– Thế họ cứ nhất định ấn người vào ở thì làm sao, bà Sáu? – ông Thành nói lên nỗi lo của mình.
– Tôi tính thế này, ông Thành rút về một phòng trên lầu hai. Ông nên chọn trước phòng nào ông thích ở. Còn lại đâu thì cho họ ở đó.
– Thế thì chết tôi! – ông Thành giãy lên.
– Ông cho tôi nói hết đã. – Má Sáu nói tiếp: – Lầu một và tầng trệt là hai gia đình riêng biệt, không có chính sách nào cho phép nhét một gia đình nữa vào. Mà nếu họ cứ làm liều thì ta phải đi kiện!
– Không được! Tôi đã bảo là tôi sợ lắm! Làm sao ở cùng một lầu với họ được! – ông Thành vẫn rên lên.
– Ông Thành ơi, – má Sáu tìm cách trấn an tinh thần ông Thành, -… Họ có ăn thịt được ông không?
– Không có chuyện ấy, nhưng sống chung với họ thì không được! – ông Thành khăng khăng.
– Ban ngày thì ông xuống nhà với gia đình cháu Vũ hoặc gia đình ông bà Tư. Ban đêm ông về phòng mình ngủ. Thế thì có gì phải sợ?
– Khổ quá, xin bà Sáu hiểu cho hoàn cảnh của tôi…
– Không phải bàn ra bàn vào gì nữa. Chỉ cần ông giữ bằng được hồ sơ gốc của ngôi nhà, khi nào đi Mỹ thì ông giao hết cho ông Tư. – bà Sáu Nhơn cả quyết gần như ra lệnh.
Ông Thành không còn cách nào khác. Cả ba người đều phải chấp nhận ý kiến của má Sáu. Khi hai ông chào ra về, má Sáu còn dặn thêm:
– Đã theo ý của tôi thì hai ông phải theo đến cùng nghen. Nếu không thì mọi chuyện sẽ xảy ra đúng như hai ông đang lo đó!
Gia đình Vũ dọn đến nhà đại tá chính quyền Sài Gòn Phạm Trung Lễ được hai tuần mới thấy chính quyền cho người đến nói chuyện với ông Thành. Má Sáu ngờ rằng Hai Hân phải thu xếp cái gì đó với chính quyền, càng tin là Hai Hân không thể muốn làm gì cũng được. Người của chính quyền đi đi về về gần một tháng trời. Nhất cử nhất động ông Thành và ông Tư đều hỏi ý kiến má Sáu. Cuối cùng gia đình Thắng được dọn đến ở hai phòng nhỏ hơn còn lại trên lầu hai, có phòng tắm riêng, lại được thêm cả cái ban công nhìn xuống đường Pasteur!…
Đêm hôm đầu tiên tại nhà mới, vợ chồng Thắng gần như không thể ngủ được.
– … Dù sao vẫn còn sướng hơn vạn lần so với một phòng mười bốn thước vuông trong hẻm, đã thế bếp, nhà tắm, nhà xí đều chung nhau hết! Đến đây thật là đổi đời! – Thắng thốt lên với vợ vì sung sướng.
– Một bước lên tiên! Lên tiên cũng không bằng! – vợ Thắng nằm ngửa trên giường, giơ cả hai tay lên trời. Hai ống tay áo tụt xuống, một tay để lộ ra một chiếc vòng vàng, tay khác một chiếc vòng ngọc màu cẩm thạch! Từ ngày làm “sếp” căng tin số 5, Hồng ăn mặc diêm dúa khác thường, lại bắt đầu trang điểm phấn sáp nữa. Các cụ vẫn nói người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân chẳng sai chút nào.
– Em tự cho mình bây giờ hơn cả tiên?
– Chứ còn gì nữa. Này nhé, các cô mậu dịch viên giao dịch với xí nghiệp ta, kể cả mấy con ranh tiếp phẩm vẫn hay đi lại dấm dúi với anh, bây giờ phải gọi sếp Hồng này bằng bà. Nhờ sếp Hồng này bây giờ họ bán được bao nhiêu là hàng theo giá thỏa thuận. Qua căng tin họ lại cũng mua được bao nhiêu là thứ từ các mậu dịch khác. Không có thì làm gì ra nào xe máy cho anh, nào quần nào áo cho hoàng tử và công chúa của chúng ta. Lại được nhà cửa thế này, chẳng tiên thì là gì?
