Bây giờ Ma-ri ăn mặc khác ban nãy. Hắn đã thay chiếc quần cẩm châu nhàu nát từ hôm trước, bằng chiếc quần xa tanh trắng bóng và phẳng nếp. Chiếc áo lụa đã đổi bằng chiếc áo màu da rắn, may chét hẳn vào lườn. Hắn đánh phấn hồng vào má, và đeo kiềng chạm vào cổ. Trông hắn trẻ hẳn lại.
Thằng Pha-lăng-xô nhìn Ma-ri, rồi nhìn các nhãn rượu. Có Uyt-xki, có Quăng-trô, có Tríp-xếc, có A-nix, có Mác-ten, và Sâm banh, lẫn Vang bọt.
Thằng Tây lai nhún vai:
– Toàn rượu quý. Tùy bà đó.
Trong khi thằng Pha-lăng-xô chọn rượu và Ma-ri rót rượu thết khách, thì Thừa đứng dậy vào buồng két. Lúc ra, hắn đặt trên xe rượu một cái phong bì dày, và cười cười nhìn tên cẩm mật thám. Thằng Tây lai hiểu ý. Nó lại nhún vai, nhìn Thừa, và mỉm cười:
– Như vậy thì tiện, đỡ phải nói nhiều, nhỉ.
Rồi nó hất hàm:
– Bao nhiêu?
Thừa khẽ đáp:
– Thưa, một nghìn.
Thằng Pha-lăng-xô lẳng lặng đút phong bì vào túi quần. Nó nốc một hơi hết cốc rượu:
– Bây giờ chúng ta có thể nói chuyện với nhau như những người bạn thân. Hẳn ban nãy, ông bà thấy thái độ của tôi lãnh đạm, thì ông bà giận lắm nhỉ. Nhưng biết làm thế nào? Trước mặt chúng nó, ông bà là kẻ có tội, thì tôi bắt buộc phải làm ra vẻ nghiêm khắc.
Thừa nhìn Ma-ri. Hai người cùng cười. Ma-ri hỏi:
– Thì té ra ông định thử bụng chúng tôi?
Thằng mật thám gật đầu:
– Đúng. Thử bụng. Vì ông hàn vừa khoe với tôi là một lòng trung thành với Mẫu quốc, với chính phủ Bảo hộ và với chính phủ Nam triều. Tôi biết câu nói ấy chẳng qua là sáo, nhiều người An-nam học thuộc lòng để đứng trước người Pháp thì đọc cho trơn. Nhưng trung thành hay không là ở hành động chứ không phải ở lời nói.
Thừa cười lạt. Nó tiếp:
– Theo ý riêng tôi, thì câu ấy tuy là sáo, nhưng còn rất vô nghĩa. Nếu hiểu chính phủ Nam triều là nước Nam, thì người An-nam làm thế nào mà vừa trung thành với nước mình, lại vừa trung thành với nhà nước đi cai trị mình? Ngay như bà hàn với tôi đây, trong người có cả hai thứ máu, nhưng rõ rệt là tôi yêu nước Pháp, vì nước Pháp nuôi tôi, còn bà hàn nói ban nãy là đúng: bà yêu nước Nam, vì chồng bà, con bà là An-nam.
Ma-ri lắc đầu:
– Tôi bắt buộc phải nói thế. Tôi sống nhờ người Pháp rất nhiều.
Thằng Pha-lăng-xô mỉm cười:
– Vậy tôi mời bà nhớ lại những câu khác, bà vừa nói với người của tôi, lúc bà bị chúng nó tống tiền. Có phải bà bảo là nếu được vào đảng phiến loạn thì bà lấy làm hân hạnh không?
Mặt Ma-ri tái mét. Thằng mật thám quay lại Thừa:
– Không trách người An-nam các ông vẫn chửi bọn Tây lai chúng tôi không có Tổ quốc. Nhưng, ông ạ, tôi hỏi ông câu này nhé: là ông sống trên đất nước của ông, ông có Tổ quốc hay không?
Mặt Thừa cũng tái mét. Hắn không trả lời câu nhiếc móc, mà bào chữa cho Ma-ri:
– Chúng tôi bị dồn vào trường hợp bất đắc dĩ. Súng kề vào cổ, muốn thoát chết, chúng tôi phải cho tiền và nói như vậy.
