Nhưng ông vẫn chưa tuyệt vọng, ông lại đến Thừa lần thứ ba. Thấy Rô-da-lin vẫn nói: Thưa cụ, pa-pa cháu đi vắng, ông cười lạt:
– Pa-pa cháu đi vắng đâu, tôi cũng biết. Hôm nào pa-pa về, nhờ cháu nói hộ rằng tôi khen pa-pa đã đắc đạo, trả miếng thầy học một đòn khá cay đấy!
§12. Để được giáp riêng mặt rồng
Tin tên vua bù nhìn Bảo Đại bé con được thực dân dắt cho xem cảnh Bắc Kỳ, gọi tiếng sang trọng là Ngự giá Bắc tuần, làm Thừa rất hy vọng. Hắn cho là dịp may để cậy cục lấy Bội tinh hoặc Kim khánh, Kim tiền đây. Hắn tìm cách gặp hẳn nhà vua, khỏi phải qua cái cầu thượng thư, dù là cái cầu Ngự tiền Văn phòng Phạm Quỳnh. Việc Ma-ri vận động công danh cho hắn qua thằng thượng thư bị đuổi về xua gà, đã làm cho hắn ức vì tốn kém mà không có kết quả gì.
Gặp hẳn nhà vua. Thừa quyết định thế. Nhưng làm cách nào để gặp hẳn nhà vua được? Tất là khi nhà vua trú tại Hà Nội, thì có lính canh gác vòng trong vòng ngoài. Dân thường khó lòng vào lọt. Vậy yết kiến nhà vua là không thể. Hay hôm nhà vua đến thăm Hội Khai Trí, hắn cũng túc trực ở đó? Không thể. Chỉ những người trong ban Trị sự Hội mới được vinh dự đón vị khách tối cao. Hắn là hội viên thường, không có nhiệm vụ được đến Hội. Vả nếu hắn có vận động được đến Hội, chắc Ngài ngự chỉ nói chuyện với cụ Võ, cụ Vi, cùng ban trị sự thôi. Những vô danh tiểu tốt như hắn, chỉ được phép đứng xa mà chiêm ngưỡng mặt rồng. Và, dù có được đến gần ngọc thể, thì ai lại lợi dụng cơ hội mà xin việc riêng cho mình? Lố lắm. Như thế thì dù được, cũng tiếng để đời.
Thừa nghiên cứu hành trình đặt cho Bảo Đại. Đức vua đi tàu thủy từ Đà Nẵng ra Hải Phòng, ngủ một đêm ở Cảng, rồi hôm sau đi Gia Lâm, để lên xe lửa sang Hà Nội. Ga Hà Nội mới có chỗ rộng rãi để làm lễ đón long trọng. Đức vua có đi qua Hải Dương, dừng lại nửa giờ, vào sân vận động, xem học trò biểu diễn động tác thể dục.
Thế thì hắn chẳng phải đi đâu cho xa.
Ở tỉnh lẻ, một ông chủ tàu là một nhân vật tai mắt. Thế nào quan tổng đốc chẳng cho giấy triệu hắn đi đón Hoàng thượng, và chắc được lên khán đài sân vận động.
Nhưng Thừa nghĩ lại. Vẫn không ổn. Phải tìm cách gặp riêng đức vua kia. Chứ ở nơi lố nhố những người, thì Ngài không nhớ ai vào ai. Vả đến trước mặt Ngài mà xin ơn mưa móc, vẫn cứ là lố.
Thừa tìm cách gặp riêng Bảo Đại. Gặp được, thì làm những gì, nói những gì để tỏ là mình tôn quân, trung thành với Chính phủ Nam triều?
