Dòng Đời – Nguyễn Trung

Sau này khi kháng chiến thành công trở về Hà Nội, cả nhà còn kể đi kể lại không biết bao nhiêu lần những kỷ niệm đẹp đẽ của những năm tháng ở làng Khuân Phúc, trong thâm tâm mỗi người đều không sao hiểu nổi tìm đâu ra nghị lực để tạo ra được cho mình những ngày tháng rực sáng như vậy…

Cả một phần đời gian lao đằng đẵng, bắt đầu thật đơn giản không thể tưởng tượng được:

– Phải đưa chị, các cháu và gia đình em ra khỏi Hà Nội, ngay trong hôm nay anh ạ…

Thế là bỏ nhà bỏ cửa, bỏ tất cả, bồng bế nhau đi!

… Song cũng có những trận cả nhà nằm rên hừ hừ vì sốt rét, không có lấy một người có thể ngồi dậy để đun ấm nước, nấu nồi cháo… Lợn gà trong chuồng ngoài sân nháo nhác, có mấy con gà đã vào bới ỉa ngay trên nền nhà, có khi cả vào chiếu đang có người nằm rên hừ hừ… Mấy ông bà nông dân hàng xóm phải sang lo cho mọi việc. Thổi đỡ cho nồi cháo, băm chuối cho lợn ăn… Rồi đến cái ngày cả nhà, ông trưởng thôn và nhiều người trong làng xúm xít tiễn Chính, Nghĩa và Kiệt vào trường thiếu sinh quân. Một năm sau, trường trung học phổ thông tỉnh Yên Bái khai giảng, đến lượt “cô giáo Cúc” từ biệt hai mẹ, cô Minh và dân làng để nhập học.

Hơn một năm sau, ông giáo về thăm nhà, đem theo tin buồn: Phương, người em trai út của ông giáo, đã hy sinh trong chiến dịch biên giới 1950, giải phóng Cao Bằng và Lạng Sơn. Bà giáo Tuyên lại khóc…

… Từ khi về nhà chồng, bà Tuyên làm việc miệt mài trong hiệu vàng Quảng Lợi để có nguồn thu trang trải mọi việc trong gia đình chồng. Được bố mẹ cho ít vốn chung với cửa hàng, lại chơi họ, nên cuộc sống gia đình vợ chồng bà tạm coi là đủ ăn, cũng có thể nói là sung túc chút ít. Bà hết lòng chăm lo cho ba em chồng là Học, Tuấn và Phương được học hành nên người, vì bố mẹ ông Tuyên mất sớm. Tình nghĩa chị em gắn bó… Riêng Học đã tự quyết định đi làm sớm, để đỡ gánh nặng cho anh chị mình. Bây giờ Tuấn và Phương không còn nữa. Khi chưa lấy vợ, ông Tuyên đi dạy học, một mình tự kiếm sống và nuôi ba em… Bà còn nhớ vào khoảng năm bốn mươi, bốn mốt, Tiêu – em con chú con bác với ông Tuyên – và Phương bỗng nhiên rủ nhau đi đâu biệt tăm. Giữa năm bốn nhăm cả hai cùng về Hà Nội, bí mật vận động cho Việt Minh.

… Ngồi nhìn mãi làn khói mảnh mai của nén nhang trên bàn thờ, nhiều lúc cụ Tuyên bà cảm thấy những kỷ niệm trong dĩ vãng cứ đứt quãng, bị những bóng đen xua đuổi, nuốt chửng. Những bóng đen ấy lớn lên rất nhanh, trở thành những quả bom to tướng, đùng đùng nổ tung, giết chết không biết bao nhiêu người, tàn phá nhà cửa, vùi lấp không biết bao nhiêu năm tháng… Những người sống sót bị hất tung toé đi tứ phương…

Trời ơi, Hoài, gia đình chú Học bắn mãi sang tận bên Mỹ, Lễ bị ném vào trại cải tạo. Rồi cụ thấy nhiều khuôn mặt thân thương, nghe rõ cả giọng nói tiếng cười, cứ chờn vờn lúc gần lúc xa… Ôi ông ơi, các chú ơi… Minh ơi, Thu… Ôi các cháu tôi… Cụ Tuyên bà hai tay ôm chặt lấy ngực.

