Má Sáu Nhơn chủ động chuyển hướng câu chuyện, khiến ông Tám Việt càng phục… Thật là một người có bản lĩnh! Trong bụng ông Tám nghĩ như thế, định nói thêm một vài ý tâm tư mình, song ông hiểu ngay có những điều ông không thể vượt qua được vì không được phép vượt qua… Ông cũng quyết định chuyển hướng câu chuyện:
– Tôi làm kinh tế, nên xin được nghe tiếp câu chuyện làm ăn trong này, nhất là về những người làm giỏi kinh tế.
– Ông Tám à, ông Ba chỉ có một chủ là má Sáu. Tôi may mắn hơn là có hai chủ, là ông Học rồi mới đến má Sáu. Tôi học được ở hai chủ của mình nhiều điều. Song có một điều tôi học mãi không nổi, bây giờ thì quá muộn rồi. Đấy là cái tài nhìn được cái gì làm ra tiền. – ông Tư Cương nói trước.
– Nói nôm na là phải có cái máu làm ăn ông Tám ạ. – Ba Khang chen vào.
– Còn thực hiện công việc làm ra tiền thì đã có chúng tôi. – Tư Cương nói tiếp. – Tôi cũng muốn làm ông chủ lắm chứ, nhưng quả thật là không đơn giản.
– Nếu những cán bộ của tôi cũng nắm biết được tình hình và làm được cho tôi những báo cáo phân tích sâu sắc như cách nói của bà Sáu đây, của ông Tư, ông Ba thì hay quá! Tôi rất cảm ơn bà và hai ông…
– Dạ thưa ông Tám, báo cáo sâu sắc và trung thực hình như ở đâu cũng có. Nhưng câu chuyện là những thức ăn này thường không hợp khẩu vị người nghe báo cáo! Tôi là đảng viên Bảy Dự, tôi có thể nói thẳng thắn với đồng chí Tám Việt như vậy. Tôi tính định làm lại lý lịch của mình đấy ạ.
Không khí đã dịu lại, đột ngột trở nên căng thẳng. Mọi người chẳng hiểu BảY Dự trong đầu định mần mò cái trò gì, lại càng không hiểu tại sao Bảy Dự đột nhiên giở chứng nói găng đến thế.
Mắt ông Tám Việt mở to vì quá ngạc nhiên. Ông bỏ kính ra, nhìn vào tận mặt Bảy Dự:
– Anh Bảy định làm lại lý lịch của mình như thế nào?
– Thưa ông Tám…
– Sao không thưa đồng chí Tám Việt?
Bảy Dự cười:
– Vâng, thưa đồng chí ông Tám, tôi sẽ khai thêm một nghề mới trong lý lịch: cấp dưỡng, chuyên gia nấu các món ăn không hợp khẩu vị!
Không khí trở lại vui vẻ. Ông Tám hỏi:
– Anh có thể nói rõ hơn được không? Tôi định thử sức khoe khoang của anh.
Bảy Dự không đắn đo, kể ra cho ông Tám nghe một số vấn đề chung quanh việc cải tạo tư sản, việc xử lý di tản, tình hình làm ăn của những xí nghiệp đã cải tạo.., dẫn chứng người thật việc thật, nhưng không nêu tên riêng của từng người. Ông Tám giữ ý nên cũng không gạn hỏi.
Khi kết thúc, Bảy Dự khiêu khích:
– … Tiện thể đồng chí Tám hỏi thì kêu cho đã, nhưng mà thông cảm.
– Thông cảm cái gì? – Ông Tám vặn lại.
– Một lúc đồng chí Tám phải lo cho những bốn trăm nước cộng hòa thì chịu sao thấu!
– Bốn trăm cái gì? – Ông Tám dựng đứng.
– Còn giữ mãi cái kiểu ngăn sông cấm chợ như thế này thì bốn trăm huyện trong cả nước là bốn trăm nền cộng hòa chứ còn sao nữa. – Bảy Dự tỉnh queo.
Ông Tám phát nhẹ vào vai Bảy Dự:
– Đảng viên mà ăn nói thế à? – Nhưng rồi ông Tám cũng bật cười vì cái lối nói quạu của Bảy Dự.
