Ngồi trong máy bay, thỉnh thoảng Lễ lại rít lên trong lòng.
– Chẳng lẽ ta cũng đi tìm khẩu carbine cho mày ăn cả một băng cho hả dạ? Cái tên Túc này với cái tên lính cụt trên đường Phạm Đăng Hưng không biết có phải là một không! Đồ súc sinh!”.
Lễ gọi người chiêu đãi viên hàng không xin thêm cốc nước, vừa uống vừa cố tìm mọi cách tự trấn tĩnh mình.
– Nhận được điện thoại của anh tối hôm qua, tôi hủy mọi cuộc hẹn hôm nay để tiếp anh. Chúng ta đã định gặp nhau mấy lần rồi mà không thành. – Quách Minh Châu xởi lởi chào Lễ tại văn phòng làm việc của mình.
Lý Lam đuổi cô thư ký người Mỹ ra ngoài rồi tự tay lấy đồ uống tiếp khách:
– Từ hôm gặp nhau ở nhà Mai-cơn Fốc, hôm nay tôi mới hân hạnh được gặp lại ông. Ông dùng cà-phê hay dùng trà ạ?
– Nếu có cà-phê thì tốt nhất. Tôi không quen bay đêm, nên muốn uống cái gì cho tỉnh ngủ một chút!
– Tôi đoán anh Lễ có việc gì hệ trọng lắm nên mới lặn lội đường xa gấp gáp như vậy. Hôm anh dự tiệc nhà Mai-cơn Fốc tôi lại đi vắng. Ông Lý có nhắn tôi lời hỏi thăm của anh.
Lễ nhấp nháp vài ngụm, cà phê rồi ngồi duỗi chân duỗi tay cho đỡ mỏi:
– Từ nay tôi xin kiếu không dám bay đêm nữa. Ngồi chật như nêm! Đau nhừ người như bị đánh đòn, lại mất ngủ nữa!
– Như thế anh Lễ mới thông cảm với tôi, hầu như tháng nào tôi cũng phải có một hoặc hai chuyến bay đêm như vậy.
– Anh so bì với kẻ chán đời như tôi làm gì! Anh thì còn phải kiếm danh, kiếm tiền. Đã tái hồi Kim Trọng chưa? – Lễ xĩa thẳng vào vết thương đau nhất của Châu.
– Bây giờ thì khác rồi, anh Lễ ạ. Không giống như thời chạy khỏi Sài Gòn đâu!
– Ông Lễ cứ nhìn vẻ mặt của anh Châu tôi sẽ đoán biết được mọi chuyện. Ông có thấy anh Châu tôi hồi này trẻ ra không? – Lý Lam xen vào.
Lễ nhìn chằm chằm vào Châu một lúc:
– Không có chuyện trẻ ra. Nhưng hình như phởn phơ hơn! Anh chị thỉnh thoảng có đến thăm tướng Lê Minh Đạo không?
– Làm gì có chuyện ấy nữa. – Châu bật lại như một cái lò xo bị nén. – Tôi thì không đời nào, còn elle bây giờ như một con sông hiền hoà sau khi đã chảy qua mọi thác ghềnh!
– Ông Lễ xem, anh Châu tôi vẫn còn thơ mộng lắm!
– Ông Lý cho tôi tách cà-phê nữa. Nếu có cô-nhắc uống mừng đôi uyên ương già này tái hợp, tôi sẵn sàng!
– Có ngay! Có ngay, anh Lễ ạ!.. – Quách Minh Châu đứng dậy, tự đi lấy rượu…
Lễ hiểu mình hoàn toàn làm chủ câu chuyện từ khi bước vào căn phòng này, tiếp tục vuốt ve nỗi si tình của Châu, vừa gợi lại những chuyện cũ ở Sài Gòn. Lễ nhắc lại cả giai thoại trong buổi nghe anh Nghĩa nói chuyện tại hội trường trại B7 Quách Minh Châu đứng lên chắp tay van xin mọi người đừng khoét mãi vào nỗi đau của mình.
Nhâm nhi cốc cô nhắc, Lễ kéo dài công việc mèo vờn chuột, quyết định vẫn chưa vào chuyện vội, mặc dù lúc này Lễ cảm thấy mình đã hoàn toàn tỉnh táo:
– Thời gian con én đưa thoi, đã 10 năm rồi anh Châu nhỉ.
– Vâng, kể từ cái ngày tận thế…
– Nhưng mối tình chung thuỷ của anh thì phải gấp ba lần như vậy! Tốn nhiều nước mắt lắm và cũng can trường lắm mới giữ được cho nó khỏi héo mòn, có phải không?
Quách Minh Châu như dính chặt vào cái ghế đang ngồi, những câu nói của Lễ làm Châu mềm oặt. Châu xưa nay vẫn khát khao có người cảm thông với mối tình si chưa bao giờ được đáp ứng của mình, ngay bây giờ cũng vậy.
