Hai Điều đặt ngang quân bài tổ tôm bỏ ở vỉa lên trôn bát, ngước mục kỉnh nhìn mọi người:
– Nào, đâu đấy xong chưa, để cái xướng?
Không ai trả lời. Người khát nước lại để tay giữ trôn bát, giục:
– Cái xướng?
Hai Điều nói thong thả và to như đọc lại báo cáo từ đầu đến đuôi.
– Lẻ ăn rồi, lẻ thừa sáu trăm bốn mươi bảy đồng. Bán lẻ sáu trăm bốn mươi bảy đồng!
Người sắp mở bát đáp:
– Cân! Trăm con mắt nhìn vào đây!
Cái bát bỗng tung quay tít lên cao. Hai Điều giơ tay đỡ, như cầu thủ thành đỡ quả bóng, tất cả ngần ấy miệng đều nói:
– Mắt ngỗng!
Tiếng ồn ào nổi dậy. Người giam tiền. Người vơ tiền. Người cười. Người thở dài. Nhưng một hồi tiền vỏ diêm rền trong bát, làm ai nấy im dần và im bặt để lắng tai và đoán.
Ở bên buồng bàn đèn, thấy vắng mặt cụ Hoài, thì người ta cũng hỏi thăm. Không ai được nghe chửi bài thơ nọ thối, nhà báo kia dốt. Không ai được nghe than tiếc thời buổi viết báo trước là oanh liệt, và chê bỉu làng báo bây giờ là mất hết giá trị. Ĩnh con, vì không có người đuổi, nên nằm từ đầu đến cuối, mặc cho thỉnh thoảng bị sức nặng của những tấm thân khác nó đè, lúc lên đít vòn, lúc lên đùi khẳng, lúc lên sườn lồi, lúc lên ngực bẹt, khiến cho nhiều bận, cái khung xương như ọp ẹp thêm.
Đến ba giờ sáng, có tin mời khách chuẩn bị đi lấy hàng.
Nồi cháo gà được bưng lên ăn, khói bốc nghi ngút, mùi hành thơm ngào ngạt. Cũng như mọi bận, khách không đợi người múc ra bát cho đàng hoàng. Ai nấy tự tay chọn những tỏi, những lườn, những phao câu, nhồm nhoàm cắn lấy thịt, rồi vứt xương bừa bãi lên trên bàn, xuống nền gạch. Họ húp cháo xụp xoạp, hạch thêm nước mắm, thêm dấm, thêm ớt, thêm hạt tiêu. Ồ ạt một lúc xong, họ kéo nhau đi.
* * *
Cái địa điểm mà lần này khách tới nhận hàng, là nhà anh Xi, ở cách dinh khí xa.
Ma-ri đã bàn mãi để bắt Thừa dùng nhà ấy. Thừa bất đắc dĩ phải chiều theo ý vợ.
Hắn cưỡi ngựa đến thăm anh Xi. Sau khi hỏi thăm công việc làm ăn của anh, hắn đưa anh mười đồng, nói rằng để giúp vợ anh sắp ở cữ. Vô tình, tưởng Thừa tử tế và hào phóng, anh Xi nhận. Đến khi Thừa ngỏ lời là đêm nay nhờ anh cho gửi hơn bốn mươi người trong độ nửa giờ đồng hồ, anh bằng lòng ngay. Anh biết là khách chờ, để rồi ra bờ sông nhận nhựa, như mọi bận. Cho họ đứng trong nhà, hoặc ngoài sân, không hại gì.
Đêm hôm ấy, trời tối như mực.
Khi người khách cuối cùng của Thừa vừa đến sân nhà anh Xi, họ đứng lố nhố, đương chuyện trò với nhau, thì bỗng có những tia đèn pin chiếu sáng rực vào họ:
– Giơ tay lên!
Thằng chánh cẩm Gôn và mười người đội sếp, nai nịt gọn gàng, chia nhau đứng để vây, ngăn mọi người chạy mất.
– Giơ tay lên!
Ai nấy ngơ ngác. Thằng Gôn cầm súng lục, chĩa vào đám đông nhất:
– Giơ tay lên!
Chỉ năm phút sau, bốn mươi hai người buôn lậu, và anh Xi là bốn mươi ba, bị xích díu với nhau, thành ba xâu dài.
Năm người đội sếp canh tội nhân, còn năm người nữa theo thằng Gôn đi lục soát nhà cửa.
Tiếng kêu nổi vang dậy.
Chị Xi chẳng hiểu gì, mặt tái xanh tái xám. Chị ngồi xuống đất, nép vào chân cột. Khi thấy anh Xi cũng bị xích tay như mọi người, chị gọi anh, và tru lên khóc.
– Im mồm!
Một tiếng vả đánh đốp. Thằng Gôn tìm thêm xem còn ai lẩn lút ở đâu không. Rồi nó khám nhà.
