Anh Thừa để tay lên vai Múi, an ủi:
– Đàn ông chúng anh không hay nói ra miệng, nhưng nghĩ trong óc thì nhiều, ông bà có lòng tốt như thế, thế nào anh chả xin vâng. Sở dĩ anh chưa nói gì, vì anh còn đương tính toán xem đôi ta làm cách nào để hưởng cho hoàn toàn hạnh phúc. Mợ hiểu chưa? Còn cái việc trước kia, sở dĩ anh đổi về Hà Nội mà không cho mợ biết, là không phải lỗi ở anh. Dù sao thì anh cũng đã có vợ. Còn mợ thì còn cha mẹ. Vợ anh nó cấm anh đến với mợ, ông bà cũng ngăn không cho anh gặp mợ. Vị chi anh như con chạch bỏ giỏ cua, mang tiếng oan là thằng trai sở khanh mà không than thở với ai được.
Múi sụt sịt, không đáp. Anh Thừa tiếp:
– Thôi, em đừng khóc mãi. Cứ tin anh. Một lời anh đã hứa là bất di bất dịch. Anh hứa là chúng ta sẽ gây hạnh phúc cho nhau. Mai mợ về nhà nói với ông bà là đã gặp anh và bàn bạc xong công việc rồi. Mợ xin ông bà giúp anh lo cưới, và cho chút ít để mợ làm vốn. Cái đó tùy bụng ông bà, thương con nhiều thì con được nhiều, và giữ được tiếng với thế gian, mà thương con ít, anh cũng không dám oán thán.
– Nhưng cưới xong cậu định cho em ở đâu?
– Đã là vợ chồng thì ở với nhau một nhà, chứ ở đâu. Còn con mụ mặt sắt đến xương, anh sẽ bắt nó ở nhà quê nuôi con.
– Nhưng liệu nó có chịu không?
– Mợ tin ở tài anh.
Múi vẫn nói giọng đay nghiến:
– Phải, em tin tài cậu, tán cứ ngọt xót, cho nên em mới nhỡ nhàng thế này. Em chỉ sợ cậu lạy van nó không nổi, lại làm em nhỡ nhàng thêm.
Anh Thừa cương quyết:
– Đối với nó, bảo tử tế mà không chuyển, thì đã có roi vọt. Hẳn mợ đã biết là vì mợ, nó bị bao nhiêu trận đòn nên thân rồi.
Múi cười, âu yếm nhìn anh.
* * *
Do cái nghề kiếm ăn bằng quảng cáo, anh Thừa biết thêm được một nghề mới nữa, hợp với khả năng của anh hơn. Đó là nghề diễn thuyết để bán thuốc. Trước giờ một chuyến xe lửa chuyển bánh, trước giờ một chuyến tàu thủy nhổ neo, trong khi xe điện đợi nhau ở chỗ đường tránh, hoặc lợi dụng chỗ đông người, như trong chợ, trước cửa rạp hát, rạp chiếu bóng, người bán hàng chỉ việc đọc thuộc lòng bài quảng cáo, đọc cho rõ rằng, dõng dạc, trơn tru, thế là bán nổi một ít thuốc. Anh Thừa làm thêm nghề này. Anh đắt hàng hơn bạn đồng nghiệp, vì anh khôn ngoan. Anh biết nhấn mạnh lời, khi kể đến những biến chứng của bệnh, khiến người nghe phải chú ý, và biết bịa thêm công hiệu của thứ thuốc mà anh bán. Trong bài quảng cáo, hiệu thuốc đã hoàn tán vào đó nhiều chất nói phét. Nhưng anh cho là chưa đủ liều. Anh đã rút được nhiều kinh nghiệm trong nghề. Khi diễn thuyết, anh để ý nhìn mọi người. Ai nghe hờ hững thì anh mặc. Nhưng ai mà nhìn anh, anh biết là người ấy lắng tai. Hẳn người ấy có bệnh, hoặc quen người có bệnh mà anh đương quảng cáo thuốc. Thế là anh chỉ quay lại nói với những người ấy. Trong lúc này, anh còn tùy nét mặt của họ mà tăng vào lời thêm nhiều chất dọa dẫm để khủng bố và thêm nhiều chất nói phét để làm họ ngã lòng.
