Với những ý kiến như thế trong hội nghị số đông, thường thường là Hai Hân thắng. Thắng áp đảo! Xì xèo trong xí nghiệp và trong giới lãnh đạo đả kích Hai Hân xẹp đi sau đó. Ông bí thư đảng ủy lặng thinh, chờ cho đến khi bắt đầu có chuyện ỉû eo mới…
Ba bốn lần “kế hoạch 3” chẳng đem lại kết quả mong đợi, phụ cấp cho cán bộ công nhân viên chức trong xí nghiệp tụt trông thấy, Hai Hân ngay lập tức lại trở thành bia hứng đạn.
Bị bắn đi bắn lại, người Hai Hân chai ra.
Cái mạnh của Hai Hân hình như không viên đạn nào bắn gục được. Bởi cho đến nay Hai Hân không tham ô một xu, không vụ lợi riêng tư. Ngay cả đến việc phân nhà mới cho phù hợp với cương vị giám đốc – Hai Hân cũng chưa nhận. Không ít người cho là Hai Hân làm cao, chê nhà xấu, có ý đồ muốn đòi nhà oách hơn!.. Mặc!
Ở nhà, vợ Hai Hân kèo nhèo với chồng đến đâu cũng thế thôi… Hai Hân còn muốn tiến xa hơn. Cái tính đã quyết là làm gây ra cho Hai Hân không ít kẻ thù trong xí nghiệp. Song hình như cũng cái tính này làm cho Hai Hân thắng nhiều hơn bại, cho đến nay là bất khả chiến bại!
… Kiểu gì thì cũng phải tìm cách nuôi sống mấy trăm con người, đã thế lại còn phải giúp chỗ này chỗ khác trong Thành phố nữa chứ! Giật gấu vá vai thế này thì cũng tạm được, không chết đói. Nhưng mệt lắm rồi. Chẳng lẽ cái thành phố này cứ chèo chống mãi hay sao, còn phải đi lên, còn phải phát triển nữa chứ! Có cho mình làm đến chức chủ tịch của cái thành phố này thì chắc mình cũng chết chìm luôn trong không biết cơ man nào là vấn đề!..
– Thưa anh, em báo cáo xong rồi. Anh còn hỏi gì nữa không ạ. Nếu không em xin phép…
Đến lúc này Hai Hân mới ngửng mặt lên nhìn Thắng:
– Trong số này có bao nhiêu người tạm tuyển?
– Anh hỏi những người chưa có lương và mới chỉ được hưởng phụ cấp tối thiểu, có phải thế không ạ?
– Phải.
Thắng dò dò các cột số trong sổ tay:
– Thưa anh theo sổ chi là 116 người.
– Cái gì? Cứ nửa năm tăng thêm một trăm người?
– Hơn một trăm chứ ạ!
– Chẳng chóng thì chầy cậu sẽ phải lo trả họ lương chính thức cho mà xem?
– Nghĩa là vào biên chế tất ạ?
– Chứ còn gì nữa. Tôi đố cậu có cách nào ngăn được chuyện này đấy.
– Thế thì lấy gì trả lương?
– Cậu phải hỏi mấy ông đảng uỷ chứ!
– Nhưng thưa anh lương là lương, phụ cấp là phụ cấp!
– Cậu cứ hỏi ngay cô Hồng vợ cậu ấy. Cô ấy bây giờ được lĩnh những gì?
– Vợ em vẫn chưa có lương, hưởng phụ cấp tối thiểu và tiền thưởng theo tỷ lệ doanh thu.
– Ngoài ra còn được hưởng gì nữa?
– Dạ, cơ sở dịch vụ cấp cho vợ em 2 suất phụ cấp trẻ em cho hai cháu.
– Cộng tất cả lại có bằng thu nhập hàng tháng của cậu không?
– Hơn chứ ạ, vì con ăn theo mẹ cơ mà!
– Cậu thấy chưa? Rồi đến khi cơ sở dịch vụ này thành một đơn vị kinh tế chính thức của xí nghiệp, thế là vợ cậu sẽ ở trong biên chế cho mà xem. Lại là giám đốc con nữa là khác! Trước khi cậu vào trong này đã có 2 đơn vị như thế ra đời rồi. Loay hoay thế nào mấy ông trong đảng ủy xin được cấp trên công nhận những cơ sở dịch vụ này là đơn vị cấu thành của xí nghiệp, thế mới tài.
