Anh Xi nhìn người ấy bằng con mắt ngờ vực. Lần sau nữa, người ấy hỏi:
– Anh nói rằng anh làm ruộng. Sao ngày trước, anh ở Hà Nội, làm ở hiệu thuốc kia mà.
Anh Xi sực nghĩ ra:
– À, tôi nhận ra anh rồi. Anh là học trò trường Bưởi, độ ấy đi tẩy chay, phải không?
Người ấy gật đầu:
– Chúng tôi vẫn đến nhà anh để in truyền đơn. Có một vài lần, anh cũng in hộ chúng tôi đấy mà?
Anh Xi nhớ lại:
– À, à. Phải, có cả cái bà gì sau này theo ông chủ hiệu thuốc ấy, rồi bị ông ấy đánh chết.
Mặt người ấy bỗng sa sầm. Anh Xi nói tiếp:
– Tôi làm với ông ấy, không chịu được nhục, lại thấy ông ấy bạc tình với người vợ cả, cho nên tôi bỏ về nhà quê, làm ruộng. Ngày anh gặp tôi ở nhà ông ấy, là ngày tôi thôi việc đã lâu. Tôi đến Hà Nội là để xem tẩy chay đấy.
Anh lại tiếp:
– Chính là ngày ấy, nghe những câu chuyện các anh vừa làm việc, vừa nói với nhau, mà tôi sáng mắt ra.
– Chúng tôi nói với nhau những gì?
– Các anh bảo cái thư của người Tàu chửi quốc dân mình man di mọi rợ là cái thư giả. Chính là Tây viết mạo, làm cho ta tức đấy. Ta có tức Tàu, ta mới tẩy chay hàng Tàu để dùng hàng Tây. Bởi vì trong chiến tranh, Tây không mang hàng sang ta được, mà ta thì vẫn quen chuộng hàng Tàu. Nhưng ta phải nhân dịp này mà cổ động cho người mình dùng nội hóa, kẻo lại gánh vàng đi đổ sông Tây.
Người ấy mỉm cười. Anh Xi nói:
– Thì ra tôi mới suy ra là phàm việc ở đời, ta thấy bề ngoài nó thế, nhưng bề trong nó không thế. Hôm ấy các anh còn nói nhiều về người mình và về người Tây, làm cho suốt đêm tôi phải nghĩ ngợi, không ngủ được. À ra tôi bị ức là một, bị nghèo là hai, là do thằng Tây nó bắt mình ngu.
Người ấy lại mỉm cười, Và gật đầu:
– Về Tây và ta, chúng ta còn phải nói nhiều. Nhưng các anh thì hiểu nhanh hơn người khác, vì các anh nghèo khổ, cứ suy ở mình chứ không phải ở ai xa. Song, để đến bận khác, tôi sẽ nói.
Anh Xi im. Người ấy hói:
– Quê anh ở trên này à?
– Không phải. Bây giờ ở quê tôi làm ăn khó khăn lắm, nên tôi lại phải đến đồn điền của ông chủ hiệu thuốc ấy, xin lĩnh canh.
Người ấy mỉm cười:
– Lại làm với chủ cũ?
– Tôi cáu với người vợ ông ta, nên sau trả ruộng, vợ chồng vỡ hoang để nuôi nhau. Nhưng chẳng may, lại vẫn vỡ vào đất của đồn điền ông ấy. Thật tránh chẳng khỏi số.
Lần cuối cùng, anh Xi nói chuyện trước:
– Có lẽ chúng tôi sắp được tha cả, vì nhà nước minh xét, chúng tôi không có tội gì. Anh còn ở trong này lâu không?
– Còn. Ngót một năm nữa.
– Tên anh là gì nhỉ?
– Là Lâm.
– Gì gì Lâm?
– Phúc Lâm. Nhưng gọi là Lâm thôi.
Anh Xi ngớ mặt:
– Lại trùng tên với cái nhà ngày trước tôi đã vào xem cỗ tháng tám. Nhà ấy có cô con gái khéo tay, tỉa hoa bằng đu đủ đẹp lắm. Ai cũng phải khen.
Người ấy yên lặng. Anh Xi lại tiếp:
– À, cô con gái nhà này vẫn đến Phòng thuốc nhà giàu để uống thuốc đấy.
Anh sực nhớ ra:
– À, phải, chính cô ta là vợ theo của ông chú ấy đấy. Chả cô ta hay đi với người em đến đấy để in truyền đơn, rồi phải lòng ông ấy mà. Tội nghiệp con người hiền lành!
Anh Xi chép miệng. Người ấy hỏi:
– Tên anh là gì?
– Là Xi.
