Dòng Đời – Nguyễn Trung

Hậu gần như reo lên:

– Anh Nghĩa thật là tình nghĩa!

– Anh định làm mối Võ Sang cho ai?

– Vợ trung uý Lâm. Anh biết Lâm đã cứu sống tôi…

– A, Bắc Nam sum họp một nhà! ý tưởng hay quá. Hậu ơi, em giúp anh một tay được không? Chắc chắn sẽ công phu lắm đấy.

– Em thấy hai người ấy đẹp đôi anh Nghĩa ạ. Em đã gặp cô Lâm trong đám cưới Yến. Chỉ có điều là họ có ưng nhau hay không thôi… – Hậu nhận xét.

– Thì chúng ta phải ráp họ lại với nhau! – Lê Hải nói dứt khoát.

… Trời đã khuya, Hà Nội hiền hoà trong giấc ngủ bình yên của mình. Câu chuyện của Bân, câu chuyện của Võ Sang làm cho Nghĩa vừa cảm thấy như mình đang được vui lây, được hy vọng lây một điều gì đó khó tả. Khát vọng làm dịu nỗi đau riêng, làm dịu nỗi đau chung như đang đem lại cho Nghĩa luồng sinh khí mới tươi mát. Đạp xe băng băng trên đường phố yên tĩnh, không khí dịu mát ban đêm như luồn vào trong từng vi ti huyết quản của Nghĩa, đem lại cho Nghĩa cảm giác mình đang trở thành một con người mới, tràn đầy sức sống, tràn đầy hy vọng… Nghĩa càng thấy vui gấp bội về quyết định của Yến…

– Chú bộ đội ơi, chú cứu cháu! Chú giúp cháu!..

Nghĩa loạng choạng suýt ngã. Từ trong bóng tối dưới gốc cây trên vỉa hè, một phụ nữ chạy xuống lòng đường, một tay nắm lấy ghi-đông xe đạp của Nghĩa, một tay lôi xềnh xệch một người con trai.

– Chú bộ đội can giúp cháu. Thằng này chơi cháu ở dưới gốc cây kia mà quỵt tiền! Con cháu ở nhà đang ốm không có tiền mua thuốc!

– Bỏ tay ra! Bỏ ra! Đã bảo là tối mai trả! Sao cứ làm ầm cả phố lên thế! – người thanh niên tìm cách gỡ tay người phụ nữ. Thấy Nghĩa đã bước tới trước mặt, anh ta đành đứng im.

– Sao không trả tiền cho cô ấy? – Nghĩa suýt nữa cho anh ta một cái bạt tai nhưng ghìm lại được, giọng Nghĩa nhỏ nhẹ, nhưng dứt khoát. Lúc này Nghĩa mới thấy người con trai này phải trẻ hơn người phụ nữ kia năm sáu tuổi.

– Thực quả cháu không có tiền. Chú có bắt cháu đưa ra công an cháu cũng đành chịu!

– Trả tiền ngay ra đây! Không ra công an! Không ra công an! Đồ ăn quỵt!.. – người phụ nữ tru tréo…

Không còn cách nào khác, Nghĩa mở ví, lục mãi, thấy còn tờ giấy bạc vẫn thường để phòng khi chữa xe, Nghĩa moi ra đưa cho người phụ nữ:

– Cả hai người về nhà đi, đừng làm cho hàng phố mất ngủ!

Không hiếm những lần đang đêm Nghĩa tự nhiên bị tiếng ồn ào dưới đường phố của những chuyện như thế đánh thức. Nghĩa hiểu những chuyện này của cuộc sống ngoài đời và cố tìm cách ngủ tiếp. Nhưng đây là lần đầu tiên Nghĩa giáp mặt người thực, việc thực của những kẻ đi ăn đêm này…

Nghĩa đứng nhìn mỗi người bỏ đi mỗi ngả rồi ngửa mặt kêu lên:

– Trời ơi!

Chân tay tự nhiên rời rụng, Nghĩa đạp xe đi tiếp về nhà. Nhưng cái xe Nghĩa đang đạp dưới chân bỗng nhiên trở thành con ngựa bất kham…

14.

Tên thời con gái của má Sáu Nhơn là Phan Thị Liên, con một thương gia giàu có ở Châu Đốc, thuộc một chi lớn của dòng họ Phan Thanh nổi tiếng tỉnh Bến Tre. Công việc kinh doanh dời chuyển họ về sống ở Sài Gòn. Mặt hàng buôn bán chính của nhà là xuất khẩu mật ong, hương liệu và hàng thêu đan sang Pháp, nhập về hàng vải vóc và đồ điện. Bố mẹ Liên còn là một cổ đông có tên tuổi của hãng sơn Con tắc kè (Gecko) nổi tiếng cả Đông Dương.

