Đống rác cũ – Nguyễn Công Hoan

Ma-ri cho là có lý, ngồi yên lặng để suy nghĩ. Thừa tiếp:

– Một là mình được ăn cả hơn vạn bạc. Hai là mình không theo thằng Hoài, để có cớ mà tố giác bụng xấu của nó, cho nó mất giá trị, mất tín nhiệm. Một ngày kia, nếu công ty lại hoạt động, mình sẽ được thay chân nó, mà không cần hất nó, để bị nó oán là phản bạn. Mà dù công ty không hoạt động nữa, thì cũng như mình chịu thiệt vài nghìn để giữ nguyên được giá trị, được tín nhiệm đối với các ông ấy. Mình còn làm ăn, còn cần đến các ông ấy sau này nhiều.

Ma-ri hiểu tiếng “các ông ấy” của chồng, nghĩa là từ chánh đoan Mác-tanh đến bọn phó đoan tây lai, và từ bọn quan lại đến bọn nhà giàu khác, có chân trong công ty.

Ma-ri không bàn thêm, hắn nói:

– Thôi, việc kinh doanh lớn, ông cứ định liệu. Miễn sao cho khỏi mang tiếng thì làm.

* * *

Sáng kiến tống tiền của ông Hoài Tân Tử gợi cho Thừa một thủ đoạn. Hắn muốn ăn to, ăn một mình cho kín đáo.

Hôm ấy, chịu cho ông nhà thơ chửi hắn là ngu dại, là cổ hủ, hắn không đi nộp tiền cho công ty ngay. Đợi ông bạn cố tri đem cái mặt thất vọng và giận dữ ra khỏi dinh, hắn mới dần dần nói rõ ý định của hắn cho Ma-ri nghe. Rồi hắn cùng Ma-ri hý hoáy ở trong buồng ngủ. Ma-ri đặt tờ giấy bạc lên mảnh giấy báo gấp làm tư, làm sáu, làm tám, cầm kéo cắt theo đúng khuôn khổ ấy. Có tờ mẫu là giấy trăm, có tờ là giấy hai chục, năm đồng, một đồng. Và có cả giấy năm hào, hai hào nữa. Thừa ghim những giấy cùng cỡ với nhau, giấy lớn thì nghìn một, giấy lẻ thì trăm một, chục một. Rồi hai người cùng đếm lại. Đủ một vạn hai nghìn bốn trăm năm mươi tư đồng sáu hào, đúng với số tiền ghi trong sổ bán nhựa đêm trước. Muốn cho những giấy mới cắt ấy mềm và phẳng, Thừa xếp tất cả xuống nền gạch, rồi cùng Ma-ri khênh tấm ghế nhựa, đặt ép lên trên.

Tối hôm ấy, tuy ngồi cả ngày mỏi lưng, nhưng Ma-ri không cần tẩm quất. Hắn vui vẻ lắm. Như lại khỏe khoắn ra. Luôn luôn hắn vuốt má Thừa. Lúc hắn nựng:

– Phục ông quá!

Lúc hắn khen:

– Đàn ông vẫn lắm mưu mẹo!

Lúc hắn nũng nịu:

– Toa bí mật thế, không trách toa có lắm nhân tình nhân ngãi, mà moa chả biết tí gì.

Thừa chỉ tủm tỉm, vuốt râu, ra vẻ đắc ý.

Sáng hôm sau, Thừa ra ô tô. Đem theo cái gói bọc và buộc y như cái gói tiền mọi bận. Chỉ khác một tí là có mùi dầu xăng xông lên hăng hăng. Thừa đặt cái gói ấy ở đệm sau. Vì trời nhiều mây, râm, hắn hạ mui xuống để chạy cho mát.

Thừa cho xe đi một quãng, đến chỗ vắng thì dừng lại. Hắn lấy một điếu thuốc lá, nhìn kỹ cho đúng cái đầu phải ngậm vào miệng, rồi đánh diêm châm vào đầu kia.

Khi xe tới phố huyện, điếu thuốc lá cháy dở, bén hết vừa quá nửa. Thừa đặt nó trên bọc giấy. Rồi hãm xe trước cửa hiệu bào chế của chú khách thầy. Hắn vào đó, cân thuốc cho Ma-ri.

Bỗng:

– Xe ông hàn Be cháy! Xe ông hàn Be cháy!

Thừa giật mình, chạy ra hè. Mặt hớt hơ hớt hải. Ngọn lửa đương bừng bừng ở đệm sau. Hàng phố đổ ra chữa. Có người lăn vào, toan lôi cái đệm ra. Nhưng Thừa hét:

– Khéo! Khéo! Ét-xăng nó nổ đấy!

Có người đã gánh một gánh nước, sắp đổ lên lửa, nhưng Thừa lại cản:

– Không được! Có nước, lửa càng bốc to!

Người ta nhốn nháo chạy và xôn xao bàn cách chữa. Lửa vẫn ngùn ngụt, mỗi chốc lại to hơn.