– Cái thời buổi nhí nhố thế mà hay đấy nhỉ. Anh tưởng chỉ có ngoài Hà NộI MớI có chuyện con ông cháu cha mới hy vọng chạy được cái chân mậu dịch viên, bằng đại học nào cũng không bằng… Không ngờ mậu dịch viên trong này còn có giá hơn!
– Bà của mậu dịch viên còn có giá gấp trăm lần!
– May hơn khôn, to…
Hồng đấm vào má chồng một quả tống nhẹ:
– Cấm! Nói tục như thế mất thớ đi! Sắp là ông nọ bà kia đến nơi rồi…
– Cũng biết nhìn xa trông rộng nhỉ. Ban tối xuống thăm xã giao nhà Vũ, cho thằng cu nhà Vũ cân đường trắng. Vợ Vũ sướng phát rú lên!
– Thời buổi khó khăn mà, lại chưa có hộ tịch nữa…
– Cô nàng không khách khí. Cảm ơn rối rít, vì đang cần đường cho con. Thằng cu nhà ấy đang khó ở… Cả hai vợ chồng chỉ có hai cái xe đạp tòng tọc! Cô vợ ngày ngày còn phải đem sữa chua đi bán…
– Hai vợ chồng nhà này cộng lại là ba hay bốn bằng đại học đấy, tiếng Anh của Vũ bây giờ là có hạng trong thành phố này, đừng có bỡn.
– Có đến năm sáu cái bằng đại học thì cũng chỉ là xách dép cho bà của mậu dịch viên này thôi. Nhưng liệu liệu đấy nhé! Đừng đi quá đà, con dê đực ạ!
– Huênh hoang với tay Vũ thì không rồi. Thằng cha này trí thức lắm. Nói năng với hắn anh chỉ sợ hớ, nên rất thận trọng. Mọi việc anh báo cáo với sếp Hân không thiếu một dấu phẩy. Quá đà cái gì?
– Không, đằng này nói cái chuyện khác. Đừng rửng mỡ quá đú đởn với mấy con ranh tiếp phẩm!
– Có nghĩa là đú đởn vừa phải thì được phép, phải không cưng?
– Muốn chết không?
– Trời, lại doạ dẫm cái chuyện ông ăn chả bà ăn nem chắc!?
– Không phải thách nhà giàu húp tương!
Một lần đến thăm mà Sáu Nhơn để cảm ơn, ông Thành tỏ lời bái phục:
– Mọi chuyện diễn ra đúng một trăm phần trăm như dự tính của bà. Tôi thật không ngờ bà liều đến thế, bà Sáu ạ.
– Ông Thành ạ, thói đời vẫn mềm nắn, rắn buông. – má Sáu thủng thỉnh đáp lại.
– Xin hỏi thật bà, trời Phật phú cho bà cái tính không sợ ai ăn hiếp hay sao?
Má Sáu Nhơn cười:
– Đứng mũi chịu sào từ ngày về nhà chồng, nên tôi quen rồi ông ạ. Với lại tôi yêu nước, yêu con cháu mình, có gì mà sợ?
Hai Phong cũng phải kêu lên:
– Con thật chịu má!..
Điều làm cho mọi người bất ngờ là con của vợ chồng Vũ và hai con của vợ chồng Thắng là ba kỹ sư tý hon bắc lên những cây cầu tinh thần nối liền các gia đình trong ngôi nhà này. Ông Thành và ông bà Tư đều là những người yêu trẻ, bọn trẻ lại thích chơi với nhau, thế là cái không khí căng thẳng ban đầu biến dần. Bà Tư dần dần trở thành bà của ba đứa trẻ, nhất là những lúc vợ chồng Vũ hay vợ chồng Thắng quá bận. Đôi lúc bà Tư cũng bận thì ông Tư và ông Thành lại hoá thân thành các cô giữ trẻ!