– Em tưởng phải qua anh chứ?
– Thế cấp trên chỉ thị xuống, cậu có chống lại được không?
– Trên đã quyết thì ta làm, anh ạ.
– Lần lần rồi cũng sẽ vào trong biên chế tuốt luột cho mà xem! Có chỉ thị còn nhắc nhở tôi phải quan tâm hơn nữa đến phát triển quy mô xí nghiệp! Mẹ kiếp, thế mà cũng là chỉ thị!
– Em thấy miễn là nuôi được nhau, xí nghiệp không để ai chết đói là thành tích vĩ đại lắm rồi! Lại còn tạo khối công ăn việc làm mới nữa chứ! Chí ít sáu tháng nay là hơn một trăm con người…
– Đúng. Không có cái 25CP thì gay to!
– 25CP thì ở đâu cũng làm, nhưng quan trọng là 25CP trong tay anh mới phát huy được như thế và nuôi được ngần ấy người!
– Cậu nói tổng cộng bây giờ có 16 sản phẩm trong “kế hoạch 3”. Phát minh sáng tạo gì mà lắm thế?
– Báo cáo anh 3 phân xưởng của xí nghiệp bây giờ mở được tất cả là 6 căng- tin, bán đủ các loại hàng có thể trao đổi, mua bán theo giá tự do. Có tất cả 82 người làm việc trong 6 căng-tin này. Phần đông là vợ con hoặc thân nhân của cán bộ công nhân viên chức trong xí nghiệp thôi ạ. Trừ những người đã ở trong biên chế được hưởng chế độ riêng, hầu hết những người còn lại đều hưởng phụ cấp theo kết quả kinh doanh. Những căng-tin này được việc lắm anh ạ, mua gì cũng dễ, trong xí nghiệp ai có gì cần bán hoặc bán hộ thứ gì, hoặc môi giới.., cũng có thể mang ra gửi căng-tin. Có 4 căng tin trở thành cửa hàng không thua kém gì cửa hàng mậu dịch quốc doanh! Mặt hàng còn phong phú hơn anh ạ!
– Cậu xoay sở giỏi đấy. Thế 10 sản phẩm còn lại là những gì, có gì khác với trước?
– Trong 10 sản phẩm còn lại thì có 8 sản phẩm in ấn theo “kế hoạch 3”, chủ yếu là vở học sinh, sách giáo khoa phổ thông cấp I và cấp II, hoá đơn hợp tác xã, thiệp cưới, một số biểu mẫu kê khai.., hoàn toàn theo giá thoả thuận ạ. Khối lượng tăng khá là nhờ tìm được nguồn giấy và mực in theo giá thị trường. Ngoài ra có 2 lô đất cho mậu dịch tiếp phẩm thuê làm nơi tập kết hàng hoá. Sáu cộng tám cộng hai vị chi đủ mười sáu đấy anh!
– Từ khi cậu về đây tăng được mấy sản phẩm?
– Em vào đây được gần một năm rồi, tăng thêm như thế cả thảy là… bốn sản phẩm mới ạ. – Thắng điểm lại trong đầu các việc đã làm.
– Tôi chọn cậu không nhầm.
– Em chỉ tổ chức thực hiện thôi ạ, không có chỉ đạo của anh thì làm sao có được những sản phẩm này.
– Cậu mát tay đấy.
– Quan hệ với mậu dịch tiếp phẩm ăn thua lắm anh ạ. Các căng tin của ta có thêm nhiều mặt hàng để bán cho anh chị em.
– Việc xin dành ngôi nhà của tư sản Phạm Trung Học để mở rộng trụ sở giao dịch cho xí nghiệp đã xong chưa?
– Thưa anh xong rồi ạ. Đúng ngày mùng một tháng sau văn phòng giao dịch của xí nghiệp cho mọi nhiệm vụ trong phạm vi “kế hoạch 3” sẽ chuyển ra đặt tại ngôi nhà này.
– Cậu đáng được thưởng cái huân chương to bằng cái mẹt! Đúng là hổ phụ sinh hổ tử. Sư phụ của tôi chắc sẽ không trách tôi trong việc tạo đất cho cậu dụng võ! – giọng nói Hai Hân ít nhiều giễu cợt.
– Bố em thì chỉ giỏi lý luận suông thôi.
