Xe vẫn chạy, kêu phành phạch.
Nó nhún nhảy trên đất gồ ghề và nghiêng ngả trên khúc quanh co.
Nó bắt Thừa phải hết sức chú ý đến tay lái. Nhưng nó giúp xừ Tuynh ngồi sát hẳn lại Ma-ri. Nhưng Ma-ri nháy mắt, trỏ vào Thừa để ra hiệu. Ý hắn là nhắc xừ nên cẩn thận. Nhưng xừ mỉm cười, lắc đầu. Ý xừ trả lời là không ngại. Thế là xừ bỏ tấm lưng thon, quàng hẳn cánh tay vào cổ nõn nà của Ma-ri, kéo đầu hắn ngả vào gần xừ. Xừ ghé môi vào má thơm những mùi phấn. Hẳn là xừ định hôn.
Bất đồ ngay lúc ấy, chẳng biết có linh tính thế nào, Thừa chợt nhìn vào cái gương soi phía sau, gài ở trước chỗ vặn lái. Sẵn đương bực mình, nên máu nóng sôi sùng sục, hắn vừa phanh xe đánh kít, vừa quay lại định bắt quả tang kẻ gian. Chiếc ô-tô đột nhiên đỗ sững, làm con Ca-mê-li-a vập mặt vào kính chắn gió. Còn Ma-ri và xừ Tuynh thì giồ ra cả phía trước. Không còn bằng chứng, dấu vết gì là hai người vừa ôm nhau.
Nhưng có tật vẫn giật mình, Ma-ri hỏi:
– Gì thế?
Thừa không đáp, mở cửa xe, hầm hầm nhảy phịch xuống đất.
Bỗng thình lình, ở trên đồi sim cạnh đường, có hai con bé rách rưới, cắm cổ chạy, bỏ lại bốn bó cành khô nhỏ.
Thừa nhìn theo chúng nó, quên khuấy mất việc ăn cắp ái tình. Hắn trợn mắt, nghiến răng, chạy theo để đuổi hai đứa ăn cắp củi. Xừ Tuynh thấy có người bị coi là phạm tội nặng hơn, thì bình tĩnh, đứng cạnh Ma-ri để nhìn Thừa. Nhưng chạy độ hai chục bước, Thừa đứng lại, thở hồng hộc, vì mệt. Thừa đến chỗ đặt bốn bó cành, nhắc lên để xem cân nặng nhẹ, rồi xếp gọn thành một chồng.
Lúc này, xừ Tuynh tự coi mình như lương thiện, nên mỉm cười, khen Thừa:
– Ông nhanh mắt thật! Bắt kẻ cướp đến tài!
Thấy thằng có tội nhởn nhơ, Thừa hùng hổ:
– Không nhanh lại chộp quả tang những đứa ăn cắp.
Xừ Tuynh giật nảy mình. Ma-ri cũng thấy như có kiến bò trong gáy.
Bỗng Thừa trỏ tay về phía đồn điền, mặt sát khí đằng đằng, nói như hạ một lệnh quyết liệt:
– Chú đội, đi về!
Xừ Tuynh thấy mình bị tuyên án mà quan tòa không nói lý do, thì xừ hiểu ngay câu nói những đứa ăn cắp là trong đó có cả xừ. Xừ vội vàng xuống đất như kẻ muốn tránh đòn.
Ma-ri vờ ngơ ngác như ngạc nhiên, không hiểu chuyện gì, nhưng không dám phản đối chồng.
Muốn khỏi bẽ, xừ Tuynh nhìn theo hai con bé lúc này chạy đã xa, trỏ chúng nó, và trợn mắt:
– Tiên sư chúng bay! Ông nhớ mặt chúng bay rồi nhé! Quân ăn cắp!
Thừa kệ cho xừ Tuynh đứng ở đó, mở máy cho xe chạy, rồi cười khẩy:
– Hừ! Cũng biết chửi quân ăn cắp!
Ma-ri ngồi một mình ở phía sau. Hắn nghĩ lung lắm. Hắn không rõ là hắn có tội hay vô tội. Thừa bắt xừ Tuynh về đồn điền, vì cáu với xừ hờ hững trong khi Thừa phải chạy mệt đuổi mấy đứa lấy củi? Hay đuổi đứa lấy củi không được, mà trút nỗi bực mình lên đầu xừ? Hay hắn đương cáu vì không được ly dị với mẹ Mão mà giận cá chém thớt? Nếu Thừa biết xừ Tuynh ôm hắn, và hắn để cho xừ hôn, thì hắn đồng lõa với xừ, sao Thừa không đả động gì đến hắn.
Thật là khó hiểu.
Ma-ri yên lặng để suy nghĩ. Thừa cũng không nói gì, chỉ chú ý nhìn đằng trước, hai cánh tay đặt trên bánh lái.
Song, sự yên lặng làm Ma-ri thấy nặng nề, không chịu nổi. Muốn dò ý Thừa, hắn nói:
– Hai con ăn cắp củi là con cái đứa nào, ông có biết không?
