Cũng thời gian này sự đàn áp dã man cuộc nổi dậy Xô Viết Nghệ Tĩnh lan ra tận Hà Nội. Biết tính tình bồng bột của con, ông Mẫn gọi Nhơn về Sài Gòn cho an toàn, đồng thời cũng hy vọng Nhơn góp một tay chèo chống con thuyền kinh tế chung của hai nhà đang cơn hoạn nạn. Nhơn nghe lời bố, nhưng trong việc kinh doanh Nhơn chỉ đem lại thua thiệt cho gia đình.
Có lần Nhơn than thở với Liên:
– Những năm sống ở ngoài Bắc, anh được nghe bà con nông dân ngoài ấy nói trâu trắng đi đến đâu mất mùa đấy! Có lẽ con trâu trắng của nhà ta chính là anh đó..!
– Đừng nghĩ thế anh! Anh không đánh mất chí hướng của mình là em thoả nguyện rồi… Nếu chỉ vì giá áo túi cơm thì chắc chắn hai chúng ta đã chọn con đường khác…
– Em nói như vậy là nghĩa thế nào?
– Đã mang lấy nghiệp vào thân… Ông cụ làng Tiên Điền nhắn lại anh xin đừng trách lẫn trời gần trời xa!
– Ôi Liên của anh…
Nghe ngóng ngoài Hà Nội đã yên tĩnh, được Liên cổ vũ, Nhơn lại quay ra Bắc theo đuổi khát vọng của mình. Hoàn cảnh kinh tế gia đình lúc này mười phần chỉ còn một, hai… Bù lại, lần nay Nhơn có nhiều cái may lớn: được đi nghe những buổi bình thơ mới của Thế Lữ, Tản Đà, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư.., được đọc những bài báo, những áng văn khơi dậy tinh thần dân tộc của Ngô Tất Tố, Phan Khôi, Trương Tửu, Nguyễn Tuân.., Nhơn ngỡ ngàng tìm lại được đất nước chân chất hồn quê của mình qua những vần thơ của Nguyễn Bính, Bức tranh quê(*) [(*) Tuyển tập thơ của Anh Thơ.] của Anh Thơ…
Hồi ấy trên văn đàn, trên một số báo chí Bắc Kỳ đã xuất hiện dăm ba trận bút chiến về văn chương, về chính trị. Có những cuộc luận chiến văn chương tháng này sang tháng khác, phái Tây học, phái phương Đông, phái nghệ thuật vị nghệ thuật, phái nghệ thuật vị nhân sinh… Nhơn phần vì không đủ hiểu biết để lựa chọn cho mình chỗ đứng về bên nào, phần thì thấy có biết bao nhiêu chuyện rối tung rối mù như một mớ tạp-pí-lù, không biết đâu là hư đâu là thực. Nhơn quyết định đứng ngoài tất cả các thứ này, lấy sự cảm nhận của chính mình làm gốc. Cứ cái gì rung động được tâm hồn mình, cái gì thức tỉnh được tinh thần Việt thì Nhơn theo, coi đó là của mình, là cái mình cần hướng tới.
Khi Nhơn đến gặp Tam Lang trong ban biên tập tờ Ngọ báo để nhờ cậy làm quen với làng báo, tình cờ được gặp và tiếp chuyện một người ăn vận quần áo dài trắng đã hơi ngả màu, vóc người ốm yếu xanh sao. Người này còn trẻ lắm, nói năng nhỏ nhẻ, thậm chí có phần rụt rè nữa. Về sau, Nhơn kinh ngạc được biết người ấy kém mình sáu tuổi nhưng là cha đẻ của những tác phẩm Nổi loạn. Cạm bẫy, Số đỏ, Làm đĩ, Giông tố, Kỹ nghệ lấy Tây, Vỡ đê… là những tiểu thuyết gây ra bao nhiêu sóng gió. Chưa đầy hai tuần sau đó, Nhơn phải cùng với bạn bè hối hả đi xuống phố Cầu Mới(*)[(*) Hồi đó còn là vùng ngoại ô của thành phố Hà Nội, là khu vực nhà máy Cơ khí trungquy mô ngày nay.
] , âm thầm tiễn đưa người ấy về nơi an nghỉ cuối cùng.
Sáng hôm u buồn đó, giữa hai bên đường phố náo nhiệt, ngồi với mấy người bạn cũ cùng lớp trong xe điện leng keng, Nhơn vẫn thấy lòng mình trống trải.
