Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Khi bên đông xướng đến tiếng tuyên sắc, thì thượng tá bước vào chiếu. Bên tây xướng xướng cho Thừa quỳ xuống, thì tri huyện tập sự ở dinh tổng đốc – anh chàng này trẻ lắm, vì mới đỗ năm ngoái – lon ton, để cả giày tây, bước vào chiếu, đúng trước hương án, chắp tay vái một cái, rồi mở hòm sắc, lấy tờ giấy vàng, đưa bằng hai tay cho thượng tá. Trong khi tên quan này mở rộng tờ sắc ra trước mặt, thì tri huyện để sẵn hộp bội tinh ra mé thành hương án, vái nhanh một cái, rồi lùi ra ngoài chiếu. Hắn nhìn mọi người, tủm tỉm cười.

Tiếng xướng Độc sắc. Thượng tá e hèm để lấy giọng, rồi vái một vái mới đọc lòng sắc. Lòng sắc một bên là chữ Hán, một bên là chữ Pháp. Vì y không biết chữ Hán, nên đọc chữ Pháp. Đọc xong, y lại vái, cuộn tờ sắc, bỏ vào hòm, rồi mở hộp bội tinh. Lúc này, Thừa hồi hộp nhất. Thượng tá gắn chiếc bội tinh vào ngực áo của Thừa có khâu sẵn hai cái khuyết nhỏ. Rồi hắn cúi xuống, giơ bàn tay ra ngoài áo thêu, chìa về phía Thừa. Thừa hiểu cái cử chỉ ấy. Hắn đương chắp hai tay trong áo thụng, cũng giơ bàn tay ra. Hai bàn tay nắm nhau và rung rung. Thừa vừa bắt tay, vừa cúi đầu rất cung kính.

Tràng pháo tay vỗ vang dậy. Tràng pháo thật cũng nổ vang dậy. Khói xanh bốc như mây, tỏa một hơi thơm, rắc những mảnh xác nhỏ lăn tăn như công-phét-ty. Theo tiếng xướng, Thừa lạy tạ hai lạy. Thế là lễ tất.

Thượng tá trở vào buồng, cởi mũ áo. Thừa cũng cởi áo thụng, và gài bội tinh vào ngực áo phẩm chẽn mà hắn mặc.

Khách khứa đến ngắm chiếc bội tinh, vỗ vai, khen ngợi và chia vui với Thừa. Họ tìm những lời đẹp đẽ nhất để vừa cười vừa nói. Nhưng Thừa vẫn chắp tay, vâng, dạ, rất lễ phép để nhận sự chúc tụng thân mật.

Từ đó, thỉnh thoảng pháo được đốt từng bánh dài. Trong các biệt thự, nổi lên tiếng trống, tiếng đàn, tiếng phách và tiếng hát véo von.

Đến mười một giờ, các quan, các người có giá trị ngang quan, các người được gọi bằng quan vào tiệc.

Thừa và Ma-ri không ăn với khách. Hai người chỉ mời, chỉ kiểm soát xem tiệc thiếu thứ gì, thì sai bảo lấy: ông bà hàn chờ đón cụ sứ, và khách tây đầm.

Hôm nay, khách tây đầm ăn tiệc với cụ sứ không phải quan tiến sĩ y khoa Pi-ca, không phải quan trạng sư Rô-măng, không phải quan cẩm mật thám Pha-lăng-xô, không phải quan chánh đoan Mác-tanh, v.v… Những quan này, kể cả thằng Tây lục lộ trẻ gọi Thừa là pa-pa, họ đều là bạn của Thừa, đã được Thừa mời rồi.

Nhưng cũng không phải quan phó sứ, quan mật thám, quan kho bạc, v.v… là những quan ở tỉnh Hải Dương, mà Thừa là thần dân. Những quan này cũng đã được Thừa mời rồi.

Khách tây đầm đến ngày hôm nay, dự tiệc mừng Thừa với công sứ Mát-xi-li, đều không phải là bạn của Thừa, không phải là các quan ở Hải Dương. Họ không biết Thừa là ai. Vì họ không quen Thừa. Họ đến dự tiệc, vì họ là bạn riêng của vợ chồng Mát-xi-li. Họ được đôi này mời. Vì Thừa đã xin với quan thầy cái vinh dự đặc biệt ấy.

Vậy cái biệt thự sang trọng nhất, hôm nay được tiếp tên quan chủ tỉnh Hải Dương và những bạn bè của nó mà nó viết thiếp mời, y như nó bỏ tiền của nó ra thết tiệc vậy.

