Ma-ri mừng rỡ:
– Thế thì nó làm được, cha.
– Ừ. Nó lập sân vận động, thì mới có cớ để xin thưởng cho nó. Giấy xin thưởng sẽ kể các công lao của nó từ trước tới giờ, như giấy của sở Mật thám Bác Kỳ tư xin cho nó đi tri châu mà con nói ban nãy ấy. Việc lập sân vận động sẽ làm vui lòng quan thống sứ, chắc ngài sẽ không hẹp hòi. Việc lấy tên quan Đổng lý văn phòng đặt cho sân vận đông, sẽ làm quan Đổng lý nhớ mãi chồng con, dù chúng con không ở Vĩnh Yên nữa.
– Nhưng, thưa cha, nếu cha không gọi cho các ngài, thì hỏng toét! Lại thêm một đạo tưởng lục phải gió nữa thôi.
Người cha đạo cau mặt, lắc đầu:
– Không. Việc làm sân vân động chỉ là cớ phụ. Việc để đồn điền cho nhà Chung mới là cớ chính. Các quan trên sẽ vào nhà Chung mà tu kim khánh hoặc bội tinh của Nam triều cho nó.
Ma-ri ngẩn mặt ra nghĩ, rồi hỏi:
– Nhưng thưa cha, ngộ chính phủ Nam triều không cho thì sao ạ?
Người cha đạo cau mặt:
– Con đừng làm bộ ngây thơ mà hỏi cha điều ấy. Há con không biết là chính phủ Bảo hộ bảo gì thì chính phủ Nam triều phải tuân theo hay sao? Con không biết là ai cho Bảo Đại làm vua à? Vậy nó có thể không tuân lệnh không? Vả chăng thằng bé con mới lớn lên này đã biết gì? Nó là thằng si ngốc, ít tuổi, nhưng đã mê gái, mê cờ bạc. Cho nên nó sợ mất địa vị, thì mất lương tháng để chơi bời. Vả lại, vua An Nam chỉ còn quyền cho phẩm hàm, kim thánh, kim bội, kim tiền và bội tinh cho người sống, cùng phong sắc cho các thần. Nếu Bảo Đại không làm những việc ấy, thì nó còn việc gì mà làm? Quyền nhà vua là quyền của quan khâm sứ Trung Kỳ. Người tay trong của chính phủ Bảo Hộ là Phạm Quỳnh, con nghe chưa?
– Thưa cha, con cũng nghe đồn thế.
– Thật thế, chứ đồn đại gì. Việc xin thưởng cho chồng con, Phạm Quỳnh làm cũng nổi. Nhưng cha ngại Phạm Quỳnh là người Bắc, trước lại là thư ký hội Khai Trí Tiến Đức, thì nó biết rõ chồng con, nó có thể nói với quan Khâm sứ là chồng con không xứng đáng. Vậy về việc này, con phải vào Huế, đưa thư của cha đến tận tay thằng Ngô Đình Diệm cho cha.
– Thưa cha, thằng Ngô Đình Diệm là đứa nào ạ?
– Là thượng thư bộ Lại, con không biết à?
Ma-ri cười:
– Thượng thư mà cha gọi là thằng!
– Nó là thượng thư với người An Nam, chứ không phải với người Pháp. Vả nó được các cha cất nhắc cho lên chức ấy.
Ma-ri nhìn người cha đạo, tỏ ý ngờ vực:
– Con không tin hả? Thế con không biết rằng từ ngày lập bảo hộ, thì trong nội các của nhà vua An Nam bao giờ nhà thờ cũng cho một tay chân vào để lúc cần thì sai khiến, nghe chưa. Thế con đã vào Huế lần nào chưa?
– Thưa chưa ạ.
– Con phải đi.
– Vâng ạ.
– Để đưa thư của cha tới tay thượng thư bộ Lại. Bao giờ con đi, con sẽ gặp cha để lĩnh thư, nghe không?
– Vâng ạ. Chắc chồng con thích lắm. Thế nào cũng cho con đi. Con đi một mình thôi cha ạ. Nó theo đi, thì mất tự do!
– Việc này vợ chồng thu xếp với nhau. Nói tóm lại, con phải bảo chồng con vào hầu cha.
– Nhưng cha đừng bảo nó theo đạo, cha ạ. Nó đểu lắm. Chả lẽ lại dụ người đểu theo đạo!
Người cha đạo không đáp:
– Thôi, con về đi.
Ma-ri đi độ dăm bước, hắn quay lại:
– À thưa cha, nếu nó có xin cha dùng thằng quản lý cũ của nó là đội Tuynh, thì cha đừng dùng.
– Tại sao? Đội Tuynh làm quản lý có tốt không?
– Tốt. Nhưng mà… không tốt.
Cha Hảo mỉm cười:
– Lại sắp ỡm ờ. Thôi, đi về.
* * *
Ma-ri đến Huế.
Hắn chuẩn bị tư tưởng và thái độ, khi được quan thượng thư bộ Lại tiếp kiến.