Cũng giống như một số người thành đạt khác trong dòng họ, bố Liên tuy có học thức nhưng không nghĩ đến chuyện quan trường, cũng nhất quyết không vào làng Tây. Với tính cách là nhà buôn, bố mẹ Liên đã đi Pháp, đi Thụy Sỹ.., vừa là để tìm hiểu thị trường, vừa là đi du lịch để biết thế giới bên ngoài. Trong giao du và làm ăn như vậy, ông bà Phan Thanh Bửu gặp ông bà Huỳnh Thái Mẫn ở Rome. Giữa hai họ dần dần hình thành mối quan hệ buôn có bạn, bán có phường. Huỳnh Thái Mẫn thuộc dòng họ Huỳnh Thái ở Gia Định. Ông nội của Huỳnh Thái Mẫn đã từng làm quan trong triều và treo ấn từ quan vì không chấp nhận sự bạc nhược của triều đình trước việc Pháp chiếm Gia Định.

Ngoài việc là bạn hàng với nhau, sự tương đồng về chí hướng và tính cách, họ Huỳnh và họ Phan còn kết thân với nhau vì một bên có con trai, một bên có con gái – đều là con một. Họ đã cam kết làm thông gia của nhau khi Huỳnh Thái Nhơn mới 15 tuổi và Phan Thị Liên 10 tuổi.

Vì công việc làm ăn đi đi về về ngoài Hà Nội, lại phần nào muốn con gái mình tránh xa thứ văn hoá của những người vào làng Tây, Liên được gửi ra Hà Nội học trường Đồng Khánh khi lên lớp nhì năm thứ nhất (cour moyen un). Khi Liên vừa học xong lớp lớp nhất (cour supérieur) thì mẹ mất do ca phẫu thuật viêm ruột thừa ác tính thất bại. Liên phải trở vào Sài Gòn kế tục sự nghiệp của mẹ. Năm ấy Liên 16 tuổi. Một vài năm đầu Liên giúp bố công việc sổ sách và một số việc giao dịch, sau đó dần dần là người quán xuyến công việc kinh doanh của gia đình. Họ hàng thân thuộc còn khá đông, chia làm hai chi, một ở Châu Đốc, một ở An Giang, gia đình Liên lại phải đảm đương một số nghĩa vụ kinh tế, mẹ không còn nữa, nên cuối cùng Liên phải thay mặt cả bố và mẹ đứng mũi chịu sào lo toan mọi việc.

Đám tang cụ Phan Chu Trinh dấy lên không khí đấu tranh sục sôi của trí thức và học sinh trong cả nước, đặc biệt là ở Sài Gòn, Huế và Hà Nội. Trong số học sinh trường Bưởi(*) [(*) Tên gọi chính thức là Lycée du Protectorat, vì trường ở làng Bưởi ngày xưa nên thường được gọi là trường Bưởi, là trường Trung học phổ thông Chu Văn An ngày nay.] tham dự lễ truy điệu cụ Phan(**) [(**) 9-9-1872 – 24-3-1926.] ở Hà Nội có học sinh Huỳnh Thái Nhơn, lúc đó học thành chung năm thứ hai. Khuynh hướng Duy tân nhen nhóm lên trong tâm trí Nhơn từ đấy. Học xong thành chung năm thứ tư Nhơn bỏ học. Song mầm mống của cái nghiệp sau này trong cuộc đời Nhơn lại nảy nở từ truyện Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách. Nhơn gần như lơ lửng trên trời sau khi cùng Liên như uống từng trang sách của truyện này. Ngày đêm tâm trí Nhơn khao khát một điều gì đó không sao xác định được. Một tia sáng từ chân trời xa xăm chợt loé lên một lần trong cuộc đời mới mở ra. Nhưng hình như tia sáng ấy chỉ để làm cho Nhơn ý thức rõ hơn những sợi dây vô hình đang trói buộc Nhơn vào cái thực tại ngột ngạt của xã hội mà Nhơn và Liên đang sống. Nỗi đam mê văn học bắt đầu từ đấy. Sau này Nhơn thường nói với bạn bè của mình: Hà Nội là của Đông Kinh Nghĩa Thục, của nhóm Trí Tri, của Hội Cao đẳng ái hữu, của những cây bút trong Nam Phong tạp chí, báo Phong Hóa, An Nam tạp chí, Tao Đàn, của nhóm Tự lực văn đoàn… Vì thế Hà Nội có điều gì quyến rũ lạ thường… Nhơn còn nhớ như in những ấn tượng ban đầu khi nghe các học giả như Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố… thức tỉnh nỗi đau của đất nước, giảng giải tình trạng văn hoá dân tộc bị ách thực dân và giáo lễ hủ nho nô dịch đến mức không còn tự nhận biết được là mình bị nô dịch. Tâm hồn Nhơn rung động trước những lời giục giã phải đánh bại tâm lý “vong quốc nô” cam chịu “nước bệnh không chữa được”, phải vực lên tinh thần “nước bệnh có thuốc chữa…”. Nhơn ngày một cảm nhận được “…nước nhà đã đắm chìm trong cảnh vong nô mà cuộc xâm lăng của phong hoá Tây phương ngày càng tàn bạo(*) …”.[(*) Trong một số cuộc nói chuyện với những người đương thời và trong thư mật gởi Cường Để bàn về thế sự đất nước, cụ Huỳnh Thúc Kháng thường nói đến ý này để dấy lên tinh thần phân đấu cứu nước và chấn hưng đất nước.]