Vốn nghe chuyện Ma-ri và những người đã vào Huế, Thừa biết Bảo Đại mới tí tuổi, nhưng đã mê chơi. Vua chưa có vợ, nên thích gái. Nhưng muốn thỏa tình dục, chẳng lẽ Thánh thượng lại dắt gái vào cung. Cho nên để giữ kín tiếng, vua giấu gái ở một nơi xa, rồi giả vờ đi săn, lén đến ngủ ở đó. Vua sính thể dục thể thao nhất, nhất là hai môn đánh quần vợt và đánh gôn. Vì các quan đại thần không ai thiết vận động cơ thể, nên Ngài phải chơi với bất cứ ai, dù là thằng bé con làm nghề nhặt bóng. Ngài thú đánh gôn đến nỗi chiếm hẳn một quả đồi, bắt trồng lại cỏ. Cỏ may Việt Nam lá to và đến mùa thu thì vàng úa. Muốn đẹp sân gôn, Ngài bắt lấy giống cỏ tận trên Đà Lạt đem về trồng ở đồi ấy. Thứ cỏ này là cỏ nước Anh, lá nhỏ lăn tăn, nếu chăm bón, nó rờn rờn quanh năm như tấm thảm nhung màu lá mạ. Cho nên cỏ ở sân gôn phải luôn luôn được xanh tươi. Hoàng thượng lại thạo chơi đầu hồ và mạt chược. Chơi đầu hồ thì Ngài ném mười lần, trúng đến bảy tám, cái que đâm vào mặt trống, nảy lên nảy xuống, bong bong một hồi, hết đà mới im tiếng. Còn mạt chược thì Ngài có thể thức thâu đêm mà vẫn tỉnh táo như thường. Ngài là con trai, chưa vợ, nên sức lực cường tráng. Vả Ngài thức, thì sáng hôm sau Ngài ngủ, mấy giờ Ngài dậy chẳng được. Ai dám đánh thức. Vả có bận việc gì mà phải dậy vội?
Ngoài các thứ chơi này, Hoàng thượng còn thích chơi ô-tô với chơi chó. Ngài thường lái xe lấy để đi phố. Ngài nuôi hàng chục chó, những con chó rất đẹp của các nước khác. Mỗi ngày chó ăn không biết bao nhiêu là thịt bò. Một quan chuyên môn được bổ vào việc hầu chó. Chó có xe ô-tô riêng, là chiếc cam-nhông lớn. Mỗi sáng, quan bồi chó phải tải chó ra sông Hương để tắm cho cả đàn.
Vậy cố nhiên muốn tỏ lòng tôn quân, Thừa phải biếu vua một thứ.
Nhưng biếu cái gì?
Hắn có con Rô-da-lin và con Ma-gơ-rít đã đến thì. Nhưng hắn không dám nghĩ đến việc hiến chúng nó cho Vua ở Hà Nội. Ở Huế, thì vua vờ đi săn được. Nhưng ngài ngự giá Bắc tuần, chắc ngài phải tạm nhịn chơi bậy.
Hắn nghĩ ra rồi.
Hắn phải dâng một cỗ mạt chược bằng ngà, thửa thật đẹp, và phải lên tận Bắc Hà trên Lao Cai mua cho được năm con chó.
Vốn Thừa có quen chánh tổng Bắc Hà Hoàng A Tưởng, là bạn buôn thuốc phiện lậu cũ. Gọi là chánh tổng, nhưng là vua của địa phương. Thừa phải thân lên Bắc Hà, nhờ chánh tìm cho được năm con chó thật đẹp, to xù như con gấu, mỗi con một sắc lông khác nhau.
Thừa có cỗ mạt chược, có chó, thì vừa vào hôm xa giá ngự ra Bắc.
Hắn chụp cho mỗi con chó một tấm ảnh khổ 18 X 24, rồi đóng khung kính. Hắn để ảnh chó với cỗ mạt chược vào cái hộp sơn son thiếp vàng. Hắn muốn viết mấy chữ thật cung kính để tỏ lòng ngưỡng mộ đức thiếu quân, nhưng hắn không dám. Ông Hoài Tân Tử bảo phải làm một bài bằng chữ nho. Nhưng ông không làm nổi. Và đức vua cũng không xem nổi chữ nho. Hắn cậy ông Tình muôn thuở tìm mấy cụ cử tú để thuê làm biểu. Nhưng vì cận ngày quá, không kịp. Hắn đành in tấm danh thiếp đề tên, nghề nghiệp và địa chỉ của hắn rồi để vào trong hộp. Hẳn Hoàng thượng thấy danh thiếp, thấy cỗ bài và thấy ảnh chó, cũng biết tên người dâng, và dâng gì. Hãy cốt cho những thứ ấy lọt vào mắt Hoàng thượng, rồi hắn sẽ xin ban thưởng sau.
Vì định gặp riêng Bảo Đại, Thừa phải vận động cho ty tổng đốc đừng triệu hắn đón vua ở nơi hàng tỉnh túc trực lạy chào đấng quân vương.
Hôm Bảo Đại ở Hải Phòng lên Hà Nội, qua Hải Dương, Thừa dậy thật sớm. Hắn mặc áo gấm, chụp khăn xếp, mặc quần phẳng nếp, và lận giày ban. Hắn đem cái hộp tặng phẩm lên ô-tô, rồi vặn xe đến dưới dốc cầu Phú Lương. Hắn đợi ở đó.
Khi đoàn xe nhà Vua vào cầu. Thừa rất hồi hộp. Hắn chờ đoàn xe qua hết cầu, xuống dốc, thì hắn tụt giày, đi bí tất không, ra giữa đường nhựa. Hắn quỳ hai gối, khom lưng, cúi gằm mặt, hai cánh tay giơ cao cái hộp sơn son thiếp vàng lên đỉnh đầu. Hắn đã hỏi để biết cái thể lệ cung kính này, khi một người thường dân muốn tâu gì với vua. Đàn ông thì cúc cung tờ giấy trần tình lên đỉnh đầu. Đàn bà thì vấn giấy vào trong khăn. Bây giờ hắn cũng làm đúng như thế.
Đoàn xe đến gần Thừa. Trống ngực hắn nổi rộn. Hắn không sợ bị kẹp chết, nhưng hắn mừng là xa giá sắp dừng lại.
Quả nhiên, chiếc xe đầu đỗ, làm ứ cả đoàn xe đi sau.
Bảo Đại không xuống xe, không nhận đơn. Nhưng một người khác chạy đến gần Thừa. Người này mặc áo gấm, đeo thẻ bài. Chắc là quan hầu. Người quan hầu nhận cái hộp. Thừa sung sướng, hướng vào xe thứ nhất, thụp xuống đất, lên gối xuống gối hai lần để lạy tạ. Rồi mới lùi tránh sang bên đường.
* * *
Ngay chiều hôm ấy, Công sứ Mát-xi-li gọi Thừa vào bàn giấy. Thừa khấp khởi mừng, cho là việc làm của hắn có kết quả. Hắn vội vàng mua một hòm rượu sâm-banh, rồi vào tòa.
Nhưng Công sứ không bắt tay Thừa, và cũng không mời ngồi. Nó cau mặt, mắng:
– Ông muốn gì mà đến nỗi ban sáng, phải làm cái cử chỉ bẩn thỉu, hèn hạ thế?
Thừa sợ hãi:
– Trình cụ lớn, chúng con dâng đức Thiếu quân.
Tên quan cai trị ngắt lời:
– Tôi biết rồi. Nhưng ông muốn gì?
Thừa im lặng. Công sứ lại cự:
– Đáng lẽ làm những việc ấy, ông phải trình tôi cho phép. Ông muốn xin ân thưởng phải không?
Thừa chắp hai tay, run run:
– Dạ.
– Vậy sao ông không nhờ tôi? Ông không tin là tôi giúp ông, mà chỉ tu xin cho ông tưởng lục như lần trước thôi à?
Thừa không đáp. Tên công sứ nhìn hòm sâm-banh, thì dịu nét mặt:
– Mời ông ngồi.
Rồi nó tươi tỉnh, trỏ vào hòm rượu:
– Không phải tôi gọi ông vào đây, cốt để bắt ông cho thứ nọ, thứ kia đâu. Tôi chỉ muốn bảo ông là từ nay, ông đừng làm những cử chỉ bẩn thỉu, hèn hạ nữa. Bởi vì nếu muốn được ân thưởng mà ông kể công trạng của ông bằng giấy để gửi đi, thì vua ông có tin ông không?
