Thừa thức đêm đầu, rất khỏe khoắn, tỉnh táo. Đêm thứ hai, còn khỏe khoắn, tỉnh táo. Nhưng đến đêm thứ ba, hắn bắt đầu mệt nhọc, hơi sốt ruột, chán nản. Hắn lại nghĩ về hai người mà hắn đương rình. Nghĩ đến anh Lâm, hắn nhớ đến chị anh, một người dịu dàng, trung hậu, yêu chiều hắn. Cô Lễ đã chết vì tay hắn, vì hắn không lấy nổi cái nhà. Hắn được trở nên giàu có thế này, chính là do nhờ cô. Hắn lại đổ cho cô tiếng xấu để được trắng cái án giết người. Nhớ lại những việc ấy, hắn thở dài. Hắn thương người chết oan. Hắn thương người bị đổ tội oan để cho hắn thành vô tội. Bây giờ hắn lại đương mưu toan hại nốt em cô. Em cô là người làm việc nước, việc xã hội, chứ không làm việc riêng, không làm điều gì xấu. Có nên nhẫn tâm mà xử một người có đầu óc hay không? Thừa lại thở dài. Nghĩ đến anh Xi, Thừa nhớ những ngày cũ. Anh Xi là người làng là bạn của hắn từ thuở hai người còn để chỏm chòe trên đầu. Lớn lên, vì nghèo khổ, hai người phải kiếm những việc vất vả để mưu sống. Hắn nhớ như in cái hôm hắn đói, lang thang ở các phố, rồi gặp anh Xi kéo xe ở Bờ hồ, trước của hiệu Gô-đa. Hôm ấy, có hai hào trong túi, anh giúp cả cho hắn hai hào. Rồi cái lần hắn trốn Múi, anh chứa hắn ở nhà, không cần đắn đo là làm như thế, anh có gặp nguy hiểm gì không. Những ngày đầu tiên lập nghiệp, nhiều khó khăn, chỉ có anh giúp hắn một cách tận tâm, chẳng nề hà là kéo xe hầu bạn. Tình nghĩa anh Xi đối với hắn thật là nặng. Thế mà hắn đương rình bắt anh cho sở mật thám làm tội. Có nên đang tay không?
Thừa lại thở dài nữa. Hắn tưởng tượng đến nét mặt tuyệt vọng của anh Lâm và anh Xi khi hai người bị mật thám khóa tay. Hắn hình dung ra thân thể đầy máu me của hai anh, khi bị thằng Pha-lăng-xô tra tấn. Điểm lương tâm trỗi dậy. Thừa muốn chùn tay.
Nhưng Thừa như nhìn thấy thằng mật thám tây lai nó vỗ vai, và hứa hẹn hai tiếng trọng thưởng. Không lẽ lại bỏ lỡ một dịp tốt hiếm có này? Bao nhiêu lâu nay, hắn đã chịu thiệt khá nhiêu công của, vì một mục đích là lo chạy công danh. Việc thành công lần này sẽ bồi đắp thêm vào những thành tích cũ của hắn. Vậy có nên vì chút tình nghĩa riêng mà nhụt chí tiến thủ hay không? Thừa cương quyết rằng không. Dại gì mà để lương tâm nó ngăn cản bước đường công danh của hắn.
Thừa lại pha cà-phê, hãm cho thật đặc, rồi mới nhắp từng hụm nhỏ.
Song, hắn vấn không thấy khỏe khoắn, tỉnh táo như đêm đầu. Chờ đến bao giờ? Phải thức mấy đêm nữa? Thức lâu mới biết đêm dài. Thức một mình mới thấy sốt ruột mong sáng.
Sực hắn nghĩ ra một ý. Hắn nhớ lại lời thằng Pha-lăng-xô đoán về anh Xi. Sở dĩ anh Xi biết đối phó với các việc khó khăn, là vì mỗi lần có gì mắc míu, anh đã tìm gặp anh Lâm, hai người bàn bạc với nhau cách giải quyết. Vậy nếu bình thường, thì anh Xi không cần gặp anh Lâm. Không cần gặp anh Lâm, thì anh Xi không cần đi đâu. Anh không đi đâu, thì hắn còn phải rình mãi. Chi bằng, muốn mau mau cho anh Xi cần gặp anh Lâm, hắn phải tạo ra cho anh một việc không bình thường. Như vậy, hắn không phải rình lâu, không phải thức mãi chưa biết đến bao giờ, không phải mệt nhọc chán nản.
Rắp tâm như vậy, hôm sau, Thừa gọi anh Xi lên nhà trên. Hắn thân mật hỏi chuyện:
– Chú có biết ở bên Cẩu Rồng giáo, người ta làm thế nào mà điền tốt không xin giảm thóc không?