…Trời ơi, ông Balzac Việt Nam là anh đấy ư? Vũ Trọng Phụng ơi!..
Nhơn khóc thầm, khát vọng trong Nhơn càng cháy bỏng…
…Trên đường ra ga Hàng Cỏ trở vào Sài Gòn, Nhơn cố ý đi qua trụ sở hãng sơn Gecko ở đầu chợ Hàng Da, đứng lại đấy một lúc, mắt chằm chằm vào Con tắc kè(**) [(**) Biểu tượng của hãng sơn Gecko.] đắp nổi trên tường, trong bụng khấn thầm trời Phật cho nó ăn nên làm ra… Vì mọi vốn liếng cho hoài bão lớn của Nhơn trông chờ vào đấy.
Về đến nhà, Nhơn tất tưởi ngược xuôi thuê nhà làm trụ sở, mua sắm đồ đạc, xin giấy phép, ký hợp đồng với nhà in, ký hợp đồng tạm với một vài nhà báo, nhà văn, lập ban trị sự… Lúc được việc này lại hỏng việc kia. Với tất cả tính hào phóng của mình, thế mà cũng phải đến đầu năm 1940 mọi việc mới hòm hòm. Song kinh tế đất nước ngày càng tiêu điều. Tác động của chiến tranh thế giới lần thứ II làm cho sưu cao thuế nặng càng thêm nặng, đất nước ngày một kiệt quệ. Đúng lúc này Gecko phá sản, các khoản tiền Nhơn đứng ra vay để mở toà báo không còn tài sản thế chấp. Gia đình Nhơn vỡ nợ, toà báo đổ ụp trước khi nó ra đời, để lại cho Nhơn bệnh cao huyết áp ngày một nguy kịch…
Trong những ngày cuối cùng nằm liệt trên giường vì tai biến mạch máu não, có lần Nhơn nước mắt giàn giụa, cố nhấc tay lên nắm lấy tay Liên, thều thào:
– Liên ơi, tha lỗi cho anh… Vũ Trọng Phụng không có nổi cái áo dài the đen để mặc khi đi giỗ tổ, phải chết trong nghèo túng, bệnh tật, nhưng để lại cho đời cả một sự nghiệp… Anh sắp phải đi xa rồi, nhưng để lại cho em đổ vỡ và biết bao nhiêu khó khăn điêu đứng…
Hiểu lời trăn trối đau thắt ruột, Liên khẽ đặt tay lên miệng Nhơn, ngắt lời chồng:
– Anh ạ, số phận có thể rất cay nghiệt… Song anh xem, Đạm Thủy và Tố Tâm vẫn trọn vẹn mối chung tình… Anh phải nghĩ như thế về sự nghiệp của mình mới đúng chứ… Có phải Tố Tâm là cuốn truyện đầu tiên chúng ta đọc chung với nhau không anh?
– Anh sẽ mang theo tình yêu của em dành cho anh!
Khi buông xuôi hai tay, Nhơn để lại cho Liên năm đứa con thơ dại, một tủ sách lớn và những khoản nợ không thể nói là nhỏ. Sự đổ vỡ về kinh tế trong gia đình Liên lần thứ hai còn thê thảm hơn lần thứ nhất. Lúc ấy Liên hai mươi chín tuổi.
Đứng trước mộ chồng, bế Út Thạnh trên tay, đằng sau là bốn con trai, Liên thầm khấn lời thề của mình:
– Anh khôn thiêng hãy phù hộ cho em và các con thực hiện ước nguyện của anh!
Một năm sau chính quyền cách mạng ở Sài Gòn ra đời, nhưng chưa đầy một tháng, giặc Pháp đã gây hấn, với ý định xâm chiếm nước ta một lần nữa. Liên giục giã Hai Phong, đứa con trai cả của mình:
– Đi đi con! Can đảm lên! May ra con thực hiện được khát vọng của ba con theo cách khác!
Đêm tiễn Hai Phong lên đường vào bưng biền tham gia kháng chiến, trời mưa to. Khắp bầu trời sấm chớp loé sáng đùng đùng, xen lẫn tiếng đại bác khởi hấn của giặc Pháp. Má Sáu Nhơn vô cùng lo sợ cho số phận Hai Phong, số phận đàn con nhỏ trong tay mình. Đưa Hai Phong đi khỏi, má quay về nhà thắp hương khấn chồng phù hộ cho các con, rồi ôm cả bốn đứa trẻ đang ngủ vào lòng cho chúng đỡ sợ. Đó là đêm 23 tháng 9 năm 1945, bà vừa đúng ba mươi nhăm tuổi tính theo dương lịch.
