Xuy-dan sụt sịt:
– Ở đời này, thiếu gì đàn bà con gái chơi ngang, và thiếu gì thằng, thiếu gì con đáng khinh bỉ, đáng bị đối xử tàn nhẫn hơn đứa trẻ hoang vô tội, hở anh? Nên gọi chúng nó là con hoang mới đúng. Ấy là những kẻ hại dân, hại nước, phản thầy, phản bạn, không xứng đáng là con cháu Rồng Tiên.
Thừa run run, dập điếu thuốc lá chưa hút hết, để châm điếu mới.
– Em ở với mẹ em được ba năm, thì mẹ em chết. Chắc rằng những năm này, mẹ em bị khinh bỉ là gái đẻ hoang, ông bà ngoại em nuôi em. Nhưng em không được coi như cháu chính thức. Em sợ sệt cả nhà, không dám cười to, không dám nói to, không dám đi mạnh. Các cháu khác cần gì, thì các cậu, các dì giúp đỡ. Còn em thì toàn làm lấy. Thế mà không ngày nào em không phải đòn, phải chửi, phải nhiếc móc. Thành thử lúc nào em cũng len lét như chuột ngày. Những việc này, sau này người lớn kể lại, em mới biết. Đến năm em đủ tuổi đi học, ông ngoại em xin giấy khai sinh cho em. Vì con hoang không phải khai tên bố, cho nên trong giấy khai sinh của em, bỏ trống chỗ tên bố. Ông giáo nhận đơn, xem khai sinh, biết em là con hoang, thì không muốn cho em vào trường, ông em phải khấn hai đồng bạc, ông ấy mới cho em học lớp đồng ấu. Em được lên các lớp trên. Nhưng từ thầy giáo đến các bạn bè đều biết em là đứa con hoang. Các thầy luôn luôn dọa đuổi em. Các bạn không thèm chơi với em. Song, vì em chẳng có lỗi gì, nên em được học đến lớp sơ đẳng. Em đỗ sơ học yếu lược, cả phần chữ Pháp, nên được lên ngay lớp nhì năm thứ hai. Nhưng ông giáo lớp này ngại rằng có đứa con hoang lẫn vào trong lớp, thì xấu lớp, và hại học trò khác, ông định không nhận em. Ông em lại phải lễ ông ấy tiền. Học lớp nhì và lớp nhất em là hạng giỏi, nhưng không thầy giáo nào dám cho em điểm cao. Thành thử ở lớp nào em cũng xếp hạng vào gần bét. Em đỗ tiểu học Pháp Việt. Nhưng đến kỳ thi vào ban cao đẳng tiểu học, tất cả các bài em đều làm tốt, mà em vẫn bị đánh hỏng. Em hiểu là chỉ vì giấy khai sinh của em không có tên bố, cho nên trường nào cũng không muốn nhận một đứa con hoang, làm xấu trường, hại bạn.
Thừa rót một chén nước, đưa cho Xuy-dan nhấp giọng.
Xuy-dan uống một hụm, rồi tiếp:
– Lại còn tên của em nữa. Chẳng biết vì lẽ gì, bố mẹ anh đặt tên cho anh là An-be, chứ ông bà em có đặt cho em tên là Thúy-gian đâu. Ông bà em đặt tên là cái Thúy. Nhưng ở góc phố, có hai đứa trẻ tên là Thúy. Cho nên muốn phân biệt, người ta gọi cái Thúy kia là Thúy-ngay, còn em là con hoang, thì gọi là Thúy-gian. Hai tiếng Thúy-gian được gọi quen miệng, thành thử em mang tên kép, để suốt đời đeo bên mình tiếng chửi rủa thâm độc.
Thừa thở dài:
– Thế tại sao em bằng lòng làm nghề này?
– Có gì là lạ? An-na nó lấy số cho em rồi. Em không bằng lòng, thì nó đánh chết. Vả lại, em nghĩ như thế này. Vốn đời vẫn yên trí là đứa con hoang thì thế nào cũng giống mẹ về mặt hư đốn. Ngay cái năm em học lớp nhất, đã có vô số người theo em, định làm hại em. Cả một thầy giáo dạy em, đã có lần muốn lừa em. Nhưng lừa không nổi, thầy ấy tức em có nhiều con trai theo bám, mới xin đuổi em, lấy cớ là hạnh kiểm em xấu. Nhưng hạnh kiểm em không xấu, em vẫn được học và thi đỗ. Song, vì đời cố làm nhơ bẩn một đứa con hoang, nên sau hết, tuy em tránh nổi thủ đoạn của đời, nhưng em cũng bị nghi là đứa con gái mất trinh. Tiếng xấu xa đến tai ông bà em. Em bị trận đòn thừa sống thiếu chết, ông bà em đuổi em đi. Em nhục nhã, muốn tự tử. Nhưng em suy nghĩ kỹ. Em phải sống, để báo thù đời đã khinh bỉ, rẻ rúng, hất hủi, và vùi dập oan uổng một đứa con vô tội.
