Ma-ri toan nổi tam bành, nhưng Thừa ngăn ngay lại. Hắn hỏi hai Điều:
– Ông nói thật nhé. Ông ta nhờ ông, thì cho ông bao nhiêu tiền?
– Trình ông lớn bà lớn, chả có mấy. Nhưng con tính rằng cô Dô-ta-linh tiếng là con nhà quan, học trường đầm Hà Nội, quen ăn ở văn minh thật, nhưng phải cái cô có phốt, khó lòng rửa được tiếng. Con chỉ sợ rồi năm này năm khác, cô lớn lên, mà chẳng ai màng tới, thì ế chồng, cổ nhân nói trong nhà có con gái lớn thì nguy hiểm như có súng lục, như chứa quả bom. Cho nên con trình với ông lớn bà lớn là cho quách cô Dô-ta-linh về làm dâu ông bà phó tổng Hạ. Ông bà ấy thiệt hiền lành, biết quý người, vả lại, nhà mình là chỗ thế gia vong tộc, tiền của như nước, gả như thế này là gả xuống, thì họ càng phải sợ. Con tưởng số cô Dô-ta-linh thế mà tốt đấy. Trình ông lớn bà lớn, so đôi tuổi thì…
Ma-ri không thể nhịn được:
– Thôi! Ông quản! Tôi cấm ông đấy!
Hai Điều sợ quá, vội vàng đứng dậy. Ma-ri tiếp:
– Thằng phó tổng Hạ nó hỗn, nó láo! Cha con đẻ ra mẹ nó! Để tôi cho nó một trận. Còn ông, là chỗ người nhà người cửa, mà ông cũng nối giáo cho giặc à? Con bé việc gì mà ông bảo là có phốt? Ông nghe ai nói? Phốt gì? Ông hai?
– Trình bà lớn, con thấy người ta đồn.
– Người ta là ai? Đứa nào nói thế? Ông gọi nó đến đây, tôi gang họng nó ra!
Thừa lại can vợ, và ôn tồn bẻ hai Điều:
– Vậy ông tin lời người ta đồn, hay ông tin tôi?
Hai Điều cứng họng. Ma-ri lại hoạnh:
– Ông không tin cả đốc tờ nữa à? Giấy đốc tờ hôm nọ chứng nhận cho con bé, tôi đã nói chuyện với ông, ông không nghe à?
– Trình bà lớn…
– Trình cái con khỉ. Mấy lị ông phải biết, dù con bé có phốt thật, cũng không bao giờ tôi thèm dâu gia với thằng phó tổng. Ông cứ sống mà xem. Nó có của thì ngày sau nó làm bà huyện. Không có nó cũng làm nổi bà kế của ông phủ, ông án, chứ không thèm làm cái ngữ bà tham bà đốc đâu!
Thừa vẫn ôn tồn, nói thêm:
– Ông có biết là vì tham mấy đồng bạc, ông đã mắc lừa phó tổng Hạ không? Nó có nợ đến hạn, thì nó nhờ ông xin con Rô-da-lin cho con nó. Nếu không xong, tất nó hoãn được một hạn. Mà xong, không những nó xí xóa nợ, còn đào thêm được mỏ vàng, ông hiểu chưa?
– Dạ.
– Cái việc mà thiên hạ đồn, thì mặc thiên hạ. Tôi có giấy của bác sĩ tây chứng nhận là con Rô-da-lin còn nguyên màng trinh con gái. Tôi đương nhờ dịch ra quốc ngữ, rồi cho in thạch, dán như yết thị cho cả đồn điền biết. Khi ấy, đứa nào còn nói láo, thì tôi cho phép ông cứ bẻ gãy răng nó ra. Thế nào cũng phải bỏ tù một thằng, chúng nó mới câm họng được.
– Dạ.
Ma-ri nói:
– Còn thằng phó tổng Hạ, ông gọi nó lên đây cho tôi. Nó định đào mỏ thì tôi đào mả bố nó lên, vứt đầu lâu vào chuồng phân cho nó chừa.
Thừa gật đầu:
– Phải đấy, ông cứ gọi phó tổng Hạ chiều mai lên đây, nhưng đừng nói là làm gì cả.
– Dạ.
* * *
Chiều hôm sau, phó tổng Hạ dắt con trai đến cho ông hàn bà hàn xem mặt. Cậu công tử đội khăn xếp, mặc áo sa bóng, đi giày tây trắng, tay xách cái bu có đôi vịt kêu quàng quạc.
Tới cổng, thấy bà hàn đứng trên thềm, hai bố con vội vàng chắp tay vái chào. Nhưng Ma-ri thốc ngay cho một hồi:
– Ông Hạ! Ông với quan hàn nhà tôi cũng là hội viên hội Khai Trí Tiến Đức thật, ông là phó tổng tổng này thật, nhưng ông là con nợ của tôi. Ông định lật lọng thì ông bảo! Đồ xỏ lá!