Vợ Châu, Thẩm Đôn Hoa, đẹp chẳng kém gì vợ Nguyễn Cao Kỳ, lại dòng dõi họ Thẩm nổi tiếng cả Sài Gòn.
– “Tiếp viên Tuyết Mai trở thành bà thủ tướng, còn mình thì chỉ là vợ một đại tá không có tính cách đàn ông!”. Đôn Hoa từng hậm hực.
Chính sự khấp khểnh này khiến Thẩm Đôn Hoa tình nguyện để tướng Lê Minh Đạo lấp chỗ trống trải trong lòng mình, nếu đá được vợ Đạo thì Hoa sẵn sàng trở thành bà Lê Minh Đạo…
Thế nhưng vỏ quýt dầy, móng tay nhọn. Lê Minh Đạo chỉ gió trăng cho đến nhị rữa hoa tàn, song lại tìm ra trăm ngàn lý lẽ không chịu bỏ “mụ yêu tinh già có mỏ kim cương” theo mong ước của Hoa. Từ hồi còn ở Sài Gòn, Hoa vẫn gọi vợ Đạo bằng cái tên như vậy. Di tản sang Mỹ được hai năm thì Đạo bắt đầu ngán ngẩm Hoa, trốn tránh, và cuối cùng thì đá Hoa ra đường đúng với nghĩa đen của từ này.
Một hôm cả hai vợ chồng Đạo đi ô-tô đến nhà Hoa rủ đi ăn cơm tối với một người bạn ở Santa Ana, một thành phố láng giềng.
– Vợ chồng tôi đem cô Hoa đến trao tận tay cho anh, bõ công anh tìm kiếm. Nguyên đai nguyên kiện đấy, đại tá Quách Minh Châu ạ. – vợ Đạo ngọt sớt, nhưng Hoa vừa choáng váng vì bị lừa, vừa quằn quại vì cái giọng nói của vợ Đạo như đang cắt vào da thịt mình…
Hôm ấy Châu nhận từ tay vợ chồng Lê Minh Đạo một con người còn sống nhưng đã chết…
– Cả những lúc anh chết vì đau khổ, những lúc anh sống lại vì hy vọng, bao giờ và mãi mãi em vẫn là thiên thần của anh!.. – Châu ngồi dưới chân Hoa, hai tay nâng niu đôi bàn tay của Hoa.
– Nhưng thiên thần này chết rồi! – Hoa lạnh lùng.
– Chừng nào tim anh còn đập, thiên thần này còn sống mãi, còn tôn thờ em mãi!..
Hoa chịu ở lại với Châu, nhưng con người chết hãy còn sống này đòi Châu phải thờ phụng như thờ sống đức thánh mẫu.
Lắng nghe đối thoại giữa Quách Minh Châu và Lý Lam, Lễ hiểu ra đối tượng đáng gườm trước mặt mình là Lý Lam, còn Quách Minh Châu chẳng qua chỉ là một bình phong, một hình nộm biết nói!
Thảo nào hôm tụ tập ở nhà Mai-cơn, Châu vắng mặt, còn Lý Lam ăn nói như một thủ lĩnh thực thụ. Hôm nay rõ ràng Lý đồng loã với mình trong cái trò chọc ngoáy cái gót A-sin của Châu mà mình không biết… Chà chà, một oắt con khách lai bây giờ cũng ngo ngoe lên làm vua!..
Trong đầu Lễ phải tính toán lại công việc của mình.
– Anh Lễ ạ. Tụi này văn hoá thấp kém nên lỗ mãng quá. Tôi xin lỗi anh về việc xảy ra. – Châu đẩy tập báo của Lễ đưa trả về chủ nhân của nó.
– Anh và Lý Lam cứ giữ tập báo này lại, tôi không cần đến nữa. – Lễ đổi giọng, bỏ cách gọi ông Lý.
– Ông Lễ cũng nên thông cảm sự cứng rắn của anh em, vì đang lúc cần đẩy mạnh phong trào. – Lý Lam nói với Lễ bằng cái giọng khác hẳn lúc hắn rót cà-phê cho Lễ.
– Anh Châu ạ, tôi đến gặp anh hôm nay chỉ vì cái chuyện hành hung của tên Túc. Tôi muốn chuyện này không bao giờ lặp lại đối với gia đình tôi nữa. Anh nhắn giùm cả với ông Fốc như vậy.
– Anh biết tôi rồi, trước sau tôi vẫn cho đây là việc lỗ mãng, không chấp nhận được. Phải tin tôi, anh Lễ!
