– Sao có thể như vậy được! – Lê Hải sửng sốt.
– Thế mới chết chúng tôi!… Cả nhà chúng tôi cứ như là ăn phải bùa mê… – bà Chính than thở.
– Chúng tôi cứ nghĩ là cháu Loan và chúng tôi tìm hiểu rất kỹ bên nhà giai, nhưng cuối cùng là bị lừa! Bị lừa một cách đê tiện! – ông Chính buồn bã.
– Bọn chúng bỉ ổi đến thế là cùng, anh Hải ơi!…
– Có lẽ là lỗi tại tôi quá tin vào tổ chức… Nhìn thấy cái giấy giới thiệu của đảng uỷ bên ấy là tôi yên tâm, không đặt ra câu hỏi gì nữa! – ông Chính than vãn.
– Không, tại tôi! Nếu tôi không nôn nóng thôi thúc nó lấy chồng thì đâu đến nỗi!.. – bà Hương ngắt lời chồng.
Ông bà Chính càng tự trách móc mình, Lê Hải càng không hiểu đầu đuôi câu chuyện ra sao cả. Gạn mãi, cuối cùng Lê Hải được ông bà Chính kể lại cho nghe từ đầu mọi sự việc đã dẫn đến nỗi bất hạnh của Loan.
… Không biết làm thế nào tên Sở Khanh mồi chài hay thuyết phục được ông đại diện cơ quan mới của hắn tán thành mọi việc hắn nhờ. Tìm hiểu nhau sau hơn một năm, hắn, người đại diện cơ quan của hắn, cùng với mấy bạn bè chí cốt nhất và cha mẹ hắn xin đem trầu cau đến làm lễ ăn hỏi Loan. Trong hai năm ấy ông bà Chính đã hai lần lên tận quê hắn ở Cao Bằng mà vẫn bị lừa… – đơn giản là ông bà Chính rơi vào một nơi đã được bài binh bố trận hoàn mỹ…
Ông bà Chính thay nhau thuật lại rành rọt từng lời, từng sự việc của các nhân vật trong toàn bộ vụ lừa đảo. Ông bà kể lại tường tận theo trình tự thời gian, cứ như là hai nhân chứng đang dựng lại một vụ án hình sự trước thẩm phán viên Lê Hải…
Sao vợ con ở tận Đắc Lắc mà tên sở khanh lại ở tận ngoài này? Lê Hải trầm ngâm một hồi rồi hỏi:
– Hắn được chuyển ra ngoài này theo yêu cầu quy hoạch cho thế hệ cán bộ kế cận trong tương lai…
Ông Chính thở dài.
Lê Hải nhíu mày, hỏi:
– Chẳng lẽ một mình hắn đủ sức vừa đạo diễn, vừa đóng vai Sở Khanh?
– Vợ chồng tôi, cả cháu Loan, đều hỏi nhau như vậy và không trả lời được anh Hải ạ!
– Nhưng ít nhất anh chị phải nghi ngờ một điều gì chứ, hoặc giả phải có một cái gì đó đáng nghi ngờ chứ?
– Thực tình trước ngày cưới của cháu Loan chúng tôi không tìm được một điều gì để nghi ngờ. Có lẽ tại chúng tôi cả tin! Người đỡ đầu hắn đến gặp chúng tôi chính là người đại diện cho cơ quan của hắn, phụ trách công tác tổ chức cán bộ hẳn hoi. Ông này đi đi lại lại nhà chúng tôi mấy lần, kể rõ ngọn ngành lai lịch của hắn, ra sức vun vào…
– Ông ta bị hắn lừa hay ông ta là đồng loã?
– Anh Hải ạ, nếu ở vào địa vị chúng tôi trước ngày cưới của cháu Loan, dù anh có tỉnh táo đến mấy cũng không thể nào đặt ra cho mình câu hỏi này, có phải thế không anh? Ai lại đi nghi ngờ người của Đảng ở cơ quan bên ấy bao giờ!.. – ông Chính trả lời:
– Lầm lẫn là ở chỗ này, bất hạnh cho gia đình chúng tôi là ở chỗ này! – Không kềm được nỗi đau, bà Chính òa lên, nức nở.
Tướng Lê Hải lặng người vì quá bất ngờ, vì choáng váng nỗi đau của gia đình ông bà Chính. Ông không sao tìm được lời lẽ nào để an ủi ông bà Chính.
… Người ta vẫn nói ở hiền gặp lành… Nhưng phải chăng trong cuộc đời bây giờ cái đạo lý này chỉ còn là lời biện hộ cho sự thủ thúc an phận, là lời tự thú nỗi bất lực, là cách tự thanh minh cho sự ngu đần?.. Cả cuộc đời mình đã chứng kiến bao nhiêu chuyện cái thiện chỉ là con mồi đáng thương hại của cái ác. Làm bạn với gia đình họ Phạm từ hàng chục năm nay, mình thấy họ là những người có lương tri, có nghị lực. Họ thận trọng, có trách nhiệm với cuộc sống, giàu lòng tự trọng… Không lẽ tất cả những thứ đó chẳng nghĩa lý gì trong môi trường ngoài đời còn nhiều hoang dã thế này? Hay họ là những kẻ ngu đần nên đáng kiếp có một cuộc sống như vậy!?. Chẳng lẽ cái lẽ đời trớ trêu như thế này sao? Bỗng Lê Hải chua chát rít lên:
– Ôi, Đảng đang để cho đảng viên đánh mất thứ quý báu của mình!
Không gian lạnh ngắt như ở dưới nhà mồ. Một hồi lâu Lê Hải mới lên tiếng, giọng quyết liệt và đầy uy quyền của một vị tướng trên trận mạc:
– Anh chị nhắc lại cho tôi đầy đủ họ tên thằng Sở Khanh xem nào?.
– Giấy đăng ký kết hôn ghi là Trương Hùng.
– Trương Hùng?… sao lại trùng tên với cái lão bí thư đảng đoàn Trương Hùng giết vợ ở Bãi Cháy năm nào thế này?
Chuyện xảy ra ở nhà ông Chính khiến Lê Hải toan về nhà không đi đâu nữa. Nghĩ như vậy, nhưng cái xe đạp Phượng Hoàng lọc tọc đưa Lê Hải vào nhà Nghĩa. Thím Tuấn bệnh tim vào thời kỳ nặng. Nghĩa thỉnh thoảng phải xuống trợ giúp Cúc một tay và cũng là để an ủi em, chỉ còn một mình Nguyệt ở nhà. Cách đây bốn tháng tiến sĩ toán Phạm Trung Tân đã được mời sang làm giảng viên danh dự hai năm ở trường đại học Xtốc-khôm (Stockholm) trong khuôn khổ hợp tác giữa hai trường, tuỳ công việc sẽ gia hạn hợp đồng… Giới trí thức Hà Nội, giới tướng văn tướng võ trong Quân đội trầm trồ: Đại tá Phạm Trung Nghĩa có hai con thì cả hai đều là tiến sĩ toán… Cái gien nhà họ Phạm này thật đáng nể. Thế nhưng người trong nhà hình như không có thời giờ và tâm trạng nhâm nhi vinh quang này. Lê Hải chào chưa dứt lời, bà Nguyệt như với được “cái giỏ” để trút bao bực dọc:
– Anh Hải ạ, tôi muốn hỏi anh điều này…
– Vâng, xin chị cứ nói.
– Đảng chỉ có một điều lệ, một tiêu chuẩn chung cho mọi đảng viên, tại sao bây giờ trong Đảng lại có đủ mọi loại người, từ người chân chính cho đến kẻ đểu cáng. Thế là thế nào?
– Tại sao chị lại đặt ra câu hỏi này?
– Tôi nghe anh chị Chính kể về người đỡ đầu, về thằng chồng đểu giả của Loan… Càng nghĩ tôi càng thương cháu Nam. Cháu tôi hy sinh vì ai? Cho ai? – Bà rưng rưng nước mắt.
– Tôi thừa nhận những tên đểu cáng trong Đảng ta thật không ít.
– Hắn lại còn là cán bộ thuộc diện quy hoạch cho mai sau, thế mới kinh hoàng!. Anh có thấy điều này cực kỳ đáng sợ?
– Tôi vẫn canh cánh nỗi lo như vậy, chị ạ.
– Gần đây anh Nghĩa đã kể cho tôi nghe câu chuyện đi nằm biệt thự ở Thạch Thất. Các anh giữ bí mật lâu quá, cả với tôi. Sao các anh tệ thế! Bây giờ mỗi khi nghĩ đến chuyện này tôi vẫn còn rùng mình và chưa hết giận anh Nghĩa, giận cả anh nữa!