Nó lắc đầu:
– Thế nào triều đình cũng phải tư hỏi quan đầu tỉnh ông ở, tức là tôi.
– Dạ. Lậy cụ lớn tha tội cho chúng con. Chúng con không dám vượt quyền cụ lớn. Chúng con tưởng muốn được Chính phủ Nam triều ban thưởng, thì không nên phiền Chính phủ Bảo hộ.
– Nhưng ông lầm. Ông là dân Bắc Kỳ. Vả dù ông là dân Trung Kỳ, thì ông cũng dưới quyền của nước Pháp. Thì ông muốn nói gì với vua ông, ông cũng phải nói trước mặt quan Pháp. Cũng như vua ông muốn nói gì với dân An Nam cũng không nói riêng được. Nhưng chính phủ Nam triều có quyền hành rộng gì đâu? Chỉ trong phạm vi bức hoành thành mà thôi, ông ạ. Nghĩa là chưa bằng một làng, ông hiểu chưa?
Thừa cúi đầu:
– Dạ.
– Thế ông đã làm mấy lần như ban sáng, với vua Bảo Đại?
– Trình cụ lớn, lần đầu. Lần trước, vợ con vào tận Huế.
Tên Công sứ cười:
– Tôi khen ông kiên tâm. Tại làm sao chưa được thưởng gì?
– Thưa tại vợ con vào lầm cửa.
– Cửa nào?
– Thưa cửa bộ Lại. Quan thượng thư Ngô Đình Diệm sắp bị cách chức, mà vợ con không biết.
Mát-xi-li nhún vai, bĩu môi:
– Sao ông lại tìm đến con lợn ấy để mất tiền khoảng không? Mà cả bọn thượng thư nữa, ông tưởng chúng nó có thế lực à? Chúng nó trước kia đã là tri huyện, tri phủ, dưới quyền các quan công sứ, mà các quan công sứ có thể thăng Thống sứ, Khâm sứ, cho đến chức Toàn quyền tổng thống Đông Dương. Ông tin lời bịp bợm của thằng Ngô Đình Diệm nhơ bẩn, là ông dại. Hẳn ông đã hối hận?
– Lậy cụ lớn, con đã hối hận nhiều.
– Phải, có lẽ chưa bao giờ ông nghĩ rằng chính phủ Bảo hộ còn giữ cái triều đình An Nam làm gì. Thôi, tôi không nói chuyện ấy nữa. Tôi chỉ muốn cho ông biết ông đã không nhờ tôi, là có lỗi với tôi.
– Lậy cụ lớn tha tội cho con là kẻ ngu dại.
– Phải, tôi cũng đã nghĩ thế, nên tôi muốn từ nay sẽ trọng dụng ông. Không bao giờ tôi quên là ông đã tổ chức hai tiệc trà danh dự để tiễn tôi ở Vĩnh Yên, và đón tôi ở Hải Dương. Tôi cũng không bao giờ quên là ông đã lập sân vận động đặt tên tôi, để làm tôi bất tử. Tôi vẫn mong kiếm dịp để tư thưởng cho ông. Đức Bảo Đại ở Pháp về, Ngài ra chơi Bắc Kỳ, ấy là một dịp triều đình Huế ban ơn. Nay mai ông vua nhỏ ấy lấy vợ, rồi đẻ con. Ấy lại là những dịp vui của nước An Nam, để người An Nam được đội ơn mưa móc. Rồi tôi lại ví dụ mẹ ông ấy năm mươi tuổi thì mừng thọ, hoặc ông ấy hay vợ con ông ấy ốm nặng nhưng chữa khỏi, cũng là những cơ hội cho ông ấy thực hiện cái quyền ban thưởng của ông ấy. Vậy ông cứ kiên tâm. Không thiếu cơ hội tốt cho ông đâu. Mà tôi đã hứa thì tôi nhớ.