– Trời ơi là trời! Thảo nào ông Hải cứ bảo tôi ngửi kỹ nữa đi xem có thấy gì không! Ít nhất là tôi đã ngửi thấy 4 tút thuốc lá NB. Thế là quá giỏi rồi còn gì nữa!
– Nghĩ lại em cứ tiếc ngẩn ngơ về việc bán nhà. Hồi ấy anh Hải không cho bán, nhưng em thì bướng. Cả một cơ ngơi như thế mà bây giờ không mua nổi cái xe đạp!
– Chị Hậu ơi, cùng chia vai gánh vác sự khánh kiệt của đất nước mà! Nghĩ như thế chị sẽ đỡ tiếc. – Nghĩa tìm cách an ủi.
Đúng lúc đó, có tiếng chuông cửa. Hậu lật đật bước ra mở cổng. Một người đàn ông mặc thường phục lừng lững đi vào. Nghĩa nhận ra người quen, kêu lên:
– Ôi, anh Sang !
Võ Sang cũng nhận ra trung tá Pham Trung Nghĩa ngày nào. Cả hai xiết chặt tay nhau. Nghĩa nhìn Sang một lượt từ đầu đến chân:
– Anh Sang vừa đi “xuất ngoại” về nên trông có khác trước !
Sang buông tay Nghĩa ra:
– Có lẽ có khác trước đôi chút anh Nghiã à?
Khi chủ nhà và khách cùng ngồi vào bàn trà, Nghĩa lờ mờ nhận ra ra Võ Sang có cái gì đó khang khác. Cái khang khác là vẻ buồn buồn, trầm tư ẩn chứa trong đôi mắt trong sáng của Võ Sang. Trông anh khác nhiều so với Võ Sang thiếu tá, Trưởng ban chỉ huy trại cải tạo B7 ở Bảo Lộc ngày nào. Ngày ấy Võ Sang sạm nắng, mạnh mẽ, bộc trực, không câu nệ hình thức, quả quyết, tự tin. Uống thêm một tách trà, Võ Sang nhìn Lê Hải rồi nhìn Phạm Trung Nghĩa:
– Đúng là đi một ngày đàng học một sàng khôn!- Sang lại uống thêm một ngụm nước – Nhưng cũng có cái khôn có lẽ không nên thấy, không nên biết, không nên học thì hơn…
– Chú mày phải rứt khỏi đầu óc hình ảnh mấy tay cán bộ đang học ở A-ôn đi! – Lê Hải khuyên Võ Sang.
– Tôi cũng cố đẩy nó ra khỏi đầu nhưng khó quá anh Hải à! Những điều mà tôi chứng kiến tận mắt dường như không còn là hiện tượng cá biệt riêng lẻ nữa. Tôi cứ tự hỏi: Vậy nó là cái gì? Sự vụ lợi? Lòng tham? Bản chất ích kỷ của con người?
– Cũng còn có thể do nghèo khó !
– Nghèo khó ? Mà nghèo khó thì cả dân tộc này đang hàn gắn vết thương chiến tranh, cả dân tộc này đang nghèo khó. Làm cán bộ của Đảng phải là người lo trước cái lo của dân, vui sau cái vui của dân chứ?
– Trên lý thuyết nghe thì xuôi tai như thế, còn thực tế thì… – bà Hậu xen vào, ngập ngừng.
– Cả chị mà cũng hoài nghi à ? – Võ Sang nhìn sững Hậu, ngạc nhiên.
– Tôi không hoài nghi nhưng tôi chỉ nói những điều xảy ra từ cuộc sống !
– Và theo tôi biết, thì cuộc sống anh chị cũng khó khăn, sao anh chị vẫn giữ được lối sống trong sạch ?
Lê Hải nói thay vợ:
– Có lẽ đơn giản vì anh và tôi giữ được bản chất của anh bộ đội Cụ Hồ!
– Và còn điều này nữa – Phạm Trung Nghĩa tiếp lời Lê Hải – Có lẽ chúng ta thuộc vào lọai người không đến nỗi liêu xiêu vì tấm cơm manh áo, lại quen nếp sống đơn sơ của thời bao cấp, không bon chen, nên sóng gió ngoài đời không chạm tới…
Võ Sang ngắt lời Phạm Trung Nghĩa:
– Nói như anh Nghĩa vậy hóa ra nhờ sống trong cái lồng kính đó mà chúng ta không bị ô nhiễm?
