Một tháng đầu, Thừa và Ma-ri không có ý phàn nàn với nhau về nhân viên. Chỉ có một điều đáng ngại, nhưng Thừa cho là thường, là dĩ nhiên. Tức là lỗ vốn. Số tiền chi về than, về dầu, về mỡ nói chung, ngày nào cũng đều như nhau. Nhưng số tiền thu vé vé người, vé cước, thì hôm nhiều, được lãi, hôm ít, lỗ vốn. Và trung bình, cả hai chiếc Đại Pháp và Bắc Kỳ, cái nọ bù cho cái kia, so thu so với số chi, thì có kém. Thừa bảo Ma-ri:
– Tàu mới, khách chưa quen. Rồi khách quen dần, mình sẽ có lãi. Nghề buôn bán, bao giờ cũng thế. Cho nên không nên lo, không nên nản lòng. Chỉ nên cố gắng.
Ma-ri bàn:
– Làm thế nào cướp được khách của ô-tô thì tốt. Có ô-tô, mỗi ngày mình thiệt đến hàng trăm người.
Thừa lắc đầu:
– Không cần. Ô-tô chỉ lấy được khách đi vội cho kịp xe lửa, và khách mang hành lý nhẹ nhàng, lại không tiếc tiền. Khách của ta là những người không cần đi nhanh, nên so kè từng hào từng xu, là những người có nhiều hàng, không cần kịp chuyến xe lửa. Ô-tô không cướp được khách của ta. Trái lại, trừ mấy ngày trong hội đền Kiếp, còn thì quanh năm, ta đã cướp dần gần hết khách của thuyền. Ta có cái may mắn là được độc quyền vận tải trên khúc sông từ Hải Dương đi Ninh Giang, từ Hải Dương đi Phả Lại, không phải chia mối lợi với hãng khác. Làm việc gì không có cạnh tranh thì óc được thư nhàn. Ta chỉ cần để ý đến nhân viên xem họ có thật thà hay không thôi.
Thừa tiếp:
– Cho nên không lo lỗ vốn, mà chỉ nên mừng rằng mình không bị ai ganh. Rồi cứ đà này, thì dần dần hòa vốn, và có lãi.
Bàn đến cách đối xử với nhân viên, Thừa nói:
– Mình ngọt ngào với họ là đúng, và kiểm soát kín đáo họ là tốt. Một đôi khi, tôi cũng nghi là có lần mại bản ăn bớt, nhưng nghi thôi. Tôi có hỏi khéo, thì anh ta trả lời cũng có lý. Ví dụ có lần chín mươi hai hành khách người lớn, mà anh ta chỉ nộp có chín mươi mốt suất rưỡi. Anh ta nói là một người nghèo không đủ tiền trả cả vé, chẳng lẽ người ấy đã trót xuống tàu, lại đuổi lên bộ hay sao. Tôi đã nhiều lần đi tàu thủy, nên cũng thấy có những người không đủ tiền lấy vé, mà cứ đi liều thật.
Ma-ri nói:
– Thôi, thiệt vài xu, nhiều lắm là một hào chứ mấy.
– Phải rồi. Nhưng mình cũng cho mại bản thấy là mình biết, thì nó mới sợ mình. Chứ mình cứ lờ mờ, lần này nó bịp được, thì lần sau nó lại bịp. Vả thế nào cũng có lần nó bịp mình món to. Nên biết rằng lòng tham thì ai cũng có. Mình suy như mình thì biết, huống hồ là người lương ít, mà lại nắm đồng tiền trong tay. Cho nên phải cho họ thấy là ta tinh, thì họ không dám ăn cắp, hoặc nếu có ăn cắp, cũng chỉ dám lấy những món lặt vặt.
Ma-ri gật gù:
– Làm nghề này dễ chịu hơn làm đồn điền. Làm chủ đồn điền thì của mình gửi trong tay người. Làm nghề này, thì của người, mình nắm trong tay. Tức là mình phát lương.
Thừa thêm:
– Của mình gửi trong tay người đã đành, nhưng cũng gửi cả vào thiên nhiên nữa. Nào hạn, nào lụt, nào bão, nào sâu. Cho nên chúng nó mới viện những lẽ thiên nhiên, viện những lẽ bóc lột sức lao động mà làm khó dễ cho mình. Đằng này mình dùng máy móc. Chẳng cộng sản nào tuyên truyền được máy móc nó phản mình. Còn một dúm người làm, thì ta phát lương cho họ. Họ tử tế thì ta dùng, họ dở giọng thì ta thải. Ba-toong, tài xế có nghề chuyên môn, khó thay, chứ mại bản bán vé ai làm chẳng được. Tôi, bà, thằng Pôn, thằng Giăng, con Rô-da-lin, con Ma-gơ-rít, nhà ta còn vô số người ngồi không đấy. Vả lại, người nhà còn đáng tin cậy bằng mấy người ngoài ấy chứ.
