Anh sắp giáp mặt nó rồi. Anh lờ như không nhìn thấy có được không? Không. Vô lý lắm. Gặp một người lù lù ngay ở trước mặt mà không nhìn, là vì không dám nhìn. Không dám nhìn, vì sợ. Sợ vì mình có gì khuất tất, không thẳng thắn, phải giấu giếm. Như vậy, kém tự nhiên. Nó càng nghi. Vậy anh cứ nhìn nó. Nhưng nhìn nó mà có nên chào nó không? Chào xong, anh có nên hỏi nó trước không? Hỏi gì? Gọi nó bằng gì? Nói những chuyện gì? Hay cứ để nó chào anh trước, hỏi chuyện anh trước? Trước mặt nó, thái độ anh sẽ thế nào? Nếu nó hỏi thăm những câu thường, anh biết là nó không nghi ngờ gì đã đành. Nhưng ngộ nó hỏi những câu như muốn tò mò về tung tích, về hành động của anh, thì anh trả lời ra sao? Anh Lâm cau mặt để suy nghĩ. Anh thầm mong nó không nhận ra anh, hoặc có nhận ra, hai người chỉ làm như chờ được chào hỏi trước. Rồi vì cùng găng nhau, nên hai người qua mặt nhau, như hai người dưng. Thế là xong.
Trong khi ấy, Thừa cũng đã nhìn thấy cậu Nghĩa rồi. Trước hết, hắn hơi ngợ về nét mặt giờ và cách ăn mặc tiều tụy của người em vợ cũ. Đến khi nhận đúng anh lái buôn này là cậu Nghĩa, cái người không thân thiện với hắn khi hắn còn là anh rể cậu, cái người thâm thù hắn sau khi chị cậu bị hắn đánh chết vì không đào được mỏ, thì Thừa như thằng ăn cắp trông thấy người ngay. Đương đi cái dáng bệ vệ của một ông chủ đồn điền, hắn tự nhiên lấm lét, sợ sệt. Hàng trăm câu hỏi xoáy vào đầu óc hắn. Cậu Nghĩa có nhận ra hắn không? Không thể nào không. Hắn có nên chào cậu trước để mua chuộc cảm tình của cậu trước hay không? Mua chuộc để làm gì? Hay cũng chào một tiếng, rồi cứ nhạt nhẽo mà đi thẳng? Vả lại hỏi, thì biết hỏi chuyện gì? Hay để cậu hỏi trước? Ngộ cậu hỏi những câu về việc cũ, thì trả lời thế nào? Thừa lúng túng. Hắn chỉ mong cậu Nghĩa không nhận ra hắn, hoặc dù nhận ra, hai bên chỉ nhìn nhau, không ai chào hỏi ai, là êm nhất.
Chợt Thừa nhớ rằng mình đội nón. Hay là nánh cái nón để che mặt cho cậu Nghĩa khỏi nhìn rõ.
Hai người cách nhau độ hai mươi thước nữa.
Anh Lâm hồi hộp. Hay là tránh đường cái, đi tạt xuống bờ ruộng? Nhưng những ruộng này không có đường mòn. Tránh như vậy để đi đâu? Có khác gì lạy ông tôi ở bụi này không?
Thừa cũng rất lo lắng. Hắn nánh cái nón hơn nữa. Chợt hắn thấy phía bên kia thửa ruộng liền đường có cái ao. Ao cứu chủ! Hắn có thể tránh cậu Nghĩa một cách rất tự nhiên rồi. Hắn quay mặt nhìn cái ao. Rồi hắn rẽ theo bờ ruộng để đến đấy. Hắn là chủ đồn điền. Hắn đi thăm đồng đây.
Thế là Thừa trốn được cậu Nghĩa.
Thấy thằng khốn nạn lánh mặt, anh Lâm thở phào một cái, nhẹ nhõm cả người.
* * *
Thừa dòm thấy anh Lâm đi thật xa, mới dám lên đường cái.
Bỗng hắn sực nghĩ ra. Ai treo cờ đỏ và rải truyền đơn ở Vĩnh Yên vừa rồi? Ai xui giục dân lĩnh canh các đồn điền xin giảm thóc nộp? Thôi chết rồi? Chính nó là cộng sản! Một thằng con nhà khí phách, năm xưa đã đi tẩy chay, biết nói những chuyện thương nước thương nòi, một thằng không chịu đốc Tây bắt nạt, đã cùng anh em bãi khóa, một thằng đã thấy rõ tòa án bất công, không bênh vực người chị nó chết oan, thằng ấy không phải không có đầu óc phản đối. Nó lảng vảng làm gì ở đây? Thừa tiếc rằng ban nãy hắn sợ gặp nó, mà không nghĩ ra rằng thằng ấy là thằng rất đáng nghi. Sao Thừa không cứ gặp nó? Nó bị đứng lại hỏi chuyện mà cứ lấm la lấm lét định đánh tháo, thì thế nào mình cũng nhớ ngay là nó có gì gian giảo, nên mới chỉ định chuồn.
