Thừa lắc đầu:
– Em làm như ở đời không còn người tử tế nữa ấy.
– Phải rồi. Em cũng biết có khối người mê đĩ, lấy đĩ làm vợ thật. Nhưng lấy đĩ làm vợ không phải là cứu cho đĩ khỏi khổ nhục, mà chỉ là đổi cho đĩ cái khổ nhục nọ lấy cái khổ nhục kia, có khi cái khổ nhục sau còn to hơn cái khổ nhục trước.
Thừa cười:
– Em nói!
– Thật đấy. Có ai lấy đĩ mà chồng một vợ một bao giờ. Trừ phi người đàn bà tai ngược đánh bạt vợ cả đi, hoặc người đàn ông vô lương tâm mê đĩ, bỏ vợ cả. Nhưng ở đời, người vô lương tâm đến nỗi như thế, thật là hiếm.
Thừa bịt mùi soa vào miệng để ho thật lâu. Xuy-dan tiếp:
– Nhưng dù sao, thì đi lấy tranh chồng người cũng chả bao giờ sống yên vui được. Nếu không thính thoảng bị vợ cả nó trở lại đánh ghen, thì cũng bị người chồng bạc tình lại với mình, khi nó tìm thấy người khác hơn mình. Không thế, thì chính mình cũng tự đày đọa mình, vì ngựa bao giờ cũng quen lối cũ. Nếu có gia đình nào mà anh chồng lấy đĩ, sống bền được với nhau, thì một trong đôi vợ chồng ấy là ma bùn.
Xuy-dan nhếch mép. Nhưng Thừa thở dài:
– Em ít tuổi mà thạo đời lắm nhỉ.
– Em mới ở đây mấy hôm, nhưng em sống nghề nào phải biết nghề ấy, em phải hỏi các bạn từ những nỗi vui sướng đến những nỗi đắng cay của nghề. Có biết, có dạy nhau cho biết, chúng em mới sống được, để còn có lúc cười được với các anh, mua vui cho các anh. Chứ không thì chỉ âu sầu buồn tủi, rồi chết hết giống đĩ, thì đời còn gì là hoa tươi cỏ lạ cho các anh hưởng nữa!
Xuy-dan cười, cười những tiếng khanh khách, ghê rợn như tiếng xé vải, gò lưng xuống mà cười, đập hai cánh tay vào thành bàn mà cười, cười như người điên lên cơn. Thấy nét mặt Thừa kém vui, Xuy-dan không nói nữa, mới rót chỗ rượu sâm-banh còn lại ra hai cốc, đưa một cốc cho Thừa:
– Nào, mời anh. Em nói như vậy mà anh cảm động à? Anh phải coi đời như cái vườn hoa. Anh vào vườn hoa thì nên ngắm hoa, ngửi hoa, hay nên ỉu xịu cái mặt rồi khóc, để ra về?
Thừa mủi lòng, lắc đầu:
– Anh biết là em ít tuổi nhưng đã chịu đựng nhiều nỗi đắng cay.
Xuy-dan xua tay:
– Đắng cay! Em chấp tuốt! Nào, mời anh!
Hai người chạm cốc nhau. Xuy-dan ngửa cổ, nuốt từng hớp rượu, kêu ừng ực.
§3. Một người quản lý tốt nhất
Thừa ở với Xuy-dan bảy đêm liền. Hai đêm đầu, Xuy-dan chỉ kêu khóc và phản đối. Nhưng đến đêm thứ ba, tự nhiên Xuy-dan đổi khác hẳn. Không phải vì An-na Phán đã khéo dỗ dành, hay dọa nạt. Nhưng chính là vì Xuy-dan đã tự nghĩ lấy. Đã sa vào đây, thì khó lòng ra nổi. Đã sa vào đây mà có giữ tấm thân trong sạch, thì cũng chẳng ai tin là trong sạch. Thôi thì đành liều. Cho nên cô rất tươi tỉnh và rất hiền lành, khiến Thừa phải ngạc nhiên. Nhân lúc vui, Thừa đã hỏi ra rất nhiều chuyện.
Vì Xuy-dan chưa nói ra miệng là bao nhiêu tuổi, người tỉnh nào, cha mẹ làm gì, nên Thừa cứ thích hỏi lại. Nhưng trong những lúc vô tình, Xuy-dan đã cho Thừa đoán ra cô là người lai, mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ, năm nay 19 tuổi, và có đi học, đã đỗ bằng tiểu học Pháp Việt.
