Thừa mỉm cười:
– Cao mất năm đồng.
– Ông muốn tôi tính như hạng mơ-ni-phanh Phấn Mễ phỏng? Cũng được. Tôi có cả noa-dét Oong-gay lẫn mơ-ni-phanh Phấn Mễ. Nhưng tôi chỉ chào ông có hạng kíp-lê, vì tôi chắc ông không dại gì mà đốt thứ khác, vừa hao than, vừa hại máy.
– Thôi, cụ là bậc đàn anh, lại là ân nhân của tôi, tôi nói đi nói lại; không tiện. Xin nộp hẳn cụ ba nhăm đồng một tấn như mua của người ta.
Ông Lăng mở cặp ra, toan nhét than vào. Thừa sợ sát mặt bàn, vội vàng ngăn lại:
– Vâng, xin bằng lòng với cái giá cụ định. Thế bao giờ cụ có than?
– Bao giờ ông cần?
Ông Lăng vỗ vào vai Thừa:
– Này, anh em mình tin nhau thật, nhưng ta cứ làm giấy giao kèo với nhau cho khỏi quên. Một mặt tôi cam đoan là phuốc-nia[113] đủ than cho ông dùng cả tháng, tức là phải có sẵn bao nhiêu tấn cho ông đó. Một mặt, ông cam đoan là tháng nào cũng phải mua của tôi ngần ấy tấn, rồi nếu muốn, mới được mua than của người ngoài. (*[113] Cung cấp.)
Thừa gật:
– Đúng rồi.
– Than củ tôi sẽ để sẵn ở tràn, lúc nào ông lấy, thì ông bảo.
Thừa chữa:
– Thế ngộ lỡ cụ không có sẵn? Vậy cứ xin rằng khi tôi muốn dùng bao nhiêu, tôi nói trước với cụ bốn tám tiếng đồng hồ, có được không ạ?
Ông Lăng gật đầu:
– Bồng[114]! (*[114] Tốt.)
Thừa đùa:
– À, nói với bà hai chứ nhỉ!
– Vâng, nếu mở xưởng làm than quả bàng ở đây, thì hoặc tôi, hoặc ma đơ-dem, hoặc một người rơ-prê-dăng-tăng[115] phải ở Hải Dương, để giao thiệp với khách. Thế ông bán than cho ông ở tràn, hay li-vrê[116] đến tận sở cho ông? (*[115] Đại diện. *[116] Ý nói chở than đến tận sở.)
– Nếu cụ cho than đến sở thì tốt.
– Cũng được, xin ông thêm phre trăng-x-po[117]. (*[117] Phí tổn đài tải.)
Thừa cười xòa, nhìn ông Lăng, nói thầm cho có vẻ thân mật:
– Thôi.
Ông Lăng lại toan vơ than vào cặp. Nhưng Thừa đỡ được tay ông. Ông Lăng nói:
– Ông mua than của tôi, tuy ông không nói ra cái lợi nhưng tôi biết là ông hiểu, ông mua của người khác, thì phải xuống tận Phòng để lấy, phre trăng-x-po ông phải chịu từ Phòng về đây. Nhưng mua của tôi, ông đỡ được món tiền ấy. Vì tôi định mở xưởng than quả bàng ở đây, chở than cho tôi nhiều, còn than của ông, tôi chỉ lai thêm vào, một là anh chở thuyền thiệt, hai là anh mua than quả bàng gánh hộ ông phí tổn. Chỗ thân, tôi xử với ông như vậy là quá phải rồi. Vậy còn từ tràn vào Sở mà ông bắt tôi chịu, thì thật ông chưa biết người biết của!
Thừa cười:
– Xin lỗi cụ. Nghề buôn bán, bớt được món tiêu nào lợi món ấy. Xin cụ chớ giận.
– Bồng! Thế thì ông tự đài tải lấy từ tràn đến sở nhé. Nhưng nếu ông muốn tôi đài tải, thì ông trả tiền.
– Vâng. Cố nhiên. Thế còn thể lệ trả tiền ra sao đây?
Không để ông Lăng đáp, Thừa giở đùa giở thật:
– Cụ cứ cho chịu, đến cuối tháng nộp một thể nhé.
Ông Lăng lại vơ đống than:
– Ứ, chả chơi. Ông mua của người ta có chịu được không?
– Nhưng chỗ chúng ta là bạn thân. Cụ giúp chúng tôi ấy mà.
Ông Lăng lắc đầu:
– Giúp ông mua tàu, lại giúp ông lấy chịu than! Nhưng nếu ông muốn thế cũng được, chỉ xin tính rẻ như lãi nợ, là đơ puốc-xăng[118] thôi. (*[118] Hai phân.)
Thừa cười:
– Đùa cụ chơi cho vui đấy thôi!
Ông Lăng gật đầu:
– Tuy ông với tôi quen biết nhau đã lâu, kể thì là thân đấy, nhưng mà khi đã gọi là làm ăn, buôn bán với nhau, thì ta nên cẩn thận với nhau. Việc tiền nong, chả nói đến tình được. Ông hiểu tôi chán, mà tôi cũng chả lạ gì ông. Vậy tin nhau thì tin nhau thực, nhưng cứ xin là ông muốn lấy bao nhiêu than, ông sẽ có đủ than để chở đến Sở.
Thấy ông Lăng chắc lép, muốn nắm đằng chuôi, Thừa đáp:
– Xin bằng lòng. Nhưng còn món tiền tôi đưa trước hai ngày có thể sinh lợi được, nhưng tôi không dám tính lãi hai phân như cụ, mà chỉ xin cụ kê như món tiền tôi phải trả về đài tải từ tràn cụ đến sở tôi thôi.
Ông Lăng lắc đầu:
– Ông chi ly chặt chẽ lắm! Nhưng xin vâng.
– Như vậy, tôi đỡ phải trả những món tiền lặt vặt khác nó lẻ loi. Vả tôi xin ông trả tiền đài tải, là tôi vẫn làm việc một cách hồ đồ. Chứ tôi biết tràn than của ông đặt ở đâu, cách Sở tôi bao nhiêu xa. Tôi ví dụ ông anh muốn tiện, đặt ngay tràn than cạnh bến tàu của tôi, thì ông anh nuốt không của tôi món tiền đài tải, chứ tôi bắt ông anh khênh than vào sở, để rồi tôi lại phải thuê khênh nó ra bến tàu à!
Ông Lăng híp đôi mắt để cười, rồi nhắc lại:
– Vị chi là tiền ông đưa trước, tôi li-vrê than cho ông sau. Cũng vị chi là nếu tôi không nhận tiền trước, thì ông không có than để chạy tàu, phải không nhỉ?
– Vâng.
Để khách quên nỗi bị lép vế, ông thầu khoán thêm:
– Còn tiền đài tải từ Phòng đến sở ông ở đây, là về phần tôi phải chịu.
– Vâng.
Ông Lăng nghĩ:
– Còn gì phải thương lượng nữa không nhỉ?
Rồi ông vừa bấm đốt ngón tay vừa lẩm bẩm một mình:
– Số than lấy hằng tháng. Rồi. Giá một tấn than. Rồi. Trả tiền trước, li-vrê than sau. Rồi.
Sực ông nhớ ra:
– À, còn than thì là hạng than củ pha than cám đấy nhé.
– Vâng.
– Tôi gửi ngay đống này ở đây, để mỗi lần mua thì ông có mẫu mà so.
– Vâng.
Ông Lăng ngẩn người một lúc, rồi cười:
– Thế là thương lượng xong. Ta làm giao kèo chứ?
– Vâng.
Cả hai người cùng cân nhắc từng chữ, đắn đo từng câu để cho lời lẽ trong giấy được rõ ràng và đúng.
Khi bản thảo xong, Thừa đọc lại cho ông Lăng nghe, xem có còn phải thêm bớt gì không. Rồi Thừa hỏi:
– Cụ muốn đánh máy hay viết tay?
– Cần hai bản thì đánh máy cho nhanh.
Thừa gọi con Rô-da-lin, bảo nó đánh máy.
Ông Lăng không biết con Rô-da-lin là ai, cứ trố mắt lên mà ngắm.
Một lát, đánh máy xong, Rô-da-lin đưa lấy chữ ký. Ông Lăng nhìn cô thư ký, rồi mỉm cười với Thừa, như để chia vui với người chủ có số đào hoa.
Hai người ký vào hai bản giao kèo. Rô-da-lin đợi để thấm, rồi đưa cho mỗi người một bản. Nhưng ông Lăng giơ tay ra ngăn:
– Khoan! Cô cho tôi mượn cái thước.
– Thưa để làm gì ạ?