Thừa lắc đầu:
– Em nói là em báo thù đời, nhưng thực sự là em hủy hoại đời em đấy chứ?
– Phải, để em chết khổ chết sở thì đời mới hối hận là đã giết oan em.
Thừa mỉm cười:
– Chưa chắc đã hối hận. Vì đời là ai? Có phải là một người đâu?
– Đành vậy, nhưng sau khi em chết, nếu người ta kể chuyện lại đời em cho nhau nghe, thì hẳn người ta phải thấy là ác với đứa trẻ vô tội.
Thừa nói:
– Anh khuyên em đừng hủy hoại thân em. Em có thể làm nghề khác, nếu làm tốt, thì đời sẽ quý em như mọi người đáng quý khác. Em không muốn ở Hải Phòng để khỏi trở lại nhà chị An-na Phán nữa. Anh tán thành. Em là của anh, chứ không phải của chị An-na Phán. Chị An-na Phán đuổi em, em có quyền bỏ chị ấy, không cần nói với chị ấy. Anh sẽ bênh em. Nhưng dù sau này ở đâu, em cũng không nên bước vào nhà chị An-na Phán nào khác nữa.
– Thế thì lấy gì mà sống?
– Em đỗ tiểu học Pháp Việt, em có thể đi dạy học tư.
– Nhưng ai thèm mượn đứa con hoang dạy học, nhất là đứa con hoang ấy lại đã là gái giang hồ?
– Em không lo. Bây giờ em điều đình với bà chủ nhà này cho em ở trọ. Nếu bà không bằng lòng, thì em xin thuê lại một giường. Nếu cũng không được, thì em tìm chỗ khác mà thuê. Nếu em sợ không có tiền, thì anh giúp. Anh sẽ tìm việc cho em. Anh muốn kéo em ra khỏi hiện tại. Em nghĩ thế nào?
Xuy-dan vui sướng:
– Em không hiểu anh là gì mà tử tế, thương xót em như thế. Cha mẹ bạc bẽo, chả nói làm gì, đến ông bà ngoại em, các cậu, các dì em cũng không tử tế, thương xót em như anh. Vậy em là đứa con không bố, em nhận anh là bố. Tuổi em cũng chỉ bằng tuổi con anh thôi.
Thừa lắc đầu:
– Không. Ta nhận nhau là anh em thôi.
Xuy-dan cười rồi hỏi:
– Đã là anh em, chẳng lẽ em không biết đời anh hay sao? Vậy anh cho em biết đi.
Thừa lảng:
– Em có chồng sắp cưới nhỉ.
Xuy-dan gật:
– Phải. Thì em gặp anh. Thế là em ngoặt sang con đường khác.
Thừa thở dài:
– Tội anh to quá! Anh là đứa ác, vùi dập thêm đời em!
Xuy-dan mím miệng:
– Anh đừng nói thế. Vì anh chỉ là người vô tình mà làm nên tội ác. Thủ phạm chính, là cả xã hội. Thôi, anh nói đi, đời anh hẳn sướng lắm.
Thừa thở dài:
– Em chỉ nên biết anh từ ngày chúng ta gặp nhau thôi. Anh là người thương em. Và thương em mãi mãi.
Xuy-dan vờ vùng vằng:
– Không. Chẳng lẽ anh lại là một nhân vật trong tiểu thuyết thần thoại, trời sai xuống cứu em!
Thừa nghiêm nét mặt:
– Em chỉ nên biết là anh sắp làm chủ hãng tàu thủy chạy các đường ngắn, vì anh mới mua lại của hãng Phúc Lai Thành hai chiếc tàu cỡ nhỏ.
Xuy-dan mừng rỡ:
– Ừ, ít ra em cũng biết công việc của anh về tương lai. Thế còn hiện tại?
Thừa đùa:
– Hiện tại, anh là người của em, biết thương xót em.
– Quá khứ?
Thừa lắc đầu:
– Thôi.
Xuy-dan cũng nghiêm mặt:
– Thế là anh không muốn cho em nhận cái ơn của anh à?
Thừa thở dài:
– Nếu anh kể quá khứ của anh thì dài quá. Nhưng nói ngắn lại, Xuy-dan ạ, anh là người làm hại đời, tạo nên những người thù ghét đời như em. Có lẽ vì thế nên trời dun dủi cho anh gặp em để hại em, nhưng cũng để anh ở lại với em mà chuộc tội.