Hắn nhuộm thuốc mới cho mười móng tay, và mười móng chân thêm đỏ. Hắn đánh phấn cho đôi má thật hồng. Hắn vẽ son vào môi trên, môi dưới, vẽ trên nửa bề dày, cho môi trông như mỏng lại, và có hình trái tim. Sửa xong bộ mặt mất hai mươi phút, hắn mới bắt đầu chải tóc. Hắn bôi dầu cho bóng nhẫy mớ tóc nhỏ như tơ và màu hung hung của hắn, rồi uốn từng nạm, từng món cho tròn. Lúc ấy hắn mới dùng cái độn tóc ngoài, để bới với tóc hắn cho lẳn. Hắn vẫn tự hào về cái bới tóc của phụ nữ Bắc. Phụ nữ Bắc bắt chước phụ nữ Nam và phụ nữ Trung bới tóc, nhưng bới khéo hơn phụ nữ Trung và phụ nữ Nam. Bới tóc phụ nữ Trung cao quá, hở cả gáy, làm cho cái cổ trơ. Bới tóc phụ nữ Nam xệ xuống quá, nhiều cái, khi người đi, nó lúc lắc như quả lắc đồng hồ. Bới tóc phụ nữ Bắc chỉ thấp hơn của phụ nữ Trung một tí, và chỉ cao hơn phụ nữ Nam một tí, mà sao nó nền, nó nhã, nó mềm mại như thế!
Bới xong tóc, Ma-ri chọn quần, và chọn áo. Hôm nay, hắn hãy mặc chiếc áo màu vằn da rắn. Và như vậy, hắn cũng lận đôi săng-đan cao gót và cắp cái ví đồng màu với áo. Hắn đeo chiếc kiềng vàng chạm vào cổ, và đôi vòng nạm kim cương vào tay. Ngón giữa tay trái, hắn đeo chiếc nhẫn có mặt ngọc đỏ.
Trang điểm xong, Ma-ri đứng trước chiếc gương, để kiểm lại một lượt, hắn rất tự hào.
Hắn thuê xe vào bộ Lại.
Nhưng không may cho hắn. Người lính nói:
– Thưa, cụ đi vắng, hình như vào chầu mạt chược đức Thái Hậu.
Ma-ri cho là người lính nói dối để khách thấy lâu mà đừng đợi. Chứ hôm nay là ngày làm việc, lẽ nào quan thượng thư lại đi chơi.
Hắn chờ.
Cho đến hơn mười một giờ, bỗng có tiếng còi ô-tô. Người lính canh vội vàng mở toang hai cánh cổng ra. Một chiếc xe Rơ-nôn kiểu cũ, dễ thường sơn lại bằng màu đen mộc, nên không bóng nhoáng như những xe ở Hà Nội, rầm rộ tiến vào sân. Rầm rộ, bởi vì nó vừa chạy vừa kêu phành phạch, kêu to hơn chiếc Béc-li-ê cổ của Thừa. Ma-ri không nổi trống ngực nữa. Bởi vì, thoạt tiên hắn tưởng cụ thượng về. Nhưng đến khi thấy xe và người ngồi ở trong, hắn cho không phải là quan cụ. Bởi vì hắn đã tưởng tượng quan cụ là một người già, có râu bạc phơ phơ. Người ngồi trong xe này không có râu, mặt lại càu cạu như thằng sắp văng tục. Đến khi người ấy bước xuống đất, Ma-ri yên trí là không phải quan thượng thư bộ Lại, to nhất triều đình. Vì hắn ta mặc cái áo thâm ngắn cũn cỡn trên đầu gối, đội cái khăn ít nếp. Ma-ri yên trí là chú lính lệ.
Nhưng Ma-ri đã lầm. Chính là Ngô Đình Diệm đó.
Ngô Đình Diệm thoáng nhìn thấy Ma-ri, thì nó trỏ và hỏi người hầu:
– Cái tê vô mần chi?
Ma-ri nghe rõ. Hắn quay ngoắt đi. Hắn không thèm nhìn cái thằng lính lệ mà hách dịch, xấc láo, nói giọng khinh bạc, coi người như một đồ vật mà gọi là cái.
Người hầu đáp:
– Lạy cụ lớn, bà nớ ở Bắc vô hầu cụ lớn.
Ma-ri thấy tiếng cụ lớn, mới nín thở để nghe thêm cho rõ. Hay là quan cụ đây? Nhưng không thấy ai nói nữa, hắn mới quay lại. Quan cụ đã vào nhà trong. Chỉ còn người hầu đứng đó.
Ma-ri đến gần người ấy:
– Ai vừa vào thế?
– Cụ đấy.
Nhưng nghe tiếng cụ, Ma-ri lại hiểu theo nghĩa Huế, là phu xe hoặc ăn mày.
Hắn cố làm ra vẻ thản nhiên. Người hầu nhắc:
– Cụ lớn thượng Lại đấy.