Nhà cũng dễ khám thôi. Vì trong rỗng tuếch. Nhưng khi đi vòng quanh ra đằng sau, nó bắt được một lá cờ nửa đỏ nửa vàng, cuộn đút ở xà. Lá cờ khá rộng, vải mới, chỉ cũng mới.
Có bằng chứng những người này là Việt Nam Quốc dân đảng ở đảng gốc, bởi vì Vĩnh Yên là quê hương của đảng trưởng Nguyễn Thái Học người làng Thổ Tang, phủ Vĩnh Tường, thằng Gôn tự thấy công mình rất lớn, mới đem ngay tang vật và giải ngay bọn phiến loạn về tỉnh.
Chị Xi nhìn theo chồng kêu khóc như ri. Trong khi ấy, Thừa đắc chí.
Hắn cho là khôn mà lần này không dùng bàn tay lõi đời của thằng Pha-lăng-xô, mà nhờ con mắt gà mờ của thằng cẩm say rượu. Bởi vì thằng mật thám lành nghề sẽ sáng suốt mà hiểu rằng hắn quen mui, nên lừa nó mãi. Nó bị lừa lần này nữa, sẽ không tin hắn lần thứ ba. Nhưng thằng cẩm ngờ nghệch sẽ tra tấn phạm nhân, bắt họ nhận cung theo ý nó, là làm quốc sự. Rồi công sứ Vĩnh Yên cứ theo cung mà làm án, xử ai tù bao nhiêu năm thì xử, không ai biết kêu oan ở đâu.
Riêng Thừa, hắn không những vớ được món lợi kếch xù cuối cùng, mà còn được trọng thưởng. Và Ma-ri thì trừ được cái bướu, là anh Xi.
§11. Anh Xi
Việc Ma-ri và anh Xi hiềm khích nhau, chớm nảy từ ngày Ma-ri còn là cô đốc và anh Xi còn là người kéo xe ở phòng thuốc nhà giàu. Đến bây giờ anh Xi lên Cẩu Rồng cấy ruộng đồn điền, lại một thời gian, anh nhận luôn cả việc nuôi Mão, cho nên, dù giữa anh và Ma-ri không có chuyện gì, nhưng trong lòng Ma-ri cứ coi anh như người bên cánh mẹ Mão. Gặp anh, nhất là gặp vợ anh, là chị họ của kẻ thù, Ma-ri không làm sao nuốt được cái giận nó như đè lên đến cổ. Vả lại, mỗi lần mẹ Mão đến Cẩu Rồng thăm con, qua dinh, lại vào cho ông hàn bà hàn một trận tán loạn, rồi sau đó, đến nhà anh Xi để ở, thì Ma-ri càng ghét anh Xi, coi anh không khác gì kẻ thù.
Sau ngày Thừa đem Mão về Hà Nội, nhờ ông bạn nhà thơ Tình muôn thuở giáo dục hộ, thì Ma-ri cho là anh Xi không còn bám vào lý do nào mà nói cứng để không nộp thóc. Hắn gọi anh vào dinh. Hắn định ngọt ngào thôi. Nhưng không hiểu sao, vừa nhìn thấy anh, hắn đã không nén được hằn học. Hắn chễm chệ ngồi trên sập, nghiêm nét mặt, nói như truyền phán:
– Từ nay, cái thằng bé con con mẹ trời đánh không ở với chú nữa, thì chú phải nộp thóc cho tôi. Mỗi sào bốn mươi cân.
Anh Xi cười:
– Có họa là ruộng màu mỡ nhất Hải Dương! Xin bác trông lại, thế thì nặng quá.
Ma-ri gay gắt:
– Trông lại với trông đi gì! Chân ruộng chú cấy là chân ruộng tốt nhất đồn điền đấy. Sao người ta nộp được mà chú lại kêu là nặng?
Anh Xi vẫn cười:
– Tôi biết đâu với người ta đấy. Bác thử nghĩ xem, bác bắt bốn mươi cân, có ai nộp đủ đâu?
Ma-ri đẩy cái tráp trẩu ra giữa sập:
– Không nộp đủ đã có ba-toong của ông đội.
Thấy Ma-ri làm như dọa, anh Xi bực mình. Ma-ri dịu giọng:
– Trước kia, chú nhờ thằng con con mẹ trời đánh, nó ở nhà chú, thì chú được nể nang, quan nói với tôi ngơ cho chú, không bắt chú nộp thóc. Bây giờ chú không được nhờ nó nữa, thì tôi bảo chú, chú phải nghe. Hẳn chú biết đồn điền này là đồn điền của tôi, chứ không phải của quan mà chú có thể nhờn được!
Anh Xi tức khí:
– Trước hết, xin nói bác rõ, là bác trai nhờ tôi nuôi thằng Mão, là con bác gái cả, thì tôi nể, tôi nuôi, chứ không phải tôi xin việc ấy để nhờ nó.
Ma-ri lé mắt, nghiêng đầu, hỏi:
– Thế nào? Chú nói thằng Mão là con ai?