Cái lần đầu tiền Thừa cho Xuy-dan tiền, vì muốn nhã nhặn với người mà hắn mới gặp, lại không phải làm nghề bán trôn nuôi miệng quen bòn tiền của khách cho, nên tuy chỉ có hai người ở trong buồng với nhau, hắn cũng dúi hai tờ giấy năm đồng vào tay cô một cách kín đáo. Nhưng Thừa không ngờ là Xuy-dan lại không cần sự nhã nhặn và sự kín đáo, Xuy-dan xòe hai tờ giấy bạc ra để đếm. Rồi nhìn Thừa và mỉm cười, nhưng không nói gì. Thừa biết Xuy-dan không phải là người Hà Nội. Người đất nghìn năm văn vật tế nhị hơn kia. Xuy-dan cũng không phải người Nam Định. Người thành phố cổ này kiểu cách hơn kia. Và cố nhiên Xuy-dan không phải người Hải Phòng, dù người nơi đồng chua đất mặn này vẫn mộc mạc, thật thà. Nghe lời ăn tiếng nói, Thừa biết Xuy-dan không quê mùa, mà phải là người các tỉnh lỵ hay phủ huyện lỵ. Cái chỗ Thừa gặp Xuy-dan ở gần ga Phú Thụy, Thừa đoán là quê của chồng chưa cưới của Xuy-dan. Còn người làm ở ga Dụ Nghĩa mà Xuy-dan bảo là cậu, thì Thừa cho là không phải.
Thừa thấy lúc Xuy-dan như người cởi mở, lúc lại như người kín đáo. Hình như đời Xuy-dan có những uẩn khúc thế nào, cho nên tuy ít tuổi, nhưng đã khôn ngoan và như người chán chường.
Song, dù sao thì Thừa cũng thương Xuy-dan, thương người con gái có những ý nghĩ khá đặc biệt, có cái tâm hồn khá lạ lùng, thương người con gái ngây thơ, vì quá tin hắn đến nỗi tai hại một đời. Cái tuổi ngoài bốn mươi là cái tuổi làm cho con người một đôi khi biết hối hận.
Lúc Thừa ra xe, Xuy-dan tiễn ra cổng. Thừa nhớ lại tiếng Xuy-dan giống tiếng ai, khổ người, nét mặt Xuy-dan rầu rầu, rồi hai mắt đỏ hoe, thì Thừa nhớ rằng cái dáng điệu ấy, hắn đã nhìn thấy một lần rồi. Nhưng không tài nào hắn nhớ ra là ai. Thừa không cầm lòng đậu. Hắn không nỡ bỏ Xuy-dan.
Rời Hải Phòng. Thừa không qua Hà Nội, mà về tuột ngay Cẩu Rồng.
Đến nhà, hắn rất ngạc nhiên: Ma-ri đon đả, vui vẻ với hắn như thường. Hắn nói chuyện đi xem hai chiếc tàu thủy cho Ma-ri nghe.
– Thế thì, ông ạ, bán quách mấy cái nhà đi mà mua.
Thừa lắc đầu:
– Bà cứ thích nói cho vui miệng. Muốn mua tàu thì phải có tiền. Muốn có tiền thì phải bán nhà. Nhưng hãy hỏi thời buổi kinh tế này, có ai sẵn tiền mà tậu nhà cho mình?
Ma-ri trợn mắt, nói thầm:
– Cụ Lăng! Cụ ấy gạ mua đấy. Tôi bảo hãy đợi ông về.
Thừa im lặng. Một lát, hắn nói:
– Muốn mua tàu, tôi còn phải đi lại Hải Phòng nhiều lần. Điều cốt yếu để có mua được hay không, là bà đừng buộc chân tôi.
Ma-ri bật cười:
– Sao lại báo là về nhà quê! Ai chịu được?
Hắn tiếp:
– Nhưng trước hết, phải thu xếp cho ổn việc đồn điền.
Thừa gật đầu:
– Được. Đâu sẽ vào đấy hết. Miễn là bà phải để cho tôi được yên tâm, rảnh trí mà tính toán.
Ma-ri không nói. Hắn dắt tay Thừa vào buồng ngủ, và ỏn ẻn để đố:
– Ông thử nhìn xem có cái gì khác không nào?
Thừa hởi dạ. Hắn không thấy ảnh bà mẹ Mão treo ở đầu giường nữa. Hắn mỉm cười, nhìn Ma-ri:
– Bà tốt lắm. Thế thì tuần sau, tôi lại đi Hải Phòng.
Ma-ri âu yếm:
– Tùy ông. Nhưng hãy thu xếp cho ổn việc đồn điền trước đã, ông ạ.
– Nghĩa là phải tìm một người quản lý giỏi, tôi mới rảnh tay được.
* * *
Sáng hôm sau, hai Điều trợn trừng trợn trạc, vào mách Thừa và Ma-ri một tin dữ:
– Trình ông lớn bà lớn, con nghe thấy chúng nó xôn xao là vụ này không nộp thóc cho nhà ta nữa. Chúng nó sắp cử đại biểu vào hầu bà lớn. Con lo quá!
