Ma-ri xua tay:
– Để nó làm hại nốt con Ma-gơ-rít à?
Thừa đáp:
– Thế thì dùng thằng Xi.
Ma-ri yên lặng.
Hôm sau nữa Thừa thấy hai Điều ở chợ về, hớt hơ hớt hải tìm hắn, rồi trợn trừng trợn trạo:
– Trình ông lớn, cộng sản nó về đến nơi rồi.
Thừa cau mặt:
– Sao?
– Trình ông lớn, con thấy đồn rầm lên là đêm hôm qua, chúng nó treo cờ với rải truyền đơn ở tỉnh.
Ma-ri ở hè, chạy vào:
– Gì mà cụ quản hốt hoảng thế?
Hai Điều nhắc lại tin dữ dội, Thừa hỏi:
– Truyền đơn viết những gì, ông có nghe nói không?
Lão giờ lắc đầu, lè lưỡi:
– Bố con cũng chẳng dám nghe, dám hỏi! Con mang máng như là họ xui điền tốt tranh cái đấu thóc với chủ thế nào ấy.
Thừa gật đầu:
– Tranh đấu, chứ không phải tranh cái đấu.
Ma-ri sợ hãi:
– Thế ở chợ vừa rồi có truyền đơn không?
– Thưa không.
Thừa ngả lưng vào ghế, vắt chân chéo kheo, ngồi im lặng. Một lát, hắn hỏi hai Điều:
– Cái việc ông bảo chúng nó định không nộp thóc, cử đại biểu đến, sao tôi cứ thấy im ắng như không ấy nhỉ?
– Dễ thường chúng nó kín đấy. Ở chợ cũng đồn ầm lên thế. Không phải riêng điền tốt đồn điền nhà xin, mà tất cả các đồn điền khác cũng xin. Nhưng không phải chúng nó không nộp thóc, mà chỉ xin giảm thôi.
– Giảm bao nhiêu?
– Thưa con không biết. Dễ thường tùy theo lúa tốt xấu thế nào đó.
Thừa gật gù:
– Tôi biết.
Ma-ri hỏi:
– Ông biết thế nào?
– Thế nào cũng có bàn tay cộng sản nhúng vào. Không có những thằng mất dạy này nó cho ăn cút gà, thì những như dân ngu dại như trẻ nhỏ, đứa nào dám hỗn láo.
Ma-ri thở dài:
– Nhà nước đại lượng quá. Chỉ trị những thằng đầu sỏ là không ổn. Phải chém hết cả những thằng cộng sản, lần thằng bị cộng sản xúi giục, mới triệt được hết cái mầm mống tai hại cho dân.
Thừa không nói gì, bảo hai Điều:
– Ông cố nghe ngóng đích xác hộ tôi nhé. Chúng nó định không nộp thóc hay chỉ xin giảm thôi? Giảm bao nhiêu? Một đồn điền ta xin giảm hay tất cả đồn điền khác? Đứa nào ở đây làm đại biểu?
Hai Điều đáp:
– Vâng.
Lão già đứng dậy, than thở một mình để kể công:
– Lại làm cả việc quản lý nữa!
Nghe đến hai tiếng quản lý, Ma-ri nhìn Thừa bằng đôi mắt dịu dàng, nói giọng dỗ dành:
– Ông ạ. Gọi nhà Xi đến làm quản lý thôi.
Thừa mỉm cười:
– Tưởng thế nào!
Ma-ri cũng mỉm cười:
– Ông cố nói khéo cho nó bằng lòng nhé.
* * *
Thừa đến nhà anh Xi.
Nhưng anh Xi không có nhà.
Vợ anh nói không biết anh đi đâu, và cũng không hẹn bao giờ về.
Trong khi chờ đợi, Thừa nói với chị Xi cái ý định của hắn. Hắn hết sức ngọt ngào, viện tất cả những lý do và những ý kiến mà hắn đã nghĩ chín để lọt tai người đàn bà mà hắn tin rằng nông cạn và tham lam.
Chị Xi lắng nghe. Mặt chị hớn hở dần. Sau hết, chị đáp:
– Quan nói thế, thì em hiểu rồi. Để nhà em về, em bảo.
Nhân được tình cảm với chị Xi, Thừa hỏi dò về việc tá điền định xin giảm thóc. Chị ngơ ngác, lắc đầu:
– Em không thấy ai nói cả. Chẳng rõ nhà em có nghe thấy tin ấy không.
Đến chiều sẩm, Thừa đứng dậy, dặn:
– Thím nói kỹ cho chú ấy nghe ra nhé. Rồi lúc nào chú ấy về, thím bảo chú ấy đến ngay dinh, tôi nói chuyện thêm nhé.
Thừa về nhà.
Rất yên trí và yên tâm.