Nhờ ý chí của mẹ, Phong vững lòng bỏ nhà vào bưng biền tham gia kháng chiến… Phong hiểu mẹ yêu bố như thế nào! Lúc ấy Hai Phong bước sang tuổi mười bảy.
Gần như với hai bàn tay trắng, nhưng với tiếng tăm và chữ tín vốn có trong truyền thống làm ăn của nhà, bà Sáu Nhơn từng bước, từng bước tạo nên cơ ngơi mới cho mình, cho Ba Tước, rồi cho Tư Quang, cho Năm Thịnh… Bà bắt đầu chặng đường này từ chạy hàng sách, nghĩa là buôn nước bọt: săn hàng của người có hàng đem bán cho người mua rồi mới đem tiền trả lại cho người bán, ở giữa kiếm chút tiền chênh lệch, rồi đến mở cửa hàng vải, chơi hụi, làm đại lý, buôn lớn… Một lần đụng đầu sạt nghiệp với cánh vua gạo, vua thép người Hoa, nhưng rồi bà cũng vượt qua được. Nhiều người trong làng buôn vùng này không biết ông Sáu Nhơn là ai nhưng chị Hai Liên, hay là chị Hai Nhà Bè thì hầu như ai cũng biết.
Lúc Hai Liên bắt tay vào dựng lại cơ nghiệp lần thứ ba, Út Thạnh lên 5 tuổi, được phó thác cho một người vú em kiêm việc cơm nước, còn lại 3 anh trai của Út Thạnh vừa đi học, vừa giúp mẹ những công việc mẹ sai làm. Cũng có thể nói 3 người con trai này tiếp xúc với thương trường ngay từ lúc còn ngồi ghế nhà trường…
Mọi người trong nhà không hiểu tại sao má Sáu năm nay bổng dưng muốn tổ chức sinh nhật của mình, bắt mọi người chuẩn bị từ mấy hôm trước. Đây là điều chưa hề xảy ra kể từ ngày vợ chồng con cái Hai Phong kéo nhau vào Sài Gòn ở với má Sáu. Trong nhà này cho đến nay ai muốn làm kỷ niệm sinh nhật thì làm, nhưng dứt khoát không có chuyện này với má Sáu.
– Sao có chuyện kỳ lạ thế này, anh Hai? Hay đây là… – bà Ngân hỏi chồng, nhưng không dám nói hết ý nghĩ của mình…
– Anh chịu, không đoán được mẹ nghĩ gì. Năm nay mẹ 77 theo tuổi mụ.
Đám trẻ cũng không thông minh hơn bố mẹ, nhưng chúng tếu táo:
– Nội thấy chúng con tổ chức sinh nhật vui quá, bây giờ nội bắt chước!
– Thế là nội cũng đổi mới rồi!
Má Sáu chỉ cười:
-Bây giờ trong nhà cũng như ngoài xã hội, hễ cái gì khang khác một chút đều được tụi bay gọi là đổi mới!
Má Sáu cho mời vợ chồng Tư Cương, vợ chồng Ba Khang và vợ chồng Bảy Dự. Má định viết thư nhắn cả vợ chồng Lê Hải vào, nhưng sợ quá tốn kém cho họ, má lại thôi. Má đã toan sai Hai Phong viết thư cho vợ chồng Lê Hải là má sẽ chi cho tiền vé đi về, máy bay hay tàu hoả cũng được, nhưng chắc chắn là vợ chồng Lê Hải không dám để má chi như thế, cuối cùng má bỏ ý định này.
Mọi người phải dọn dẹp nhà cửa cho sạch sẽ, bố trí bàn ghế chỗ ngồi cho ấm cúng, cắm một lọ hoa lớn thật đẹp ở góc phòng khách. Má Sáu không thích trang trí theo kiểu rườm rà. Tách chén, ấm pha trà… má bắt chuẩn bị rất kỹ lưỡng, xếp đặt đâu vào đấy… Má không cho làm cỗ bàn gì cả. Bảo Vân xin phép tặng bà một cái bánh sinh nhật, má đồng ý. Má dặn trước mọi người phải mặc bộ quần áo nào đẹp nhất, trang trọng nhất của mình. Tự tay má Sáu sửa lại lọ hoa, sắp xếp chỗ ngồi của từng người và giao cho Bảo Vân lo việc ai ngồi đúng chỗ người ấy.