… Lễ là người đầu tiên vào trại cải tạo mợ ạ, vợ Lễ học luật… Vợ chồng Hoài có ba gái một trai… Cuộc sống của chú thím Học và các em các cháu bên ấy tạm ổn, nhưng Mạnh không còn nữa… Con chưa đến thăm vợ Lễ được, vì ông quản gia cho biết cô ấy dát lắm, không tin ai cả… Lễ và Hoài sẽ về thăm mẹ chứ? Hai con về thăm mẹ chứ, chiến tranh hết rồi mà… Mẹ muốn biết mặt các cháu… Cho mẹ biết mặt các cháu đi!..

Đoán là nén hương đã cháy hết, ông Chính nhè nhẹ mở cửa phòng bước vào:

– Đã khuya rồi, mợ đi nghỉ đi ạ. Để con mắc màn cho mợ.

– Mợ không mong gì hơn là sớm được gặp vợ chồng Lễ, vợ chồng Hoài, chú thím Học, các cháu…

– Chỉ cần mợ mạnh khoẻ, nhất định mợ sẽ gặp được ạ…

Mắc màn xong cho mẹ, ông Chính sang phòng bên, nhìn đồng hồ rồi giục Nam:

– Đã đến giờ nhà mình đi lấy nước đấy. Đêm nay cố xách đầy cả hai phuy, đừng bỏ dở như đêm qua con nhé.

– Hoà bình rồi mà điện nước cứ mất luôn.

– Con ơi, chiến tranh vừa mới kết thúc.

2.

Khác với mọi hôm, sáng nay dậy Lễ không tập thể dục.

Gập chăn màn và làm vệ sinh cá nhân xong, Lễ trải lại cái chiếu cho ngay ngắn rồi lặng lẽ ngồi trên tấm phản cá nhân của mình, hai tay ôm đầu, mặt gục lên hai đầu gối. Đại tá ngụy Tôn Thất Loan đi rửa mặt về, thấy Lễ vẫn ngồi ủ rũ, gạn hỏi:

– Anh không chuẩn bị đi ăn sáng à? Chắc thư anh nhận tối hôm qua có chuyện chẳng lành?

Lễ như không nghe thấy gì.

– Khuya lắm mới thấy anh trở vào mắc màn đi ngủ. Hình như đêm qua anh khóc? – Loan tỏ vẻ ái ngại cho bạn. Loan là hàng xóm của Lễ, đơn giản vì giường ngủ của họ cạnh nhau và cũng là người thường tâm sự với Lễ.

– Đúng. Mình khóc vì bức thư ấy, thao thức đến sáng. Thư từ ngoài Bắc gửi vào… Anh cáo ốm với cán bộ phụ trách hộ tôi được không?.

– …

Khi mọi người lục tục kéo nhau đi hết sang nhà ăn, sự huyên náo trong khu lán tắt hẳn. Trơ trọi một mình giữa lán, thỉnh thoảng Lễ ngửng lên, hai tay chống cằm, mắt đăm đăm dán nhìn vào cái mái tôn trên đầu. Nhìn chán rồi lại gục xuống. Có lúc Lễ lấy ra từ túi áo ngực lá thư, đưa ra trước mặt, nâng niu, để ngắm nhìn, chứ không phải để đọc. Có lúc anh xoay đi xoay lại lá thư trong tay như đang nói chuyện với lá thư ấy, vẻ mặt ngây dại. Hai quầng mắt của Lễ từ nhiều ngày nay thâm sẫm vì biết bao nhiêu chuyện ngổn ngang từ khi bước chân vào trại, bây giờ lại trũng sâu hẳn xuống. Ngắm nhìn bức thư mãi, Lễ lại cẩn thận gập lại, nhẹ nhàng cho vào túi áo ngực, không nén nổi những tiếng nấc khan nghẹn ngào. Lễ cố gắng không khóc thành lời.

Tối hôm qua, sau buổi sinh hoạt văn hoá của trại – xem phim Vỹ tuyến 17 – ngày và đêm, cán bộ phụ trách lán của Lễ yêu cầu Lễ lên ngay Văn phòng Ban chỉ huy trại.

– Chào ông Lễ, ông có thư của gia đình từ Hà Nội gửi vào.

– Dạ, thư của tôi ạ?

– Phải.

– Thật đúng là tôi có thư ạ? Từ ngoài Hà Nội?

– Xem dấu bưu điện thì thư gửi từ Hà Nội.

– Chắc là thư của cậu mợ tôi và các anh em tôi!.. – Lễ quá mừng, hỏi dồn, quên mất cả chào đáp lại người cán bộ Văn phòng trại.