Thừa đáp giấm giẳn:
– Biết được!
Ma-ri vẫn ôn tồn:
– Cứ dễ dãi với chúng nó là chúng nó nhờn ngay mà! Từ nay, cứ bảo chú đội tăng tiền phạt củi lậu lên từ tám hào đến đồng sáu, thì của đau con xót, chúng nó mới sợ.
Thừa cười khẩy:
– Hừ! Dễ dãi mãi thì chúng nó nhờn thật!
Rồi hắn thêm:
– Hừ! Chú đội!
Ma-ri như bị nghe những lời nói xa xa gần gần. Hắn im một lát, rồi hỏi lảng:
– Ông có đem bức thư của lão đốc trường Lít-xê đi không thế nhỉ?
Thừa đáp cụt lủn trong tiếng thở dài.
– Có.
Một lát, Ma-ri lại hỏi:
– Tòa cứ hòa giải là cái đếch gì nhỉ?
Mãi Thừa mới trả lời:
– Ừ.
Đến phố huyện, Ma-ri hỏi:
– Năm ngoái, xe cháy ở chỗ nào nhỉ?
Thừa tặc lưỡi, đáp như bất đắc dĩ:
– Quên mất rồi.
Thấy làm lành mãi không ăn thua, Ma-ri đoán có lẽ Thừa đã bắt được quả tang việc ban nãy chăng? Nhưng hắn hơi vững tâm, và cho là mình đoán vô lý. Thừa ngồi thế kia, không quay đầu lại, thì nhìn sao được phía sau. Hắn đánh bạo, gọi dịu dàng:
– Ông nhỉ.
Thừa tặc lưỡi:
– Gì?
– Sao ông đuổi nó về thế?
Thừa lại tặc lưỡi:
– Cho khỏi gai mắt.
Ma-ri tái mặt:
– Sao?
Thừa gắt:
– Không hỏi!
Ma-ri ỏn ẻn như trêu chọc để đùa:
– Cứ hỏi!
Thừa vẫn cáu:
– Thôi yên, kẻo xe đâm xuống ruộng bây giờ!
Ma-ri nghe như lời dọa dẫm của một người mất trí muốn liều lĩnh, nên đành nín thinh, song, hắn vẫn cứ bực tức, không rõ hắn đã lo sợ bằng cái có đáng lo sợ, hay lại lo sợ khoảng không, để Thừa lên câu?
Hắn nhìn Thừa và ngẫm nghĩ. Hay là đã có đứa nào ở nhà mách Thừa về xừ Tuynh với mình, nên bây giờ thấy xừ ngồi cạnh mình, thì biết là có bố trí sẵn.
Bỗng có tiếng còi ô-tô ở phía sau xin đường đê tiến lên. Thừa giơ cánh tay, xoáy cái gương ở trước mặt chênh chếch đi một tí, để nhìn cho rõ nghe sau. Ma-ri sực giật nảy mình. Đúng là ban nãy Thừa đã bắt quả tang xừ Tuynh ở trong gương. Ma-ri thở dài.
* * *
Không bao giờ một người chồng tuy vẫn thả cho vợ đi với người khác để kiếm lợi, lại chịu nổi vợ ngoại tình với người khác mà không được lợi lộc gì.
Thừa lầm lầm lì lì. Có lẽ hắn sắp điên hay sao, mà lắm lúc đi quãng đường vắng, hắn cũng bấm còi hồng hộc lên hàng tràng.
Ma-ri rất bực bội. Không lẽ tự nhiên lại thanh minh rằng vẫn là bà chủ chín chắn với người quản lý? Thà rằng Thừa sinh sự, thì mình sẽ cãi rằng Thừa đã trông sai. Có thể đổ tội cho mặt gương không thật, hình người ngồi xa in vào đó bị méo mó đi một chút, cho nên Thừa lầm là xừ Tuynh ngồi sát vào mình. Có thể viện lý rằng xe đi chỗ quành đà chạy nhanh của nó làm hai người tự nhiên giúi vào nhau. Hoặc có thể bảo là chính xừ Tuynh có thể dã tâm thế nào đó, mà mình vô tình, không để ý, nên không biết. Nói những cớ khách quan ấy bằng giọng nũng nịu, rồi vừa dỗ dành, vừa pha trò, tất Thừa bị thuốc, lại vui vẻ như thường ngày. Đằng này Thừa cứ chẳng nói rõ, thỉnh thoảng thốt ra một tiếng như chó cắn ma. Bị tấn công bằng chiến tranh lạnh ấy, Ma-ri cảm thấy mình như tội nhân bị đòn mà không được hỏi cung. Cho nên hắn vẫn cứ ngơm ngớp lo ngại, muốn phản công, mà không biết tiến lối nào.
Về đến nhà ở Hà Nội Thừa gọi người bếp, người xe, gắt mắng họ không lau chùi quét tước, để đồ đạc và sân sướng bụi bậm rác sưởi. Rồi độ mười lăm phút sau, hắn lạnh lùng, bảo Ma-ri:
– Bà ở lại với Ca-mê-li-a, lo liệu việc học của chúng nó cho xong nhé. Tôi phải về ngay đồn điền bây giờ, có việc cần.
Ma-ri tò mò:
– Việc gì mà cần thế?
Thừa gật đầu, nhưng không giảng:
– Cần.
– Không đến với ông Rô-măng à?
– Để lần sau.
– Không thăm ông Pha-lăng-xô à?
– Không.
Thế là hắn lên xe ngay. Hắn về Cẩu Rồng thật.
Vừa đến nơi, chẳng kịp cởi quần áo, hắn gọi ngay xừ Tuynh lên. Hắn nói giọng hằn học:
– Từ ngày chú đến giúp tôi, mọi công việc đều rất trôi chảy. Tôi biết công chú lắm. Nhưng mấy tháng nay, tôi không buôn bán nữa, thì tôi thừa nhiều thì giờ. Vả lại không làm gì thêm cặp, cho nên túng. Tôi đã quyết định là tôi trông nom lấy ruộng nương, không cần có quản lý cho thêm tốn người, tốn của. Vậy chú tìm việc khác.
Xừ Tuynh tái mặt:
– Thưa ông…
Thừa giơ tay, ngăn:
– Khoan! Để tôi nói nốt. Đáng lý như người ta, thì chú thôi việc từ ngày nào, tôi không trả lương từ ngày ấy, Nhưng nghĩ tình thầy trò, tôi không nỡ. Tôi giúp không cho chú một tháng lương. Từ bây giờ đến mai, chú muốn đi lúc nào, tùy chú.
Xừ Tuynh thấy Thừa viện những lẽ loanh quanh để đuổi mình, lại tỏ ra tử tế, chu đáo, trong lúc mình chưa có việc mới, thì không biết nói thế nào. Có chỗ tựa vững chắc nhất là Ma-ri, thì Ma-ri lại không có mặt để bênh vực, Xừ ấp úng:
– Thưa ông, chắc việc này, ông đã bàn với bà rồi.
Thừa cười khẩy:
– Bà!
Rồi cau mặt nhìn xừ, giọng gay gắt:
– Đã. Nhưng anh – hắn không gọi thân mật bằng chú nữa – Phải hiểu rằng việc nhà, thì bà quyết định, còn việc làm ăn, là quyền ở tôi.
Vẻ mặt cương quyết, hắn thêm:
– Một là một. Hai là hai. Không nói đi nói lại!
Xừ Tuynh đoán rằng tất nhiên lúc vắng mặt mình, giữa đôi vợ chồng này đã xảy ra một tấn bi kịch thế nào đây. Nhưng không hiểu sao Ma-ri ở lại Hà Nội, và Thừa về ngay một mình. Xừ yên lặng đứng nhìn Thừa đếm tiền để trả lương. Lúc giơ hai tay đỡ cuộn giấy bạc, xừ nói:
– Thưa ông, ông không dùng tôi, tôi cũng vui lòng. Tôi lại rất tự hào là từ ngày đến giúp việc ông, lúc nào tôi cũng tận tâm làm lợi cho chủ. Thật là đối với ông, tôi không có phốt[90] gì. (*[90] Lỗi.)
Thừa cười khẩy:
– Phải. Không có phốt gì! Ông nói đúng lắm.
Không rõ câu này là nói thật hay nói đay, mà Thừa lại gọi mình bằng ông, xừ Tuynh không nhìn Thừa nữa. Một lát, xừ gãi tai:
– Thưa ông, tôi không làm với ông bà, nhưng lúc nào lòng tôi cũng cảm phục, quyến luyến ông bà, coi ông bà như tấm gương sáng, chỉ mong được gương soi xét cho thấu lòng kẻ tôi đòi. Sau này, nếu ông bà có việc gọi tôi, tôi xin đến ngay.
Thừa cau mặt:
– Hừ! Gương! Gương mà soi thì…
Hắn không nói tiếp.
Hắn nhìn xừ Tuynh, gật đầu:
– Thôi được. Cám ơn. Tôi với chú thế là dứt khoát. Tôi chúc chú về được mạnh khỏe, và kiếm ngay được việc làm. Từ bây giờ đến chiều, hoặc đến sáng mai là cùng, chú đi lúc nào, thì cứ việc đi, không cần lên chào tôi. Không phải băn khoăn đâu.
Thấy Thừa lạnh nhạt một cách ghê gớm, xừ Tuynh đáp:
– Vâng. Tôi thu xếp xong một vài việc, còn dở dang, rồi xin phép ông cho tôi ra tàu. Trước khi từ giã ông, tôi xin chúc ông bà và các cháu…
Thừa nhăn mặt, lắc đầu:
– Được, được. Cảm ơn.
Hắn chìa tay cho xừ Tuynh bắt.
* * *