Thừa quay nhìn anh Lâm. Bóng anh đã xa hút rồi. Đuổi theo anh chăng? Không kịp. Làm thế nào bắt được thằng khả nghi này lại mà hỏi? Chậm quá rồi!
Thừa nhăn mặt, giậm chân, giận mình chậm trí khôn, để sểnh mất mồi tự dâng đến tận miệng.
Bỗng Thừa nghĩ đến thằng cẩm Pha-lăng-xô. Tên mật thám chính trị này phải biết tung tích cậu Nghĩa. Nếu cậu Nghĩa chỉ bị sa sút, phải đi lang thang buôn hàng xách, thì đã đành. Nhưng nếu cậu đi làm cộng sản, thì sở Mật thám dễ biết được cậu ở đâu để theo dõi, và trừ cho nước một thằng phá hoại.
Thừa không đến nhà anh Xi nữa. Hắn phải đi Hà Nội ngay bây giờ để báo cho thằng Pha-lăng-xô chăng lưới. Nếu chậm, cậu có thể lọt mất.
Hắn về nhà, và quàng vài lưng cơm, rồi mặc quần áo, lấy ô-tô để đi. Ma-ri hỏi, hắn chỉ đáp:
– Vội lắm, đợi ngày tôi về hãy nói chuyện.
Tối hôm ấy, Thừa gặp Pha-lăng-xô ở nhà riêng. Hắn bảo thằng mật thám:
– Tôi nhờ ông tra lý lịch và hành tung thằng Phạm Hữu Nghĩa ở phố Hàng Đào, hiệu Phúc Lâm.
– Để làm gì?
– Tôi thấy thằng này lảng vảng trong đồn điền tôi. Tôi ngờ nó có dính dáng đến vụ cờ đỏ truyền đơn ở Vĩnh Yên vừa rồi.
Hôm sau, thằng Pha-lăng-xô trả lời Thừa là Phạm Hữu Nghĩa là một đảng viên cộng sản đã một lần bị hai năm tù ở đề lao Vĩnh Yên về tội tuyên truyền tư tưởng phiến loạn. Mãn hạn tù, nó bỏ hẳn nhà để đi hoạt động, sở mật thám dò dấu vết của nó, nhưng chưa ra.
Pha-lăng-xô cảm ơn Thừa đã giúp nó được việc lớn, tìm được tung tích một thằng cộng sản cuồng tín nhưng khá nguy hiểm.
Thừa hỏi:
– Nó bị giam ở Vĩnh Yên?
– Phải.
– Ông có thể cho tôi biết vào năm nào không?
– Được.
Thằng Pha-lăng-xô tra sổ đen. Nó cho Thừa rõ cậu Nghĩa bị bắt ngày nào, ra tòa ngày nào, và ở tù đến ngày nào thì được tha.
Thừa lẩm bẩm tính, bỗng mắt hắn sáng lên:
– Thế thì tôi tìm ra chỗ ở của nó rồi.
Thằng Pha-lăng-xô nhìn Thừa để hỏi. Thừa nói:
– Chính ngay trong đồn điền tôi thôi. Nó ở nhà một thằng điền tốt, tên là Xi. Tất nhiên, nó đến đấy từ hơn một tháng rồi, và đã hoạt động ở vùng này khá nhiều rồi. Nó đương cổ động tất cả tá điền các đồn điền xin giảm thóc phải nộp.
Pha-lăng-xô cười:
– Nó gọi là đòi, là yêu sách như là tá điền có quyền, chứ gọi là xin à!
Thừa cười, gật gật:
– Đúng, đúng!
– Sao ông biết thằng Nghĩa ở nhà thằng Xi và đã hoạt động như thế?
– Việc tá điền đòi yêu sách, đã đến tai tôi, nên tôi biết. Còn việc thằng Nghĩa ở nhà thằng Xi, vì chính ngày ấy, thằng Xi cũng bị bắt oan là làm chính trị, nên chắc được nhốt ở trại chính trị, mới quen thằng Nghĩa, rồi bị nhồi sọ, nên nay mới chứa nó.
– Thằng Xi là người thế nào, ông có biết rõ không?
– Rõ lắm. Nó là người cùng làng với tôi, đã làm với tôi nhiều lần.
– Ông cho tôi biết về nó, không cần thêm thắt. Đúng thôi nhé.
Thừa nói về anh Xi. Thằng Pha-lăng-xô ghi vào sổ. Ghi xong, nó nói:
– Ông vừa nói ông định dùng thằng Xi làm quản lý, nhỉ.