– Đúng thế. Ban chỉ huy trại nhận được thư của ông Phạm Trung Chính. Trong thư ấy có gửi kèm bức thư này và nhờ chúng tôi chuyển cho ông. Thư ông Chính viết cho Ban chỉ huy trại kể rõ tình hình gia đình ông ngoài Hà Nội. Xin gửi lời chia buồn với ông, dù chuyện đau buồn xảy ra đã lâu rồi. Đây là thư của ông…

Tai Lễ ù lên, hai tay giật lấy bức thư, không kịp cảm ơn, cắm đầu cắm cổ chạy về lán.

… Lễ không nhớ đã ngồi ngoài hiên đọc bức thư này lần thứ bao nhiêu. Trong lán đã tắt đèn đi ngủ từ lâu. Lễ vẫn ngồi đọc. Anh nhớ từng dấu phẩy, dấu chấm, từng con chữ nghiêng ngả, nhưng vẫn đọc. Lễ nghĩ mình đang nói chuyện với mẹ, anh Chính, anh Nghĩa… Trời ơi, cậu không còn nữa, gia đình em Minh… Lễ ngồi khóc thầm một mình, mãi tới lúc anh bộ đội trực đêm kiên quyết yêu cầu Lễ trở vào lán.

Một đêm dài thổn thức…

Tiếng kẻng đợt đầu báo hiệu hết giờ ăn sáng, sắp đến giờ lên lớp. Lễ bị dứt ra khỏi những suy nghĩ miên man của mình. Anh gấp lá thư cho vào túi áo ngực với những cử chỉ như đang nâng niu những người thân. Mọi người đi ăn sáng trở về lán chuẩn bị tập họp, điểm danh để đi lên hội trường.

– Nghe nói đêm qua anh đọc cái gì mà thờ thẫn ngây đơ ra thế? Thư của vợ hay thư từ Mỹ? – đại tá ngụy Ngô Quang Uông, một sĩ quan bị Thiệu tống giam cùng với Lễ và được thả sau Lễ một tuần, hỏi thăm bạn.

– Thư của gia đình ngoài Bắc.

– Ủa, có thư ngoài Bắc hả? Chắc là làm cách mạng mới gởi thư được vô trại. Có làm to không? Có xin cho ra trại sớm được không?

– Không biết.

– Hình như anh là người thứ hai hay thứ ba trong lán mình được nhận thư đấy. Mới có bốn tháng vào trại, mình có cảm tưởng đã bước một chân sang thế giới bên kia rồi. Vợ con họ hàng bặt vô âm tín.

Lễ ngồi im.

Thấy bạn buồn rầu, Uông không hỏi thêm gì nữa.

Một lát sau Tôn Thất Loan đi tới:

– Tôi đã cáo ốm cho anh rồi đấy. Cán bộ phụ trách đồng ý.

Ít phút sau, cái lán thênh thang lại lặng như tờ. Ngoài hiên nắng sớm lấp loáng xiên chếch các lùm cây. Chim sẻ líu ríu từng đàn sà xuống kiếm ăn. Thỉnh thoảng có đàn đột ngột đập cánh vù vù bay đi. Xa xa tiếng chim gáy cúc cu ru… cúc cu ru… vọng lại từng hồi… Giữa không gian của núi rừng tĩnh mịch, Lễ ôm đầu co quắp nằm xuống cánh phản, hai mắt nhắm nghiền. Một lúc sau, những tiếng khóc không thành tiếng nhưng không dồn nén được nữa…

…Mặc dù cuộc sống đã diễn ra như đã diễn ra, nhưng Lễ vẫn không sao tưởng tượng nổi từ một chuyến hai anh em Lễ đi chơi với chú thím Học và Mạnh, gia đình Lễ bỗng nhiên kẻ Nam người Bắc, mỗi bên một chiến tuyến quyết liệt, kẻ mất người còn. Tình thương bố mẹ, thương anh em máu mủ ruột thịt trỗi dậy, giằng xé Lễ, vật lộn với những lẽ sống Lễ đã lựa chọn… Ôi mình còn nhớ rõ lắm: Phải mất đến hai, ba năm mình và chú thím Học thay nhau dỗ Hoài! Nó cũng bỏ không chơi với Mạnh nữa. Lúc nào con bé cũng nằng nặc đòi ra Hà Nội vì nhớ nhà, hết khóc lại ngồi buồn thiu một chỗ, người gầy đét không chịu ăn uống vì khóc quá nhiều. Có lúc cả mình và Hoài cùng khóc… Bỗng dưng gia đình xé lẻ! Song là con trai, lớn lên, Lễ dần dần hiểu được, chịu đựng được, dồn nén mọi thương nhớ vào hy vọng, vào khát khao tiến thủ của tuổi trẻ…

Tác giả: