§16. Giá bà cụ còn sống
Con Ma-gơ-rít có mang. Nó nhờ bác sĩ Pi-ca phá thai cho nó. Vì vậy, Pi-ca phải xin ý kiến Ma-ri.
Thấy đứa con gái nữa lại đổ đốn. Ma-ri buồn lắm. Hắn muốn mắng nó, nhưng há miệng mắc quai. Hắn sợ con bé cãi lại hắn như một lần trước hắn khuyên nó phải giữ giá con gái. Nó bĩu môi, nguýt một cái thật dài:
– Ma-măng hãy dạy lấy ma-măng ấy.
Nó làm Ma-ri ngượng và phải tịt.
Nhưng không nói không được. Chúng nó bây giờ đã hư mà còn dại nữa. Ma-ri cho rằng ngày bằng tuổi chúng nó, mình khôn ngoan hơn chúng nó nhiều. Biết là để con trai đụng vào thì có thể chửa được, sinh ra rắc rối, nên hắn không mê chuyên một thằng nào. Hắn biết rằng hắn có thể làm khối đứa mê, bỏ đứa nọ thì liền có đứa kia thèm muốn ngay. Nhưng hắn đã không cho đứa nào ngủ với hắn quá ba lần. Với cách thay đổi người luôn luôn như vậy, hắn tin rằng không thể có mang. Và đúng là hồi chưa lấy chồng hắn không bao giờ bị tiếng là chửa hoang. Như vậy, vừa thú là được biết nhiều mùi, vừa hãnh diện với người không biết là treo cao giá ngọc. Nhưng không lẽ hắn đem kinh nghiệm quý báu này ra dạy con. Có một vài lần hắn muốn truyền cho chúng nó cái bí quyết ấy, nhưng lại không dám nói là kinh nghiệm bản thân. Hắn chỉ bảo là hắn biết có người như thế. Thì con Rô-da-lin không những không nhận là bài học hay, còn mạt sát người đàn bà là bạc tình:
– Thế thì gả con khốn nạn ấy cho thằng sở khanh, ma-măng ạ.
Ma-ri sợ việc phá thai lắm. Hắn cho là thất đức. Đến các cha cố còn chịu thà mang tiếng là phá giới chứ các người là bậc tu nhân tích đức, có bao giờ chịu khuyên nhân tình phá thai để mang tội ác là giết con đâu? Mẹ con Rô-da-lin là con ai? Con Rô-da-lin là con ai? Sao con bé không biết noi gương tốt của ông cha nó?
Ma-ri định tỉ tê hỏi con Ma-gơ-rít xem nó có mang với đứa nào. Nếu là con nhà tử tế, thì hắn khuyên con bé lấy quách thằng ấy cho xong. Hắn sẽ gọi thằng ấy đến, giảng giải cho nó, bắt nó cưới ngay lập tức. Như vậy, nhà thi lễ giữ được vuông tròn tiếng tăm. Gia đình này ít ra cũng là ông bà hàn.
Ông lại vừa được thưởng Nam long bội tinh, tiệc khao sang trọng vang lừng khắp nơi, ai cũng phải phục. Thế mà bây giờ hở cái tiếng này lọt ra ngoài, thì nhật trình lại đăng như chuyện con Rô-da-lin ngày nọ cho mà xem.
Vậy Ma-ri định trước hết là phải giấu không cho Thừa biết. Vì Thừa ở Hải Dương, bận việc tàu bè, rất ít về Hà Nội. Vả nếu Thừa có thấy con bé nằm một chỗ, thì nói dối là nó ốm, chắc Thừa sẽ không ngờ.
Nhưng tra con Ma-gơ-rít, Ma-ri nghĩ rằng phải khéo léo hơn hỏi con Rô-da-lin. Vì con em kín đáo, lại dễ tủi thân, chứ không phổi bò như con chị.
Tối hôm ấy, Ma-ri nằm với con Ma-gơ-rít. Hắn nói chuyện mưa nắng chán chê, rồi mới vào đề:
– Ma-măng mới gặp ông đốc tờ. Ông ấy nói rằng con vừa đến xin thuốc ông ấy. Con xin thuốc gì thế?
Trái với sự ức đoán của Ma-ri, con Ma-gơ-rít vui vẻ, trả lời rất tự nhiên:
– Con nhờ ông ấy phá thai cho con.
Ma-ri cau mặt:
– Sao lại phá?
Ma-gơ-rít tặc lưỡi, nói vẻ chế nhạo:
– Ma-măng lẩn thẩn quá, có mang nhưng không muốn đẻ thì phá chứ gì mà sao lại!
– Đừng, con ạ. Thất đức!