Ma-ri mỉm cười:
– Anh vào trình cụ là có bà hàn An-be ở ngoài Hà Nội vào đưa cụ cái thư cần, nhé.
Người hầu lễ phép, đáp:
– Thưa bà, cần gì thì cũng mời bà chờ đến buổi hầu chiều. Bây giờ cụ xơi cơm. Xơi cơm xong, cụ giấc. Con không dám trình, sợ cụ quở con.
Vốn ỷ vào nhan sắc, quen được chiều chuộng, Ma-ri không chịu được lối cửa quyền. Hắn cau mặt:
– Giờ làm việc thì quan cụ đi đánh mạt chược. Giờ nghỉ thì quan cụ không tiếp khách. Tôi có thư cần đưa đến cụ, nếu anh không vào trình, lỡ hỏng việc của cụ, anh chịu lấy trách nhiệm.
Người hầu sợ quá:
– Thưa bà…
Anh ta đương định nói, bỗng có tiếng gọi, vội bỏ Ma-ri ở sân để chạy vào.
Một phút sau, anh ta ra:
– Thưa bà, mời bà vô.
Ma-ri theo người hầu, ngồi trong buồng khách.
Hẳn là Ngô Đình Diệm đương ăn cơm, Ma-ri nghe rõ thấy cả tiếng nó nhai tóp tép, và tiếng nó húp canh xụp xoạp. Ma-ri nghĩ:
“Quái, tưởng quan đại thần thì thanh nhã, ai ngờ ăn uống thô tục thế!”
Độ hai mươi phút sau, Ma-ri nghe có tiếng giày ra buồng khách. Hắn biết là Ngô Đình Diệm, nên hắn càng dùng cái quyền của nữ lưu phương Tây để đối đãi.
Khi Ngô Đình Diệm ra, Ma-ri thấy nó chỉ mặc cái áo dài trắng, mà không đội khăn, thì hắn nghĩ ngay cách đối phó với thằng vô lễ này. Ma-ri không đứng đậy. Hắn chỉ khẽ nghiêng đầu, và hai nhếch mép để chào bằng cái chào ngang. Ngô Đình Diệm không gật đầu chào lại.
Ma-ri lại trêu thêm. Hắn giơ tay ra bắt. Ngô Đình Diệm không dám từ chối. Ma-ri chỉ đưa bàn tay nắm lỏng lẻo lấy tay Ngô Đình Diệm thôi. Hắn cho như thế là đắc thắng.
Ngô Đình Diệm hỏi:
– Có việc chi?
Thấy câu hỏi trống không, Ma-ri không đáp, cúi xuống mở ví, lấy cái thư của cha Hảo, đưa cho Ngô Đình Diệm. Thằng này đọc, bỗng nhìn Ma-ri bằng con mắt hốt hoảng:
– Tôi xin lỗi bà lớn.
Nó vào nhà trong. Lúc nó ra, đầu nó đã chụp khăn, mình nó đã mặc thêm chiếc áo thâm. Thấy vậy, Ma-ri rất hởi dạ. Ngô Đình Diệm lễ phép hỏi:
– Thưa bà lớn, bà lớn mới vô?
Ma-ri lễ phép lại:
– Thưa, chúng tôi mới vào tối hôm qua. Cha bảo phải vào tận nơi để đưa cụ lớn bức thư.
– Dààà.
– Và để biết ý kiến của cụ lớn thế nào để tôi về trình cha.
– Dààà.
* * *
Ma-ri ở Huế, nửa tháng.
Hắn bảo Thừa là vì hắn mến cảnh, mến người.
Cảnh sông Hương núi Ngự có tiếng là đẹp, ai cũng phải mến đã đành. Nhưng còn mến người, thì Ma-ri không nói là hắn mến ai.
Bởi vì việc hắn đưa thư lão cha Hảo đến quan thượng thư bộ Lại, đã kết thúc ở tiếng dạạạ dài thứ hai của vị đại thần, Ma-ri có thể đứng dậy để rồi khởi bộ, rồi đợi tàu về Hà Nội.
Thế thì cái gì nó hấp dẫn Ma-ri ở lại đất đế đô những nửa tháng ròng?
Ma-ri không nói rõ, nên tác giả không biết để viết tỉ mỉ lại.
Ma-ri chỉ khoe là cụ thượng Lại tử tế lắm. Vì trọng cha, nên cụ quý cả người của cha. Cụ mời Ma-ri ở luôn trong bộ Lại, dành cho Ma-ri một buồng riêng, cho Ma-ri được thoải mái như ở gia đình. Cụ đưa Ma-ri đi xem lăng tẩm các vị đế vương, xin cho Ma-ri vào Nội, và hân hạnh nhất, là Ma-ri được vào chầu đức Từ Cung, và trông thấy cả ngài Ngự đánh quần. Ngô Đình Diệm có đưa cả Ma-ri đi chơi thuyền ở sông Hương, và dắt Ma-ri đến thăm mấy ông hoàng bà chúa. Hắn cũng có dịp gặp một vài cụ thượng khác.