Ma-ri gật đầu:
– Cho nên, để lại đồn điền, tôi có tiếc gì đâu.
* * *
Ma-ri để lại đồn điền cho nhà Chung.
Việc này, ta đã nghe thấy một lần Thừa bàn với Ma-ri, và ta biết vì mục đích gì Thừa lại kén chọn người mua, là nhà Chung.
Ma-ri đến gặp lão cha Hảo.
Hắn nói liến thoắng trong mười phút liền.
Trước hết, hắn xin lỗi bề trên, là mấy năm nay, vì bận việc quá, hắn không đến thăm sức khỏe cha được. Nhưng không phải vì thế mà hắn quên ơn, quên tình của cha đối với hắn.
Ma-ri không ỡm ờ, không nhí nhảnh. Dáng điệu và giọng nói hắn rất lễ phép, khiến con dê già cũng phải nghiêm nghị mà nghe.
Ma-ri nói tin hai đứa bé đẻ sinh đôi ngày ấy, chỉ còn nuôi được một đứa, năm nay đã 15 tuổi, tên là Rô-da-lin.
Người bố thở dài khẽ.
Ma-ri tả mặt mũi, khổ người con Rô-da-lin, và khen là nó giống cha. Hắn nói về sự học hành và hạnh kiểm của con bé. Hắn không giấu là nó đã mất trinh, không giấu là nó vừa dốt vừa lười, và không giấu là bây giờ nó lớn phổng lên, cả ngày chỉ phấn sáp, mặc thật diện, để đứng cửa, hoặc đi rong phố.
Người bố lại thở dài khẽ.
Ma-ri nói đến việc hắn ăn ở với Thừa thế nào. Hắn cố tình tỏ cho lão cha đạo biết là hắn không yêu chồng bằng yêu bề trên.
Chẳng qua hắn ngoan đạo, thì phải tuân theo lời bề trên xếp đặt, chứ thực ra, hắn chỉ tha thiết về với bề trên thôi.
Người bề trên gật gù.
Ma-ri cho nhà tu hành biết những thủ đoạn làm giàu của Thừa, bây giờ hắn có vốn liếng ước chừng bao nhiêu. Hắn cũng báo cả việc Thừa xoay công danh thế nào, nhưng đến nay, tường nhà chỉ lòe loẹt những tưởng lục. Hắn kể ý của hắn là vì sao định dành đồn điền làm của hồi môn cho con Rô-da-lin, nhưng tình hình thóc lúa ở Cẩu Rồng khó khăn thế nào. Thừa muốn báo thù nông dân thế nào, mới xui hắn để lại đón điền cho cha, lấy tiền chung vốn buôn tàu thủy.
Kể một thôi một hồi xong, Ma-ri lấy mù-soa chấm mồ hôi trán, rồi nhếch mép, nói đùa một mình:
– Y như khai ở sở mật thám.
Người cha đạo vẫn nghiêm nét mặt, hất bộ râu xồm:
– Hết?
– Thưa cha vâng ạ.
– Nó định kinh doanh vận tải đường thủy?
– Vâng ạ.
Nhà tu hành gãi mép một lúc, rồi lên tiếng:
– Chỉ vì muốn cha trị bọn điền tốt bướng bỉnh mà nó bảo con để rẻ đồn điền cho nhà Chung, hay nó còn mục đích nữa, là muốn cầu cạnh cha chạy công danh cho nó?
Ma-ri nghĩ rồi phát vào đùi đánh đét:
– Ừ nhỉ, dễ thường cả hai đấy, ông ạ. Thằng cha ấy láu lắm.
Người cha đạo cau mặt:
– Thế nào? Con nhắc lại câu nói?
Ma-ri sực nghĩ ra, lễ phép thưa:
– Trình lạy cha, dễ thường nó nhằm cả hai mục đích đấy ạ. Chồng con tinh khôn lắm.
Nhà tu hành gật đầu:
– Để ruộng cho nhà Chung. Ý ấy rất hay. Đáng thưởng. Để rẻ ruộng cho nhà Chung. Việc làm này rất tốt. Nó xứng đáng được cha giúp về công danh.
Ma-ri nhìn người cha đạo:
– Nhưng đồn điền của con. Chính nhà Chung cướp cho con. Sao cha lại giúp nó?
Cha Hảo cau mặt:
– Con không được dùng tiếng cướp. Cha đã nhờ pháp luật lấy lại cho con, chứ cha đi ăn cướp của ai bao giờ? Còn như bây giờ cha mua lại của con, đã là giúp con rồi. Chồng con đáng thưởng, vì sáng kiến bán cho nhà Chung, lại bán rẻ, là sáng kiến hay, đáng thưởng. Vậy con về, gọi nó đến đây hầu cha. Con ủy quyền cho nó thương lượng giá cả với cha. Bởi vì nó hiểu việc, mà con thì chỉ tham tiền.
