Hai Điều nghe câu được câu chăng việc quan ông quan bà định hiến thóc. Hắn bép xép với anh Xi. Anh Xi nhìn rõ ngay thấy cái chân tướng của việc gọi là hiến này, nó chỉ là âm mưu thâm độc giết người của thằng gian ngoan. Anh nói với lão già:
– Nhà nước chả nhận đâu.
– Vì sao?
– Vì nhà nước khôn chán. Tôi chỉ sợ các quan hiểu lầm là hai bác hàn nhà mình sai nhà nước gặt hộ, thì phụ lòng tốt của hai bác thôi. Cụ phải can đi mới được.
Hai Điều cho là anh Xi có ý phản đối. Nó hớt lẻo với Thừa và Ma-ri.
Thừa gọi anh Xi lên. Hắn hỏi:
– Tôi nghe ông quản nói chú bảo việc tôi hiến thóc cho nhà nước là sai nhà nước gặt hộ à?
Anh Xi đáp:
– Vâng. Tôi sợ nếu các quan trên hiểu lầm là bác sai nhà nước gặt hộ, vì bác không gặt nổi, thì các ngài không nhận, còn nghi ngờ bụng tốt của hai bác.
Ma-ri thấy anh Xi tinh ý thì nhìn Thừa. Nhưng Thừa thản nhiên, cố làm như chưa hiểu. Tuy hắn đã nghe rõ câu anh vừa nói, nhưng vặn lại để dò anh:
– Sao chú lại nghĩ lẩn thẩn rằng thế là tôi sai nhà nước nhỉ?
Anh Xi mỉm cười lắc đầu:
– Không phải tôi nghĩ, mà tôi sợ nhà nước nghĩ thế. Là vì nếu gọi là hiến, thì nhà mình gặt lấy, rồi mới hiến chứ?
Ma-ri cãi:
– Nhà mình là nhà ai? Hãy hỏi tôi, nhà tôi hay chú?
Hắn đay:
– Mà chú thì lúc nào cũng nhắc đi nhắc lại là không quen việc quản lý. Vậy hãy hỏi cả ba người có thu nổi của chúng nó hột thóc nào không? Phi nhà nước, thì vụ này đố ai lấy thóc của chúng nó được!
Anh Xi nói như giao hẹn:
– Đấy, rõ ràng là hai bác sai nhà nước chứ còn thế nào nữa. Nhà nước tinh khôn, chứ không dại đâu. Cho nên tôi chắc nhà nước không nhận. Không khéo hai bác còn bị các quan quở nữa đấy.
Ma-ri tức:
– Lại đến cái nước ấy nữa. Đã được thóc hiến, lại còn quở. Quở cái gì?
Anh Xi dọa già:
– Đấy, hai bác không nghe tôi, cứ thử làm mà xem. Chẳng lẽ tôi biết lại không can hai bác.
Thừa thở dài, ôn tồn hỏi:
– Thế theo ý chú, thì nên như thế nào?
– Một là mình gặt, rồi hiến thóc, thế mới là hảo. Hai là đừng giở dói hiến với cúng làm gì.
Thừa nhìn chằm chặp vào anh Xi.
– Rầy rà quá! Tiên sư những thằng cộng sản. Chúng nó gây khó khăn cho mình!
Muốn quật lại Thừa, anh Xi gật đầu:
– Vâng, đúng là những thằng cộng sản gây khó khăn. Đồ cộng tiền, cộng của, cộng vợ, cộng chồng!
Quả nhiên Thừa tím mặt lại. Nhưng Ma-ri không hiểu là hắn bị đau. Hắn nói:
– Quân tam vô ấy chỉ đáng chết chém hết!
Anh Xi vờ ngớ ngẩn:
– Thưa tam vô là thế nào ạ?
– Là vô tổ quốc, vô gia đình, vô tôn giáo.
Anh Xi làm như biểu đồng tình:
– Vâng, những quân phản lại tổ quốc, bỏ cha mẹ vợ con, chẳng theo hẳn đạo nào, thật đáng chết chém hết!
Thừa nói lảng:
– Thôi về việc tôi hiến thóc, chú nói thế nào thì tôi biết thế. Để tôi suy nghĩ kỹ.
Ma-ri hằn học:
– Nhưng tức lắm kia. Có chú biết đấy. Hôm chúng nó vào xin giảm thóc, tôi bảo không nộp đủ thì tôi đòi lại ruộng, chúng nó còn bướng, dọa lại rằng hễ tôi đòi một đứa thì chúng nó trả hết ruộng.
Thừa nói:
– Chúng tôi chỉ có một lỗi là hay thương người, không nỡ làm hại ai. Nhà tôi hiền lành, chứ nếu hôm ấy tôi có nhà, tôi quyết giữ lại vài thằng. Tôi dỗ dành hoặc làm như kiểu mật thám, hỏi xem đứa nào xui, thì chúng nó phun ra hết.
Ma-ri gật đầu:
– Phải, xưa nay người mình có tiếng là tốt, nước mình có tiếng là trật tự, trên ra trên, dưới ra dưới, người trên bảo gì một câu, người dưới nghe răm rắp ngay, có bao giờ dám hỗn láo như thời buổi khốn nạn này đâu.
Anh Xi cười lạt:
– Chà phải ai xui đâu, bác ạ. Hễ đói thì đầu gối phải bò, bò đến nhà chủ mà xin giảm thóc. May là tôi làm quản lý, chứ nếu phải nộp thóc, tôi cũng xin.
Anh nhắc lại chuyện cũ:
– Bác có nhớ ngày xưa, làng ta bị lụt ba năm liền các cụ nhà mình bảo nhau làm đơn xin giảm thuế không? Thế thì cộng sản nào đã có mà xui?
Thừa biết là anh Xi muốn chặn họng mình, hắn nói:
– Nhưng bây giờ thì thế nào chẳng có kẻ xui. Không có cộng sản, sao tất cả ngần ấy đứa lại đồng lòng nhau kéo đến đây, dám ăn nói bướng bỉnh thế?
Thừa nhìn mặt anh Xi. Nhưng anh Xi vẫn thản nhiên như thường:
– Chả lẽ cứ làm điều gì phải, nói câu gì đúng, cũng là cộng sản à? Thế ra hai bác cũng cho cộng sản là phải, là đúng à?
Thừa cứng lưỡi, không trả lời được.
* * *
Mười lăm hôm sau, là ngày hẹn, Thừa đi Hà Nội để báo cáo về anh Xi cho thằng Pha-lăng-xô nghe. Theo lời dặn của thằng mật thám, Thừa phải khai đúng, không thêm không bớt:
– Sự thật thì tôi không thấy nó nói hoặc làm gì khác, đáng chú ý cả.
– Nhưng chẳng lẽ nó không nói gì, không làm gì. Ông kể lại một vài câu, một vài việc của nó cho tôi nghe.
Thừa nói cho thằng Tây lai biết là thỉnh thoảng anh Xi đến các nhà điền tốt, như xừ Tuynh ngày trước vẫn đi. Hắn có hỏi dò một vài nhà xem anh nói chuyện gì, thì họ bảo chỉ là hỏi thăm công việc làm ăn, lúa má thôi. Hắn cũng nhắc lại ý anh Xi về việc hắn định hiến thóc.
Thăng Pha-lăng-xô nói:
– Nếu ông không thấy ở nó cái gì khác, một là vì nó rất kín đáo, hai là vì ông không có cái mắt và cái tai của chúng tôi. Cho nên ông thấy gì cũng là thường. Thằng quản lý trước đến nhà nông dân có mục đích khác, nhưng nó đến lại có mục đích khác. Những người mà nó đến nhà, có lẽ cũng là tụi nó, cho nên họ giấu ông. Vả lại chỉ hỏi thăm công việc làm ăn, lúa má thôi, không lo sửa soạn cái ngòi cho lần sau nó nói chuyện khác quan trọng hơn à? Nhưng tư tưởng nó rõ rệt nhất là ở cái việc nó ngăn ông đừng hiến thóc. Kể ra nó nói đúng. May cho ông, là ông chưa hiến. Chứ không, nhà nước nào ngờ nghệch nhận làm đầy tớ không công cho ông? Ông mà hở ra mánh khoé ấy, thì bao nhiêu việc nghĩa trước của ông làm, đều bị nghi là thủ đoạn hết. Nhưng về phần nó, nó đã tìm được một lý lẽ khá cứng, một lý lẽ tuy bề ngoài là cứu ông khỏi bị mang tiếng, nhưng bề trong chính là để cứu bọn nông dân của nó khỏi bị mất hết thóc, ông đã hiểu chưa?
Thừa gật đầu:
– Đã.
– Thế thì phải đặt vấn đề như thế này: Tại sao thằng Xi vốn hiền lành, thật thà, mà bây giờ, đến mỗi việc, nó đều biết đối phó một cách xa xôi nhưng sâu sắc, biết ăn nói cứng cỏi và đối đáp trôi chảy những câu hỏi khó, nhưng không phải suy nghĩ lâu? Một mình thằng quê kệch ấy không làm nổi. Tất gặp phải việc khó, nó phải bàn bạc với một đứa nào thông thạo, có nhiều kinh nghiêm đấu tranh, theo tôi, không ngoài thằng Nghĩa đâu, ông ạ. Vậy là luôn luôn thằng Xi gặp thằng Nghĩa mà ông không biết.
