Nói đoạn, thằng mật thám đứng dậy:
– Nhà nước phải thắng chứ? Nếu ông giúp nhà nước thắng, ông sẽ được trọng thưởng.
Ma-ri rót thêm rượu. Nhưng nó giơ tay ra ngăn:
– Thôi, tôi phải về. Việc của chúng ta thế là xong. Tôi đợi ông ở một dịp khác.
Thừa vẫn dè dặt, không dám đáp lại những câu khó hiểu. Ma-ri vội vàng chạy vào buồng, lấy tờ báo, gói hộp xì-gà vừa mới mở, để biếu khách quý.
Thằng Tây lai tủm tỉm, cố nhét cái hộp vào túi quần đã chật ních những tiền. Nó nói:
– À, còn cái món ông bà cúng vào đảng thì thế nào đây? Tôi trả lại nhé!
Thừa nhìn Ma-ri, vừa lắc đầu vừa nói thầm:
– Thôi.
Thằng Pha-lăng-xô nghe thấy, nó gật gật:
– Cám ơn ông bà. Độ này ông bà đương phát tài, có chia cho bạn tiêu chút ít, chắc chẳng tiếc lắm đâu nhỉ.
Thừa và Ma-ri tiễn thằng mật thám ra ô tô. Khi xe qua cổng, Ma-ri nhìn Thừa trợn mắt.
– Hú vía!
Nhưng Thừa thở dài:
– Ghê thật!
§8. Chuyến tàu vét
Đợi đến lúc khách khứa ra hết bờ sông để nhận hàng Ma-ri thay quần áo, định đi nằm, thì Đào vào nói:
– Bẩm bà, cụ Hoài mời bà sang nói chuyện.
Hiểu tiếng cụ Hoài là ông Tình muôn thuở – bởi vì mặt mũi ông bây giờ hom hem tới cái trình độ mà người khác phải gọi bằng cái hiệu bất lực là cụ – Ma-ri cứ mặc nguyên bộ quần áo ngủ mỏng tang, đến buồng riêng của ông nhà thơ. Hắn tủm tỉm, khẽ hỏi trống không, giọng ngờ vực:
– Gì thế?
Ông Hoài Tân Tử nháy mắt, hất hàm:
– Trong nhà còn ai không?
Ma-ri vẫn mỉm cười, lắc đầu. Ông Tình muôn thuở tặc lưỡi, ngoáy bàn tay để ra hiệu:
– Nhưng cũng cứ khóa cửa lại cho cẩn thận. Rồi lên giường tao bảo cái này.
Ma-ri không phản kháng. Khóa cửa xong, hắn nhí nhảnh đến gần ông bạn cũ, nhưng giơ cánh tay ra ngăn và giao hẹn:
– Này, cấm đấy nhé.
Có lẽ bây giờ ông Hoài Tân Tử mới sực hiểu cái điều mà Ma-ri hiểu. Muốn hắn đỡ bẽ, ông phải vi phạm vào cái hắn cấm. Ông bẹo khẽ vào má hắn, rồi khen:
– Lúc nào cũng phây phây như con gái mười tám!
Ma-ri làm ra vẻ ngây thơ, hỏi khẽ:
– Bảo gì thế? Người ta sắp đi ngủ.
Nhưng ông nhà thơ nghiêm chỉnh, đáp:
– Tao muốn bàn với vợ chồng mày một việc, nhưng tao ngại thằng Thừa là hội viên hội Khai Trí Tiến Đức, thì nó tưởng rằng lúc nào cũng phải đạo đức, với ai cũng phải ăn ở có thủy có chung. Nên tao bảo mày trước. Rồi chốc nữa nó về, tao có nói, thì mày cũng thuyết nó hộ tao.
Thấy ông nhà thơ xứng đáng bị gọi là cụ, Ma-ri thất vọng, ngớ mặt:
– Gì mà phải giáo đầu long trọng thế?
– Ma-ri ạ. Hẳn thằng Thừa cũng đã nói với mày rằng chuyến hàng này là chuyến cuối cùng.
Ma-ri gật đầu:
– Nó mới cho tao biết sáng hôm nay. Nó buồn lắm.
– Ai chẳng buồn? Đương làm ăn phát tài đùng đùng, bỗng nhiên thôi, thì có là thánh cũng không vui được. Nhất là tao, mới lên quyền giám đốc công ty, định sau chuyến này, cất nhắc nó lên làm phó, thì Yên Bái ra lệnh đình chỉ hoạt động, công ty tạm giải tán. Chán quá!
– Phải rồi, thằng Thừa cũng bảo tao là tạm giải tán. Thấy nó buồn tao nói rằng tạm có nghĩa là chỉ ngừng một thời gian, rồi lại buôn bán như cũ. Ít lâu này, nó làm việc nhiều quá, sức lực kém sút. Thì nhân dạo này, tao cũng muốn nó được nghỉ để tĩnh dưỡng cho lại người.