Độ mười lăm phút sau, thấy gói giấy chỉ còn là tàn, Thừa mới để cho mấy người tuần phố bơm nước vào xe bằng cái ống thụt đồng. Nước giập tắt lửa. Khói đen bốc lên, khét lẹt.

Hàng phố xúm lại xem đám cháy rất đông.

Người ta ngó vào trong xe xem thiệt hại những gì, rồi nhìn mặt ông hàn tái mét.

Thừa nói với người trưởng phố:

– Thầy coi cho tôi. Đừng để ai đụng vào xe. Tôi lên trình quan về cái tai nạn này. Lạ quá!

Chú khách thầy lo lắng, phân trần mãi với mọi người là chú bận cân thuốc, chú “công pết” gì cả.

Thừa vào công đường. Huyện Lung trông thấy thì tiếp ngay. Thừa tường thuật rất tỉ mỉ việc hỏa hoạn vừa xảy ra. Hắn nói:

– Trên đệm có gói tiền một vạn hai nghìn bốn trăm năm mươi tư đồng sáu hào, tôi định mang đi Hà Nội. Vì mất món tiền to, tôi nhờ quan lớn xuống phố chứng kiến chỗ cháy.

Quan phụ mẫu lắc đầu, tròn cái miệng để:

– Ồ! Chết chửa! Quan hàn mất hơn một vạn bạc trong mười lăm phút?

Thừa cười lạt:

– Vâng, số mất của, tôi biết làm thế nào?

Huyện Lung hỏi khẽ:

– Tiền hàng chuyến vừa rồi đấy à?

– Vâng.

– Buôn to nhỉ. Tôi không ngờ. Nhưng quan hàn ạ, nghiệm đáo để, tiền lãi buôn cái ấy, có bao giờ giữ được bền đâu. Thế quan hàn muốn tôi chứng kiến để làm gì?

– Thưa tôi muốn xin quan lớn mấy chữ chứng nhận cho là vì ô-tô cháy, nên món tiền ấy cũng bị thiêu hết.

Quan gãi mép một lát, rồi hỏi lại:

– Bao nhiêu nhỉ?

– Thưa một vạn hai nghìn bốn trăm năm mươi tư đồng sáu hào.

– Toàn là giấy?

– Vâng. Cháy hết. Thật đáng tiếc!

Bỗng quan thản nhiên, tặc lưỡi:

– Tiếc quái gì! Giá vốn của nó độ đồng bạc chứ mấy?

Thừa không hiểu. Huyện Lung lại hỏi:

– Quan hàn muốn tôi xuống tận nơi để chứng kiến, rồi cho giấy chúng nhận à?

– Vâng, thật là phiền quan lớn quá.

Quan phụ mẫu lắc đầu, mỉm cười:

– Không phiền tôi, nhưng tôi sợ phiền quan hàn thôi.

Thừa vẫn không hiểu, tủm tỉm và nói nhỏ:

– Thế nào rồi cũng xin hậu tạ quan lớn.

Nhà cai trị tặc lưỡi:

– Tạ tùng gì cái vặt! Có điều là nếu tôi cứ ngồi đây nhắm mắt mà tin quan hàn, thì tôi có thể làm giấy chứng nhận một cách dễ dàng là quan hàn bị cháy hơn vạn bạc do tai nạn bất thần. Nhưng nếu quan hàn muốn tôi đến tận nơi để mắt nhìn thấy gói giấy bị cháy, thì tất nhiên tôi phải chứng nhận đúng sự thật, là món giấy cháy ấy toàn là giấy báo cũ.

Thừa giật nảy mình. Nhưng hắn cố giữ nét mặt bình tĩnh.

– Trình quan lớn, trăm nào chục nào cũng có ghim hẳn hoi để làm bằng. Tuy nước cứu hỏa có làm hư nát chút ít tàn giấy ở phía trên, nhưng thế nào những tệp xếp ở phía dưới cũng còn nguyên vết.

Quan gật đầu:

– Thế mới càng rõ là giấy nhật trình! Chẳng tin thì bây giờ, tôi mời quan hàn đi một mình, đến mà nhìn kỹ xem, những vết chữ in bài báo quốc ngữ còn hằn trắng cả lên rõ lắm đấy. Không phải quan hàn chỉ bị cháy mất có một đống bạc giấy báo cũ, quan hàn cứ đem đầu tôi đi mà chặt!

Nói xong, huyện Lung cười hề hề. Thừa luống cuống. Quan lắc đầu, tủm tỉm, giọng thân mật:

– Không bịp được thiên hạ đâu quan hàn ạ! Thiên hạ có mù đâu, hở quan hàn? Vả lại lừa bịp lần đầu, chưa chắc người ta đã tin, huống hồ là lần thứ hai?

Thừa im lặng, mặt tái dần.