Thừa gật đầu:
– Ông thật là anh minh.
Rồi hắn sực nhớ:
– Đúng nó là cộng sản.
Pha-lăng-xô hất hàm. Thừa nói:
– Bởi vì nó cứ chối hộ cho cộng sản, và chửi xỏ những người không là cộng sản.
Hắn nhắc những lời anh Xi nói rằng không có cộng sản nào xui nông dân.
Thằng Tây lai ghi vào sổ. Bỗng nó nhún vai:
– Phải là thằng Nghĩa mới có luận điệu ấy. Nhưng ông ạ, thằng Nghĩa như con ma, lúc hiện, lúc biến, không thể theo dõi nó được. Chính sở mật thám, đến nay, biết là nó luẩn quẩn ở Vĩnh Yên, mà vẫn chưa tìm thấy nó. Bây giờ nghe ông nói, tôi biết đích là không phải nó ở thị xã, chính nó lẩn lút ngay trong đồn điền ông thôi. Vậy tôi nhờ ông tìm nó hộ tôi. Nó ở đâu, ông báo ngay cho tôi biết.
Thừa nghĩ ngợi, rồi nói:
– Nhưng nó hiện, nó biến bất thần, nếu tôi tìm được tung tích nó, mà đến báo được ông, thì nó không còn ở đấy nữa.
Pha-lăng-xô gãi mép:
– Ừ nhỉ, khó thật.
Rồi nó hất hàm, hỏi:
– Ông có thể giúp tôi điều này không?
– Xin ông cứ bảo.
– Tôi nhờ ông chứa hộ tôi hai thằng mật thám An Nam ở trong nhà. Chúng nó ở gần ông, thì khi ông tìm thấy thằng Nghĩa, ông giao cho chúng nó theo sát.
Thừa cười:
– Việc ấy, có gì là khó?
Pha-lăng-xô trợn mắt, thì thầm như sợ tiếng nói của nó lọt ra ngoài:
– Khó đấy. Vì còn thằng Xi. Thằng Xi biết thì hỏng việc.
Thừa gật đầu:
– Tôi có cách.
– Cách thế nào?
– Buồng quản lý ở dãy lẫm thóc, khuất với nhà trên, chỗ tôi ở. Thằng Xi lại ít lên nhà trên. Cho nên, nếu hai người mật thám ở với tôi, thì thằng Xi không thể biết được. Chỉ cần họ đến kín đáo thôi. Thế thì chờ đêm khuya, cả nhà ngủ, tôi hãy đưa họ vào. Họ phải ở luôn trong nhà, đừng ra ngoài. Hay còn một cách nữa, là họ cứ đàng hoàng với tôi về đồn điền. Tôi nhận là bạn bè về chơi.
– Nhưng họ có thể ở lâu, bao giờ tìm được thằng Nghĩa mới đi. Thì nói là về chơi không ổn.
– Ông tin ở tôi. Tùy cơ ứng biến. Tôi cam đoan là giấu người của ông thật kín đáo.
– Nhất là đừng cho thằng Xi biết mặt. Mật thám mà cho cách mạng biết, thì không còn gì là mật nữa.
– Vâng. Tôi xin hết lòng.
Thằng Pha-lăng-xô vỗ vai Thừa:
– Ông làm nổi việc này, thế nào cũng được trọng thưởng đấy nhé.
* * *
Vì lập tâm bắt anh Lâm và anh Xi để được trọng thưởng, Thừa không quản công. Hắn cho là nếu anh Xi gặp anh Lâm, thì tất chỉ vào buổi tối, hoặc đêm khuya thôi. Hắn phải rình. Muốn đứng trong buồng ngủ mà cũng nhìn thông thống đến cửa buồng anh Xi, hắn bắt dỡ một gian bếp, cho khỏi khuất mắt. Để thức ban đêm, thì ban ngày hắn ngủ. Và đến tối, hắn uống chè tàu hoặc cà-phê pha thật đặc.
Nhiều lúc đêm tĩnh, ngồi một mình sau hai cánh cửa chớp khép hờ, hắn có nghĩ về hai người mà hắn đương rình.
Anh Lâm và anh Xi đều làm những việc mà nhà nước không dung thứ. Hắn trừ họ là đền được nợ nước. Anh Lâm và anh Xi lại xui nông dân đấu tranh với điền chủ. Tức là làm hại hắn. Đối với riêng hắn, hai người đều có tư hiềm. Anh Lâm nuôi mối thù sâu, có thể phạm đến tính mạng hắn để giải oan cho người chị ruột. Hắn trừ được hai người, nhất là anh Lâm, là rũ sạch được thù nhà.
Ý nghĩ trọn vẹn được nợ nước thù nhà khuyến khích Thừa thêm phấn khởi, hăm hở.