Ông Hoài Tân Tử lắc đầu:
– Mày thật thà lắm. Tạm nghĩa là vĩnh viễn, con bà cô ạ. Thằng Thừa với tao ở trong công ty, nên biết rõ hơn mày. Tao đã gặp thằng Mác-tanh mấy lần, tao xem ý nó chán nản, sợ sệt lắm rồi. Cái vụ án mạng ở Lào Cai thật là tai hại. Thằng Thừa có cho mày biết nguyên nhân vụ này không?
– Có.
– Bây giờ hung thủ bị bắt rồi. Nó mà bị tra tấn thì thế nào cũng không chịu nổi.
– Thế thì thằng Mác-tanh sợ là phải. Còn mày với thằng Thừa có đáng ngại không?
Ông nhà thơ lắc đầu:
– Nó có khai, cũng chỉ ra vài thằng vô danh tiểu tốt thôi. Vì công ty này bí mật như một hội kín. Song thằng Mác-tanh dặn tao tuyệt đối phải nằm im. Vì nếu không, lỡ xảy ra gì, nó không chịu trách nhiệm cho.
Ông Tình muôn thuở phì cười. Nhưng Ma-ri trợn mắt, rất nghiêm chỉnh.
– Thật đấy, tao có tụi cha đạo, trừ khi làm giặc thì chúng nó mặc kệ, còn thì tao bảo gì chúng nó cũng phải nghe.
Ông nhà thơ mỉm cười, và gật sâu đầu xuống:
– Tao biết rồi. Tôn giáo với thuốc phiện là một hùa. Nhưng hãy để các cha của mày đấy, ta bàn việc của ta đã. Ma-ri ạ, tao nghĩ như thế này. Hiện này, tao làm quyền giám đốc, thằng Thừa làm thủ quỹ. Nghĩa là hai đứa có thể làm mưa làm gió trong công ty. Sở dĩ chúng tao chưa làm mưa làm gió, vì còn thấy biển yên, sóng lặng. Nhưng bây giờ thời bình hết rồi, nếu không mau mau trở tay, thì hối không kịp.
Ma-ri hỏi:
– Mày muốn nói gì?
– Tao muốn nói rằng, lần này thằng Thừa được thu bạc vạn của công ty trong tay này là lần cuối cùng. Vậy nếu nó nhả ra, thì nó dại hơn con chó.
– Không nhả thì nuốt sao trôi?
– Con khỉ! Chỉ có tao với nó, với mày, không đứa nào nói ra, thì người khác, ai có thể biết?
– Nhưng làm thế nào mà nuốt được?
– Con khỉ. Khó đếch gì? Thế mày có biết độ này bọn Việt Nam Quốc dân đảng hay đi tống tiền không? Vậy ta cũng bày ra một vụ tống tiền để đổ cho hội kín, thì công ty đợi đấy mà đòi.
Ma-ri chợt nhớ lại vụ tống tiền của thằng Pha-lăng-xô đặt ra để thử bụng vợ chồng hắn. Hắn hơi ngại. Vả lại, chốc nữa Thừa về, hắn sẽ đem tiền đi. Thì còn thì giờ đâu mà tống.
Ông nhà thơ không hiểu Ma-ri nghĩ gì, nên nói tiếp:
– Có hai cách tống tiền. Một là vào tận nhà, hai là đón giữa đường. Tao sẽ tìm người có súng lục súng liệc, làm y như thật.
Ma-ri lắc đầu:
– Có tụi mật thám họ bắt bọn tống tiền phải diễn lại hành động cho họ xem, thì họ mới làm như thật được.
Ông Hoài Tân Tử lắc đầu:
– Mày ngây thơ lắm, khỉ ạ. Tao quen mấy thằng diễn kịch. Chúng nó lên sân khấu đóng vai gì cũng hệt như vai ấy. Mấy lỵ, cái chính không phải ở chúng nó diễn khéo hay không khéo. Cái chính là chúng mày có khai báo đúng như bị tống tiền thật hay không. Chứ còn lúc vào trong nhà để tống tiền, cửa khóa lại rồi, chúng nó vẫn có thể…
– Thế thì thằng Thừa với tao phải diễn kịch như thật?
Ông Hoài Tân Tử gật đầu:
– Hoặc cả hai đứa, hoặc nếu mày sợ thì vờ đi vắng, để một mình nó thôi. Ví dụ lần này, nó có thể ách món tiền đến sáng mai hãy đi Hà Nội, thì từ chiều nay, mày lánh mặt đi. Một mình nó ở nhà hoặc ở đường, thì tao sẽ cho người đến tống.
– Tao tưởng tống ở nhà thì êm hơn. Tống giữa đường lỡ có xe nhà chuyên trách đi qua, họ bắt thằng tống tiền thì vỡ lọ cổ!