Ma-ri im lặng. Người cha đạo hỏi:
– Con không bằng lòng về lời cha vừa nói hẻ?
Ma-ri vẫn im lặng.
– Thế nào? Con nghĩ gì?
– Trình lạy cha, con đương nghĩ xem nên xin cha giúp chồng con cái gì?
Người cha đạo cũng ngẩn mặt ra nghĩ. Một lát hắn nói:
– Cha tìm ra cái thứ để thưởng nó rồi. Rất xứng đáng.
– Thưa cha, cái gì ạ?
– Cha không muốn giúp nó ra làm quan, dù biết nó sẽ là một tên khuyển mã tốt. Nhưng cha sợ khi được làm quan rồi, thì nó mãn nguyện, cha sai bảo không nổi nữa. Cha có thể xin cho nó cái hàn lâm. Nhưng nó đã trót được gọi là ông hàn rồi, chắc nó không thích nữa. Cha có thể xin cho nó Bội tinh của chính phủ Bảo hộ, nhưng cha xét nó chưa xứng đáng. Bởi vì đồn điền này là công của cha lấy cho con, thì nó chỉ xứng đáng được cái kim khánh, hoặc cái Long Bội tinh của chính phủ Nam triều thôi.
Ma-ri hỏi:
– Thưa cha sao lại thế ạ?
– Giá phải là đồn điền của nó bán rẻ cho nhà thờ, thì công thật là của nó. Nhưng thế này là nó ghé vào của con, thì nó chỉ xứng đáng được chính phủ Bảo hộ ghé vào chính phủ Nam triều mà thưởng nó thôi.
Ma-ri thở dài:
– Hoài của, giá chính phủ vẫn còn lệ ban mề-đay cho đàn bà, thì lần này, con quyết xin cha một chiếc.
Người cha đạo nhếch mép cười:
– Nhưng chẳng lẽ tự nhiên cha lại nói cho nó được thưởng. Phải chờ một ân điển của nhà vua, ví dụ thưởng cho những người có công chấn hưng thương nghiệp chẳng hạn.
Bỗng người cha đạo nghĩ ra:
– À, thế này. Con có biết tin quan công sứ Vĩnh Yên Mát-xi-li sắp về Pháp nghỉ giả hạn không?
– Thưa có.
– Rồi ngài lại sang, sẽ làm Đổng lý văn phòng phủ Thống sứ.
Ma-ri ngơ ngác nhắc lại:
– Đổng lý văn phòng?
– Tức là phó thống sứ đấy.
– À, à, to nhỉ.
– Vậy con bảo chồng con tậu ngay độ dăm mẫu ruộng ở phố huyện, để lập sân vận động. Bây giờ phong trào thể dục thể thao được khuyến khích, nghe chưa?
– Vô ích, cha ạ. Người quê, làm ựa cơm ra, việc gì còn phải vận động.
– Nhưng quan thống sứ thích thế.
– Thế ạ? Con thấy một vài nơi có sân vận động, chỉ tổ làm cho người ta lười biếng, tụ bạ nhau để đánh chửi nhau, chả thiết làm ăn gì. Sân vận động Kinh Môn ấy, cha ạ, khánh thành xong, thì để mặc cho cỏ mọc, chó ỉa. Thỉnh thoảng quan phủ bày trò ra thì phải sức cho cả hạt phải cờ quạt, và bắt bớ người đi xem, làm người ta mất công mất việc, đến nỗi người ta trốn như trốn giặc.
– Con không được nói thế. Cha bảo thì con cứ phải nghe và làm theo. Chồng con sẽ lập sân vận động, sẽ xin tên quan công sứ Mát-xi-li đặt cho sân vận động ấy. Nó có làm được thế không?
– Thưa cha, có gì mà chả được?
– Còn một việc nữa.
– Gì ạ?
– Muốn giữ tình thày trò với quan Mát-xi-li, nó sẽ đứng lên tổ chức tiệc trà tiễn ngài, khi ngài sắp lên đường về Pháp. Nó có làm được thế không?
– Thưa làm ở Cẩu Rồng ấy ạ?
– Sao lại Cẩu Rồng? Làm ở Cẩu Rồng thì ai đến được. Phải làm ở Vĩnh Yên. Phải mời nhiều quan chức ở Hà Nôi về dự. Tiệc trà phải được chụp nhiều ảnh, tường thuật lên các báo. Để quan công sứ giữ làm tài liệu. Như vậy, không ai tranh nổi ngài chức Đổng lý văn phòng nữa. Nghe chưa? Nó có làm được thế không?
– Trình lạy cha, con không dám trả lời hộ nó. Vì việc này tốn kém, không biết nó có chịu bỏ tiền ra không?
– Tốn kém mà nó phải chịu một mình à? Nó chỉ đứng lên cổ đông. Tiền đã có các quan đóng góp và bắt dân đóng góp. Quan nào dám từ chối đóng góp? Quan nào dám phản đối tiệc trà tiễn quan công sứ về Tây?