– Quan hàn ạ, có phải quan hàn bắt chước cái lối xoay tiền của cái ông huyện gì ở Huế, định trẩm món tiền thuế không? Ông ta thua bạc, muốn bịp nhà nước, cũng tự đốt ô-tô của ông ta, trên có để những tệp giấy nhật trình cắt đúng như giấy bạc, cũng ghim cẩn thận, như kiểu quan hàn làm hôm nay ấy. Nhưng khi nhà chức trách đến khám xét, thấy giấy bạc mà có hằn những dòng chữ in quốc ngữ, thì mưu gian của ông ta bị lộ ngay. Quan hàn tưởng tôi không biết việc trong Huế ấy, nên định dùng tôi để nuốt cho trôi hơn vạn bạc phải không?

Thừa biết rằng nói dối vô ích, nên đành thú thật:

– Trình quan lớn, thật là tôi tự nghĩ ra cách ấy, chứ không phải bắt chước ông huyện mà quan lớn vừa nói.

Quan nhìn Thừa bằng đôi mắt dịu dàng:

– Quan hàn ạ. Việc quan hàn đốt ô-tô, làm tôi phiền hết sức. Vì, chỗ anh em, tôi nói thật, quan hàn làm thế là cướp của tôi một mưu đấy. Vụ thuế sắp tới, tôi cũng định sửa món thuế của huyện bằng cách đốt xe ô-tô của tôi. Nhưng tôi không vụng như cái ông bạn đồng liêu của tôi trong Huế đâu. Tôi mà làm thì có trời cũng không khám phá ra nổi. Nhưng hôm nay quan hàn làm trước tôi mất rồi, mà lại làm rất vụng. Chẳng lẽ tháng sau tôi cũng làm thế, để các báo nó đăng xỏ là hễ không phải tiền của mình để trên ô-tô, thì tất ô-tô bị cháy à?

Huyện Lung cười ha hả, rồi hỏi, vẻ chế nhạo:

– Thế bây giờ quan hàn muốn tôi giúp quan hàn gì nào? Quan hàn với tôi là chỗ thân tình, xin cứ nói thật đi?

Thừa ấp úng:

– Xin quan lớn cứ cho cái giấy chứng nhận.

Quan huyện cười, gật đầu:

– Cũng được. Có mất gì một chữ ký? Một chữ ký của tôi mà giúp quan hàn lấy được những ngót một vạn ba nghìn đồng bạc, thì nó có giá trị đấy nhỉ?

Biết là quan phụ mẫu đả động đến việc mua chữ ký, Thừa thầm thì:

– Vâng. Chúng tôi không dám quên ơn quan lớn.

Quan lại gật đầu, vẫn nói to như thường:

– Đành rồi. Mọi bận quan hàn còn đi lại rất hậu hĩ, huống chi là bận này. Nhưng hỏi thật quan hàn nhé, quan hàn định chia cho đệ bao nhiêu?

Thừa nghĩ một lúc, rồi đáp:

– Xin tùy quan lớn.

Nhà cai trị lắc đầu:

– Không. Cưa mạch nào đứt mạch ấy. Những lần trước không tính gộp vào lần này được. Quan hàn cho đệ một nửa cái số bị cháy nhé. Cũng như đền đệ món tiền thuế mà đệ không tiện diễn tấn kịch cũ đến lần thứ ba ấy mà!

Thừa nghĩ. Hắn đã từ chối cái sáng kiến của ông bạn nhà thơ, vì không muốn chỉ được ăn có một nửa. Nay hắn phải hối lộ huyện Lung một nửa, thì thà rằng chia với Hoài Tân Tử cho xong. Chẳng phải ân nghĩa gì. Hắn mặc cả khéo.

– Nhưng tôi còn thiệt cái đệm xe.

– Thế thì đúng năm phẩy. Nếu quan hàn không bằng lòng, thì tôi đi làm biên bản ngay lập tức, là quan hàn đốt giấy nhật trình, giả làm giấy bạc, để âm mưu một vụ lừa đảo.

Thừa như tự mình chạy đến một ngõ cụt, lại giục người ta dồn mình vào chỗ bí. Song, vốn lắm mánh khóe, hắn tìm ngay được một lối thoát. Hắn nói:

– Thưa quan lớn, quan lớn đòi ngần ấy, tôi cũng vui lòng. Nhưng xin khất quan lớn đến mai. Tôi về nhà, mới có tiền.

– Thế bây giờ quan hàn đi đâu? Xuôi Hà Nội à? Không có giấy chứng nhận cũng đi à? Không có đồng nào trong túi à?

Thừa chỉ trả lời câu hỏi cuối cùng:

– Thưa có, nhưng chỉ độ vài trăm.

– Thế thì chỗ người lớn, ta tin nhau thật, nhưng cứ xin là tiền trao cháo múc. Khi nào quan hàn cho đệ đủ số, tức thì có giấy chứng nhận ngay, để quan hàn xuôi Hà Nội.

Biết rằng không thể yêu cầu hơn, Thừa thở dài nhìn ra ngoài.