– Mày ngu như con chó! Có nhà chuyên trách đi qua, thì thằng nào dại lại hô hoán lên là bị tống tiền!
Ma-ri cười sằng sặc:
– Ừ nhỉ.
– Thế mày có tán thành tống tiền không đã nào?
– Tán thành quá chứ lại còn gì! Được món kếch sù ấy, tha hồ mà làm giàu nhỉ.
Ông nhà thơ lắc đầu:
– Chia đôi, tao một nửa, thằng Thừa một nửa. Đứa nào muốn dùng làm gì thì làm.
Ma-ri hớn hở, hỏi đùa:
– Thế mày định quỵt công những thằng đóng vai tống tiền à?
Ông Tình muôn thuở lắc đầu:
– Tao chỉ sợ thằng Thừa nó có óc cổ, muốn thủy chung, ăn cây nào rào cây ấy, nó không nghe theo tao thôi. Tiên sư hội Khai Trí!
– Có họa nó dại bằng con chó ăn cứt! Làm mửa mật ra, mỗi chuyến được nhiều lắm là dăm bảy trăm. Đằng này cứ ngồi nhà ung dung mà được ngay dăm bảy nghìn, chả hơn à? Dù công ty có ngừng hoạt động một năm, thì cũng như công ty vẫn hoạt động thôi. Mà lại nhàn.
Ông Hoài Tân Tử gật gù:
– Đúng thế. Vả lại đứng về mặt đạo đức mà xét, thì mình cũng không phải là tham lam, là ăn cắp của công ty, mày ạ. Chẳng qua là bấy lâu, mình hết lòng hết sức với công ty, thì lần này, cũng như công ty đền công cho mình.
Ma-ri vênh váo:
– Phải rồi. Của đến nhà mà chịu hẩy nó đi cho người khác à?
Bỗng Ma-ri sực nghĩ ra một ý:
– À, mày này. Thế ngộ công ty nó kiện là mình biển thủ, thì sao?
Ông nhà thơ cười khẩy:
– Khỉ! Công ty à? Chẳng lẽ thằng Mác-tanh dám đứng nguyên đơn, xưng danh là giám đốc công ty buôn thuốc phiện lậu, kiện thằng thủ quỹ là An-be Thừa thụt két của công ty à?
Ma-ri rũ ra cười, đập mãi vào đùi ông nhà thơ:
– Ừ nhỉ.
Ông nhà thơ đắc ý:
– Còn ai nữa? Hay là tao? Tao lại kiện tao à? Nghĩa là ngoài thằng Mác-tanh với tao ra, không còn ai có quyền thay mặt công ty. Vả lại, nếu công ty bị vỡ lở, thì bọn cổ đông bố bảo cũng không dám nhận là có chân trong công ty. Nếu bị khai ra, chúng nó lại không quăng hàng đống tiền để chạy chọt cho khỏi liên lụy à? Lúc ấy, giá chúng nó có biết là tao với thằng Thừa vơ hết chuyến tàu vét, cũng đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt, chứ làm gì nổi. Cho nên tao tính nuốt món này thật là dễ dàng và ngon ơ. Tao tưởng trừ phi thằng nào ngu ngốc, có gái đến hiến thân tận nơi mà không biết, mới từ chối việc này.
Ma-ri tủm tỉm, đứng sát vào ông Tình muôn thuở, rồi hỏi:
– Thế à? Thế là ngu ngốc à?
* * *
Nhưng ông thủ quỹ Thừa kịch liệt phản đối ông quyền giám đốc công ty về việc tống tiền giả vờ.
Song, với người bạn thân lâu năm, Thừa viện lý do là không nỡ phản bội đồng nghiệp. Nhưng với Ma-ri, hắn nói riêng rằng những người mà ông Hoài Tân Tử phái đến tống tiền, mình không biết mặt họ, thì có thật là họ, hay lại chính là người của thằng Pha-lăng-xô đến thử lần thứ hai? Ma-ri khuyên thế nào, Thừa cũng lắc đầu:
– Không nên nhúng tay vào việc trái với đạo lý và nguy hiểm ấy.
Đến khi Ma-ri làm mặt giận, nhiếc móc Thừa là ngu là dại, Thừa mới nói thật ý của mình:
– Phàm ở đời, muốn làm gì cho kín đáo, thì không bao giờ nên bàn bạc với ai, mà bao giờ cũng không cùng làm với người khác, dù là một người khác thôi. Một người biết, thì hai người biết, rồi mười người biết, không thể giấu được mãi. Vả lại làm cùng với nó, thì phải chia tiền với nó. Và vì là sáng kiến của nó, tất nó đòi chiếm phần hơn. Thế mà còn phải trả công cho những thằng làm cái việc tống tiền khá nguy hiểm, thì mình còn ăn gì?