Con bé bĩu môi, nhại:
– Thất đức! Thế không có chồng, lại để đẻ à?
– Con có mang với đứa nào thì lấy nó vậy?
– Con chưa muốn lấy chồng. Con còn trẻ, con chưa chán đời. Bao giờ chán đời mới lấy chồng.
Ma-ri thở dài:
– Thế con có mang với đứa nào?
– Với thằng Long.
– Thằng Long bạn anh Pôn ấy à?
– Chứ đứa nào?
– Con có yêu nó không?
– Không, sao lại có mang với nó. Ma-măng hỏi lẩm cẩm quá nhỉ.
– Thế yêu nó thì lấy nó cho xong, con ạ.
Ma-gơ-rít bĩu môi:
– Đời nào con chịu lấy nó. Sao nó không là ông huyện, ông tham, ông đốc? Ma-măng không biết chúng con vào hội với nhau, thề với nhau là phi cao đẳng bất thành phu phụ à?
– Con không lấy nó, thì bị mang tiếng là chửa hoang.
Ma-gơ-rít đập tay xuống giường:
– Ma-măng vẫn lẩm cẩm quá! Cho ra thai thì việc gì mà mang tiếng chửa hoang?
Nó thêm:
– Thôi, việc riêng của con, ma-măng đừng can thiệp.
– Nhưng ngộ pa-pa biết thì sao?
Nó sẵng:
– Biết thì làm quái gì! Bố mẹ lại có quyền xâm phạm vào đời tư con cái à?
– Nhưng, Ma-gơ-rít ạ…
Nó không nghe, vùng vằng đứng dậy:
– Ma-măng già, chúng con trẻ, câu chuyện không hợp nhau nữa. Nói thêm, đến cãi nhau thôi!
Nó ra cửa, đóng mạnh cánh đánh sầm.
* * *
Quả nhiên Thừa không xâm phạm vào đời tư của con Ma-gơ-rít. Hắn cho là sở dĩ con Rô-da-lin, con Ma-gơ-rít và biết đâu, có lẽ cả con Ca-mê-li-a rồi, chúng nó như vậy là trả nợ đậy cho cha mẹ và cho các anh chúng nó thôi.
Còn việc con Ma-gơ-rít định phá thai, thì hắn cho tùy nó. Chính hắn cũng nghiêng về ý kiến phá thai. Phá thai cho gọn.
Hắn đã giục Xuy-dan phá thai khi hắn được Xuy-dan báo là có mang. Nhưng Xuy-dan không nghe. Hắn cũng chiều ý.
Xuy-dan đẻ con gái.
Con bé trông thật kháu khỉnh.
Lọt lòng, nó đã nặng được ba cân.
Nó giống bố đôi mắt, giống mẹ cái mũi và cái miệng.
Nó hiền như cục đất. Cả ngày không nghe thấy tiếng khóc. Hễ nó ọ ẹ, là y như đến giờ nó ăn, mà mẹ chậm pha sữa.
Thừa khai sinh cho nó. Tên bố là Trần Đức Thừa. Tên mẹ là Nguyễn Thị Thúy Lan. Thừa đặt tên con bé là Trần Băng Tuyết. Ý Thừa muốn con Băng Tuyết sau này không giống các chị nó. Vì các chị nó chưa chắc đã phải dòng họ Trần.
Lắm lúc Thừa nghĩ, dễ thường Thừa mới thật có hai đứa mà hắn biết đích xác là con hắn. Thằng Mão là một. Con Băng Tuyết là hai. Còn những đứa hắn gieo rắc với người khác đẻ vung vãi trong đời hắn, ngay cả những đứa mà Ma-ri đẻ ra, vẫn gọi hắn là pa-pa, thì chưa chắc.
Xuy-dan được Thừa đứng tên cha, khai sinh cho con Băng Tuyết, thì cảm động đến ứa nước mắt:
– Như vậy, con bé khỏi chịu tiếng nhục nhã suốt đời là đứa con hoang như em. Nó sẽ sung sướng, không bị đời hắt hủi, ruồng bỏ, chà đạp. Nó không coi đời là kẻ thù.
Con Băng Tuyết hay ăn chóng lớn. Hơn ba tháng, nó đã biết lẫy. Nhìn ai, nó cũng toét miệng ra cười.
Hàng xóm thấy nó, ai cũng muốn bế, và hôn hít. Họ nói:
– Có cháu được vui nhà vui cửa, bà chủ hai chả phải thui thủi một mình như trước nữa.