Ông tặc lưỡi nói với Rô-da-lin:
– Đã cẩn thận thì nên cẩn thận một thể để khỏi ân hận về sau. Có một lần cô ạ, một người đi vay nợ, viết văn tự vào giấy tín chỉ. Nhưng anh ta láu, mới không để giấy tín chỉ nguyên khổ, mà xén ở phía dưới ngắn đi đến một đốt ngón tay. Người chủ nợ vô tình, không nghĩ ra là anh ta định lừa. Đến hẹn, người ấy đòi, thì anh nhất định không trả. Người ấy kiện ở tòa. Anh ta khai là đã trả dần rồi, và mỗi lần trả thì chủ nợ có ghi vào phía dưới bản văn tự. Tòa xét thấy giấy tín chỉ ngắn hơn tờ giấy thường, cho người có nợ là thật thà, mà người chủ nợ là gian. Tòa cho rằng người ấy cắt những dòng chữ viết ghi đã trả đi, để đòi nọ suýt lần nữa. Thế là người con nợ được kiện.
Ông híp mắt cười với Rô-da-lin. Rô-da-lin hỏi:
– Thưa cụ cũng ngờ pa-pa cháu lừa cụ ạ?
Ông Lăng ngớ mặt, nhìn Thừa:
– Lệnh ái đấy à?
Rồi ông chữa thẹn:
– Để tôi khỏi ngờ tôi lừa ông thôi. Cô cho tôi mượn cái thước, để đo xem bề ngang bề dọc tờ giấy này bao nhiêu phân, tấc, rồi ghi lại, hai người cùng ký nhận. Như vậy chẳng ai phải nghi ai.
Rô-da-lin tủm tỉm, làm theo ý ông khách.
* * *
Xin kể nốt chuyện ông Lăng bán than bằng vài chục dòng nữa.
Thừa rất sòng phẳng và ông Lăng bán thứ than rất tốt. Vả giao kèo thế. Thừa không sòng phẳng sao được?
Hai người buôn bán với nhau ba tháng, năm tháng. Nhưng Thừa vẫn lập tâm chơi lại cho anh thầu khoán già một vố để báo thù cái tích mua nhà ngày trước, và cái việc bán phiếu bầu nghị viên mới đây.
Thừa nhận thấy là hễ hôm nào trời sắp mưa to, thì y như vợ hai ông Lăng vào giục Thừa đưa tiền mua than, Thừa biết rằng bà ta sợ than trôi đi, thì đẩy cái hại cho hắn.
Một lần, Thừa thấy tràn than của ông Lăng cao ngất, mà trời sắp nổi cơn giông. Hắn biết là bà Lăng hai sắp vào Sở.
Quả nhiên, bà ta vào thật:
– Tôi còn ba chục tấn, ông làm ơn ăn nốt, để tôi lấy chỗ cho thuyền mới chờ đổ than.
Thừa vờ sửng sốt:
– Than cũ hãy còn. Vả tôi cũng chỉ còn đủ tiền lấy hai chục tấn thôi. Bà bằng lòng vậy.
Thừa đưa tiền.
Một lát mấy xe bò chở than ì ạch vào sở ngay, chứ không chậm chạp như mọi bận. Và bà đơ-dem lại vào:
– Ông ạ, hay còn có mười tấn, ông lấy nốt cho tiện chuyến.
– Nhưng tôi không có tiền.
– Thế thì nếu ông bằng lòng, tôi cứ chở vào, mai ông cho tiền, hay trừ vào chuyến sau cũng được.
– Tùy ý bà.
Một lát mười tấn than được chở nốt vào. Thế là bà được yên tâm.
Vì trời đổ mưa như trút nước.
Nhưng sáng hôm sau, bà vào lấy tiền, thì Rô-da-lin nói:
– Pa-pa cháu đi vắng.
Lần thứ hai, bà vào. Rô-da-lin cũng đáp:
– Pa-pa cháu đi vắng.
Lần thứ ba cũng vậy.
Mười hôm sau, ông Lăng xuống Hải Dương. Bà đơ-dem bảo ông vào đòi Thừa tiền mười tấn than. Ông thầu khoán ngã ngửa người:
– Bú dù! Thế là nó lừa rồi. Nó đi vắng với mẹ nó à? Giao kèo nói nó đưa tiền, mình mới bán than kia mà!
Nhưng ông vẫn thử vào.
– Thưa cụ, pa-pa cháu đi vắng.
Lần thứ hai:
– Thưa cụ, pa-pa cháu đi vắng.
Ông Lăng cáu, về đánh ma đơ-dem của ông một trận nên thân.