Người Hoa thương giận về tiếng quay quắt, nên lắc đầu:
– Đã ganh nhau thì một còn một mất. Ông cậy ông là người An Nam thì tôi cậy tôi có tiền. Nếu cần, tôi phải đánh đắm tàu Bắc Kỳ của ông, cho nó mất trêu gan tàu của tôi đi!
Thừa vẫn kiên nhẫn:
– Còn vài hôm nữa thì đến ngày hội chính. Khách thập phương đến lễ đền mỗi ngày một nhiều. Nếu ông bằng lòng thì ta cùng lên giá hai hào như cũ. Chỉ thu vài ngày, cũng thừa cái thiệt hại trong từng ấy hôm.
Người Hoa thương cười:
– Thiệt hại, tôi không sợ. Tôi có thể chịu thiệt đến hôm nào tôi độc quyền chở khách. Tức là đến hôm ông không dám cho tàu Đại Pháp và Bắc Kỳ ra đương đầu với tàu của tôi. Tôi xin nói trước là nếu ông không chịu cho tôi độc quyền, thì thế nào tôi cũng đâm cho một chiếc của ông phải đắm. Chiếc còn lại sẽ mất khách.
Thừa bực mình:
– Ông cứ làm!
Hôm sau, bỗng cả hai chiếc tàu của Thừa từ Kiếp Bạc về Hải Dương vắng hẳn khách đi. Thừa tìm lý do, hắn hỏi hành khách, thì họ nói:
– Bến tàu của ông, người ta ỉa bẩn lắm, cho nên không ai dám đến.
Thừa xuống bến để xem xét. Quả nhiên như thế thật. Hắn biết là thủ đoạn của hãng Phúc Lai Thành, thuê tiền cho người làng làm việc này đây.
Thừa bảo mạch-nô dọn cho sạch. Nhưng hôm sau, bến lại bẩn bằng hai.
Thừa cáu quá. Hắn cho thằng Pôn và thằng Giăng ở lại rình.
Ngay từ tinh sương hôm sau, hai đứa đã phải ra bến. Đã có đến mười người ngồi như bụt mọc ở đấy rồi.
– Các ông ơi! Bến của nhà tôi, các ông đừng làm bẩn, để hành khách có chỗ sạch sẽ mà lên xuống tàu nhé.
Nhưng họ mần thinh.
Người nào xong việc thì đứng dậy. Người nào chưa xong cứ việc làm nốt, như không nghe thấy gì.
Cả hai thằng đều tức.
Bọn người này về, bọn người mới lại đến.
– Xin các ông đi chỗ khác. Đây là bến của nhà tôi. Nam quốc Nam nhân. Các ông đừng hại chúng tôi thế.
– Mặc kệ, tôi không biết. Đất làng tôi, tôi có quyền tự do.
Hai thằng cùng tức. Chúng nó không ngọt nữa. Thấy một người sắp làm việc vệ sinh trái vệ sinh, thằng Pôn hùng hổ:
– Ra chỗ khác!
Người ấy cãi:
– Không ai có phép cấm!
Người ấy cứ tụt quần và ngồi rất tự nhiên.
Nhịn không được, hai thằng phải dùng đến võ lực. Chúng nó xúm lại sừng sộ với một người, khiến người này phải chạy. Nhưng muốn khỏi thẹn với lương tâm là lấy không tiền của người mà chẳng được việc cho người, anh ta rúc vào bụi cây, phạch vội một bãi vào tàu lá chuối khô, rồi ném ra chỗ cấm địa.
Thằng Pôn và thằng Giăng không làm thế nào ngăn ngừa nổi. Khắp mặt bến, nhan nhản những bãi to, bãi nhỏ. Bãi của người lành dạ còn khá nhã nhặn, đến bãi của người độc dạ thì eo ơi, nó nhơ bẩn còn toe toét ra một khoảng đất rộng. Mùi thối xông lên. Hai chú mại bản phải luôn luôn nhổ toèn toẹt.
– Thế này thì còn ai dám bước chân vào đây nữa!
Thằng Pôn lo lắng nói thế. Thằng Giăng đáp:
– Được, ta bàn với pa-pa.
Thừa nghe hai con kể lại việc. Hắn cau mặt, nghĩ một lát, rồi gật đầu:
– Được, pa-pa trị nổi.