Tất cả là ba mươi hai đứa, cả đực lẫn cái. Chúng nó bắt tay vợ chồng người chủ bữa tiệc, tức là người mời chúng nó. Thừa cũng đứng đón. Tên công sứ cũng giới thiệu Thừa với chúng bạn. Có đứa bắt tay Thừa, vỗ vai Thừa, và đập tay vào ngực Thừa để khen ngợi và chúc tụng.

Nhưng cũng có đứa được Thừa vái, chỉ gật đầu trả lời. Và có một vài đứa, không gật đầu.

Bữa tiệc này có thể nói là bữa tốn kém nhất từ trước đến giờ.

Trong buồng khách và trong buồng ăn, bày toàn hoa tươi mới đem ở Hà Nội về sáng hôm nay.

Mùi thuốc lá thượng hảo hạng tỏa ra thơm phức. Rượu khai vị cũng thượng hảo hạng rót la liệt ra từng cốc con.

Anh bồi đội khăn, mặc áo cộc trắng, dài gần lấp đũng quần, có cổ cồn là bóng, bưng từng khay bạc những rượu và thuốc lá, theo Thừa và Ma-ri đến tận mặt khách để mời.

Trước khi vào tiệc, khách được rửa tay bằng nước pha nước hoa.

Tiệc dùng toàn thìa đĩa bạc. Mỗi món ăn thay một lượt thìa đĩa mới.

Trong khi khách ăn, Thừa và Ma-ri đứng ở buồng cạnh, để thì thầm với bồi, nhắc họ những chỗ sai sót.

Tiệc xong, đến khiêu vũ.

Thừa xin phép tên công sứ cho ba đứa con gái hắn được nhảy hầu các quan.

Được quan thầy đồng ý, Thừa cho chúng nó đến.

Hôm nay, chúng nó mặc đẹp như tiên, đến nỗi các quan đực nhìn thấy phải bấm nhau.

Nhạc du dương nổi lên. Công sứ Hải Dương ôm con Rô-da-lin. Một tên nữa ôm con Ma-gơ-rít. Một tên khác nữa ôm con Ca-mê-li-a. Lũ tây đầm khác ôm nhau, lượn trong buồng. Ngoài sân, pháo nổ ran, khói xanh lọt qua cửa sổ, làm mờ cả không khí, hơi rượu, hơi thuốc lá hòa với hơi phấn, hơi nước hoa, hơi hôi nách, bây giờ trộn với hơi pháo, thành ra một mùi thơm không ra thơm, khẳn không ra khẳn. Thời Pháp thuộc, ta vẫn quen gọi mùi này là mùi tây đầm.

Khiêu vũ hơn một giờ đồng hồ, cả con Rô-da-lin, con Ma-gơ-rít lẫn con Ca-mê-li-a chẳng được nghỉ một lần nào. Công sứ Hải Dương cho vợ ôm thằng khác. Nó chỉ ôm ba đứa con gái của Thừa. Hết lượt này, nó lại ôm lượt khác. Thừa và Ma-ri thấy vậy, thì sung sướng vô ngần. Cả ba đứa con gái cũng rất hoan hỉ.

Thấy mọi người có vẻ mệt nhọc, Thừa xin phép mời các quan thưởng thức cái thú bản xứ.

Hắn bắt cô đầu vào hát. Mọi người cũng lắng nghe.

Nhưng độ mười phút, muốn chừng không chịu được giọng ề a kéo dài, ghê rợn như tiếng rú, tiếng khóc, nhất là tiếng trống chầu vang trong buồng làm chói tai, công sứ Hải Dương cho lệnh nghỉ. Nó làm ra vẻ rộng rãi, mở ví lấy tiền, thưởng cho cô đầu hai đồng, thưởng cho người kép hai đồng, và thưởng cho người cầm chầu hai đồng. Người bạn của Thừa, là ông hàn Dễ, có tiếng là chầu hay, nên được mời lên cầm chầu hầu các quan nghe, thấy cụ sứ thưởng tiền, thì lắc đầu, không cầm:

– No! No! Méc-xi![119] (*[119] Không! Không! Cảm ơn!.)

Tên thực dân không hiểu vì sao. Và Thừa cũng không làm thế nào mà giảng cho các quan hiểu được cái vai của hàn Dễ.

* * *

Trong thiếp mời các bạn đến dự tiệc khao, Thừa có ghi ở cuối bốn chữ: Xin miễn đồ mừng. Ý của hắn, là nhắc cho mọi người đừng quên việc mừng hắn. Về phía các bạn hắn, họ cũng cho bốn chữ ấy là lời dặn chiếu lệ, cho nên không ai đến người không.

Đồ mừng, phần lớn là câu đối đỏ, ba bốn người chung nhau thửa một đôi, mỗi người tốn độ trong ngoài một đồng bạc.

