Thừa đương nằm vắt tay lên trán, thì con Rô-da-lin rón rén đến đầu giường. Thấy tiếng động, hắn mở mắt ra. Rô-da-lin hỏi:
– Pa-pa ơi! Tại sao chú đội không ở nhà ta nữa, hở pa-pa?
Thừa thở dài:
– Mày bé, chưa hiểu những việc của người lớn. Không hỏi.
– Pa-pa ạ, chú bảo pa-pa đuổi chú, có thật không?
Thừa không đáp. Nó lại hỏi:
– Ma-măng đâu? Tại sao còn ở Hà Nội. Bao giờ ma-măng về?
Thừa ngóc cổ lên:
– Mày hỏi, hay chú ấy xui mày hỏi?
– Con hỏi đấy, pa-pa ạ.
Thừa đáp:
– Không biết.
Rô-da-lin nói:
– Pa-pa ạ, pa-pa đừng đuổi chú đội. Pa-pa cứ cho chú làm với pa-pa.
Thừa ngồi hẳn dậy.
– Chú xui mày nói với pa-pa thế phải không?
– Không ạ.
– Thế tại sao mày xin hộ chú ấy?
– Tại con thích chú.
Thừa không đáp, lại nằm xuống, vắt tay lên trán:
– Để cho pa-pa ngủ.
Trong buồng yên lặng. Bỗng Thừa nghe tiếng con Rô-da-lin thút thít khóc. Thừa quay lại nó, cau mặt, gắt:
– Ai làm gì mà mày khóc? Tao ở Hà Nội có một chốc, không kịp mua quà cho chúng mày. Đừng nũng nịu!
– Thưa pa-pa, không phải thế. Pa-pa đừng đuổi chú đội. Con thương chú lắm.
Thừa cau mặt:
– Mày thương chú, thế mày không thương pa-pa với ma-măng à?
– Có. Chú làm ở đây, thì giúp pa-pa với ma-măng đỡ vất vả.
Thừa bực mình:
– Nó có giúp ma-măng, chứ giúp gì pa-pa!
– Chú ở đây thì chúng con vui. Chú đi thì chúng con nhớ.
Rô-da-lin lại bưng mặt khóc.
Thừa lấy lại giọng dịu dàng, dỗ dành con:
– Thôi, để yên cho pa-pa ngủ. Pa-pa với ma-măng đã quyết định như thế rồi. Bảo anh Pôn, anh Giăng với con Ma-gơ-rít, không được làm ồn. Ngoan thì chủ nhật sau, pa-pa đi Hải Phòng, pa-pa mua xi măng chữa cho cái bể bơi, và lát cho cái sân quần. Chứ chơi sân đất hại bóng, mà đường bóng đi không thật, nghe không?
Rô-da-lin không vâng. Nó cũng không đi ra. Nhưng nó cũng yên lặng, không nói, không khóc. Nó ngồi thừ trên ghế.
Sáng sớm hôm sau, xừ Tuynh từ biệt Cẩu Rồng. Lão hai Điều, thằng Pôn, thằng Giăng và con Ma-gơ-rít tiễn xừ ra tận cổng, và bắt tay thật lâu.
Những người ăn người làm, và năm cô trong đội con gái như được mát ruột, chẳng ai cần xừ từ giã. Lúc xừ lên đường, họ vẫn việc ai nấy làm, như không có gì lạ xảy ra. Nhưng Đào bỗng hỏi Lan:
– Này, nhìn mà xem, mày ơi! Con Rồ đâu mà chỉ có con Ma đi tiễn chú nó nhỉ?
Lan trỏ tay lên buồng ngủ của các cô, đáp bằng giọng đanh đá:
– Nhớ nhân tình, đương khóc ở trên kia chứ đâu! Mày không nghe tiếng à?
Con Rô-da-lin ở trên buồng thật. Lúc ấy, nó đứng trong của sổ, trông ra cổng, khóc ầm ĩ. Thấy xừ Tuynh giơ tay vẫy nó, rồi đi khuất, nó vật mình vật mẩy. Như con điên, nó xé quần xé áo, giật màn cho đứt xuống. Nó gào lên:
– Chú ơi! Chú ơi!
Rồi nó nhảy lên cửa sổ, gieo mình xuống sân, để chạy theo:
– Chú ơi! Đợi cháu với! Đợi cháu với!
Nhưng hai Điều và hai anh nó vội vàng giữ nó lại, nó lồng lộn, cắn tay họ để gỡ ra, và chửi ầm ĩ. Hai Điều thầm thì vào tai nó:
– Này có khẽ chứ không! Quan dậy thì chết cả lũ bây giờ! Dại dột thế!
Bỗng của sổ buồng ngủ của Thừa mở toang. Thừa mắt nhắm mắt mở nhìn ra, vừa giơ cánh tay lên gãi nách, vừa hỏi:
– Gì thế?
Hai Điều tái mét mặt:
– Không ạ.
– Thằng Pôn, thằng Giăng bắt nạt em phỏng?
Thằng Pôn và thằng Giăng sợ hãi:
– Không ạ.
Hai Điều xui khẽ chúng nó:
– Đừng nói thật mà chết!
– Sao quần áo nó rách và đầu gối có nó có máu thế kia?
Ông đáp:
– Không phải máu đâu ạ. Mực đỏ đấy ạ. Nó học, đánh đổ mực đấy ạ.
Thừa đóng cửa lại:
– Học ngoan với nhau cho pa-pa ngủ nhé.
Con Rô-da-lin tập tễnh theo mọi người lôi nó vào buồng. Nó nằm trên giường, úp mặt lên gối, vừa khóc chú, vừa chửi thằng nào con nào đuổi chú. Những từ ngữ mà nó dễ dùng để diễn đạt tư tưởng tuyệt vọng của nó, so sánh với lời lẽ của các anh nó khi tức giận, có phần kém mạnh mẽ vì kém thô tục, nhưng lại chua ngoa và sâu sắc hơn.
Sáng hôm ấy, nó nhịn cơm.
Trong bữa ăn, thấy vắng mặt nó. Thừa hỏi, thì thằng Pôn thưa:
– Rô-da-lin nó kêu nhức đầu. Con đã bảo nấu cháo cho nó ăn rồi ạ.
Thừa cau mặt:
– Đã bảo mà! Cứ chạy nắng cho lắm vào. Chúng mày không biết giữ mình, có ốm, rồi ma-măng về, ma-măng lại kỳ kèo tao.
* * *
Ma-ri nằm cạnh con Rô-da-lin, ôm vai nó, và dỗ dành:
– Con nói thực đi. Chỉ có ma-măng với con biết thôi. Con nhớ chú đội phải không?
Rô-da-lin thở dài:
– Tại pa-pa đuổi chú.
Ma-ri cũng thở dài:
– Thế tại sao con nhớ chú?
Nó không đáp. Ma-ri hỏi nó lần nữa. Nó cũng không đáp. Ma-ri hỏi nó lần thứ ba, thì nó thút thít khóc. Ma-ri ôm lấy nó, âu yếm, vỗ vào lưng nó.
– Con ơi, có phải con yêu chú phải không?
Nó không đáp, chỉ rên rỉ, rồi cựa, quay lưng lại Ma-ri. Ma-ri gặng:
– Con yêu chú phải không?
Nó òa lên:
– Vâng.
Ma-ri yên lặng, thở một hơi dài thườn thượt. Một lát, hắn hỏi:
– Nhiều tối, ma-măng thấy con xuống nằm với chú. Thế chú làm gì con?
– Có cả con Ma-gơ-rít cũng nằm đấy. Chú có làm gì con đâu?
– Con ngây thơ quá? Chú là đàn ông, sao con lại nằm thế?
Nó không đáp.
– Thế chú không làm gì con thật à?
Nó lại không đáp, chỉ thở dài.
– Con cứ nói thật đi. Để có làm sao thì phải chữa mới được.
– Có làm sao đâu?
– Ừ, thế chú vẫn làm gì con?
Nó yên.
– Chú làm gì con từ bao giờ? Mấy lần?
Nó lại yên.
– Ma-măng biết. Ma-măng làm thế này thì con không giấu được ma-măng nữa.
Ma-ri để tay lên bụng nó. Bỗng nó giật tay ra, và nằm sấp lại. Ma-ri nựng nó:
– Con gái tôi bé bỏng. Có gì cứ nói thật với ma-măng, ma-măng liệu cho.
Nó gắt:
– Có gì đâu mà ma-măng phải liệu!
– Thế con dại dột với chú bao nhiêu lần rồi!
Nó nguẩy vai:
– Chả nhớ!
Ma-ri khẽ thở dài:
– Từ bao giờ?
– Từ nghỉ hè này.
– Từ nghỉ hè năm ngoái chứ?
– Không.
– Thế chú bắt ép con à?
– Không.
– Lần đầu tiên kia mà?
Nó lại gắt:
– Chẳng lần nào ai bắt ép ai cả.
Ma-ri yên lặng. Một lát, Ma-ri quật mạnh cánh tay xuống chiếu, nói giọng uất ức:
– Thằng ấy là thằng sở khanh! Con không được nghĩ đến nó nữa!
– Sở khanh là tốt hay xấu? Sao chú ấy lại sở khanh, hả ma-măng?
Ma-ri lại yên lặng. Rô-da-lin gặng:
– Hở ma-măng?
Ma-ri gắt:
– Là xỏ lá, ba que, ngủ với con này, lại ngủ với con khác!
– Nhưng chú chỉ ngủ với con, chứ có ngủ với ai nữa đâu?
– Mày mà biết được?
Ma-ri chữa câu nói:
– Sao con biết?
Một lát, hắn tiếp:
– Ma-măng còn ngờ không khéo cả con Ma-gơ-rít cũng dại dột với nó nữa.
– Không. Nhất định không, ma-măng ạ. Lần nào nó nằm với chú, cũng có con.
– Ai biết ma ăn cỗ. Lại còn lũ đội con gái ngứa nghề nữa. Lần nhảy đầm nào, nó cũng ôm suốt lượt, không khéo thì chết cả với nó rồi!
Ma-ri ngồi phắt dậy, bới vội món tóc không có độn, nó bẹt như củ hành tây, rồi nghiến răng, nói như ghen:
– Thằng sở khanh thật! Bà mà gặp mày thì bà kẹp nát đầu mày, chứ bà không để yên!
Lại đến lượt Rô-da-lin dỗ dành mẹ:
– Đừng, ma-măng ạ. Tội nghiệp chú!
* * *
Tin con Rô-da-lin mới nứt mắt mà đã phải lòng cái thằng quản lý ác bá hơn bốn mươi tuổi, đồn dậy khắp Cẩu Rồng.
Thừa và Ma-ri rất buồn và xấu hổ. Hai người không dám thò mặt đi đến đâu.
Riêng Thừa thì hối hận là mình lao đầu vào đồng tiền nhiều quá, chẳng trông nom gì đến con cái, đến nỗi chúng nó hư đốn ngay trước mắt, mà mình cũng không biết.
Tuy Thừa biết con Rô-da-lin không phải dòng máu họ Trần, nhưng vì danh dự và tự ái, hắn vẫn phải nhận là con hắn. Còn những đứa khác, hắn bán tin bán nghi. Song, cũng vì danh dự và tự ái, hắn phải tự nhủ là chúng nó giống mẹ ở nước da và màu tóc. Mẹ chúng nó vốn là người lai mà.
Biết rằng tiếng xấu còn đi xa, một mặt Thừa với Ma-ri ngồi đâu cũng khoe con gái mình chăm học, ngoan nết, và thanh minh cho xừ Tuynh là đứng đắn, hiền lành. Sở dĩ xừ không làm ở đồn điền nữa, không phải do có phốt gì, mà chỉ vì xừ muốn tiến làm nghề thầu khoán, vì được chủ cấp cho vốn. Một mặt, ông bà hàn ra lệnh cấm người ăn kẻ ở và tất cả điền tốt, không ai được nhắc cái tin đồn vô căn cứ ấy. Muốn bưng bít dư luận hơn nữa, Thừa xuống tận Vĩnh Yên, tìm ba người phóng viên của ba tờ báo hàng ngày, mời họ đi ăn, đi hát, lại cho họ tiền, nhân tiện minh oan cho con.
Nhưng một hôm, Pôn đưa cho Ma-ri xem tờ tuần báo Chuyện Đời, trong đó có một bài đoản thiên tiểu thuyết đề tên là Nhọ, tác giả ký là Xì Đạt. Truyện Nhọ kể việc một người quản lý đồn điền tên T., ngủ cả với bà hàn M., là chủ, và với người con gái mười hai tuổi khá xinh tươi của bà hàn, là R. Hai mẹ con ghen nhau, chửi nhau và đánh nhau tán loạn. Muốn hạ màn cho tấn bi hài kịch trong gia đình, ông hàn A.T. đuổi T. ra khỏi nhà, rồi phát điên, vì đã nuôi ong trong tay áo.
Ma-ri tức lắm, kể qua truyện Nhọ cho Thừa nghe, rồi đưa báo cho Thừa đọc. Nhưng Thừa xé tan xé nát tờ báo, vò nhàu, vứt vào xó tường, đập bàn mắng Pôn:
– Tao đã cấm chúng mày độ này không được đọc báo kia mà! Sao mày không nghe tao? Để nghe chúng nó chửi cha chửi mẹ có sướng tai không?
Muốn trấn áp dư luận, Thừa bèn hạ một lệnh mới. Hắn cấm ngặt tất cả các điền tốt đọc báo, bất cứ là báo nào. Ai không tuân, sẽ bị lấy lại ruộng, và đuổi đi tức khắc khỏi đồn điền. Hắn lại điều tra xem người viết truyện Nhọ là ai. Các bạn hắn, kẻ mách là người này, người mách là kẻ nọ. Có người nói Xi Đạt là Nguyễn Thiện, người tỉnh Vĩnh Yên. Thừa không tin. Ba người phóng viên không có ai là Nguyễn Thiện. Trừ họ ra, còn ai hay bới việc nhà người? Thừa nghi ông văn sĩ Hoài Tân Tử. Hắn biết ông này có tính xấu, là thôi cộng tác với ai, thì chửi người ấy liền. Song, Ma-ri đoán Xì Đạt không phải người ở xa, vì họ không thể biết rõ được chuyện trong dinh. Chỉ là anh Xi thôi. Anh Xi không biết viết, nhưng đã kể lại cho một người khác nào đó. Anh bới xấu việc nhà hắn để trả thù cho cả vợ anh lẫn anh.