Nhìn đồng hồ thấy đã gần mười một giờ rồi, ông Tám đợi Bảy Dự nói xong, rồi tìm cách kết thúc câu chuyện:
– Tôi hiểu ý anh Bảy. Rất xây dựng. Những vấn đề anh Bảy nêu ra tôi cho là bổ ích. Tôi hôm nay được ăn một bữa cơm ngon và được nói chuyện với những người thẳng thắn, nhất là bà Sáu. Hy vọng bà Sáu và cả nhà ta đây sẽ không tiếc công, tiếc thời giờ đã mời chúng tôi. Xin chân thành cảm ơn…
Ông Tám vừa nói, vừa đứng dậy để chuẩn bị ra về. Đúng lúc này Hai Phong từ Cần Giờ trở về. Vì không biết nhà có khách quan trọng, mới bước vào phòng ăn, chưa kịp nhìn ai, ông đã oang oang:
– Nhà hôm nay ăn món gì mà thơm thế! – Sau khi bước hẳn vào trong phòng, ông Hai đột nhiên kêu lên: – Ôi anh Tám! Sao anh biết gia đình tôi ở đây mà đến thăm?
– Trời, Hai Phong? Hoá ra anh trốn về đây hả? Mấy năm nay hỏi thăm, bảo Hai Phong về vườn rồi, nhưng không biết vườn nào!
– Về vườn thật mà anh Tám. Cái bệnh hen làm khổ tôi quá xá!..
– Chỉ tại bệnh hen thôi à?
– Dạ không, chuyện nhà cũng cần phải thu xếp chút ít… Với lại cũng đáng tuổi rồi… Anh có thể còn nhớ một người bạn cũ nữa.
– Ai đấy?
– Trung đội trưởng du kích Võ Sang ở Vĩnh Long, đơn vị bảo vệ cơ quan anh sau trận càn quét Zéphyr giữa năm 1952.
– Trận càn Zéphyr dữ lắm, mình quên sao được. Giặc Pháp định tóm gọn cơ quan mình ở Rồng Giềng, nhưng tụi mình đã kịp chia thành nhiều bộ phận sơ tán đi các ngả. Tôi dẫn một bộ phận chạy về Vĩnh Long, vì địa phương này tôi thuộc như trong lòng bàn tay. Tỉnh uỷ Vĩnh Long lúc bấy giờ cử một trung đội du kích làm nhiệm vụ bảo vệ… – ông Tám nói một mạch, từng sự việc lúc này vẫn còn như in trong trí nhớ của ông.
– Thế thì đúng Võ Sang này đấy anh Tám ạ, người cao to, trắng lốp, ăn nói oang oang.
– Nhớ. Nhớ ra rồi. Chính anh ta bắt nọn tôi phải khai ra là người cùng quê Cao Lãnh. Võ Sang bây giờ làm gì?
– Võ Sang bây giờ là trung tá, trưởng Phòng Chính trị Quân khu Miền Tây Nam bộ. Anh ấy hôm nay làm lễ khánh thành nghĩa trang liệt sĩ ở Cần Giờ và đưa mộ em gái và cháu gái tôi vào nghĩa trang này.
– Thế còn em rể anh, tướng Lê Hải của chúng ta bây giờ đâu?
– Cũng về vườn rồi. Lê Hải là con rể của má tôi! Mộ Út Thạnh và cháu tôi ở Cần Giờ chính là mộ vợ và con Lê Hải đấy! Vợ chồng Lê Hải vừa mới vào đây tuần trước để đi Cần Giờ, đã trở ra Hà Nội rồi.
– Ủa? – ông Tám Việt chỉ kêu lên được một tiếng như vậy, hết nhìn má Sáu lại nhìn Hai Phong, rồi ông quay ra nói với mọi người. – Tôi thật vô tâm quá, không biết ai với ai!.. Quê tôi hồi chống Pháp là chịu ơn cái ông ôm ốm này nhiều lắm! Đánh Pháp tài vô kể. Lúc ấy anh này là chủ tịch tỉnh. Có phải thế không, Hai Phong?
– Dạ không, lúc ấy tôi là bí thơ tỉnh.
– Võ Sang bây giờ sống thế nào?
– Thời chống Mỹ Võ Sang hoạt động ở vùng Cần Thơ, lập gia đình ở đấy. Song cả gia đình bị giặc giết chết trong trận bình định Chương Thiện năm 1973. Võ Sang đến bây giờ vẫn sống một mình anh ạ. Trong khi đó anh ta chắp nối cho bao nhiêu gia đình khác tan vỡ trong chiến tranh!