Có một vài buổi nói chuyện như thế, Liên nhất quyết đòi đi theo Nhơn. Hồi ấy, con gái còn ít tuổi xin dự những cuộc như vậy là không bình thường. Nhưng vì yêu Liên, Nhơn không thể từ chối. Song cũng may là chẳng có chuyện gì ghê gớm xẩy ra, cũng có thể vì Nhơn và Liên thuộc loại hậu thế so với các cử tọa những nơi họ đến, cả hai thường tìm chỗ ngồi khuất nhất…

Nhơn như say mê từng lời của giới văn đàn Bắc Hà kêu gọi sáng tạo phong trào quốc văn để thức tỉnh niềm tự hào của giòng giống Lạc Việt, bất chấp sự rình mò của Sở Liêm phóng và những cơ quan kiểm duyệt khác ở Hà Nội… Nhơn ước ao tự mình đứng ra lập một tờ báo hay một tạp chí như thế ở Sài Gòn, với mong muốn tụ tập được những cây bút có thể góp phần thổi bùng lên bầu sinh khí mới hồi ấy đã được nhen nhóm lên trong nhiều tỉnh ở miền Nam đất nước. Bản thân Nhơn cũng thử sức mình, viết một vài bài báo nói về tệ nạn mất gốc của những người Việt vào làng Tây trong cái xứ thuộc địa Nam Kỳ. Có vài bài được đăng, với bút danh Sáu Nhơn. Bút danh ấy trở thành tên gọi của Nhơn suốt đời mình.

Nhưng còn một lý do quan trọng nữa khiến Nhơn quyết định bước vào đời: Năm 1928 ông Bửu, bố của Liên, ốm nặng, khó qua khỏi. Ông Bửu khẩn khoản đề nghị ông bà Mẫn tổ chức hôn lễ cho Liên và Nhơn để ông có thể yên tâm nhắm mắt. Lúc này Liên 18 tuổi, Nhơn 23.

Việc tổ chức lễ cưới cũng phù hợp với ý nguyện của Nhơn và Liên. Bởi vì ngoài mối quan hệ giữa hai gia đình, từ lâu họ đã quen biết nhau thân thiết, hiểu nhau, cùng chí hướng. Trong thời gian trọ học ở Hà Nội, Nhơn đã chăm sóc Liên như em gái mình. Dần dà tình yêu giữa họ chớm nở và họ chờ đợi sự cho phép của hai bên bố mẹ.

Sống với gia đình ít lâu, Nhơn lại quay ra Bắc theo đuổi sự nghiệp văn chương mình đang khao khát. Bé Phong ra đời năm 1929, vào lúc nổ ra cuộc khủng hoảng kinh tế lớn bên châu Âu – sau này thường gọi là cuộc khủng hoảng 29-33, vì nó kéo dài đến gần hết năm 1933. Một năm sau, năm 1930, hầu như trong một đêm gia đình họ Huỳnh và gia đình họ Phan sạt nghiệp. Các khách hàng của hai gia đình này tuyên bố phá sản và quỵt nợ toàn bộ số tiền hàng hoá đã nhập từ hai gia đình này và mọi khoản nợ tồn đọng khác. Kiện cáo mãi, pháp luật nước Pháp xác nhận đây là trường hợp bất khả kháng, nhà Phan và nhà Huỳnh hoàn toàn chịu bó tay!.. Liên nếm mùi khuynh gia bại sản lần thứ nhất trong cuộc đời của mình trên thương trường.

Tác giả: