– Đúng là con người ta có nhiều thú vui, người thì thích cây kiểng, người lại thích bình về rượu. Hai chai rượu này năm nào ông Tư? – Ông Tám muốn lái câu chuyện đi một hướng khác.
Ông Tư Cương đeo kính rồi cầm hai chai rượu lên:
– Hai chai cùng năm ông Tám ạ, 1974.
– Thế là đúng 10 năm? – ông Tám nhấp thử mấy nhấp. – …Uống được quá!
– Vâng, 10 năm cũng là con số đẹp.
– Thưa ông Tám, ông đừng nghe chú Tư tôi tán tụng về rượu. Chẳng qua hết cái thời bình rượu túi thơ của Lý Bạch bên Tàu ngày xưa, mấy ông ngông cuồng hiện đại Sài Gòn ngày nay xoay ra chuộng rượu Tây và bàn chuyện thế giới! Còn chuyện của nước mình thì để đâu quên đó.
– Cậu Bảy lại lên lớp tôi rồi. Tôi bây giờ nghèo lắm. Không có gì bán để trả tiền học cho thầy giáo đâu! Nhường cho cậu đĩa đậu phụng rang này vậy. – Ông Tư vặn vẹo lại Bảy Dự. Ông vừa nói vừa cười, tay đẩy đĩa lạc rang về phía Bảy Dự.
– Thật ra tôi phải cảm ơn ông Tám và hai anh đây. – má Sáu muốn lái câu chuyện hướng vào mục đích chính của bữa cơm hôm nay. – …Mời được ông Tám đến ăn cơm, tôi mới có lý do quan trọng mời ông bà Tư, cô chú Ba, em Bảy đến ăn cơm với chúng tôi. Chúng tôi vẫn ăn cơm với nhau luôn, nhưng có lý do quan trọng như thế này mới được dịp thực hiện thú vui nấu nướng món này món khác. Chỉ tiếc là bà Tư hôm nay mệt không đến được.
Câu chuyện trong bữa cơm rất đời thường và tự nhiên như những người quen biết nhau từ lâu. Song má Sáu rất chủ động và tự bà không nói một tý gì về thân thế gia đình mình.
Khi ông Tám Việt nêu lại chuyện người lái xe năm nào, Ba Khang, Bảy Dự và Tư Cương đều lắc đầu. Chuyện xảy ra năm 1972, đã hai mươi ba năm nay rồi, không ai nhớ nữa. Ba Khang hỏi gặng mãi các chi tiết, nhưng các câu trả lời của ông Tám Việt đều quá chung chung. Ông Ba cho biết vào khoảng năm này có đến bốn xe của hãng chạy trên tuyến Sài Gòn – Cao Lãnh. Gặng mãi, cuối cùng ông Tám Việt nhớ được số biển xe SG 1908.
– Ông Tám có chắc số biển xe là như thế không?
– Chắc, ông Ba ạ. Vì khi chạy đến bến, số biển xe này đập ngay vào mắt tôi. Thấy xe đông khách, tôi liền nhảy lên ngay. Tình cờ những con số đó trùng với các số ngày sinh nhật tôi. Không thể nhầm được!
– Ông Tám lấy ngày Tổng khởi nghĩa làm sinh nhật của mình, có phải thế không ạ? – Ba Khang vừa hỏi, vừa lục lọi hồi lâu trong trí nhớ của mình. Ông Tư Cương định nói câu gì, nhưng Ba Khang liền giơ tay ra hiệu im lặng. Mọi người hồi hộp chờ đợi, không dám ho he gì, vì sợ rằng sự ồn ào có thể gây nhiễu loạn trí nhớ của ông Ba.
Mọi con mắt dồn về phía Ba Khang.
– … Năm 1972… xe SG 1908… do Ba Chiểu lái… Đúng là Ba Chiểu… Nhưng cậu này bị giết gần gần cuối năm ấy rồi. – Đến đây ông Ba ngồi thừ ra, không nói gì nữa.
– Ông nói tiếp đi ông Ba. Cậu ấy bị giết rồi làm sao nữa? – ông Tám Việt giục.
– Cảnh sát gọi tôi lên nhận diện cậu ta.. Rồi còn gọi lên mấy lần khai báo các chuyện. …Hai năm. …Đúng là hai năm liền cảnh sát điều tra mà không ra vụ án mạng này.
– Cảnh sát có nghi cho ai không?
– Người ta nghi là một băng đảng bí mật nào đó hoặc cánh mật vụ đã ra tay trừ khử Ba Chiểu.
– Vụ án mạng này cuối cùng ra sao ông Ba? – ông Tám lại hỏi dồn.
– Hai năm không ăn thua gì, cảnh sát bỏ cuộc.
– Chiểu có thù oán gì với ai không ông Ba?
– Không. Chiểu chưa vợ con, là một trong những lái xe trẻ ngoan nhất của chúng tôi. Cậu ta bị giết ngày mùng năm tháng Mười năm đó.
– Ngày tôi chạy trốn lên xe này về Cao Lãnh là mùng một tháng Mười. Hay là bọn mật vụ đã giết cậu ta?
Cùng một lúc cả Ba Khang, Tư Cương và Bảy Dự đều tán thành suy đoán của ông Tám Việt. Vì Chiểu là người do chính Ba Khang tuyển vào, lại rất ngoan, thỉnh thoảng giúp Ba Khang việc này việc khác, nên Ba Khang mô tả được khá chi tiết hình dáng, giọng nói của Chiểu cho ông Tám Việt nghe. Càng nghe, ông Tám càng tin ân nhân của mình nhất định là Chiểu, nhất là khi Ba Khang kể Chiểu có thói quen khi đứng nói bao giờ cũng co tay trái khòng khòng lên gần giữa ngực.
… Đúng là dáng điệu của Chiểu hôm đứng nói với đám cảnh sát, không thể nhầm vào đâu được! – ông Tám nghĩ như vậy.
Ba Khang và Bảy Dự hứa với ông Tám sẽ xác minh và tin rằng sẽ xác minh được mọi chi tiết cần thiết. Ông Tám trầm ngâm một lát, rồi nói:
– Mấy năm nay, nhờ bao nhiêu nơi tôi mới tìm được đến nhà má Sáu. Tôi xin chân thành cảm ơn bà Sáu và tất cả nhà ta ngồi đây. Bây giờ mười phần tôi tin đến chín phần là đã tìm được ân nhân của mình. Nhờ ông Ba và anh Bảy xác minh sớm giùm. Tôi mong được đến tận nhà anh Chiểu tạ ơn và ra mộ thắp hương cho ảnh. Tôi không ngờ trong chuyến đi công tác vào Thành phố lần này lại làm được một việc riêng quan trọng quá.
– Lâu lâu không vào đây, ông Tám có thấy Thành phố thay đổi gì không? – ông Tư hỏi.
– Tôi có cảm tưởng thành phố ngày một nghèo đi, nhất là so với một hai năm đầu sau giải phóng. Ông Tư có nghĩ vậy không?
– Đúng thế ạ.
– Theo ông Tư nguyên nhân vì đâu?
– Hậu quả chiến tranh, có phải thế không ông?
– Đổ lỗi cho hậu quả chiến tranh thì đến năm 2000 cũng không hết. Tôi muốn được nghe cụ thể hơn, ông Tư ạ. – ông Tám trả lời.
Không khí thân mật bữa cơm tự nhiên chùng xuống, mọi người có vẻ ngại ngùng đưa ra câu trả lời.
Má Sáu lên tiếng:
– Chưa ai nói thì tôi xin nói trước vậy. Xin hỏi ông Tám thích nghe câu trả lời như thế nào ạ?
– Bà Sáu Nhơn có những câu trả lời nào vậy?
– Thưa ông Tám, ông thích trả lời theo cách nào, tôi xin nói theo cách đó.
– Bà có thể kể ra có những cách trả lời nào được không ạ?