Hắn đi Kiếp Bạc, xuống bến, rồi vào làng. Hắn gọi một vài người đứng tuổi đến, rồi nói:
– Tôi là chủ tàu Đại Pháp và Bắc Kỳ. Ít lâu nay, tôi thấy người làng ta cứ ra bến của tôi để bậy. Hai con của tôi nói thế nào cũng không được. Thôi thì đất của làng, các ông cứ việc tự do, tôi chả dám cản. Tôi chỉ xin dọn thôi. Nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta là người cùng nước thì chúng ta nên thương nhau mà giúp nhau. Vậy tôi thuê các ông dọn cho tôi. Ai ỉa cứ việc ỉa, nhưng trước khi tàu đến và nhổ neo, tôi nhờ các ông giữ sạch cho hành khách của tôi đi. Người Nam giúp người Nam để cạnh tranh với người khách. Tôi có lợi, mà các ông cũng có lợi. Vậy ai bằng lòng giúp, tôi xin trả tiền ngay.
Vô số người đến nhận việc. Thừa lại nói:
– Nếu các ông giữ bến của tôi được sạch sẽ, thì tôi trả lương hẳn hoi.
Hắn thuê hẳn hai người làm việc dọn cứt.
Hôm sau, hai người này ra bến thật sớm. Họ không phải dọa dẫm, không phải đánh đập ai. Là người làng với nhau, thì họ bảo nhau dễ. Họ ngọt ngào, nhẹ nhàng với nhau thôi. Thế là chẳng một người nào nỡ vác đít ra đấy ỉa bậy, để người làng lại phải dọn.
Bến tàu của Thừa lại sạch sẽ như cũ.
Thấy cha lắm mưu trí, cả thằng Pôn lẫn thằng Giăng phục lăn.
Hãng Phúc Lai Thành thất bại lần nữa. Họ giở đến thói cạnh tranh thâm độc cuối cùng. Lúc gần tới Kiếp Bạc, đến chỗ luồng rộng, chiếc Bắc Kỳ len lên trước, thì lập tức chiếc tàu hiệu xoay ngang ra chắn. Sợ đụng vào thành tàu hiệu, Bắc Kỳ vội vàng hãm máy, và cũng xoay mũi cho trẹo sang bên phải. Bị rùng rình bất thình lình, hành khách nôn nao, chạy ồ cả ra mạn để xem. Chiếc tàu nghiêng lệch đi.
Thừa hét to:
– Mời hành khách bình tĩnh. Không có việc gì cả.
Nhưng người ba-toong tàu hiệu bỏ bánh lái, ra chỗ mạn, trỏ vào mặt người ba-toong Bắc Kỳ:
– Có thách ông đâm đắm không?
Người ba-toong Bắc Kỳ tức nôn ruột, cũng bỏ bánh lái, ra cãi nhau với đối phương.
Thành thử hai chiếc tàu vẫn chạy nhưng không ai bẻ lái. Cả hành khách của hai chiếc tàu đều níu người ba-toong của tàu mình lại để can:
– Thôi. Xin các ông. Thiệt của ông chủ các ông đã đành, nhưng thiệt mạng chúng tôi.
Người ba-toong Bắc Kỳ vào buồng lái. Anh ta nhằm thẳng vào thành tàu hiệu, rồi giật chuông, bảo tài xế mở hết tốc lực.
Thấy tình thế nguy ngập, người ba-toong tàu hiệu vội vàng giữ tay lái, vặn cho tàu mình né đi.
Hai người đỏ mặt tía tai, vẫn trỏ vào nhau để chửi nhau.
Thằng Giăng cầm chiếc gậy sắt, đứng ở mũi tàu, giơ lên, dọa mại bản tàu hiệu:
– Tiên sư mày, ông mà không nghĩ đến tính mạng đồng bào ông, thì thử xem, cái nào đắm trước!
Hành khách qua cơn hú vía, từ hôm sau, họ bảo nhau không đi tàu thủy nữa.
Bốn chiếc tàu lềnh bềnh đi về, mỗi chiếc lơ thơ độ ba chục người.
Thừa bị cạnh tranh, đau như hoạn.
Đền Kiếp Bạc giã hội. Ngày hai mươi mốt âm lịch, qua trận mưa gọi là mưa rửa cửa đền, Thừa cũng cho rửa lại tàu rồi tính sổ.
Hắn thở dài.
Lãi hội đền năm trước chưa bù được cái lỗ hội đền năm nay! Hắn bảo thằng Pôn và thằng Giăng:
– Đấy, chúng mày xem, kiếm nổi được đồng tiền của thiên hạ, đã chật vật chưa!
Nhưng thằng Pôn và thằng Giăng không cần thấy lỗ lãi.
Chúng nó chỉ thấy là trong hai mươi ngày ròng, chúng nó đã làm việc gấp đôi, thì chúng nó phải đòi lương gấp đôi. Chúng nó đòi lương cho chúng nó, chúng nó lại đòi lương cho cả nhân viên làm ở hai tàu.
Lần này, Thừa không ngọt ngào với chúng nó nữa:
– Chúng mày định dùng số đông để bắt ép tao nhượng bộ phỏng?