Xuy-dan cười:
– Thật là khó hiểu.
Thừa đáp:
– Không khó hiểu. Em ở với anh lâu, sẽ hiểu anh thôi.
§9. Những ngày đầu trong cuộc kinh doanh
Hai chiếc tàu về tay chủ mới, đều được thay tên mới. Chiếc to hơn và khỏe hơn, sơn màu trắng, thì lấy tên là Đại Pháp, đề chữ tây là La France. Chiếc nhỏ hơn và yếu hơn, sơn màu vàng, thì lấy tên là Bắc Kỳ, đề chữ tây là Le Tonkin. Thừa rất tự hào về sáng kiến đầy ý nghĩa này.
Vì tàu nhỏ, nên chạy chừng quãng ngắn. Bến chính là Hải Dương. Chiếc Đại Pháp đi Ninh Giang. Vì Ninh Giang to như một tỉnh, nên vẫn được gọi là tỉnh Ninh Giang. Ở đây, hành khách nhiều, gạo được tải đi các nơi cũng nhiều. Lại có đền Tranh, linh thiêng có tiếng. Đến ngày hội, khách thập phương về lễ rất đông. Chiếc Bắc Kỳ đi Phả Lại. Trong tỉnh Hải Dương, nơi buôn bán sầm uất sau Ninh Giang, là Phả Lại, Phả Lại gần đền Kiếp Bạc. Mọi năm đến kỳ hội, hôm nào cũng hai ba chiếc tàu chở con công đệ tử đến đền đức thánh Trần không xuể. Còn khối người phải đi bộ.
Chiếc Đại Pháp và chiếc Bắc Kỳ cứ sáng đi, chiều lại về. Đêm ngủ ở Hải Dương.
Thừa giữ lại để dùng tất cả những nhân viên cũ. Vì họ đã quen việc. Họ cũng không bị giảm lương. Điều này là điều đặc biệt. Xưa nay, mỗi lần tàu thay thầy đổi chủ, thì bao giờ nhân viên cũng bị sụt lương mấy tháng đầu. Rồi sau, có tăng thì mới tăng. Ông chủ lấy lý do là phải thử thách xem người làm có xứng đáng với tiền họ được thưởng hay không. Thử thách xem tàu chạy đường mới, khách vắng, đông, chủ lỗ lãi thế nào.
Ai cũng khen ông An-be là quân tử, là không tẹp nhẹp. Họ vui lòng nhất về cách ông gọi họ không có vẻ gì là khinh người. Ba-toong, mại bản, ông gọi là ông. Tài xế, nhì-xế, ông gọi là bác. Mạch-nô, ông gọi là anh. Ông Bưởi, ông Thu, lúc ngọt ngào cũng gọi thế, nhưng lúc nóng giận thì chẳng phân biệt ai với ai. Các ông ấy mày tao tuốt. Còn ông Phúc Lai Thành thì bất kỳ to nhỏ, già trẻ, cũ mới, ai cũng bị gọi là nị.
Mỗi buổi tối tàu về bến chính, Thừa và Ma-ri đều đứng ở trên bờ để nhìn. Bề ngoài, hai người làm như chủ mới thì lấy việc ngắm nghía chiếc tàu mới sơn, ngắm nghía hành khách tấp nập lên bờ, làm một sự thích thú, sự tiêu khiển. Nhưng bề trong, là để kiểm soát ngầm xem mại bản có thật thà không. Ma-ri đếm tổng số hành khách, Thừa đếm số trẻ con xem bao nhiêu đứa không phải lấy vé, phải lấy nửa vé, hoặc nặng nề, đáng lẽ phải đánh cước, là bao nhiêu. Khi Thừa vào quầy xem số hàng gửi lại, rồi đến buồng mại bản để tính sổ. Xem vé người, vé cước hành lý và hàng gửi là bao nhiêu, để nhận tiền. Còn Ma-ri làm như tò mò. Hắn vào buồng máy, hắn ngó thành tàu, hoặc đi tung tăng ở trên boong. Hắn để ý xem, than, dầu mỡ, tốn hơn hôm trước hay không bằng. Hắn vào buồng máy xem máy móc có giữ sạch sẽ không, có y như hôm trước không, hay tài xế, nhì-xế muốn phản chủ, đánh hỏng đi, để chủ phải thiệt hại, để nếu phải chữa lâu, thì họ được nghỉ việc. Hắn ngó thành tàu xem có chỗ nào sứt lở, thì biết là ba-toong đã không lái cẩn thận, cho tàu va chạm vào vật gì. Và trong khi hắn đi tung tăng khắp từ đằng mũi đến đằng lái, là để thúc ngầm mạch-nô phải quét tước, lau rửa mọi chỗ cho sạch sẽ.