Thừa đáp:
– Vâng. Nhưng nay tôi không dám có ý định ấy nữa.
Thằng mật thám cười, lắc đầu:
– Cứ dùng. Tôi bày mưu cho ông nhé. Ông vừa cho tôi biết rằng ông đã gặp vợ thằng Xi, bảo con đàn bà ấy xui chồng làm quản lý cho ông. Thế thì chắc vợ chồng nó nói chuyện với nhau rồi, và thế nào thằng Xi cũng hỏi ý kiến thằng Nghĩa. Nay đột nhiên ông gặp thằng Nghĩa mà bỗng dưng lại không đến nhà thằng Xi gọi nó đến làm quản lý nữa, thì có khác gì ông báo nó là đã khám phá ra điều bí mật, là nó chứa cộng sản trong nhà, là nó cũng là cộng sản, nên ông gờm mặt nó hay không? Vậy ông cứ tự nhiên như thường, ông đến nhà thằng Xi, dỗ dành bằng hết lý lẽ, để bảo nó làm quản lý cho ông. Như thế mới dò được bụng nó.
– Thưa dò gì ạ?
– Nếu nó nhận lời ông, thì nó vẫn là người vô tội. Nếu nó từ chối, thì đúng nó là cộng sản. Và đã là cộng sản, không bao giờ nó giúp điền chủ áp bức bóc lột lại tá điền.
Thừa chịu thằng mật thám là cao kiến. Thằng Tây lại vui sướng nói:
– Tôi cảm ơn ông giúp cho sở Mật thám cất một mẻ lưới lớn. Ông nên nhớ rằng không bao giờ nhà nước quên người có công đâu.
* * *
Anh Xi nhận lời làm quản lý cho Ma-ri. Thật là không ngờ.
Vậy anh là cộng sản hay không là cộng sản? Anh Lâm chỉ là đi qua đồn điền Cẩu Rồng nên gặp Thừa, hay anh vẫn hoạt động ở đây? Anh có bắt mối anh Xi hay không? Việc anh Xi nhận lời làm quản lý, anh Lâm có biết không? Sao anh để yên cho anh Xi giúp địa chủ làm hại các bạn lao động của anh ấy?
Về việc này, anh Lâm và anh Xi đã bàn nhau nát ra rồi.
Hai người thấy rằng Thừa đã gặp anh Lâm ở đường, tất hắn nghi anh lẩn quất ở đâu đây thôi. Nếu hắn đoán là anh ở nhà anh Xi, thì tất hắn không dám mượn anh Xi làm quản lý để chịu tội với nhà nước là chứa chấp cộng sản, và để cho anh Xi phá từ trong phá ra.
Vậy nếu Thừa không đả động gì đến việc bảo anh Xi đi làm quản lý, thì đúng là cơ sở ở đây bị lộ. Nhưng nếu hắn vẫn khẩn khoản dùng anh, tức là hắn không nghi gì. Cho nên anh càng nên nhận lời để khỏi bị nghi. Ở trong nhà hắn, anh hoạt động càng dễ. Anh sẽ tuyên truyền trước hết là kẻ ăn người ở trong nhà, rồi sau, từ trong nhà ra ngoài.
Song, về phía Thừa, vốn là người lắm thủ đoạn, nên hắn không dễ tin ai. Hắn tự đặt câu hỏi: “Thằng Xi không là cộng sản, thì thằng Nghĩa ở nhà ai trong vùng này? Không có lý gì hai thằng không quen nhau”.
Hắn lại đi Hà Nội, tìm thằng Pha-lăng-xô. Hắn kể chuyện anh Xi nhận làm quản lý, nhưng đặt lại vấn đề:
– Nhận làm quản lý cho điền chủ, có thể không là cộng sản, nhưng cũng có thể là cộng sản. Bọn cộng sản lắm mưu mô. Tôi đã gặp thằng Nghĩa ở phía nhà thằng Xi đi ra. Nếu thằng này không nhận làm quản lý thì nó sợ rằng tôi biết, tất nó đã bị cộng sản xui là đừng làm điều bất nghĩa. Cho nên nó cứ nhận, để bịt mắt mình.
Thằng mật thám gật đầu:
– Ông nói có lý. Vậy ông phải sáng suốt, để khỏi nuôi ong tay áo. Ông để ý từng lời nói, từng cử chỉ, từng hành động của nó cho tôi. Nó hay đến chơi nhà ai? Ai hay đến chơi với nó. Chúng nó nói với nhau những gì. Ông điều tra tất cả những cái ấy, ghi hết vào sổ cho tôi, chua thêm cả ngày tháng nữa. Rồi độ mươi hôm, nửa tháng, ông cho tôi xem sổ một lần, để tôi xét.