Ông Thành chờ đợi giấy tờ đi Mỹ với tâm trạng nhẹ nhõm phần nào…
Nhìn thấy Nghĩa bước vào phòng họp, thoạt đầu Tiến không tin vào mắt mình. Cứ tưởng rằng Lê Hải ra đi thì tay này đi đứt, thế mà… Tay này được ra tù rồi à?… Hồi ấy trên giao cho mình thu thập nhiều tài liệu tỉû mỉ lắm cơ mà, gia đình Lê Hải, gia đình Nghĩa đủ cả… Hai Hân đánh số rất rành mạch…
Ông Tiến rùng người, trong đầu cố sắp xếp lại mọi chuyện cũ để phán đoán thực hư thế nào…
Ông nhớ rất rõ là hôm đó đang cùng nhau đi công tác ở Hải Phòng, người thư ký của trưởng Ban đã rò rỉ cho ông biết là Lê Hải phải ra đi vì lý do chính trị, Phạm Trung Nghĩa vì thế phải vào tù. Tin này không làm ông Tiến mừng mà lại làm cho ông choáng váng: …Bỏ mẹ, thế mà mình lại viết bài hết lời ca ngợi hai cái lão này!.. Ông bỏ dở công việc, bảo lái xe đưa ông về thẳng Hà Nội, chạy ngay đến thư viện của Ban, hỏi mượn lại tập truyện ngắn do Lê Hải và Nghĩa kể mà do ông viết bài giới thiệu. Trong tai ông vẫn còn rõ mồn một những lời Lê Hải và Nghĩa ca ngợi ông chân thành về bài giới thiệu này… Thế mà bây giờ, cầm gói truyện còn nguyên dây buộc, ông Tiến vẫn chưa yên tâm, giở ra đếm lại vẫn đủ năm cuốn, kiểm tra kỹ thấy quyển nào cũng còn nguyên những trang chưa rọc…
Ông hỏi cô giữ thư viện:
– Sao? Không ai thèm đọc à mà vẫn nguyên đai nguyên kiện thế này?
– Chỗ ta viết sách cho người đọc và đọc chỉ thị nghị quyết thôi, chứ có ai đọc sách đâu ạ. – cô giữ thư viện trả lời.
– Thế sách tôi viết ra để ở thư viện có ai đọc không?
– Cho đến nay vẫn chưa thấy ai đến mượn ạ.
Thăm dò thêm vài câu nữa, ông Tiến mới yên tâm rời thư viện.
Đến giờ phút này, ngồi trước ngọn lửa lúc bùng lên, lúc tắt rụi.., ông Tiến vẫn không quên cái cảm giác nhẹ nhõm sau khi đã đếm đủ năm cuốn trong tay, cầm lên từng cuốn, xé ra, cho vào cái bếp mùn cưa rồi châm lửa.
… Nhà mình còn có phúc lớn, mấy thằng nào trong Ban mà rớ được bài giới thiệu này sẽ rách việc cho mình lắm. Còn những cuốn bán ngoài chợ thì phó thác cho số phận vậy…
Việc phi tang hoàn hảo. Đang lúc ông Tiến xoa hai bàn tay lấm lem và đi tìm cái chổi thì bà Hà ở đâu về:
– Trời ơi, làm sao tro bay đầy nhà và khói um thế này? – bà Hà vừa mở toang các cửa vừa hỏi ông Tiến.
– À à.. có mấy cái tài liệu mật, đốt đi cho gọn nhà.
– Sao không để tôi nhóm bếp dần? Cả một đống tro thế này dễ đủ đun được phích nước! – bà Hà tiếc rẻ.
…Ông Tiến điểm lại trong đầu mọi sự kiện một lần nữa, trong Ban tuyệt nhiên không có lời xì xèo nào về bài tựa này.
… Tạm thời là như thế!.. – ông Tiến tự nhủ với mình như vậy, cố bước đi những bước dài và mạnh mẽ để che đậy mọi lúng túng trong lòng. Ông chủ động bắt tay Nghĩa thật chặt, tìm cho Nghĩa một chỗ ngồi trang trọng tại phòng họp, bản thân ông Tiến cũng kéo cho mình cái ghế ngay sát với chỗ của Nghĩa… Lúc này mà tỏ ra lạnh nhạt với hắn là sai lầm… – ông nghĩ trong đầu như vậy.
– Ôi lâu lắm mới gặp lại nhau… Tôi nghe nói anh đã mấy lần làm đơn xin về hưu rồi cơ mà. – ông Tiến ướm hỏi.
– Có thế thật, nhưng cả hai đơn của tôi đều bị bác, anh Tiến ạ.