Anh Xi cười:
– Tại người ta lấy đạo để dụ. Dân bên ấy vốn tin cha cố. Cha cố lòe là không nộp đủ thóc thì Chúa đói. Vì thế, con chiên không xin giảm.
Thừa cũng cười:
– À, khôn nhỉ. Nhưng điền tốt có vui lòng nộp đủ thóc như thường lệ không?
– Cha đã nói, con chẳng vui lòng, cũng cố mà vui lòng.
– Thế làm cách gì họ kiếm ra đủ thóc để nộp?
– Thôi thì bán nhà bán cửa, bán đồ bán đạc, bán xống bán áo, bán con bán cái đi, chứ còn làm cách nào? Không còn gì nữa, thì bán nốt cả mình thay trâu ngựa để làm giàu cho nhà thờ chứ gì!
– Kể ra, điền tốt bên Cẩu Rồng lương mình còn dễ chịu hơn điền tốt bên Cẩu Rồng giáo nhỉ.
Anh Xi lắc đầu:
– Bác không làm ruộng, bác không biết, nên tưởng họ dễ chịu đấy thôi.
– Không, tôi nói là dễ chịu hơn bên giáo kia mà.
Anh Xi im. Thừa làm ra vẻ băn khoăn một lát, rồi nói:
– Tôi có việc này bàn với chú nhé. Không phải vì tôi muốn xử ác với điền tốt bên Cẩu Rồng lương mình đâu, nhưng nếu tôi không làm, thì chính tôi bị hại. Chú ạ, tôi không muốn giữ đồn điền để làm nữa. Thóc thu mỗi ngày một khó khăn, không những vì họa thiên tai mà còn vì cái họa cộng sản nữa. Cho nên tôi định để lại đồn điền cho nhà thờ. Tôi về Hà Nội, kiếm việc khác để kinh doanh. Nhưng nói trước với chú, là anh em mình chúng ta không bỏ nhau. Tôi làm gì, ở đâu, thì chú cũng ở đó, để giúp tôi, như ngày trước và như bây giờ. Chú nghĩ thế nào?
Anh Xi đáp:
– Việc giữ lại, hay để lại đồn điền là tùy hai bác quyết định. Tôi chỉ phiền một nỗi rằng từ ngày giúp hai bác làm quản lý, tôi chưa làm lợi gì cho hai bác. Chắc hai bác cũng chẳng trách tôi, vì trước sau, tôi cũng nói là tôi không biết làm quản lý, nể hai bác thì tôi nhận lời cho hai bác vui lòng thôi. Còn như nếu nay mai hai bác về Hà Nội, làm việc khác, hai bác nghĩ tình cũ, bảo tôi đi theo, tôi chỉ ngại là việc lạ, không biết làm, thì tôi lại phiền hai bác lần nữa thôi.
– Chú nghĩ kỹ đi. Tôi chỉ muốn chú hiểu bụng cho tôi là tôi không bỏ chú đâu.
– Vâng, bác cho tôi nghĩ kỹ.
Thừa lôi được anh Xi vào bẫy, bắt anh nghĩ kỹ, là bắt anh phải tìm anh Lâm, để bàn bạc xem anh nên theo hắn để ngăn chặn hắn đừng làm hại người nghèo khác, hay nên ở lại để tiếp tục tuyên truyền nông dân ở đây chống lại chủ mới.
Quả nhiên, anh Xi trúng kế. Đến mười một giờ khuya, khi cả nhà ngủ yên tĩnh, anh Xi mở cửa buồng, đi ra phía sau, chui qua hàng rào, ra ngoài.
Thừa đã trông thấy rõ mồn một.
Hắn không đánh thức hai thằng mật thám đóng vai bạn hắn, nằm meo ở nhà hắn mấy hôm nay. Hắn đi một mình lẻn theo anh Xi.
Trời sáng trăng vằng vặc. Anh Xi mặc quần áo nâu, nên dù anh đi xa, Thừa vẫn nhìn thấy hút. Hắn rảo cẳng, mắt chăm chắm vào cái màu quần áo nâu của anh.
Thì ra anh đến nhà cũ của anh. Cái nhà này trước kia có một gian và hai chái. Vì anh không ở, cho nên đổ gian giữa và một chái. Anh Xi chui vào cái chái không đổ.
Thật không ai ngờ trong cái túp bẹp này, lại có người vẫn ở. Một lần thấy nhà anh Xi đổ, Thừa có khuyên anh nên bán tre lá cho người khác, kẻo nó nát ra thì phí. Anh Xi chỉ ừ ào, nhưng không làm. Thế thì tự nhiên nhà này vì không có người ở mà đổ thật, hay chính anh Xi đánh bẹp nó xuống, cốt giữ lại một chái để dùng, cho khỏi bị ngờ?