Nhưng hôm sau, Thừa chờ, mà không thấy anh Xi đến. Hắn cho gọi, thì anh nhắn trả lời rằng anh bị sốt, hôm nào khỏi mới đi được.
Thừa không hiểu là anh nói thật hay không muốn giúp hắn, mà thoái thác khéo như thế.
Hắn không muốn thân hành đến nhà anh Xi lần nữa, vì sợ anh làm cao.
Cho nên Thừa bực với anh Xi không trả lời dứt khoát. Hắn càng coi cái đồn điền Cẩu Rồng như cái bướu ngăn cản bước tiến của hắn. Hắn cần trút nỗi bực mình.
“Bán quách đồn điền đi thôi”.
Thừa nghĩ thế. Vì hắn tìm ra người mua rồi. Hắn bảo Ma-ri:
– Thế mình không giữ nổi, thì thà tống sớm cái đồn điền này đi ngày nào, ta đỡ thiệt hại sớm ngày ấy.
Ma-ri thở dài, giọng chán nản:
– Tống cho ai bây giờ?
Thừa gật đầu, vẻ cương quyết:
– Không được ăn thì ta đạp đổ. Chúng nó đã khỏe nghe cộng sản, thì phen này cho chúng nó chết.
Ma-ri hỏi:
– Làm thế nào?
– Phải tay nhà thờ mới trị được chúng nó. Tôi tính bán quách đồn điền Cẩu Rồng lương này cho nhà thờ. Vỏ quýt dày phải có móng tay nhọn. Chúng nó muốn theo đít cộng sản, thì ta phải báo thù cho phen này chúng nó không còn đến cái khố mà đeo. Bên Cẩu Rồng giáo họ còn nghiệt bằng vạn mình. Mình tử tế, chúng nó không biết đường mà hưởng, thì cho mà mở mắt ra.
Ma-ri gật gật:
– Ông nghĩ thế hay đấy. Mình không mượn tay nhà thờ trả thù chúng nó hộ mình, mà cứ phải chịu cho chúng nó bóc lột, thì ức lắm nhỉ.
Rồi hắn khen Thừa:
– Đàn ông nghĩ vẫn thâm thúy hơn đàn bà! Nhưng dù sao thì ông cũng cứ nên đến thằng Xi, để hỏi nó, xem nó trả lời thế nào.
Thừa gật đầu.
Ngay chiều hôm ấy, Thừa đến nhà anh Xi. Muốn thoải mái, hắn đi giày tây trắng, vận quần và áo cộc lụa, đội nón, chống ba-toong.
Để lấy lòng anh Xi, hắn không quên đem cho anh một ít thuốc cảm, thuốc sốt, và thuốc nhức đầu.
Trước lúc này một tí, anh Lâm ở nhà anh Xi ra. Anh ăn mặc như một người lái buôn: khăn xếp trên đầu, áo the vắt vai, tay nải khoác sau lưng, và ô đen đã bạc để che nắng.
Lúc ấy mặt trời đã xế. Gió bắt đầu hiu hiu. Thừa phe phẩy cái quạt lông nhỏ, đủng đỉnh đi bước một. Hắn ngắm đồng lúa trước mặt. Lúa không đến nỗi xấu lắm.
Thế mà chúng nó dám giở quẻ. Cáu thật! Hắn nhìn những người ở dưới ruộng. Họ khom lưng, lầm lì, không hiểu họ nghĩ cái gì. Cảnh lặng lẽ quá. Có người hẳn hoi, mà vẫn lặng lẽ như không có người. Thỉnh thoảng, một điền tốt đi trên đường, gặp hắn. Anh ta chào, hắn làm ra tử tế, mỉm cười, gật đầu đáp lại. Cũng chỉ có hai tiếng Bẩm quan và một tiếng Ừ là ba thôi. Hắn muốn giữ người ấy để hỏi chuyện cho có nhiều tiếng nói. Nhưng người ấy đã len lén bước, có vẻ sợ sệt.
Thừa nhìn lên dãy Tam Đảo. Tường những biệt thụ trắng xóa trên nền rừng xanh. Chỗ ấy mát. Khí hậu như ở bên Pháp. Có biệt thự thống sứ, biệt thự công sứ. Có biệt thự nhiều quan to ở Hà Nội. Có bể bơi. Có thác Bạc. Có nhà khách sạn đồ sộ. Đến mùa bức, Tam Đảo tụ họp những bậc tai to mặt lớn của Bắc Kỳ. Người An Nam chưa ai có biệt thự ở đấy. Người An Nam muốn lên Tam Đảo nghỉ mát, thì chỉ có một nơi riêng, ở dưới xa, chật chội, nhà nhỏ hẹp, đường lầy lội, gọi là làng An Nam. Thừa ước ao xây hẳn một biệt thự ở ngay chỗ người Pháp ở, để có dịp mà làm quen với những vị có thế lực lớn.
