– Cháu thấy nên để gia đình giữ bức tranh này cho trọn bộ các sáng tác của Nam. Cháu rất yêu bức tranh này, nhưng nơi chúng cháu đóng quân vẫn còn là tiền phương. Ai có thể nói trước được điều gì sẽ xảy ra ngoài mặt trận…
Đoàn của liệt sĩ Nguyễn Thị Thường và liệt sĩ Trần Văn Đàm cũng xếp theo trật tự như vậy. Nhưng cả hai đều chưa có gia đình, nên đi theo giá kiệu là các anh chị em và họ hàng thân thuộc trong nhà.
Lễ tang trang nghiêm, ngắn gọn. Sau đó ba giá kiệu hài cốt lại được đưa về quàn ở nhà Truyền thống một ngày trước khi đưa về quê quán, để những đồng chí đồng đội và bạn bè khác không có điều kiện dự lễ tang đến viếng.
Ngày hôm sau, trước giờ gia đình ông Chính đưa hài cốt Nam về quê, thủ trưởng K8, đại tá Trần Thu, mời Yến, ông bà Chính và bố mẹ Yến đến phòng khách:
– Vì yêu cầu công tác chuyên môn, chúng tôi muốn cử cháu Yến đi học một khoá đào tạo đặc biệt 3 năm ở Anh do tập đoàn dược R&P tài trợ. Xin hai bên gia đình và cháu Yến cân nhắc kỹ. Việc này hệ trọng lắm, lo xong việc đưa Nam về quê xin hai bên gia đình và cháu Yến cân nhắc kỹ rồi chúng ta cùng bàn…
Mọi người nhìn nhau không biết nên nói gì, vì tất cả đều bị bất ngờ.
Đại tá giải thích thêm lý do cử Yến đi học, lưu ý đây là một nhiệm vụ rất khó về chuyên môn và về quản trị:
– Yến ạ, tương lai phân xưởng dược của K8 hoặc trở thành một đơn vị bào chế và sản xuất hoàn chỉnh, hoặc sẽ phải giải thể, còn tùy thuộc một phần vào khả năng và kết quả học tập của cháu. Chú đã cân nhắc kỹ rồi, đi vào chính quy hiện đại không thể làm ăn tạm bợ được nữa…
– Thưa chú, nghĩa là cháu sẽ phải chịu trách nhiệm về số phận của phân xưởng này?
– Cháu đã hiểu đúng quyết định của chú!
Sau khi đưa Nam về với mảnh đất quê nhà, Yến chưa hoàn hồn về thân phận cô quả của hai mẹ con mình, lại thêm nỗi lo về thử thách sắp đến…
Hai tuần lễ trôi qua Yến vẫn chưa có câu trả lời dứt khoác. Ngày ngày đến cơ quan, Yến tìm mọi cách lẩn tránh thủ trưởng của mình, vì loay hoay mãi mà vẫn chưa dám đi đến quyết định nào. Yến bỏ ra mấy ngày tìm hiểu cặn kẽ phân xưởng dược của K8, rồi lại xin giấy giới thiệu đến tìm hiểu Xí nghiệp Dược phẩm quốc doanh I, Xí nghiệp Dược phẩm quốc doanh II… Phát hiện ra nhiều điều, hiểu thêm nhiều điều, nhưng càng hiểu càng lo lắng, phân vân… Và phân vân nhất không phải là việc cún Nam không người chăm sóc. Ngay nỗi khổ xa con Yến có thể cắn răng chịu được. Cô chỉ sợ nhiệm vụ được giao vượt sức mình…
Bước sang tuần thứ ba, Yến xin gặp đại tá thủ trưởng nói rõ quyết định của mình và rắn rỏi:
– Cháu sẽ cố gắng!
Vợ chồng Nghĩa, nhất là Nguyệt, nhiều lúc cứ bấn lên với nhau về việc Mai đã hai mươi tám tuổi rồi mà chưa chịu lấy chồng. Về công tác của Mai, vợ chồng Nghĩa cảm thấy yên tâm. Mai được trường giữ lại làm phụ đạo, đã làm xong bằng thạc sĩ, đang bắt đầu làm luận án tiến sĩ. Tân ra trường được 3 năm rồi, đang đi theo con đường của chị… Các con đã đi làm và nên người, Nguyệt cũng thôi không cần nhận áo len về đan để kiếm thêm nữa. Cả nhà vốn đã sống quen nếp giản dị và tiết kiệm nên đời sống kinh tế với tem phiếu như hiện nay không có gì đáng lo. Nhưng Nguyệt lại bận rộn hơn với công việc là chỗ dựa cho cả nhà.
Hễ rảnh tay Nguyệt lại đứng ngồi không yên, vì chẳng thấy Mai đả động gì đến chuyện yêu đương, chồng con gì cả.
Con gái có thì, sao mà nó gan thế!.. Tân nó là con trai thì lại đi một nhẽ…
Thỉnh thoảng có một hai chàng trai ở trường Mai đến nhà chơi. Họ còn trẻ, là giảng viên, là tiến sĩ, là phó giáo sư.., chỉ nói chuyện với nhau nhiều về chuyên môn. Nguyệt vui vui thấy nhà mình là một tụ điểm của những đầu óc cùng chí hướng, có học vấn. Một niềm tự hào nào đó lâng lâng… Nhưng Nguyệt chẳng hiểu gì những chuyện khô khan về toán học. Thỉnh thoảng Nguyệt mời các bạn của con ăn bát chè, hoặc đĩa khoai lang nghệ.., và nhận được của con lời cảm ơn về lòng mến khách… Song Nguyệt mong đợi mãi mà chẳng thấy những chuyện này dính dáng đến chuyện chồng con của Mai trong tương lai…
Nguyệt đã nóng ruột càng thêm nóng ruột, bà thủ thỉ với chồng:
– Mình cho Mai học toán có là sai lầm không anh?.
– Biết đâu đấy, con sẽ là một Hoàng Xuân Sính lớn cho họ Phạm. Chúng ta thêm một vinh dự.
Nhưng anh định để con gái chúng ta thành bà già à?
– Khổ quá, con gái chúng ta lấy chồng hay em lấy chồng mà cứ cuống lên như vậy!
Nguyệt đấm thùm thụp vào lưng chồng.
Tối đó, vợ chồng Nghĩa trò chuyện đến khuya. Nhiều điều bức xúc dồn nén trong lòng cô giáo Nguyệt được dịp bục ra, tuôn trào. Bà đau lòng trước vô số hành vi xấc xáo của những học sinh, sinh viên mình từng dày công dạy dỗ, nay chúng coi khinh chữ nghĩa, chỉ biết chạy theo ma lực của đồng tiền. Nghe và cảm nhận nỗi thất vọng của vợ, Nghĩa nín lặng. Nguyệt chỉ còn nghe rõ tiếng thở của chồng. Tiếng thở như khó nhọc. Nguyệt nhổm dậy, lay chồng:
– Anh vẫn đang nghe em nói chứ?
– Anh đang nghe!
– Vậy anh nói cho em nghe đi, vì sao chúng đổ đốn như thế?
– Không thể đổ hết lỗi cho lũ trẻ em à?
– Vậy thì những người làm cô làm thầy như em sai? Hay đường lối giáo dục của chúng ta sai?
Nghĩa không thể né tránh câu hỏi thẳng thừng của vợ. Càng trả lời, Nghĩa càng thấy hoang mang.
Cả hai vợ chồng Nghĩa hôm ấy không ngờ câu chuyện lo lắng Mai ế chồng lại chuyển thể thành câu chuyện về cả thế hệ trẻ này.
Xăng theo phiếu đến cả hai tháng nay không có bán. Lê Hải không còn tiêu chuẩn xe ô-tô riêng để thỉnh thoảng người lái xe của ông có thể dúi cho Nghĩa một hai lít. Cái babetta của Nghĩa đứng một chỗ xó nhà, bụi đã dày lên tấm nilon phủ trên. Ngồi trên cái xe đạp tòng tọc, nhưng mải nghĩ về chuyện con cháu, nhất là về quyết định đi học của Yến, Nghĩa đạp xe như một quán tính và không ngờ đến nhà Lê Hải nhanh thế.
Người ra mở cửa cho Nghĩa là Hậu. Bước qua cái sân vườn nho nhỏ, dựng được cái xe vào tường, Nghĩa nói lớn:
– Mùi thuốc lá gì mà khét lẹt thế! Cây hoa mộc trong vườn này chắc ông già quét vườn Lê Hải đốn làm củi mất rồi có phải không?
– Xin chịu mũi anh Nghĩa thính quá! – Hậu trả lời. – Anh cứ vào trong nhà sẽ biết.
Lê Hải lúc này mới thu dọn xong bàn ăn cơm và đang pha ấm chè mới sau bữa ăn tối:
– Khách khứa gì mà bước chân vào nhà chưa chào hỏi đã chê bai điều này điều khác!
– Tại cái mùi thuốc lá gì của anh nó khét quá!
– Chết, chết! Quà biếu đặc biệt đấy!
– Anh mới tham gia chân phụ lão của phường mà đã được đút lót rồi à.
– Oan quá. Quà biếu của Võ Sang!
– Anh Võ Sang có cả quà biếu anh chị đấy. – Hậu nói chen vào.
– Võ Sang nào hả anh Hải?
– Anh còn nhớ cái tay thiếu tá trưởng trại cải tạo Bảo Lộc bắt anh lên nói chuyện với các sĩ quan nguỵ không?
– A nhớ! Nhắc đến trại cải tạo B7 thì nhớ ngay! Võ Sang ấy thì gặp một lần cũng không quên được. Một con người nhiệt tình, quyết đoán! Dám mời tôi lên nói chuyện với sĩ quan nguỵ, lại dám cho phép em tôi rời trại cải tạo về thăm nhà 3 ngày! Cách đây 11 năm những chuyện như vậy không phải ai cũng dám làm đâu!
– Đấy là con người chí tình anh Nghĩa ạ, nhất là đối với tôi. Bây giờ là đại tá rồi. Vừa đi nghỉ ở Liên Xô về. Anh lại đây xem cái này nữa! – Lê Hải dắt Nghĩa lại xem chiếc xe đạp Mifa nữ vừa mới mua, chỉ tay vào cái xe rồi hỏi Nghĩa: – Anh có thấy gì không?
Vì muốn trêu vợ chồng Lê Hải, Nghĩa nói đùa:
– Chẳng thấy gì cả, chỉ thấy mùi thuốc lá khét lẹt thôi!
– Anh nghĩ kỹ đi rồi hãy trả lời!
Nghĩa đưa tay tay sờ sờ lên cái xe, nhưng mũi lại làm điệu bộ hít hít trong không khí:
– Nghĩ kỹ lắm rồi, chỉ thấy mùi thuốc lá khét lẹt thôi!
– Nói thật hay nói đùa đấy?
– Khổ quá, nói thật trăm phần trăm!
– Thế thì cái xe đạp này đúng có mùi thuốc lá thật rồi! Cái mũi của anh Nghĩa tài quá! – Hậu kêu lên.
– Ngửi kỹ nữa xem còn mùi gì khác nữa không? – Lê Hải giục Nghĩa.
Bây giờ đến lượt Nghĩa ớ ra, không hiểu Lê Hải nói gì:
– Thế là thế nào, anh Hải?
– Chịu à? Đã bảo ngửi kỹ đi! Dí mũi sát vào xe mà ngửi sẽ thấy đấy!
– Chịu! Không ngửi thấy gì cả! – Nghĩa hít hít.
Nghe chồng nói và nghe câu trả lời của Nghĩa, bà Hậu ôm bụng cười!
– Đấy không phải là cái xe đạp. Mà là cái nhà gạch 3 gian có vườn của Hậu ở quê, cộng 4 tút thuốc lá NB, cộng một phích nước Trung Quốc! – Lê Hải nói, trong khi Hậu vẫn chưa làm sao nhịn được cười.
Nghĩa nghệt ra:
– Tôi vẫn chưa hiểu.
– Thế này, anh Nghĩa ạ, – Hậu giải thích: …Năm Tám mươi (1980) em bán nhà ở quê, phần vì không có người trông nom, phần vì hàng tháng muốn có ít lãi tiết kiệm để bồi dưỡng cho anh Hải. Hồi đó số tiền gửi tiết kiệm có thể mua tới gần một chục cái xe Mifa này. Bán nhà xong em cảm thấy mình giàu lắm và không lo anh Hải gầy ốm nữa. Sau mấy lần đổi tiền bây giờ sổ tiết kiệm của em chẳng còn giá trị bao nhiêu, anh Hải và em chẳng biết dùng nó vào việc gì trong khi cả hai vợ chồng chỉ có một cái xe đạp.
– Và tướng về hưu cũng hết tiêu chuẩn ô-tô rồi có phải không?! – Nghĩa xen ngang.
– Vâng. Thỉnh thoảng anh Hải xin xe về quê thì đơn vị vẫn cho đấy, nhưng chẳng lẽ đi loanh quanh trong thành phố cũng xin xe!.. May quá, cách đây vài ngày anh Võ Sang đến thăm, cho 5 tút thuốc lá NB và cái phích Trung Quốc. Em chỉ giữ lại một tút để anh Hải hút thử cho biết, anh Hải cũng không thích thứ thuốc lá này. Còn lại em đem bán tuốt, đập vào sổ tiết kiệm năm 1980, vừa đủ mua cái xe mifa này!