải về ngay Hà Nội tối hôm ấy.
Từ hôm ấy đến nay, anh ốm. Anh hộc ra đến một bát máu. Hiện nay anh mới nhóc nhách ngồi dậy được, thì anh phải viết thư ngay cho em, để em liệu.
Thúy Lan em! Thôi thì cũng là cái duyên số anh em ta nó ngắn ngủi có đến đấy.
Hiện nay anh còn yếu quá. Nhưng dù anh có khỏe, thì con hoạn thư cũng cấm anh lai vãng đến Hải Dương với em. Nó làm thay anh công việc ở sở. Song, anh cũng định rằng không bao giờ anh xuống Hải Dương làm việc nữa.
Hải Dương còn gì vui thú, nếu anh không được lui tới thăm Băng Tuyết và thăm em!
Còn về em, anh định như thế này.
Thế nào con hoạn thư cũng rình trả thù em. Chi bằng tránh voi chẳng xấu mặt nào, em cũng đừng ở Hải Dương nữa.
Em nên về với cậu mợ em để học nghề buôn bán. Nếu không muốn ở với cậu mợ, thì em cũng cứ lên Hà Nội. Anh sẽ kiếm cho việc dạy trẻ như bây giờ. Rồi em làm lại cuộc đời.
Em không nên tự hủy hoại sức khỏe và danh dự. Em phải nghĩ đến Băng Tuyết, đừng để nó lạc vào vết của em đã đi. Em không tự hủy hoại sức khỏe và danh dự, tức là em để lại cho con được hưởng sức khỏe và danh dự của em.
Còn như khi chúng ta sống xa nhau, có ai hỏi đến anh, tức là bố con Băng Tuyết đâu, thì em cứ nói là nó mồ côi bố. Anh không oán là em rủa cho anh chết đâu. Viết đến mấy chữ này, anh đau lòng lắm. Anh muốn cùng em khóc nhiều nhiều.
Anh run tay, không thể viết dài hơn nữa. Chắc em hiểu lòng anh và tha thứ tội lỗi cho anh, là một thằng khốn nạn nhất đời.
Cuối cùng, anh cung kính cầu bà thân sinh em phù hộ cho đời em đừng giống đời của bà.
Anh mong em có tương lai tốt đẹp, và Băng Tuyết ngày sau nên người, để mẹ con gây lẫn hạnh phúc cho nhau.
Vĩnh biệt em và con bằng nước mắt và những cái hôn nóng hổi.
Trần Đức Thừa
Tái bút: Nếu em về Hà Nội thì em nhắn một người họ của anh là bà Ĩnh con, nhà ở phố Gia Ngư, số… cho anh biết tin.
Nhưng em đừng nhờ bà ấy kiếm hộ việc làm, và đừng hỏi bà về quá khứ của anh. Bà ấy không biết gì đâu. Nếu bà ấy kể về đời anh, em cũng đừng tin là đúng.
* * *