Trong lúc Thừa đi thong thả, thì anh Lâm bước những bước vội vàng. Anh cũng ngắm cánh đồng. Lúa xấu lắm. Nếu bàn tay của Đảng không vươn tới cứu những người nông dân bán lưng cho trời, bán mặt cho nước, thì họ đói khổ lắm. Mùa màng thế này mà họ cứ phải nộp đúng như trong quy chế lĩnh canh, thì họ phải ăn rơm thôi. Nhìn họ rách rưới, cặm cụi dưới ruộng, anh biết là họ khổ lắm, nhưng họ không tìm được cách nào để thoát khổ. Gặp họ ở đường, anh thấy họ lầm lì. Mặt họ như vậy, nhưng bụng họ rất hăng. Bề ngoài họ tiều tụy là vì nó chứa chất thầm kín nhiều nỗi uất ức. Khơi được nguồn uất ức, người nông dân sẽ vùng dậy. Anh mừng rằng đã tìm được cơ sở tốt để hoạt động thuận tiện. Nhà anh Xi ở vào chỗ vừa hẻo lánh, vừa kín đáo, rất tiện cho anh đi về.
Anh nhìn lên dãy Tam Đảo. Ở đây, khí hậu mát mẻ như ở bên Pháp. Bọn thực dân chiếm riêng một chỗ, xây dựng những biệt thự to lớn. Chúng nghỉ ngơi ở đây, tránh nắng nôi, bệnh tật, lấy lại sức để áp bức bóc lột dân nước mình cho khỏe hơn. Mỗi biệt thự có tường trắng là một cái tổ quỷ. Anh kinh tởm.
Chợt anh thấy từ phía trước mặt đi đến, một người đội nón, mặc áo cánh lụa, lại chống ba-toong. Anh không ngờ là Thừa. Cái người đã giết chị anh, cái người tàn bạo với dân cày, cái người quỷ quyệt, ngày thường ăn mặc thế nào, hay đi đâu, theo đường nào, bằng gì, anh Xi đã cho anh biết kỹ rồi. Cái người ăn mặc sang trọng, có vẻ đầy uy quyền này, có thể là chánh phó tổng, chánh phó hội, chánh phó lý gì ở miền này chăng? Anh cố nhìn người ấy để nhận mặt, rồi sau này hỏi anh Xi xem là ai. Nhưng chợt anh giật nảy mình. Cái thằng lẹm cằm, không còn ai khác nữa! Anh không quên mặt nó. Hẳn nó cũng không lạ gì mặt anh. Anh thù nó. Nó cũng không yêu gì anh. Bây giờ anh thay hình đổi dạng. Với một người thật thà, ngây thơ, thì có thể đoán sai rằng anh bị sa sút, phải đi lang thang buôn hàng xách kiếm ăn. Nhưng với thằng lừa lọc, lắm thủ đoạn này, chắc nó nghi anh mặc thế, lại đến đồn điền nó, là có âm mưu hại nó, để trả thù cho chị anh. Anh Xi lại cho anh biết là thằng bất nhân này chỉ mong bắt người làm quốc sự để làm kế tiến thân. Chính vì muốn tiến thân mà nó phản những khách buôn thuốc phiện lậu của nó, định đổ cho họ là Việt Nam quốc dân đảng. Anh Xi đã bị bắt lây với những người ấy. Chính vì muốn tiến thân, mà nó báo bắt cả một người bạn cũ của nó. Cái người ân nhân ấy đã thay đổi đời của nó hai lần. Chính vì hai lần muốn tiến thân mà nó phải giả danh từ thiện. Một lần nuốt không trôi món tiền định cướp không của bọn khách hàng, nó bị công sứ Vĩnh Yên lấy lại cho một tỉnh gì ở bên Pháp. Một lần tải không trót lọt ba thuyền thóc định bóp hầu bóp cổ dân bị lụt, thóc bị giữ lại, nó khai rằng thóc ấy đem đi phát chẩn bần.
Anh Lâm còn biết rõ cả vì sao nó được gọi là ông hàn, và những chuyện riêng trong gia đình nó, vợ con nó ra sao.
Bây giờ sắp chạm trán thằng nhơ bẩn này, anh sẽ đối phó ra sao đây? Hẳn nó không ngây thơ, thật thà, mà cho là anh bị sa sút, phải lang thang đi buôn hàng xách. Lòng háo lập công của nó phải xui nó nghĩ ngay rằng anh đến đây để hoạt động chính trị bí mật. Vụ cờ đỏ và truyền đơn trên tỉnh, thế nào cũng đến tai nó, hẳn nó nghĩ anh đã làm rối cuộc trị an.