– Quy hoạch cán bộ là công việc muôn thuở chị Nguyệt ạ. – Lê Hải cố lờ chuyện Thạch Thất. – …Chúng ta mới chỉ biết đến những việc đã bộc lộ ra ngoài. Làm sao chúng ta biết được những hiểm hoạ còn đang thời kỳ ủ bệnh?
– Nói như anh tôi không chịu, làm như thể tệ nạn cứ từ ở đâu trên trời rơi xuống?
– Đúng là thực tiễn công tác cán bộ ngày càng có nhiều chuyện không ổn, chị ạ.
– Không phải chỉ có câu chuyện về thực tiễn công tác cán bộ. Là người dạy văn, tôi buộc phải tìm hiểu nhiều vấn đề xã hội trong từng thời đại. Tôi lo rằng những tha hoá chúng ta đang nói tới chưa được xem xét như những triệu chứng phản ánh một hiện tượng xã hội nào đó…
– Chị muốn nói không thể coi những tha hoá ấy đơn thuần là những hành vi của những cá nhân riêng biệt?
– Đấy không thể đơn thuần chỉ là hành vi của những cá nhân riêng biệt. Ngẫm nghĩ những gì đã xảy ra đối với gia đình họ Phạm chúng tôi, chuyện anh phải về hưu, chuyện cậu hộ tịch viên khu phố anh ở, những chuyện hàng ngày ở khu phố tôi, chuyện học trò của tôi đi lao động nước ngoài đến thăm tôi… Anh Nghĩa đã kể cho tôi nghe cả chuyện cái xe đạp Mifa sặc mùi thuốc lá NB của chị Hậu nữa… Tôi nghĩ nếu xem xét tất cả những sự việc ấy trong bối cảnh chung của toàn xã hội, rõ ràng đấy là những biểu hiện nói lên một điều gì đó, một diễn biến gì đó, đang xảy ra theo con đường riêng của nó anh ạ… Nó không còn là một vài hiện tượng cá biệt rời rạc nhau nữa, ai có thể dửng dưng?
– Chị thật là một nhà giáo nghiêm khắc. Nhưng chị không vô lý!
– Khi dạy các cháu học sinh phân tích một hiện tượng xã hội trong một tác phẩm văn học, tôi đòi hỏi các cháu phải đi sâu tìm hiểu những nguyên nhân kinh tế, chính trị, văn hoá và xã hội của hiện tượng ấy, các mối quan hệ ràng buộc… Chẳng lẽ chúng ta không cần phải nhìn nhận xã hội chúng ta đang sống với con mắt như vậy sao?
– Dạy học trò bao giờ cũng dễ hơn tự dạy mình chị ạ. Đây thực sự là vấn đề của chúng ta.
– Anh nghĩ xem, có năm nào chúng ta không học chính trị? Có tháng nào chúng ta không họp chi bộ? Nhưng tôi lo là cuộc sống trong đời và sinh hoạt chi bộ của chúng ta mỗi thứ cứ đi một đằng một nẻo.
– Không ngờ hôm nay lại được chị dạy cho tôi một bài học…
– Không dám, méo mó nghề nghiệp nhà giáo mà anh. Lẽ ra đây phải là đề tài nghiên cứu khoa học của anh, anh Nghĩa, của giáo sư Đoàn Danh Tiến.., đâu có phải là công việc của nhà giáo dạy văn như tôi!
Trời ơi, lại đề tài nghiên cứu, vấn đề nghiên cứu. Lại những công trình trên giấy, những công trình xa rời cuộc sống!
Cuối năm ấy Loan sinh con trai, đặt tên cho con theo họ mẹ là Phạm Trung Dũng. Cuộc hôn nhân bị lừa làm cho Loan tỉnh ngộ nhiều điều về cuộc đời. Ít nhất Loan hiểu rằng nền nếp, những giá trị quý báu gia đình mình gìn giữ được dễ bị đánh cắp, dễ bị tổn thương đến nhường nào nếu mình không có khả năng bảo vệ những điều thiêng liêng ấy.
“Mình sẽ cho con mình tất cả những gì bố mẹ đã cho mình. Mình sẽ dạy dỗ con mình có tất cả những phẩm chất cần phải có mà mình chưa có – ít nhất để không ai có thể đánh cắp được cuộc đời của nó!”.