– Không phải thế, cậu nhầm rồi. Cả hai đều giỏi một thứ, đó là tài vận dụng. Còn ai ở môi trường nào thì sử dụng tài của mình vào môi trường đó!
– Anh quả là có con mắt tinh đời. Phải nói là em được anh giúp đỡ rất nhiều ạ.
– Giúp lẫn nhau thôi. Tôi dặn lại: Nếu chia thu nhập từ “kế hoạch 3” sai quy định, cậu sẽ bị trả về Hà Nội ngay tức khắc đấy nhé!
– Anh yên tâm.
– Bây giờ sống có khá hơn ngoài kia không?.. Mà này, cô Hồng bây giờ làm đến chức gì rồi?
– Khá hơn nhiều chứ ạ. Nhà em được giao phụ trách một căng tin.
– Thế thì tươm quá rồi. Bây giờ cậu đi với tôi… Kêu được cả cô Hồng đi cùng thì càng hay.
– Vâng ạ, anh chờ em một chút, em đi báo nhà em ngay.
Bà Tư Cương đã làm xong món ăn cuối cùng, đó là món đậu chiên dành riêng cho ông Thành, đậy vung lại cho nóng, rồi quay ra lau bát đũa. Ông Tư nhìn đồng hồ rồi bỏ dở việc ghi chép. Ông lạch xạch lên gác mời ông Thành xuống ăn cơm. Từ ngày gia đình Lễ đi di tản, ông Thành dọn lên ở trên lầu hai, ông bà Tư Cương ở lầu một, còn tầng trệt thì dùng chung làm nơi ăn uống, tiếp khách. Coi như gia đình ông Tư bây giờ có ba người, ông Thành sống theo kiểu góp gạo thổi cơm chung. Toàn là những người biết điều nên thuận hoà.
Ngày ngày ai nhờ việc gì, ông Tư làm việc đó. Mấy tuần nay ông đang bận giúp má Sáu Nhơn một số việc. Ông Thành vẫn đi chữa bệnh cho những khách quen. Thỉnh thoảng ông Học lại gửi cho gia đình ông Tư và ông Thành ít tiền, nên cuộc sống của ba người già này không chật vật. Ông Học còn viết thư cho ông Tư: …Số tiền thỉnh thoảng tôi gửi giúp ông chẳng đáng là bao, nhưng hy vọng nó được việc cho ông bà. Tuy không làm được việc giả lương hưu cho ông thì tôi cũng có nghĩa vụ giúp ông chút ít, coi như chúng ta đối xử với nhau có trước có sau…
Ông Thành lo cho bệnh tật của Thảo, nên chấp thuận sang Mỹ. Lễ và Thảo đang lo giấy tờ cho ông. Đối với ông, một thân một mình, sống ở đâu cũng thế thôi, miễn là được yên ổn. Nhưng được chăm sóc sức khoẻ cho cháu mình thì ông vẫn thích hơn, vì ông rất thương yêu Thảo.
Còn ông bà Tư Cương, một mực không chịu rời Sài Gòn. Trả lời thư ông Học, vợ chồng Tư Cương viết: “…ở Sài Gòn có nhiều bạn bè. Ước ao lớn nhất của vợ chồng tôi bây giờ là mong có sức khoẻ và được sống yên ổn”.
Chẳng gì ông Tư đã sống 10 năm dưới chính quyền cách mạng. Tính sợ sệt, rụt rè của ông bớt dần, chuyện cải tạo cái nhà in của ông Học coi như không còn gì phải lo nữa. Ông cũng quên dần những lời uy hiếp tinh thần của Hai Hân, vì thấy chính quyền để cho ông yên, chẳng dòm ngó gì đến ông. Nhưng bệnh cầu an của ông lại ngày một tăng. Ông tự bào chữa cho mình: Mỗi tuổi mỗi khác mà… Chỉ cốt sao an nhàn cái tuổi già. Vả lại bây giờ mình cũng vô công rồi nghề, không vướng víu con cháu gì!.. Ông chỉ còn mỗi niềm hăng hái duy nhất: Trong số bạn bè quen thân cũ, ai nhờ gì ông đều giúp hết mình, coi đó là niềm vui hay niềm an ủi lớn nhất, nếu không thì cuộc đời sẽ trống rỗng, nhất là vào tuổi này…