Người ta gọi Xuy-dan là bà chủ hai từ lâu. Bởi vì họ biết Thừa là ông chủ hãng tàu thủy. Họ cũng biết là ông chủ lấy cô giáo Thúy Lan, nhưng giấu bà cả. Họ không biết quá khứ cô giáo, không biết quá khứ ông chủ, chỉ thấy hai người thương yêu nhau. Cô giáo tận tâm với học trò, tử tế với hàng xóm. Nhưng không rõ cô giáo có điều gì trong bụng, thỉnh thoảng thốt ra những câu bực tức, oán thán ai.
Người ta bảo nhau:
– Nghề con gái vẫn thế. Được chồng chiều thì hay làm nũng.
Đến tháng chạp, một hôm Xuy-dan bảo Thừa:
– Anh cho em bế con về thăm cậu mợ em để cậu mợ mừng.
Thừa chiều ý:
– Em ở luôn đến tết à?
– Không. Em về ăn tết với anh. Sở dĩ em muốn thăm cậu mợ, là vì đời em chỉ còn hai người ấy là máu mủ. Bên nội, cố nhiên là em không biết có những ai. Ba em không còn sống nữa, cho nên em không còn ai để hỏi cho biết họ hàng. Em chỉ biết bên ngoại, và họ mẹ chỉ còn có cậu mợ. Cậu cũng như mẹ. Bây giờ em ở với anh, tuy không có cưới xin, khai giá thú, nhưng đối xử với nhau thật ra tình nghĩa vợ chồng. Bây giờ chúng ta lại có con Băng Tuyết, được khai sinh một cách hẳn hoi, thì tình nghĩa lại càng thêm khăng khít, chứ không như trước, còn có thể ngờ là hờ hững, không chắc chắn. Vậy hạnh phúc của đời em, em phải cho cậu mợ biết để mừng cho em.
Thừa gật đầu:
– Em nghĩ thế là đúng, vậy em cứ về. Em nói với cậu mợ là anh bận, nhưng thế nào cũng có dịp anh về chào cậu mợ để họ hàng biết nhau, đi lại với nhau cho sầm uất.
Xuy-dan sung sướng, âu yếm nhìn Thừa:
– Em với con đi vắng, anh có nhớ không?
Thừa bế con Băng Tuyết, rồi vuốt mái tóc Xuy-dan, không nói. Xuy-dan đăm đăm nhìn Thừa:
– Em cũng nhớ anh. Nhưng chúng ta còn ăn ở với nhau về lâu về dài.
– Em về với anh trước tết nhé.
– Vâng. Năm ngoái chưa có con, em chưa thấy nhà này là gia đình. Nhưng năm nay em có con, thì em được có chồng, cho nên tự nhiên em thấy là em có gia đình, và gia đình sum họp trong nhà này. Vậy thế nào em chả ăn tết ở gia đình, với chồng, với con?
Xuy-dan hồi hộp, lấy bàn tay chặn ngực:
– Nghĩ đến điều ấy, em sung sướng quá, anh ạ. Em nào có ngờ được như thế này. Ơn anh!
Xuy-dan bế con, ghì nó vào lòng, nhắm đôi mắt, rồi quờ tay để tìm mặt Thừa. Thừa ngả lại gần Xuy-dan, thoảng một tiếng gọi:
– Em!
* * *
Chiều mồng một tết, Thừa xuống Hải Dương. Hắn nói với Ma-ri là đi mừng tuổi các quan tỉnh.
Hắn có làm những việc ấy thật. Cho phải phép. Nhưng hắn cốt vui sống với Xuy-dan ngày mồng một đầu năm. Xuy-dan sẽ không tủi thân vì phải hiu quạnh, một mẹ, một con, một căn nhà, một ngọn đèn.
Xuy-dan trang hoàng nhà của thật ra cảnh tết. Trái hẳn với tết trước, không khác ngày dưng chút nào, lần này Thừa trông thấy ở hai cột, có dán hai tờ giấy hồng điều trơn, như đôi câu đối. Bàn có trải khăn hoa, trên bày chiếc lọ, cắm một cành đào đỏ rực. Không những tết ở cảnh, mà tết lại ở mùi nữa. Thoạt vào, Thừa đã ngửi ngay thấy mùi hương. Xuy-dan đã bày một bàn thờ, có hai cây nến gỗ nhỏ, có cái liễn sứ đổ đầy gạo, còn những chân hương màu đỏ, cắm xung quanh chiếc đũa tre, trên đặt vòng hương đương cháy dở. Khói hương vòng lên thẳng một vệt trắng, rồi mờ mờ tỏa ra mùi thiêng liêng.
Giữa nến và hương là hai chén nước, một đĩa trầu nhỏ, và một gói thuốc lá. Phía sau có hai cái khung ảnh nhỏ để đứng chênh chếch, trùm ra ngoài bằng hai miếng nhiễu màu hoa hiên.