Thằng Pha-lăng-xô vẫn cười:
– Ông khẩn khoản xin tôi cho đi bắt cách mạng để lập công, vì vậy tôi phải thử xem ông đối với cách mạng thế nào. Nhưng, thôi được. Ông bà có hành động như vậy, thì mới đáng khen. Vì ông bà đúng là người An-nam chân chính, không táng tậm lương tâm, hại người làm việc nước. Hạng táng tận lương tâm không được kể làm người. Việc tống tiền mà tôi bày ra, là để nhìn ông bà về hai mặt. Một mặt xem ông bà có đáng tin cậy không. Nhưng một mặt cũng xem ông bà có còn là người nữa hay không. Xin nói thật rằng nếu ông bà không còn là người, thì nhất định tôi không coi ông bà là bạn nữa.
Thừa không dám nói gì, vì không hiểu bụng thằng lá mặt lá trái này ra sao. Ma-ri rót thêm rượu cho nó và mở hộp xì gà mới, mời nó cầm một điếu. Thấy thằng mật thám có ý chờ mình trả lời, Thừa nói:
– Tôi gặp ông hôm nay thật là may mắn. Ông là người hiểu đời, nên đại lượng cho chúng tôi. Tôi tự xét đã phạm tội nặng với nhà nước, có bị xử bắn cũng không dám phàn nàn.
Thằng Pha-lăng-xô xua tay:
– Tôi không thích nghe những lời nói khéo. Cái phong bì ban nãy ông đưa tôi, đủ gỡ tội cho ông bà, nếu tôi còn cho ông là kẻ có tội, thì tôi đã bắt ông rồi. Ông có hai tội, ông biết không? Một tội là cúng tiền cho hội kín, một tội là hối lộ viên chức nhà nước.
Vừa nói, nó vừa đập tay vào hai túi tiền cộm phồng:
– Thôi, nhưng mà xí xóa hết, ông bà ạ. Còn như ông bảo ông ở vào trường hợp bất đắc dĩ, thì tôi phản đối. Ông là người ngay. Họ là kẻ gian. Kẻ gian sợ người ngay, chứ người ngay không sợ kẻ gian. Nếu tôi là ông, tôi cứ kêu lên, tất nhiên, lập tức họ phải tẩu thoát.
Ma-ri hỏi:
– Nhưng thưa ông, trước khi tẩu thoát, họ đã bắn mình chết rồi.
Thằng Tây lai lắc đầu:
– Người làm chính trị không ngây thơ, dại dột, nhỏ nhen đâu. Họ bắn để làm gì? Họ chỉ cần thoát thân cho nhanh chóng. Nếu họ giết được một người, họ có thoát thân nhanh chóng hơn không? Nếu họ không chạy kịp mà bị bắt, thì ngoài cái án tống tiền, họ còn đèo thêm cái án giết người nữa. Tội có thể nặng đến tử hình. Vì vậy, những người đi tống tiền chỉ dùng súng để dọa. Có khi họ cầm súng hông, hoặc súng giả. Vả lại, ông bà nên biết rằng những người làm chính trị có thù hằn gì đồng bào của họ mà họ giết? Trái lại…
Nó khum bàn tay vào miệng, rồi thì thào như không muốn những tiếng ấy lọt ra xa:
– Họ hy sinh để cứu đồng bào của họ, ông bà ạ.
Ma-ri thở dài:
– Chả dám mong bị tống tiền lần nữa để thử bụng những ông làm chính trị!
Thằng mật thám cười:
– Ông bà còn bị tống tiền. Không biết lần sau này là hội kín tống tiền thật, hay là người của tôi đến thử lửa đấy.
Thừa cười lạt, Ma-ri hỏi:
– Nhà tôi có súng. Nếu là người của ông, mà nhà tôi bắn lầm, thì có tội không?
Pha-lăng-xô bĩu môi, nhún vai:
– Ông bà cứ thử. Mỗi tai nạn là một bài học. Ông muốn lập công với sở mật thám, thì ông còn phải học nhiều. Ông tin ở tôi là người bạn thân, lúc nào cũng sẵn sàng giúp ông. Tôi mong ông tận lực với sở mật thám, đừng đụt như Nguyễn Thế Nghiệp nó làm chúng tôi bắt hụt Nguyễn Thái Học.
Ma-ri hỏi:
– Nhưng ông Nguyễn Thái Học cũng bị bắt rồi kia mà?
Thằng Pha-lăng-xô gật đầu:
– Đúng. Song không phải sở mật thám hay quan lại An-nam bắt.
– Thế thì ai?
Thằng Tây lai lắc đầu, cười:
– Chỗ ông bà là thân tình, nên tôi không giấu việc này, và cũng để ông nghe một bài học kinh nghiệm lớn về việc bắt cách mạng.