Hôm anh Xi được tha, anh tìm anh Lâm để chào.
Anh Lâm mỉm cười, nắm lấy tay anh Xi thật lâu, im lặng như để nghĩ, rồi nói:
– Anh ạ. Cái người con gái theo ông chủ hiệu thuốc, rồi sau bị ông ta giết ấy mà, là chị ruột tôi đấy.
Anh Xi lặng người, nhìn anh Lâm, bán tin bán nghi, nhưng thương hại:
– Thế à?
Rồi anh tiếp:
– Sao anh không bảo tôi ngay, để tôi nói chuyện nhiều với anh về ông ta?
Anh Lâm lắc đầu:
– Không cần.
– Tôi gửi lời chào tất cả các anh. Trước kia, tôi cứ tưởng người đi cộng sản thì hung ác lắm. Bây giờ mới hiểu là không phải. Tôi ở chung với các anh, thấy anh nào cũng hiền lành, tử tế. Các anh ái ngại tôi bị các cụ sếp chửi đánh, các anh khuyên can các cụ ấy. Tôi cám ơn các anh lắm.
– Đảng cộng sản là Đảng bênh vực những người bị bọn hung ác nó ức hiếp.
– Các anh chỉ làm những việc ấy mà chịu tù tội à? Mấy lần gặp anh, tôi cứ quên không hỏi, là bênh vực sao lại bằng cờ với truyền đơn?
– Nếu anh muốn hiểu, thì phải mất nhiều thì giờ lắm. Nhưng anh có muốn hiểu không?
– Có, vì tôi bị ức hiếp nhiều lắm.
– Thế thì bao giờ tôi được tha, tôi đến tìm anh có được không?
– Được. Anh cứ đến Cẩu Rồng, hỏi tên tôi, ai cũng biết.
– Chào anh về mạnh khỏe nhé. Lần sau gặp nhau, chúng ta sẽ nói chuyện nhiều.
Hai người lại nắm tay nhau thật chặt.
* * *
Từ hôm vào nằm trong đề lao, anh Xi nghĩ mãi không hiểu tại sao anh lại bị bắt. Anh lo cho anh, lại thương vợ sắp đẻ, lỡ ra dở dạ, thì một mình ở vào nơi xa vắng, không rõ rồi xoay xở thế nào. Suốt ngày, anh ngồi bó giò một chỗ, hết thở ngắn lại thở dài. Thấy những người cùng bị bắt với anh, họ nhơn nhơn trò chuyện, những chuyện ăn chơi, bịp bợm, anh ngạc nhiên, và ghét họ lắm. Anh cho là vì họ mà anh phải bắt.
Anh không bị quan trên thẩm vấn lần nào, nhưng lại là người bị sếp nhất sếp nhì hoạnh họe và đánh chửi nhiều nhất. Bởi vì anh không có tiền để đút lót chúng. Trái lại, bọn kia được chúng đem lén lút quà cáp của người nhà gửi vào cho. Họ chia cho chúng, nên họ được chúng đem cho nước sôi để pha cà-phê và sữa. Và đến tối, họ công khai ngả bàn đèn hút thuốc phiện với nhau.
Bọn sếp bắt anh đi lấy cơm hầu họ. Đáng lẽ người làm việc này phải được anh em bầu lên. Cơm của họ có đồ ăn riêng. Họ không chia cho anh tí gì. Nhưng những người chính trị phạm, mỗi ngày thứ năm trong tuần lễ, được người nhà gửi quà vào cho, thì lại bớt miệng, nhường cho anh chút ít. Sếp nhất thấy vậy, càng hằn học với anh. Nó không dám hoạch họe, đánh chửi anh trước mặt những người ấy mà nó kiêng nể. Nhưng khi thấy anh đứng một mình, thì nó hành anh để báo thù.
Hôm nghe phong thanh là bọn buôn lậu đã chạy chọt đến những cửa có thế lực lớn, anh Xi cầu trời khấn phật cho họ được tha chóng. Họ được tha chóng thì anh cũng được tha chóng. Hễ đầu đi thì đuôi lọt.
Cho nên được ra khỏi đề lao, anh đi một mạch về nhà. Anh cố ôn lại những lời anh Lâm nói với anh về cộng sản, cho lòng được vui vẻ, chân bước cho nhanh.
* * *
Ngay tối hôm sau cái đêm anh Xi bị bắt, thì chị Xi dở dạ.
Vì nhà ở hẻo lánh vào nơi xa quá, vả đau đớn quá, chị đành kêu la một mình, không làm thế nào báo cho hàng xóm đến giúp chị được. Lại có lẽ vì nhà chị vừa bị cái dớp, ai cũng sợ, nên cả ngày hôm ấy, chẳng ai dám lai vãng đến thăm hỏi.