Hắn không mời khách vào nhà, cứ đứng trên xỉa xói xuống:
– Ông còn muốn chơi trèo nữa à? Liệu cái thần xác ông, không thì tôi kiện cho mà mất nghiệp. Chứ đừng hỗn, đừng láo! Ông không biết con người ta là mình vàng mình ngọc à? Ai thèm đến cái thứ cỏ rác, mà ông dám đem con ông so sánh với nó. Hãy hỏi cái ngữ con ông đã đáng làm đầy tớ giặt quần trong cho nó chưa? Ông tưởng cái chức phó tổng của ông đã to thế à? Ông tưởng mấy mẫu ruộng của ông đã lớn thế à? Tôi thì gí vào!
Phó tổng Hạ tím bầm mặt:
– Thưa bà…
– Tôi không lý sự với ông! Món nợ hai trăm quá hạn đã lâu rồi. Tôi gọi ông lên đây để đòi ông phải trả ngay. Có trả hay không thì ông bảo?
– Thưa bà hãy thư cho mấy hôm.
– Không được!
– Bà đòi tôi mà không bảo tôi trước, chỉ nói trống là lên ông bà nói chuyện, thì tôi biết đâu?
– Biết đâu thế nào? Ông còn nói bướng à? Ông định làm kế hoãn nợ phỏng? Ông định làm kế xí xóa nợ phỏng? Ông định cho con đào mỏ phỏng?
Lúc ấy, Thừa đã đứng đấy. Hắn nói:
– Này, ông phó tổng! Ông làm phí cả tiếng hội viên hội Khai Trí Tiến Đức đi. Hội viên hội Khai Trí Tiến Đức phải ăn ở thế nào để làm gương về trí lự và về đạo đức chứ không phải đào mỏ. Tôi không lạ gì ông đâu. Quân đào mỏ là quân bất nhân bất nghĩa. Phải bỏ rọ trôi sông cho tiệt cái giống ấy đi. Người ta sống với nhau phải bằng tình chứ? Những quân đào mỏ chỉ biết có tiền. Tình của chúng nó là tiền, Hết tình là hết tiền. Ông có thấy đê nhục không?
Ma-ri nhăn mặt nhìn chồng:
– Không việc gì phải đem đàn mà gảy trước tai trâu. Phí cả công đi. Đã muốn lật mặt thì cho được lật mặt!
Hắn trỏ vào phó tổng Hạ:
– Thôi, bố con ông về đi, đừng đứng đây nữa mà bẩn nhà tôi! Có khôn hồn thì trả cho hết món nợ!
Phó tổng Hạ căm giận, không thèm chào Ma-ri, dắt con ra cổng.
Ông ta về làng. Vừa tới đầu ngõ nhà, ông đã nghe tiếng vợ khóc lóc lạy van.
Vào đến sân, ông thấy một con mẹ gầy gò, đương giằng co với vợ ông một vật gì ở trước bàn đèn thuốc phiện bày trên giữa phản.
Con mẹ ấy là mụ Ĩnh con. Thừa đã cho gọi nó về để làm nặc nô đòi nợ. Về việc này, Thừa không tin lão hai Điều sẽ quyết liệt với phó tổng Hạ. Vì thằng già đã nuốt mấy đồng bạc, nên há miệng mắc quai.
Mụ chủ nhà thổ đến nhà con nợ. Nó thấy người chồng đi vắng, thì nó mừng lắm. Nó thẳng tay với người vợ.
Sau khi được ăn cơm với thịt gà, và hút hết lượt xái ba, nó mới có sức để dở thói du côn.
Nó hỏi nợ. Câu trước còn tử tế, câu sau đã văng tục. Đến câu thứ ba, nó chửi liền. Nó xói móc đến ông tam đại tứ đại ông Hạ, để bắt ăn những thứ nhơ bẩn, mà chính nó chưa dám ăn bao giờ.
Rồi cuối cùng nó nhảy phắt lên bàn thờ. Vì là đàn bà còn chút e lệ, nó không trâng tráo như hai Điều, mà tụt quần ngay trước mặt mọi người, để ỉa một bãi. Nhưng nó đến chỗ ỷ thờ. Vợ phó tổng Hạ vừa lạy van nó, vừa giữ áo nó lại. Nhưng nó khỏe hơn, hất mạnh một cái cho bà ta ngã xuống đất. Áo rách. Khăn xổ. Tóc rũ rượi. Nhanh như cắt, nó nhấc cái áo chủ ra, tóm lấy bài vị.
Vợ phó tổng xót xa vì vong hồn bố chồng bị bắt đi cầm tù, bèn cố giữ lại. Nhưng Ĩnh con đã lấy ra một cuộn dây gai nhỏ. Nó quấn dây quanh cái bài vị, thít thật chặt, như thể ta trói người. Vợ phó tổng xông vào nó. Nhưng một tay nó khư khư giữ vật bảo đảm, một tay gỡ người đàn bà ra.
– Lạy bà, bà tha cho cụ em, bà làm phúc. Ai chả có cha có mẹ? Bà đừng làm thế mà tủi vong linh cụ em.
– Tủi à? Sợ tủi à?