Thừa đứng rúc vào một bụi rậm. Hắn chắc rằng người ở trong chái nhà này, người mà anh Xi cần gặp ấy, không phải ai khác anh Lâm đâu. Hắn càng cho việc hắn không đánh thức hai người khách để họ cùng đi là đúng. Bởi vì nếu bây giờ ba người xông vào ngay để bắt, ngộ chỉ thấy có một mình anh Xi đương làm việc gì ấy, thì sao? Công hắn giương bẫy sẽ bị lộ, không bao giờ hắn tìm ra anh Lâm nữa. Vả lại, ừ thì anh Xi vào đó với một người, nhưng nếu là anh đi trai gái, như xừ Tuynh chẳng hạn, thì chẳng lẽ hắn chữa thẹn bằng cách đi đánh ghen hộ chị Xi hay sao? Mà dù nếu trong ấy có một người đàn ông đi nữa, nhưng lại không phải là anh Lâm, thì sao? Đi săn cáo lại chịu bắt mèo à? Dù người này tránh đằng trời cũng không khỏi là cộng sản, nhưng biết có nguy hiểm như anh Lâm hay không? Định câu cá sộp, lại vớ phải con săn sắt, có bõ công không?
Cho nên phải kiên tâm chút nữa mà điều tra cho đích xác. Kiến trong miệng chén có bò đi đâu?
Thừa cứ nấp trong bụi để chờ.
Chừng quãng gần ba giờ sáng, thì anh Xi ra về. Thừa chỉ nhìn thấy một mình anh thôi. Hắn không theo về. Hắn phải ở lại, để chờ cho biết có còn ai ở trong túp ấy hay không. Nếu có, người ấy là ai.
Trăng lặn. Sao rụng dần. Sương làm ướt lưng áo hắn. Nhưng trời phía đông, đã hơi rạng.
Bỗng Thừa nín thở. Hắn thấy tiếng động ở phía nhà anh Xi. Một người ở trong đó chui ra.
Hắn tỉnh táo, khỏe mạnh hẳn lên. Hắn hồi hộp, cố giương to mắt, để nhìn cho kỹ.
Người ấy đúng là em trai cô Lễ. Rõ quá rồi. Cậu Nghĩa đi vội vàng về phía Cẩu Rồng giáo. Thừa mừng lắm. Sào huyệt của người cộng sản nguy hiểm là đây chứ là đâu!
* * *
Thừa bàn việc bắt anh Lâm với hai thằng mật thám ở nhà hắn. Một thằng đánh điện mật cho thằng Pha-lăng-xô đến mười hai giờ đêm hôm ấy, chờ Thừa ở đầu phố Huyện. Một thằng đứng rình ở nhà Xi, chờ anh Lâm để theo dõi.
Thừa định vào khoảng hai giờ sáng thì ập vào bắt anh Lâm, rồi hãy trở về bắt anh Xi. Anh này tóm lúc nào nên lúc bấy giờ, còn anh Lâm thì phải chộp giữa lúc anh đương ngủ say.
Thừa sốt ruột vì thì giờ đi chậm quá. Mấy đêm nọ phải thức, hắn thấy đã dài, nhưng chưa dài bằng ngày hôm nay. Bao giờ cho đến chiều? Bao giờ cho đến tối? Bao giờ cho đến nửa đêm? Bao giờ cho đến hai giờ sáng?
Để hắn thấy kết quả việc của hắn là trừ được hai tay phiến loạn. Để hắn thấy kết quả của việc hắn làm là thằng Pha-lăng-xô bảo cho biết sẽ trọng thưởng thế nào.
Tự nhiên, trong người hắn phơi phới. Hắn tươi cười, hay nói đùa bỡn. Đến bữa cơm, hắn ăn thêm được một bát nữa. Nhưng buổi trưa, đi nằm, hắn không sao ngủ được, óc lúc nào cũng tỉnh táo. Luôn luôn, hắn nhìn đồng hồ, lại nhìn mặt trời.
Nhưng trời vốn vô tư. Cho nên rồi mười hai giờ đêm cũng đến cho hắn.
Thừa gặp thằng Pha-lăng-xô. Nó về với bốn thằng lâu la mới.
Cả bảy đứa đều ăn mặc quần áo nâu cho khác dạng, đi đất cho êm, và đội nón lá cho khỏi lộ mặt. Chúng đi đứa nọ sau đứa kia vài chục thước. Và muốn không ai ngờ, thằng đi trên đường cái, thằng đi trên bờ ruộng cách xa.
Gần đến nhà anh Lâm ở, Thừa lần vào bụi rậm hôm trước để lánh mặt. Năm thằng mật thám chia nhau vây quanh lều. Chỉ thằng Pha-lăng-xô với một thằng tay sai nữa xông vào trong thôi.
Nấp ở chỗ kín một mình, Thừa hồi hộp. Trăng vẫn vằng vặc như hôm trước. Hắn trông rõ lắm.