Thừa thở dài, cười lạt. Ma-ri tái mặt, bàn:
– Thế thì ta cứ lánh mặt, không tiếp ông ạ.
Thừa lắc đầu:
– Không cần làm thế. Cứ tiếp. Xem ngọn lưỡi chúng nó ra sao. Bình tĩnh. Sợ gì?
Hắn hỏi hai Điều:
– Đứa nào làm đại biểu, ông có biết không?
– Trình ông lớn, không.
– Bao giờ chúng nó đến?
– Trình ông lớn, con không biết. Con chỉ nghe ngóng biết vậy thôi.
Thừa hút thuốc lá, yên lặng để suy nghĩ, rồi hỏi hai Điều:
– Chúng nó viện những lẽ gì để không nộp thóc?
– Con nghe nói đâu là vì thiên tai.
– Thiên tai sao chỗ khác người ta nộp đủ?
– Chúng nó lại viện lý là đồn điền này không phải của ông lớn bà lớn.
Ma-ri nghiến răng:
– Tôi cướp không ruộng của chúng nó à? Đất của Hàn Xương chứ đất của nhà chúng nó à?
Thừa thêm:
– Việc này tòa đã xử phải trái. Đến thân nhân Hàn Xương cũng chả tranh nổi, nữa là chúng nó. Chúng nó muốn chống với nhà nước phỏng?
Thừa gõ năm đầu ngón tay xuống mặt bàn, nghĩ ngợi một lát, rồi nói với Ma-ri:
– Bao nhiêu năm nay, mình có đội Tuynh nghiệt ngã thì chúng nó không dám kiếm chuyện. Mới vụ này, mình lỏng tay, thì chúng nó nhờn liền.
Ma-ri càng bực:
– Quân chúng nó vẫn thế. Thân lừa ưa nặng. Đến lúc bị đánh gãy gối tối mặt, thì đâu vào đấy tuốt.
Thừa nhân dịp, bèn đả động đến chuyện dùng anh Xi làm quản lý. Thừa định viện hết những lý do mà hắn đã nghĩ để thuyết phục Ma-ri. Nhưng hắn chưa nói hết, Ma-ri đã nhăn mặt, chối đây đẩy:
– Thôi, thôi. Tôi không mời ông ấy về làm bố giờ đâu!
Hắn nguây nguẩy đứng dậy, không nghe nữa.
Hôm sau, Thừa lại bàn với Ma-ri về việc đồn điền.
Thừa cho Ma-ri thấy cái nguy cơ ôm rơm nặng bụng:
– Thật đấy, ở Nghệ An, ở Thái Bình, mấy năm nay bọn cộng sản hoành hành ngang ngược. Nhà nước đã thẳng tay trừng trị, nhưng cơ hồ chúng nó vẫn coi trời bằng vung. Rồi thế nào cộng sản cũng xui dân làm loạn cả nước. Chỉ khổ cho bọn nhà quê khờ dại, nghe chúng nó dỗ ngon dỗ ngọt, thì bùi tai theo chúng nó, đi làm liều.
Ma-ri thêm:
– Để ở tù.
Thừa gật đầu, dọa thêm:
– Cho nên tôi chỉ sợ ở đây, chúng nó mù quáng, nổi dậy giết chủ, như ở đồn điền Ký Viễn trong Trung kỳ, thì thiệt mình. Đẩy cái vạ sớm ngày nào hay ngày ấy, được đồng nào hay đồng ấy, bà ạ.
Ngừng một lát, hắn tặc lưỡi:
– Lấy không của người ta ấy mà. Tiếc quái gì!
Ma-ri cau mặt:
– Ông nói! Dễ thường lấy không thì bây giờ vứt đi à?
Thừa đấu dịu:
– Không vứt đi, nhưng mà bán lại. Rồi có tiền, bà muốn tậu nhà Hà Nội, hay lấy lại nhà của tôi, hay chung phần với tôi buôn tàu, thì ta thương lượng với nhau sau. Nhưng nhất định là phải bán. Vì tôi buôn tàu, nếu bà không tìm được ai quán xuyến cho, tôi cũng không thể ở Cẩu Rồng nữa.
Ma-ri thở dài:
– Rắc rối nhỉ! Nhưng nếu bán thì ai mua? Liệu có được giá không?
Thừa biết Ma-ri nghĩ đến phần hương hỏa của con Rô-da-lin. Hắn nói:
– Ấy là tôi bàn cái trường hợp bất đắc dĩ. Nếu ta tìm được quản lý tốt, thì bà cứ giữ đồn điền này lại. Chẳng sao.
Ma-ri thở dài.
Thừa nhân dịp, nói kỹ cho Ma-ri nghe ra về việc dùng anh Xi. Lần này, Ma-ri ngồi yên, Thừa bảo:
– Không lẽ mình gọi lại thằng Tuynh trở về với mình.