Nó ngồi ngay ngắn lại, uống hụm rượu, châm thuốc lá hút, rồi chậm rãi, kể:
– Nguyên là bị lùng riết quá, Nguyễn Thái Học mới định vào dãy núi Đông Triều để tìm đường đi sang Tàu. Anh ta ăn mặc giả thợ cấy, cầm thẻ một người quê ở Lang Tài, đi với một vài người nữa, qua đồn điền Cổ Vịt ở hạt Chí Linh. Tình cờ hôm ấy, có một người điền tốt quê ở Lang Tài trốn đi, cho nên người chủ đồn điền dặn các điền tốt khác, nếu gặp ai là người Lang Tài đi qua, thì nói với người ấy vào trong đồn điền để ông chủ nhờ một việc. Ý ông này muốn nhắn cho người điền tốt trốn đi, là cứ trở lại mà tiếp tục làm ăn. Một người điền tốt gặp bọn Nguyên Thái Học. Người ấy hỏi thẻ, thấy là dân Lang Tài, thì bảo vào ông chủ hỏi gì. Muốn người điền tốt khỏi nghi, bọn Nguyễn Thái Học theo người ấy. Họ nghĩ rằng mấy lần trước đã thuyết nổi mấy ông chủ đồn điền giúp tiền nong, thì lần này có lẽ cũng là một dịp tốt cho họ tuyên truyền người chủ đồn điền này. Nhưng khi gần đến nơi, Nguyễn Thái Học thấy cái nhà có gác mới chột dạ. Anh ta hỏi người điền tốt rằng chủ đồn điền đây là Tây hay là An Nam. Lúc nghe nói là chủ Tây, anh ta mới hốt hoảng, định đánh tháo. Anh ta đánh nhau với người điền tốt, giơ súng lục, bắn một phát chỉ thiên. Bất đồ người chủ ở trên gác, thấy có tiếng nổ mới mở của sổ ra để xem. Ông ấy cho là kẻ cướp, vội vàng chĩa súng ra bắn, không may trúng đùi Nguyễn Thái Học. Nguyễn Thái Học bị thương nên bị bắt. Người chủ đồn điền cho cáng anh ta đi nhà thương Hải Dương, ông ấy tưởng là một tay kẻ cướp thường, cho nên chỉ sai có hai người cáng, chứ không có người theo để canh phòng. Nhưng Nguyễn Thái Học đến Hải Dương, thì đúng mười một giờ trưa, nhà thương nghỉ làm việc. Hai người cáng mới đặt Nguyễn Thái Học dưới bóng cây trước cửa trường Pháp Việt, để nghỉ và chờ. Lúc ấy tan học. Học trò thấy có cái cáng người bị thương thì xúm lại xem.
Một người giáo học tò mò, cũng lách đám đông để dòm vào. Ngờ đâu ông giáo này với Nguyễn Thái Học là bạn cũ, Nguyễn Thái Học thấy người quen, thì gọi và nói bằng tiếng Pháp Je suis arrêté[88]. Giữa lúc này, ông đốc học Pa-rô, ở nhà bên cạnh trường, thấy học trò xúm đông ở góc cây, cũng muốn biết là chuyện gì. Cho nên, khi người giáo học ấy đi qua, ông Pa-rô hỏi:
– Ông cũng quen thằng ăn cướp ấy à?
(*[88] Tôi bị bắt rồi.)
Vô tình, nên người thầy giáo nói thật:
– Đó là Nguyễn Thái Học chứ không phải thằng ăn cướp.
Ông đốc học giật nảy mình hỏi:
– Sao ông biết?
– Anh ấy học với tôi ở trường Nam sư phạm và một thời gian, có trọ chung với tôi một nhà.
Ông Pa-rô sửng sốt:
– Ông không trông lầm?
– Không.
Lập tức ông đốc học gọi dây nói ra tòa sứ. Và năm phút sau, kèn báo động thổi inh thành phố. Dân phố thấy nguy, đóng cửa hàng rầm rầm. Ngoài đường, lính tráng súng ống đi rầm rập. Và từ lúc ấy, Nguyễn Thái Học mới bị gác chặt chẽ bằng khí giới.
Ma-ri mỉm cười:
– Buồn cười nhỉ? Thế ra cũng chẳng ai bắt ông ta.
Thằng Pha-lăng-xô gật:
– Đúng. Cho nên không thể tin ở tuần đinh được. Làng nào không canh phòng cẩn mật, sao họ vẫn đi lọt? Cũng không thể tin ở dân được. Nhà nước đã treo giải ai bắt được Nguyễn Thái Học thì trọng thưởng, vậy sao anh ta vẫn có cơm để ăn, vẫn có tiền để tiêu? Không trách chúng nó dám nói láo là keo này, nhà nước thua chúng nó và thua dân!