Nhưng tựu trung cũng có những đồ mừng quý giá như chiếc đĩa bạc, cái lọ bằng đồng hun, nhện đồng bạch, để cắm hoa, hoặc một bức thêu nền xa-tanh. Ấy là đồ mừng của những người bạn thân.

Thừa treo và bày những thức ấy khắp mấy gian nhà, để người không mừng gì phải nghĩ ngợi.

Trong các đồ mừng, câu đối bằng chữ nho, ít người hiểu, nên không ai bàn tán mấy, người ta chỉ thì thào với nhau nhất về bức thêu mà lạc khoản là Nguyễn Thúc Lăng.

Thừa có mời ông Lăng. Hắn yên trí lão giờ này chỉ đến người không. Ông được cái lãi ăn cỗ không mất tiền. Ông ở đến bao giờ cũng được, khứ hồi không tốn một xu nhỏ. Nhưng đến khi ông thầu khoán già đưa tặng bức thêu, thì cả Thừa lẫn Ma-ri đều ngạc nhiên. Cảm động làm sao!

Thừa bèn nhanh nhẩu treo ngay ở giữa nhà.

Bức này thêu con rồng. Rồng là vua. Cũng có ý là bội tinh Nam long. Thừa thích cái ý nghĩa sâu xa mà ông Lăng nghĩ ra để mừng hắn.

Nhưng Thừa chỉ thích bức thêu ấy đến hôm ông Hoài Tân Tử vừa đen vừa cao ngất nghểu đến mà thôi.

Ông nhà thơ đọc các câu đối, và ngắm đến bức thêu rồng.

Thấy tên người tặng là Nguyễn Thúc Lăng, ông nói đùa với Thừa:

– Thằng cha dễ thường dở chứng chết!

Nhưng bỗng ông nghiêm nét mặt, có vẻ suy nghĩ, ông hỏi Thừa:

– Hay là treo ngược?

Ma-ri bĩu môi:

– Xin lỗi nhé. Nếu treo thế kia thì ngược chữ à?

Ông Tình muôn thuở gật gật, hẳn ông biết là ông nói sai.

Ông mới bấm Thừa và Ma-ri vào buồng riêng, ông nói:

– Chúng mày nên cẩn thận các câu đối. Bọn nhà nho hay xỏ mát bằng chữ nghĩa lắm đấy. Ngày trước, lão Lại Văn Trung được Bắc đẩu bội tinh, có người mừng hai chữ Đại Lai.

Ma-ri hỏi:

– Nghĩa là gì?

– Theo nghĩa thì rất hay. Nhất là hai chữ này lại là chữ sẵn lấy trong sách. Chữ trong sách, mà nói đúng được việc của người mình, là tài. Lão Trung giàu, nay được gắn mề-đay sao đỏ, đều là những sự kiện lớn lao nó đến nhà. Đại là lớn, lai là lại.

Thừa gật gù:

– À, thế thì hay chữ thật.

Ông Hoài Tân Tử mỉm cười, xua tay:

– Nhưng hai chữ ấy tài hơn, vì nó chửi Lại Văn Trung cay độc.

Ma-ri hỏi:

– Sao lại là chửi?

– Bởi vì Đại lai là lớn lại, nói lái thì là lái lợn.

Cả Thừa lẫn Ma-ri đều tròn cả mắt lẫn miệng:

– À!

Thừa hỏi:

– Thế những câu đối mừng tao, mày có nghi câu nào xỏ tao không?

Ông nhà thơ lắc đầu:

– Tao bảo chúng mày cẩn thận thôi, vì tao không biết rõ. Nhưng tao biết đích xác là thằng thầu khoán già nó chửi mày, Thừa ạ.

– Nó chửi tao bằng con rồng?

– Phải, hẳn vợ chồng mày thấy nó chịu bỏ ra mười mấy đồng bạc mua bức thêu cũng phải ngạc nhiên như tao. Tao ngạc nhiên, thì tao nghĩ ngay rằng nó chịu tốn kém để làm gì. Tao sực trông thấy ngay.

Ma-ri nói:

– Rồng là vua. Thằng hàn được Nam long bội tinh là được đội ơn vua ban cho bội tinh con rồng. Nó chửi ở chỗ nào? Mày chỉ khéo tán!

Ông Tình muôn thuở:

– Phải rồi. Rồng. Chúng bay muốn sống thì cất ngay đi không! Phải rồi. Rồng. Nhưng mà lại là rồng lộn, khỉ ạ!

Ma-ri bẽn lẽn:

– Á à! Tiên nhân nó! Đểu thật!