– Và cũng vì quen sống trong cái lồng kính đó mà nhiều lúc chúng ta cứ trơ ra trước bao thăng trầm của đất nước? – Lê Hải nói, giọng rầu rầu.
Chợt Võ sang cất giọng oang oang:
– Thiếu tướng Lê Hải mà trơ trơ vô cảm à ? Nếu dửng dưng vô cảm, tóc anh đã không bạc nhanh như thế đâu !
– Chú mày nói đúng! Trái tim trong ngực anh vẫn đập, máu nóng trong huyết quản anh vẫn chảy nhưng thú thật nhiều lúc…
– Nhiều lúc như người bị nhốt trong lồng kính, thấy khó thở vì thiếu… ôxy – Phạm Trung Nghĩa tiếp lời Lê Hải.
Và để bớt cái cảm giác thiếu ô xy để thở, Nghĩa lại tìm đến với Lê Hải.
– Anh Hai Phong biên thư ra cho tôi, An Giang đang thực hiện sáng kiến bù vào giá nghĩa vụ để thu mua lương thực thực phẩm của nông dân theo giá thoả thuận, còn Long An thực hiện sáng kiến bỏ tem phiếu bằng cách bù giá vào lương ngang với giá thị trường. Hai tỉnh này đời sống được cải thiện rõ rệt, thị trường hàng hoá khởi sắc hẳn lên. Sài Gòn còn đắn đo vì muốn chờ kinh nghiệm của An Giang và Long An…
– Ôi thế thì hay lắm. Nơi nào cũng tự tìm ra cho mình con đường Kim Ngọc thì sớm muộn sẽ có lối ra thôi!
– Khác với thời Kim Ngọc, bây giờ Trung ương khuyến khích anh Nghĩa ạ. Các địa phương thi nhau phát huy sáng kiến tự cứu lấy mình và bứt lên! Ông bạn già của gia đình mình hết sức cổ vũ những sáng kiến như vậy.
– Ai đấy? Anh định nói ông Tám Việt?
– Chứ còn ai nữa. Mình thật không ngờ ông này có những cách nhìn mới, rất táo bạo, quyết cái gì thì làm bằng được.
– Anh Chính tôi cũng mê tín ông này ghê lắm, coi ông ấy là chính khách của thời buổi phát triển kinh tế. Nhiều việc anh tôi xin ý kiến các Bộ mãi không được, đành chạy thẳng đến ông ấy xin quyết trực tiếp, thế là xong.
– Nhưng ông Tám cũng đang bị quệt là chệch hướng đấy.
– Lấy cái gì để đo là chệch hay không chệch hả anh Hải?
– Ông ấy chủ trương mở cửa ghê quá – cho đầu tư nước ngoài, cho kinh tế tư nhân. Điều trớ trêu là các địa phương thì hoan nghênh, nhưng cấp trên thì nhắc nhở!
– Hỏi thực anh, nếu cứ giữ nguyên mọi việc như cũ, chế độ có tồn tại được đến hôm nay không?
– Cái may là muốn giữ nguyên như cũ cũng không được. Phải nói là nhân dân, các cơ sở và các địa phương chẳng đời nào bó tay chịu chết… Thư anh Hai Phong kể lãnh đạo An Giang và lãnh đạo Long An biết chiêu hiền đãi sĩ, chịu nghe và biết chắt lọc những ý kiến của chuyên gia. Hai tỉnh này bỏ xó tất cả những cơ chế chính sách hiện hành, mạo hiểm áp dụng những cơ chế mới, chấp nhận trả giá. Trong vòng mấy tháng đầu tại hai địa phương này tiền mất giá bốn năm lần, lãnh đạo cả hai tỉnh nín thở bảo nhau sẵn sàng khăn gói chờ lên đoạn đầu đài. Họ dám quyết như thế là nhờ có Tám Việt hậu thuẫn.
– Nghĩa là còn hơn cả những hiện tượng phá rào?
– Gay cấn hơn nhiều anh Nghĩa ạ. Nhưng ông Tám bảo họ: Cứ làm đi, tiền trảm hậu tấu vậy! Nhưng cấm không ai được xơ múi một xu! Cùng lắm mình và các cậu cùng nhau ngồi tù.
– Đúng là trong tình thế này phải tiền trảm hậu tấu thật. – Nghĩa đồng tình.
– May cho họ là cơn sốt ác tính tiền mất giá này trong vòng chưa đầy hai quý bắt đầu chững lại, hàng hoá đầu cơ tích trữ dần dần ùn ra thị trường, người tiêu dùng tiết kiệm, nhất là không còn một hộ nào dùng gạo tiêu chuẩn 13 kí nuôi heo nữa(*)[(*) Theo chế độ bao cấp, mỗi người dân được mua 13kg gạo/tháng, xảy ra tình trạng nhiều gia đình ăn không hết, lấy số gạo dư thừa cùng với việc kiếm thêm những nguồn thức ăn khác nuôi lợn để kiếm thêm thu nhập; trong khi đó cả nước mỗi năm phải nhập khoảng trên dưới một triệu tấn gạo để nuôi dân.] , giá cả đúng nên sản xuất được khuyến khích… Bây giờ cả hai tỉnh tương đối dễ thở…
– Ôi cứ như là nghe chuyện khoa học viễn tưởng!
– Cái khó nhất hai tỉnh này làm được là chèo chống sống sót qua được hai quý đầu. Điều tôi không thể hiểu nổi là anh Hai Phong tôi tuy thừa nhận những thay đổi mà trước sau vẫn kiên quyết lên án những bước đi này, cho làm như thế là mất chủ nghĩa xã hội đến nơi rồi!
Nói như chị Hậu thì anh Hai Phong có lẽ được giáo dục còn kỹ hơn chúng ta! Nói gì đi nữa, sử sách phải ghi lại những chiến công thầm lặng này anh Hải ạ. Sách giáo khoa kinh tế của ta đang dạy trong trường phải viết lại! Ngoài này so với trong ấy đi chậm quá. Nơi nào không đổi mới là sống dở, chết dở.
– Chúng ta phải học lại tất cả thật, trước hết học bỏ cái hão huyền đội đá vá trời!… Nhưng mà anh Nghĩa, tôi quên khuấy mất chưa hỏi anh có chuyện gì mới!
– Đúng là đặt chân đến cổng nhà anh chị tôi đã bị cuốn hút ngay vào chuyện của Võ Sang. Rồi lại chuyện ông Tám! Tối nay đến đây tôi muốn báo anh chị tin vui là cháu Yến đã chấp thuận việc đi học anh chị ạ. Cả gia đình chúng tôi cũng như bố mẹ Yến đều tin cháu Yến đã cân nhắc thấu đáo.
– Yến thật xứng đáng là dâu trưởng của họ Phạm đấy. – Hậu nhận xét.
– Rất mừng cho cháu anh chị ạ.
– Tất cả chúng ta phải tìm mọi cách hậu thuẫn cho Yến.
– Rất cảm ơn anh chị, nhất là khi cháu học xong trở về phục vụ đơn vị. Xin nhờ anh Hải trao đổi thêm với thủ trưởng của cháu Yến về điểm này.
– Tôi coi Yến cũng như con tôi, anh yên tâm… Có chuyện này nữa, anh Nghĩa ạ. Trước khi trở lại Campuchia, cậu Bân hỏi ý kiến tôi là xin được giữ mối liên hệ thường xuyên với gia đình bố mẹ Yến và anh chị Chính. Cậu ta cứ đắn đo mãi rồi mới dám nói ra với tôi, chắc anh hiểu… Hôm nay tôi mới có dịp…
Nghĩ một lúc, Nghĩa trả lời:
– Tôi hiểu, anh Hải ạ. Con tim cậu ta sẽ biết mách bảo cậu ta nên làm gì!.. Lần về thăm nhà sau khi cưới Yến, tình cờ Nam có kể cho tôi nghe qua loa về Bân, sự giúp đỡ của Bân dành cho Nam…
– Tuần trước anh Thu đến thăm tôi…
– Thu nào, Trần Thu K8 hay Vũ Thu pháo binh?
-Trần Thu K8, đại tá thủ trưởng của Yến. Bân nhờ anh Thu đến nói với tôi cũng chỉ về chuyện tôi vừa nói với anh. Trần Thu biết rất rõ quân của mình… Anh Trần Thu mời tôi hôm nào rảnh về Vũ Thư – Thái Bình để biết rõ gia đình Bân. Tôi nhận lời.
– Xin cảm ơn anh. Đi Thái Bình thì anh cứ đi. Chuyện này chúng ta còn nhiều thời gian. Nhân thể anh nói chuyện này, tôi có một việc, vừa là nghĩa vụ riêng của tôi, vừa là tình cảm của tôi đối với Võ Sang. Chúng ta có thể giúp Võ Sang có một mái ấm gia đình được không?