– Tôi không hề có ý định khuyên anh điều gì, nhưng cũng không bao giờ chấp nhận cách áp đặt cho gia đình tôi điều này điều khác như tên Túc đã làm mấy lần. Nếu anh và ông Fốc vẫn còn thách đố, tôi sẵn sàng vào cuộc đấy!
– Tôi đã nói đây là hành động lỗ mãng, mong anh bớt giận. Tôi hiểu thanh thế tướng Minh, tướng Mậu, cánh đại tá Tôn Thất Loan, cánh ông già Học nhà anh…
– Không! Tôi không cần phải dựa vào thanh thế nào cả, – Lễ ngắt lời Châu, cố tình coi như Lý Lam không có mặt và chìa những bài báo trước mặt Châu lần nữa.
– Anh đọc lại đi! Đọc cho kỹ đi để thấy phản ứng của những giới khác nhau, cả bài phát biểu của đại diện Academy Giannini về vụ việc này… Anh làm ngơ, tôi sẽ phá đám công việc của anh! Tôi phá tan nát cho anh xem! Tôi sẵn sàng quậy đấy!..
K8 sáng nay làm lễ truy điệu liệt sĩ Phạm Trung Nam, liệt sĩ Nguyễn Thị Thường và liệt sỹ Trần Văn Đàm nhân dịp hài cốt của họ được bốc từ Campuchia đưa về Hà Nội để trao lại cho gia đình. Lễ truy điệu được tổ chức trên sân chào cờ của đơn vị.
Trong tiếng quân nhạc Hồn tử sĩ, ba chiến sĩ của K8 rước lá cờ Quyết Chiến Quyết Thắng của Bộ Tổng Tư lệnh tặng cho K8 vì các thành tích chiến đấu trong suốt 3 cuộc chiến tranh, dẫn đầu là đoàn bộ đội đeo găng trắng rước các hài cốt ra nơi làm lễ.
Đi đầu tiên là một chiến sĩ mang ảnh liệt sỹ Phạm Trung Nam theo nghi lễ đã quy định trong quân luật, chiến sĩ thứ hai mang khay đựng các huân chương, huy chương Nam được hai quốc gia Việt Nam và Campuchia trao tặng, tiếp đến là giá kiệu hài cốt. Yến dắt con đi đầu trong đoàn người nhà họ Phạm đi theo giá kiệu. Cả hai mẹ con đều mặc đồ tang theo đúng phong tục tang lễ cổ truyền. Khi Nam hy sinh, cún Nam lên một, bây giờ cún Nam đã lên năm và bắt đầu đi học mẫu giáo. Nhìn cảnh cún Nam ngây thơ mặc đồ tang lặng lẽ bước đi trong tay mẹ, từng bước bước theo giá kiệu hài cốt của Nam, nhiều người trên sân chào cờ rơi nước mắt. Ông bà Chính giữ tục lệ theo lối cổ, nên đứng hàng đầu cùng với những người dự tang lễ từ trước, chứ không đi theo giá kiệu. Lê Hải cũng có mặt. Ông mặc thường phục, và đứng cùng với ông bà Chính, bố mẹ Yến. Thiếu tá Bân, người được giao nhiệm vụ trực tiếp phụ trách việc đưa 3 hài cốt về Hà Nội, đứng cạnh Lê Hải. Khi Nam hy sinh, Bân cũng quân hàm thượng uý và là người phó của Nam.
Tối hôm qua ông bà Chính đã mời Bân đến nhà ăn cơm để được nghe Bân kể tỉ mỉ mọi chuyện về Nam. Bố mẹ Yến và Yến, Loan cùng dự. Qua Bân, cả nhà lần này mới biết Nam còn được dân địa phương vùng Siêmriệp tặng cho cái tên thân thương là thầy cả(*) [(*) Tên gọi biểu thị sự tôn trọng và yêu mến theo phong tục và tín ngưỡng người dân Campuchia vùng Siêmriệp. Danh tước cao nhất trong làng là sư, rồi đến thầy cả.] – vì công lao đã cứu chữa cho nhiều người dân vùng này. Cả nhà vô cùng cảm động khi Bân kể đơn vị cũng như dân làng Sămrakông chọn những cây hoa đẹp trồng chung quanh mộ Nam, đặt những bông hoa đẹp nhất vào các dịp lễ tết. Dân làng Sămrakông tự đặt tên mới cho làng mình là SămrakôngNam. Theo tục lệ của ta, bốc mộ phải tiến hành trước khi trời sáng. Hôm bốc mộ dân làng đến đông lắm và đốt đuốc sáng trưng chung quanh mộ phần như thể đi tiễn Nam về nơi quê cha đất mẹ, có mấy vị sư của làng đến làm lễ… Bân còn còn nhờ ông bà Chính trao lại cho Yến bức tranh của Nam đã tặng Bân, có tựa đề là Nhớ…