Chị đành liều. Vượt cạn một mình vậy.
Đến lúc cơn đau dữ dội quá, chị hồng hộc rống lên, thì may sao, bác Nẫm gái đi qua đó, nghe thấy. Bác biết là chị đẻ khó, thì cuống queo, vội vàng đến nhà gần đấy nhất, gọi bác Sang, tìm phương kế cứu chị. Hai bác định cáng chị xuống huyện, vào nhà hộ sinh.
Nhưng bác Sang sực nghĩ ra:
– À, nghe nói bà hàn trước kia đỗ đốc tờ, chắc là biết đỡ đẻ. Hay ta xuống dinh mời bà ấy đến đỡ cho chị Xi.
Bác Nẫm bàn:
– Chỉ sợ ngại đêm hôm khuya khoắt, đường xa và khó, bà ấy không đi thôi. Hay là ta cáng chị ấy vào dinh?
Bác Sang xua tay:
– Không được. Lỡ bà ấy kiêng, không cho vào đẻ ở nhà bà ấy, thì ta cáng mất công toi à?
– Không, Tây lai người ta văn minh, không tin nhảm như ta đâu. Tôi chỉ sợ bà ấy đi vắng, chứ có nhà, thì thế nào cũng giúp đỡ. Đàn bà với nhau ấy mà.
Bác Sang cho là đúng.
– Bà ấy mà đi vắng, thì ta đưa tuột chị Xi xuống nhà thương đẻ ở huyện.
Hai bác cáng chị Xi đi.
Đến dinh quan hàn, hai bác gọi cổng.
Lúc bấy giờ Ma-ri đương hí hửng với Thừa về món tiền vừa vơ vét được hôm trước. Hắn cũng yên trí là công danh đến ngõ nhà mình rồi. Nghe tiếng gọi thất thanh ở cổng, và tiếng đàn chó sủa dậy lên, hắn nghĩ ngay đến việc tống tiền. Hắn trợn mắt, nhìn chồng:
– Cẩn thận đấy!
Nhưng khi thấy Lan vào trình rằng bác Nẫm nhờ hắn đỡ đẻ cho chị Xi, thì hắn lộn tiết. Hắn đứng ở hiên, the thé nói:
– Cha tiền nhân cái con đẻ ra mẹ chúng bay! Láo vừa vừa chứ! Ai làm đầy tớ nhà nó?
Bác Nẫm nói to:
– Lạy bà lớn. Chị ấy đẻ khó. Nhờ bà lớn đỡ cho, làm phúc.
Ma-ri quát:
– Bà thì vả cho tan họng bây giờ. Nhà bà đương thịnh vượng, mày rước vợ thằng hội kín vào để xúi quẩy nhà bà à?
Bác Sang nài:
– Trình bà lớn, chị ấy gần xổ rồi, bà lớn có kiêng, thì cho chị ấy vào nằm tạm trong chuồng trâu cũng được.
– À quân này to gan thật. Đẻ ở bờ ở bụi nào thì đẻ, chứ vác xác vào đây để gieo tai vác họa vào nhà bà phỏng?
Biết rằng nói thêm vô ích, bác Nẫm bảo bác Sang cáng chị Xi đi.
Khi đặt đòn lên vai, hai bác còn nghe thấy Ma-ri thét:
– Con Đào đâu! Ra xem nó bước chưa. Lấy gạo muối tống vía nó cho tao.
Một lát, giọng hắn vẫn the thé:
– Hay không phải gạo muối mà phí của. Đốt cho tao một tờ giấy vàng, rồi ném theo vía nó cũng được.
Chị Xi nằm trong cáng, nghe những lời như đập vào ruột ấy, chị càng thấy đau đớn. Chị lăn lộn, cắn răng lại để cố chịu đựng.
Đến nhà hộ sinh huyện, bác Nẫm và bác Sang đặt chị ở sân để gọi cửa.
Trong các buồng khóa kín, không có ai trả lời.
Biết là cả nhà đi vắng, bác Nẫm bảo bác Sang ở lại trông chị Xi. Bác đi hỏi thăm xem cô đỡ ở đâu, để mời về.
Lúc bấy giờ dễ đến mười hai giờ rưỡi đêm rồi. Ở phố, nhà nào cũng đóng cửa im ỉm. Người ta đi ngủ đã lâu rồi. Vì vậy, bác Nẫm hỏi, mãi mới được trả lời, và trả lời bằng hai tiếng “không biết”. Có người tỉnh táo hơn mách rằng mọi tối, cô đỡ hay đánh tổ tôm ở nhà ông lục sự Ích.