Ĩnh con giơ cao bài vị lên, cầm cái xe điếu, vút vào đen đét, và nói:
– Muốn khỏi tủi thì dạy con cháu trả nợ quan hàn đi nhé!
Người đàn bà lăn xả vào con nặc nô. Nhưng con mẹ dầu đã đặt tấm gỗ xuống chiếu, lấy đít dằn lên trên hai ba lần, và đánh nhịp bằng những tiếng xỉ vả:
– Nhục! Nhục! Nhục!
Người khốn nạn không chịu nổi nữa. Vừa khóc kêu van, bà ta vừa túm lấy tóc con nặc nô, giật cho nó ngã xuống. Ĩnh con lặng đi. Nhưng nó không rời tấm bài vị. Nó giắt cái vật thiêng liêng này vào cạp quần, xoắn hai ba lần cho chắc chắn, rồi bới tóc ngược lên, nó xắn hai tay áo. Hai người giằng co nhau.
Giữa lúc nó sắp giở thêm một vài cử chỉ đểu cáng, và nói thêm một vài tiếng thô tục hơn nữa của nghề nhà thổ, thì phó tổng Hạ về đến nhà.
Tập Bốn
§1. Vấn đề đồn điền
Thừa chăm chăm nhìn vào cuốn sổ tay, gãi đầu gãi tai, vẻ bực tức, nói với Ma-ri:
– Quái, mình cũng làm đúng như bọn họ, sao nó không nổ nhỉ!
Ma-ri hỏi:
– Hay không đúng phân lạng từng thứ thuốc?
Thừa lắc đầu:
– Không phải. Bom của họ ít ra cũng nổ ra được một tiếng, bom của mình ném mạnh đến đâu, nó cũng trơ thổ địa như thằng câm, mới tức chứ!
Ma-ri thở dài:
– Hay là… Thôi ông ạ. Phiền lắm!
Thừa ngước mắt lên nhìn Ma-ri:
– Nản chí à? Làm việc mà không kiên tâm, có bao giờ thành công?
Ma-ri cười:
– Tại tôi thấy ông hì hục, thử thách mãi mà chẳng ăn thua gì.
Rồi hắn nhắc lại câu vừa nói:
– Hay là… Thôi, ông ạ. Phiền lắm. Đừng làm nữa. Không khéo lại lòi đuôi như hai lần trước thôi.
Thừa ngồi ỏe cái ghế ra đằng sau:
– Sao lại lòi đuôi? Tại mình chưa lịch duyệt. Lần thằng Hoài Tân, mình không có bằng chứng, cố nhiên là không ăn thua. Lần thằng Xi, mình chỉ có cái cờ, không đủ làm bằng chứng. Nhưng lần này, mình có hẳn bom, bom làm đúng như kiểu của Việt Nam Quốc dân đảng thì bố chúng nó cũng không kêu oan nổi.
– Nhưng tôi sợ lắm. Cứ vu oan giá họa cho người ta là hội kín, thất đức đấy, ông ạ.
Thừa bĩu môi:
– Thật là đàn bà! Đã định lao vào công danh, thì cứ mạnh dạn mà lao. Ngón nào có lợi cứ phải lợi dụng mà tiến.
– Thế ngộ…
– Thế ngộ sở Mật thám khám phá ra mưu mô của mình phải không?
Thừa lại bĩu môi:
– Bà tin là nhà nước sáng suốt à? Nếu nhà nước sáng suốt, đã chẳng có ai bắt bớ, tù đày oan. Nếu nhà nước sáng suốt, tôi với bà chẳng còn ngồi đây để hưởng phú quý. Bà thử ngẫm kỹ lại xem, hay tôi cũng vu oan giá họa cho nhà nước?
Đay được bốn tiếng này, Thừa nhìn Ma-ri, hất hàm hai ba lượt.
Ma-ri đáp:
– Nhưng mà, ông ạ, dù nhà nước không sáng suốt, thì đời cũng có mắt. Nếu ông bảo tôi ngẫm kỹ, thì tôi phải thấy như thế này: Vì từ trước đến giờ ông làm việc gì cũng nóng bốc to ngay, nên ông phải dùng lắm thủ đoạn. Cho nên không việc nào bền, cứ luôn luôn lên voi lại xuống chó. Ông mở hiệu thuốc, đương phát tài đùng đùng, thì bị kiện, phải đóng cửa. Ông mở phòng xem bệnh, khách đương đến tấp nập, thì con trời đánh nó dẫn xác vào. Ông làm báo để đào mỏ, thì tòa báo bị phá, và con Lễ chết non. Ông buôn thuốc phiện lậu, đương hót của thiên hạ dễ như bỡn, thì công ty vỡ lở. Ông xoay sang công danh, vu cáo công ty là hội kín, nhưng thằng cu Hoài được tha ngay. Ông dùng cờ để đổ cho bọn khách hàng là Việt Nam Quốc dân đảng tụ họp, thì không những bị cụ sứ mắng, mà còn mất hết tiền. Thế không là đời có mắt, chẳng dung thứ cho người làm bậy là gì?