Thằng Pôn vênh cái mặt bướng bỉnh để cãi:
– Không phải là cái chuyện bắt ép. Chỉ là công bằng mà thôi. Xin pa-pa xét cho rằng tuổi chúng con là tuổi vui vẻ, trẻ trung, chúng con đã phải nghe lời pa-pa, buộc mình vào công việc từng ấy tháng trời. Chúng con hy sinh đoạn đời thanh niên của chúng con, thế là chúng con thiệt quá lắm rồi.
Thừa đập bàn:
– Thanh niên thì ăn chơi, phá của phỏng? Thằng Pôn đáp:
– Thôi, chúng con nói, thì pa-pa cho là cãi, rồi chửi là bất hiếu. Con chỉ nói ngắn một câu là nếu chúng con làm việc thêm giờ, mà không được bồi thường xứng đáng, thì chúng con xin pa-pa cho chúng con nghỉ đúng hai mươi ngày để chúng con được lại sức.
Thừa cười gằn:
– Chúng mày dọa đình công! Chúng mày phải biết ở đây có sở Mật thám. Không lẽ bố con với nhau, mà tao nỡ tố giác tội của chúng mày với ông chánh cẩm Két-x-moa, hay với cụ Sứ.
Nói đoạn, Thừa đứng dậy, mở cặp, lấy ra cuộn giấy bạc, đếm bốn mươi đồng, rồi ghi vào sổ lương:
– Tao lấy tình bố con mà xử với chúng mày, thì tao cho. Nếu tao lấy cái lý ông chủ với người làm công, thì tao bỏ tù chúng mày rồi. Đây, ký nhận đi.
Đưa tiền cho hai con, Thừa giao hẹn:
– Tao cấm chúng mày không được nói hở với chúng nó là tao nhượng bộ. Chúng nó muốn yêu sách gì, thì bảo vào đây, tao sẽ đối phó.
Rồi Thừa lắc đầu:
– Từ đứa lớn đến đứa bé, hư hỏng hết! Tao mất trông cậy.
Thừa muốn nhắc đến tội ba đứa con gái.
Phải, một dạo con Rô-da-lin có xuống Hải Dương làm thư ký cho hãng.
Nhưng nó không ở được trọn một tháng, thì bỏ việc lại về Hà Nội.
Nó bảo:
– Tưởng Hải Dương thế nào!
Nó tưởng Hải Dương cũng hoa lệ như Hà thành, có lắm công tử lượn qua nhà, để ngắm nghía, hoặc trêu ghẹo nó.
Nhưng hãng tàu Trần Đức Thừa ở bờ sông, suốt ngày chỉ rầm rập những người làm ăn, lam lũ. Có ra đến phố chính, vào sáng chủ nhật, thì họa hoằn nó mới trông thấy một người đáng nhìn.
Nó giục thằng Pôn, thằng Giăng, chiều chiều dắt nó đi chơi phố, hoặc đến sân quần vợt. Vì ở đó có nhiều công chức trẻ. Nhưng hai thằng anh có chỗ chơi riêng của chúng nó. Cho nên con Rô-da-lin không chịu được nỗi hiu quạnh trong tâm hồn. Nó nói với Ma-ri:
– Con không ở đây nữa. Mặc pa-pa với ma-măng! Con là phận gái, bé thì cha mẹ phải nuôi, lớn thì chồng phải nuôi, già thì con phải nuôi. Không cần làm việc gì cả.
Thế là nó xách va-ly về Hà Nội.
Hồi đầu, Thừa định dần dần đưa cả con Rô-da-lin, con Ma-gơ-rít lẫn con Ca-mê-li-a về Hải Dương, để Ma-ri trông nom. Thừa biết là chúng nó không thể tự do một mình ở chốn phồn hoa, có lắm cái khêu gợi cho dễ hư đốn.
Vì không thực hiện được kế hoạch như ý muốn, Thừa phải bảo Ma-ri về Hà Nội ở luôn với con gái, chỉ chiều thứ bảy hãy xuống Hải Dương, thay công việc mại bản cho con trai nghỉ việc ngày chủ nhật.
Một chốn đôi nơi, mà sự thực là ba nơi, vì còn Xuy-dan sắp đẻ nữa, Thừa thấy lúc nào cũng phải phân tâm, và lo lắng vì ăn tiêu ngày một tốn kém.
Bọn con gái ở Hà Nội được kéo cái đời vô công rồi nghề. Vì nhà rộng, mỗi đứa ở một buồng, để tiện tiếp bạn riêng. Cả con Ca-mê-li-a, bé loắt choắt như con chuột nhắt, cũng cố nuôi tóc cho dài, để chải cho mượt, được khen là suối tóc. Nó cũng đánh phấn, bôi son. Nó học được giọng nói của mẹ, bắt chước được điệu bộ của hai chị. Nó cũng có khối bạn trai.