– Ngoài Hà Nội, anh cứ nói má anh là bà Sáu Nhơn, mà cả Nam bộ này có biết bao nhiêu má Sáu Nhơn. Hoá ra là bà nhà…
– Đúng thế anh Tám, má tôi lại trong diện cải tạo tư sản nữa nên tôi cũng giữ mồm giữ miệng một chút…
– Má ạ, vợ anh Tám và con gái cũng bị giặc giết chết trong trận Mỹ nguỵ càn quét Củ Chi. – Hai Phong nói với mẹ.
Nỗi đau năm nào quặn lên, nhưng ông Tám cố làm như không nghe thấy lời Hai Phong. Ông tiếp tục câu chuyện của mình:
– Thế hoá ra Ba Tước, Tư Quang, Năm Thịnh là em ruột anh?
– Dạ vâng.
– Thảo nào người ta cứ gàn không cho tôi đến thăm đây… – ông Tám Việt biết mình lỡ lời, không nói tiếp ý đang nói nữa. – Mấy năm nay rồi, tôi không có thời giờ dự các cuộc họp đồng hương Vĩnh Long nên lạc hậu quá chừng… Thế này tôi càng có nhiều lý do đến thăm gia đình ta ở đây. Tôi cũng không… – ông Tám Việt bỏ dở ý đang nói, chuyển sang ý khác: – Thế nào tôi cũng đến thăm lại gia đình ta, hôm nay coi như cuộc thăm đầu tiên, tôi sẽ nhớ mãi…
Không khí chia tay giữa chủ và khách ấm cúng như giữa những người thân trong một gia đình. Má Sáu cũng đi cùng với cả nhà ra tận cửa tiễn khách, ông Tám ân cần chào đi chào lại mấy lần…
Trước khi bước lên xe, ông Tám Việt còn bắt tay ông Tư Cương thêm một lần nữa:
– Ông Tư, buổi gặp mặt hôm nay có đáng để các ông sẽ gặp nhau bật nút một chai không?
– Đáng lắm, ông Tám. Nhất là tôi được ông mời nói với tư cách là chủ nhân của Sài Gòn! Không gì vinh dự hơn cho tôi, kể từ ngày Sài Gòn giải phóng đấy…
Ông Tám Việt xiết chặt tay ông Tư Cương, sau đó quay ra nói với Hai Phong:
– Cho tôi gửi lời hỏi thăm Võ Sang. Anh tính xem lúc nào ta tổ chức cuộc gặp mặt các chiến hữu cũ…
– …
Ngồi trong xe, ông Tám Việt nói với người trợ lý của mình:
– Bà Sáu Nhơn là con người sắc sảo. Nhưng câu chuyện rượu của ông Tư Cương khiến tôi càng nghĩ rằng đang tồn tại một Sài Gòn khác!..
– Dạ vâng…
– Người dân tự do của một quốc gia độc lập!.. Đảng viên chúng ta bây giờ phải ráng mà hiểu điều cốt tử này các cậu ạ!.. – ông Tám thổ lộ tâm sự của mình.
– Anh ạ, nhưng mà bà Sáu Nhơn nói như vậy ý đích thực là gì? Là dân đòi quyền của mình hay là Đảng trao quyền cho dân? Suốt bữa cơm em cứ nghĩ quẩn quanh mãi về câu nói của bà. – Người trợ lý của ông Tám hỏi lại.
Ông Tám cười, vì rất thích câu hỏi người trợ lý đặt ra:
– Tôi chịu cậu là người hay vặn vẹo.
– Nghề trợ lý của em giúp anh chỉ có thế thôi mà!
– Theo cậu thì thế nào?
– Bây giờ thì chính anh vặn vẹo lại em đấy ạ.
– Chịu rồi, nói đi!
– Tất nhiên là để xảy ra tình trạng dân đòi quyền hay trao quyền cho dân đều không ổn, không đúng với tôn chỉ mục đích của cách mạng anh ạ. Chính anh chẳng nói về một sự chậm trễ nào đó là gì!
– Sao cậu lại đặt vấn đề như thế?
– Em nghĩ bà Sáu Nhơn cảnh tỉnh chúng ta đích đáng lắm ạ!.. Chẳng thế mà bà ấy muốn lấy tư cách là chủ nhân ông của Sài Gòn nói chuyện với anh!
– Chịu bả.
– Chịu như thế là anh đã thú nhận một điều gì đó hệ trọng lắm!
– Sao hôm nay cậu xoay ra truy mình dữ thế?