* * *
Một lần anh Thừa bị sốt rét ba hôm liền. Anh đã thử uống mấy thứ thuốc mà anh vẫn quảng cáo là công hiệu. Nhưng chẳng ăn thua gì. Thế là đã tiêu hết lãi, anh lại ăn vào vốn. Bữa chiều qua anh chưa trả ông chủ tiền cơm. Bữa sáng nay, tất ông không cho chịu. Bây giờ nhóc nhách được, anh phải đi bán thuốc để kiếm tiền ngay. Nhưng từ sáng đến giờ, anh bị ế hàng. Anh lo quá. Không còn một xu dính túi! Đành phải nhịn đói mất! Anh lang thang đi. Thì tình cờ, đến đầu phố Hàng Khay, anh gặp một người làng anh, tên là Xi, đang lững thững dắt một cái xe cao su nhà. Anh Thừa và anh Xi vốn là đôi bạn thân và cùng một cảnh gia đình, nên gặp nhau thì mừng lắm. Hai người rủ nhau đến ngồi trên chiếc ghế đá, trước cửa hiệu Gô-đa, kể thật công việc làm ăn của mình cho nhau nghe. Anh Xi nói:
– Tớ trốn đi chào mào, cho nên tớ ra đây, kéo xe cho cái Ĩnh con, cơm nuôi, một năm hai bộ quần áo.
Anh Thừa cau mặt:
– Tội đếch gì mà đi ở không công, để nó tưởng mình đói, nó khinh cho. Đằng ấy khỏe, nên kiếm việc khác mà làm.
Anh Xi cười:
– Nếu không có lợi khác thì tớ không làm đâu. Nói về việc kéo nó, thì mỗi ngày tớ chỉ mất độ một giờ, đi thong thả ở các phố tây. Tớ hiểu là nó đi rấm sẵn nhân tình để phòng khi chồng nó bỏ. Còn cả ngày, tớ chỉ chơi. Vì nó giao cho tớ phải giữ xe cẩn thận, cho nên tớ bảo nó để tớ mang xe về nhà tớ trọ. Thế là tớ tự do làm chủ cái xe này. Ngoài giờ phải kéo nó, tớ cho thuê. Ai thuê xe không, hay thuê cả tớ kéo, tớ cũng đi.
Anh Thừa trố mắt nhìn bạn:
– Xe nhà cũng có người thuê?
– Vô khối. Này, muốn sang trọng, khi đám cưới, cô dâu phải ngồi xe nhà nhé. Đám ma, ông sư phải ngồi xe nhà nhé. Vả lại, ở Hà Nội còn vô số thằng muốn lòe ta giàu, ta sang, có xe nhà đây. Thì nó thuê của tớ. Chẳng ngày nào tớ không có khách. Tớ phát tài rồi, cho nên chả nghĩ đến đòi công.
Nhìn thấy khách qua lại tấp nập, Việt Nam, Hoa Kiều, Tây, đầm, người nào cũng ăn mặc sang trọng, có người đỗ ô tô ở đầu phố, để đi bộ vào các cửa hiệu sắm hàng. Anh Thừa trỏ tay, nói với anh Xi:
– Trông ngứa mắt chưa! Ở nhà quê có cái ngứa mắt ở nhà quê, ở tỉnh có cái ngứa mắt ở tỉnh. Thằng nghèo như chúng mình, ở đâu cũng khổ, chịu bắt nạt đủ cách.
Anh Xi tặc lưỡi:
– Chà! Chỉ hào nhoáng bề ngoài chứ túi rỗng tuếch đấy. Tớ biết hết. Con Ĩnh con cũng vậy, lắm tối thua bạc, tớ biết là hết cả tiền, thế mà hôm sau đi diện phố, vẫn õng ẹo cái ví bẹp cắp ở nách.
– Hà Nội vẫn tin cái hào nhoáng bề ngoài. Ngay như tớ, tớ cũng phải bóp bụng mà sắm quần áo, để lúc cần thì thắng bộ vào, trông ra phết công tử. Chẳng thằng chó nào dám khinh.
Anh Xi cười. Một lát, anh Thừa hỏi:
– Nó đánh bạc?
– Phải, cái giống ấy, vô công rồi nghề, nên hay làm hai việc. Một là đánh chắn. Hai là đi lễ. Thỉnh thoảng, thằng Phi-lô-mát đi vắng xa, con Ĩnh con lại vào sòng, định ăn to kia.
– Hà Nội cũng có sòng?
Anh Xi gật đầu:
– Thiếu giống! Có một lần, tớ theo nó vào để xem.
– Xem chứ không đánh à?
Anh Xi lắc đầu:
– Chịu! Mình quê mùa, dúng vào đó mà mê thì chết! Nhưng ngất lên về của, đằng ấy ạ. Trên chiếu, trắng xóa những bạc. Đứng nhìn, có lúc mình ngứa ngáy, giá không kiên gan, không chịu được.
Anh Thừa cười:
– Tớ cũng máu mê. Nghe đằng ấy nói, tớ cũng ngứa ngáy rồi. Chỉ còn có cách đánh bạc, mới kiếm nhanh được nhiều tiền. Lúc nào đằng ấy đưa đằng này đi nhé.
Anh Xi lắc đầu:
– Đằng này không biết hiệu gọi cửa. Phải gọi đúng thì sòng mới mở cho vào. Để lần nào tớ kéo cái Ĩnh con đi sòng, tớ mấy cho đằng ấy theo.
Anh Thừa thở dài:
– Ước ao vậy, chứ đằng này làm gì có tiền.
Anh than thở với anh Xi, nói thật tình cảnh hiện tại, vừa mới ốm khỏi, còn yếu, mà vẫn phải đi bán hàng, nhưng mà có thể phải nhịn đói sáng nay. Anh Xi thương hại, nhanh nhẩu móc túi lấy ra vừa xu, vừa chinh, đếm vừa đủ hai hào:
– Không may cho đằng ấy, tớ vừa gửi tiền về nhà hôm qua. Còn có ngần này để diêm thuốc, đằng ấy cầm lấy mà tiêu, rồi về nhà mà nghỉ, kẻo ốm nữa thì khốn.
Anh Thừa cảm động.
– Đằng ấy ăn bằng gì?
– Kệ tớ. Tớ còn gạo. Ngày kia tớ lại có độ dăm hào. Đằng ấy có cần, tớ giúp.
Anh Thừa mỉm cười như mếu, tay run run, bỏ món tiền vào túi.
* * *
Múi về Hà Nội, cô đánh dây thép trước cho anh Thừa biết. Đúng giờ xe lửa đến, anh Thừa diện quần áo tây, ra đón ở ga.
Hôm ấy, Múi chít khăn nhưng màu nâu, kiểu vành dây, chải tóc rất công phu. Món ở đường ngôi tụt xuống nửa trán, che lấp thái dương và tai. Món ở gáy, xòe ra như lưỡi trai. Trong lần áo sa tây mỏng, óng ánh màu hoa lý của cái áo dài lụa. Trong lần áo dài lụa hoa lý, có bóng ra hai giọt thắt lưng hoa đào, thõng xuống gần đến gấu áo. Dưới hai ống quần lĩnh, tuy buông chùng đến gót, nhưng vẫn hở đôi chân đi bít tất trắng, và đôi mũi giày dát cườm.
Múi đưa va li cho anh Thừa xách, và tuy mặt trời đã lặn, Múi cũng lấy kính đen ra để đeo, và giương ô lục soạn cánh trả ra để che.
Hai anh chị mới tập ăn mặc, đi song song với nhau, trông như đôi uyên ương bằng gỗ.
Anh Thừa không dẫn Múi đến nhà trọ Đông Phương như lần trước. Ở đấy, chỗ ăn chỗ nằm luộm thuộm lắm. Bây giờ anh có tiền, và chắc Múi cũng nhiều tiền, nên anh thuê buồng nhà săm Đồng Lợi, ở phố Hàng Lọng. Buồng số tám, trên gác, rất xinh, cửa mở ra phố, có cây cao, lá um tùm, thẳng vút.
Múi ngắm cái giường lò xo trải đệm trắng muốt, ngắm cái tủ có chiếc gương to soi rất thật mặt, thì vui thích lắm. Muốn Múi tận hưởng cảnh sung sướng của Hà thành hoa lệ, anh Thừa bắt đầu bằng việc đưa tình nhân lên Bách thú, về nhà Gô-đa, rồi đến Hàng Buồm, ăn ở hiệu cao lâu Đông Hưng viên. Qua Hàng Bông, anh không quên bảo Múi vào hiệu Mỹ Chương, chụp tấm ảnh làm kỷ niệm.
Trong giờ phút được nếm những vị ngon lành, Múi không giấu giếm người mà trước kia Múi cho là bạc tình. Múi khoe rằng bố chỉ cho một trăm, nhưng mẹ thấy ít, thương con, giúi cho trăm nữa. Song, Múi vẫn chưa vừa lòng. Nhân lúc bố mẹ ngủ say, Múi lẻn vào buồng, cạy hòm, lấy thêm được một trăm bạc. Cộng với hai trăm vốn riêng, thế là Múi có tất cả năm trăm. Múi muốn sắm giường lò xo, tủ gương, như của săm Đồng Lợi, bàn đá xoay, ghế gụ, như của hiệu Đông Hưng viên. Múi toan đưa tiền cho người yêu đi đặt mua ngay, nhưng hiện giờ không đem theo, vì món tiền ấy cất trong vali, để lại ở buồng nhà săm. Thừa trợn mắt:
– Chết! Bản mệnh đấy. Đi đâu phải giắt trong mình. Để ở nơi tứ chiếng, lỡ mất, không bắt đền ai được.
Vì vậy, hai người ăn xong, phải vội vàng về ngay nhà săm, Múi kiểm lại đồ đạc, tiền nong. Không suy suyển gì. Anh Thừa muốn Múi được dự cuộc vui buổi tối:
– Mợ xem tuồng, xem chèo, hay xem chiếu bóng, để anh đi lấy vé trước?
Múi thích quá:
– Gì cũng xem một lần cho biết. Phải lấy vé trước kia à?
– Không thì hết vé. Mợ xem tuồng nhé.
Múi gật. Anh Thừa chải lại tóc:
– Anh đi một mình. Anh về ngay. Mợ có mệt thì nằm nghỉ. Tối nay còn phải thức nhiều đấy nhé. Giao hẹn trước thế!
Múi liếc anh, rồi khẽ tát vào má:
– Khỉ.
Múi cởi áo, lên giường, ngả lưng xuống, dún dún mấy cái, để xem lò xo bập bềnh.
Anh Thừa đứng trước gương, đương thắt ca vát. Bỗng Múi hỏi:
– Cậu đi có lâu không? Em sợ ở đây một mình thì buồn, lỡ thiu thiu ngủ, rồi kẻ gian vào, nó lấy trộm hết. Hay là cậu giữ tiền nhé. Nhân tiện cậu qua các hàng, xem ở đâu bán giường, tủ, bàn ghế đẹp, thì đặt mua. Rồi còn phải sắm từ cái chổi, cái rế, cái đanh, nhiều thứ lắm, cậu ạ.