Biết là Ma-ri đau, anh Xi nhắc:
– Con bác gái cả.
Ý anh muốn hạ Ma-ri xuống hàng vợ lẽ. Mặt Ma-ri hầm hầm, đập bàn tay vào mặt tráp tròn:
– À! Chú này khinh người thật. Chú cấy ruộng của tôi, mà chú ăn nói thế à? Ai là bác gái hai?
Anh Xi không đáp vào câu Ma-ri hoạnh. Anh nói tiếp:
– Thế thì bác quên đấy. Không phải bác trai nể nang tôi, nói với bác ngơ cho tôi không nộp thóc, mà chính là tôi nuôi thằng Mão thì thóc đáng tôi phải nộp, để lại cho nó ăn không đủ, bác trai còn bù thêm tiền.
Ma-ri hầm hầm:
– À, thế là chú bảo tôi nói điêu à? Chú có nhớ cái ngày vợ chồng đói rạc đói rầy, kéo nhau lên đây lạy lục tôi…
Anh Xi ngắt lời:
– Kéo nhau lên đây thì có, nhưng lạy lục thì không. Chẳng qua là bác có của, tôi có công…
– À, quân này bạc!
Rồi hắn trỏ vào mặt anh Xi:
– Làm thân đầy tớ thì biết phận đầy tớ, không ai bác bác cháu cháu với nhà người. Có khôn hồn thì nộp đúng bốn mươi cân một sào. Muốn nói lôi thôi thì xuống dưới ông đội mà nói, để mà ăn ba-toong!
– Bác không nên nói quá.
Ma-ri thét:
– Quá quá cái gì? Bướng thì trả lại ruộng. Rồi xéo đâu thì xéo. Đây không cần. Coi không lại rã họng như lần trước. Truyền hồn cho mà biết, lần sau đói khát mà đến đây, không ai hoài của mà thí cho đâu!
Hắn lại tiếp:
– Trâu ngựa không biết phận trâu ngựa!
Anh Xi tức điếng người, không nói được ra lời. Anh không chào Ma-ri, quay lưng đi ra.
* * *
– Nó đểu nhỉ.
Chị Xi vừa dỡ nhà, vừa nói với anh Xi câu ấy. Anh Xi cười khinh:
– Nó đểu, cho nên nó mới giàu. Và càng giàu, nó càng thêm đểu. Và càng thêm đểu nó mới càng thêm giàu.
– Nhưng nó chỉ đểu với bọn nhà nghèo chúng mình thôi, còn đối với bọn nhà giàu, nó vẫn tử tế.
Anh Xi lắc đầu:
– Không phải! Đối với bọn nhà giàu, nó cũng đểu, nhưng ngoài mặt, làm ra tử tế. Đối với bọn nhà nghèo chúng mình, nó vừa đểu vừa khinh. Nhục không chịu nổi!
Chị Xi nói:
– Trả ruộng nó là phải. Để không dính dáng gì với nó, xem nó có dám khinh nữa không nào! Chẳng lẽ bốn cánh tay thế này mà chịu đói à?
Anh Xi khí khái, không chịu cái con người đáng khinh nó khinh mình. Hôm sau, anh đến trả Ma-ri tất cả mấy sào ruộng vừa sỏi vừa cát. Anh dỡ cái nhà của anh để dựng lại ra ngoài khu vực của đồn điền, vào mảnh hơn hai sào, vợ chồng anh vừa vỡ xong mấy tháng nay, đương trồng sắn. Anh ngắm chỗ này. Đất bỏ không còn nhiều, nếu có công, có thể mở rộng đến hai ba mẫu.
Bởi vậy, trả ruộng của Ma-ri xong, ngày ngày hai vợ chồng anh cật lực ra để phá hoang. Ngả cây to, chặt cây nhỏ. Anh khỏe hơn, pha cành làm củi, cưa thân lấy gỗ, rồi đào bật những gốc lên. Chị làm những việc nhẹ, phát lau sậy, để vài nắng cho khô, rồi đốt lấy tro. Đất quang đến đâu, anh cuốc đến đấy để gieo hạt giống. Mưa, nắng, sớm, tối, không ai kỳ quản. Đêm có trăng, mãi đến khuya, hai người mới nghỉ tay.
Làm xong cái nhà, vợ chồng có chỗ ở vững chãi, mới sung sướng, đứng ngắm xung quanh. Xung quanh hạt gieo mọc mầm, đã xanh lấm tấm. Anh thăm chỗ để đào cái giếng. Chị muốn làm thêm chuồng nuôi lợn.
Thấy chắc chắn là không thiếu ăn, anh Xi vui vẻ bảo vợ:
– Mình nên rủ vài người ra đây ở, để có hàng xóm láng giềng cho vui. Còn khối đất. Tội gì phải nhờ họ, vừa bị khinh rẻ, vừa không đủ ăn, vừa mang tiếng là chịu ơn.