Bao nhiêu con mắt trong bữa cơm dồn hết về má Sáu. Nhưng má Sáu vẫn thản nhiên:
– Được chớ. Ví dụ tôi trả lời với tư cách là người dân tiên tiến của Thành phố, là người dân lạc hậu, là nhà tư sản được cải tạo, là thân nhân của người đi di tản… Đấy là tôi trả lời cho tôi. Nếu trả lời hộ những người khác thì tôi còn nhiều cách lắm: là người Hoa, là binh lính Cộng hòa cũ, là mấy ông tướng nguỵ Sài Gòn bại trận… Nhưng đến bây giờ chắc mấy ông tướng này đi Mỹ hết rồi… Tôi sống ở cái thành phố này như thế là đã quá nửa thế kỷ…
Sự chú ý của mọi người càng dồn về má Sáu. Riêng đám trẻ Vũ, Ngọc, Vân, Quân mặt như ngây dại. Đám trẻ này không thể tưởng tượng được nội của mình lại đối đáp như vậy.
Ông Tám Việt thận trọng lựa lời:
– Bà Sáu Nhơn ạ, tôi thực chưa bao giờ được nghe ai có cách nói như bà. Điều này làm tôi rất kính phục bà. Nếu bà tự lựa chọn cách trả lời, bà sẽ chọn cách nào?
Má Sáu ngẫm nghĩ một lúc:
– Ông đúng là một nhà chính trị cao thủ. Tôi muốn chọn tư cách là chủ nhân của Sài Gòn trả lời ông. Như thế có được không?
Ông Tám Việt gần như không tin vào tai mình… Cần phải lắng nghe những tiếng nói như thế!.. Ông Tám Việt không ngờ trong đời lại có được một cuộc đối thoại kỳ lạ như vậy. Ông cả quyết:
– Xin mời bà cứ nói theo ý bà là chủ nhân của Sài Gòn.
Má Sáu Nhơn ngẫm nghĩ, tay vân vê chiếc khăn ăn trên bàn:
– Có hai điều tôi muốn thưa chuyện với ông Tám. Nhìn vào cuộc sống Thành phố, tôi nghĩ rằng kẻ xấu bụng nhất cũng không thể ngờ được là trật tự trị an của Thành phố bây giờ tốt như thế này! Thời thịnh trị nhất của chế độ Sài Gòn thành phố cũng không được bình yên như vầy đâu. Cán bộ giải phóng mà cứ quản lý trật tự công cộng Thành phố như thế này dân được nhờ lắm đó ông Tám!
– Bà Sáu chỉ nói về trật tự công cộng thôi sao? – ông Tám Việt gạn hỏi.
– Dạ vâng, còn những chuyện khác xin thưa sau. Đấy là điều thứ nhất, song tôi nghĩ ông Tám không phải là người đến đây tìm nghe điều ngọt ngào như vậy. Có phải thế không?
Mọi người ồ lên vì ngạc nhiên, ông Tám Việt cũng thấy tai mình nóng lên, nhưng cố trấn tĩnh:
– Vâng, xin bà nói điều thứ hai.
– Ông Tám cho phép tôi ví guồng máy kinh tế Sài Gòn sau ngày 30 tháng Tư như chiếc xe đò của tôi. Nó vẫn chạy theo tuyến đường này.., – tay má Sáu vạch vạch trên bàn. -…Nếu tình hình đòi hỏi nó phải chạy theo tuyến khác, thì tôi sẽ ra lệnh cho Ba Khang bắt xe đổi tuyến. Tôi hiểu đây là việc khó lắm, nhưng không thể không làm, nhất là từ thời chiến chuyển sang thời bình, từ chế độ này chuyển sang chế độ khác! Nhưng là chủ, tôi sẽ không bao giờ cho phép Ba Khang gỡ cái xe đò của tôi ra làm mấy mảnh rồi giao cho mỗi người giữ một mảnh! Nhất là lại giao vào tay những người chẳng hiểu gì về xe cộ. Tôi vốn là dân làm ăn, chỉ nói gọn thế thôi ông Tám à. Nói dài quá sợ làm mất thời giờ của ông. – giọng nói của má Sáu rất tự nhiên và nhiệt thành, chẳng khác gì như má vẫn thường nói chuyện với những người bạn thân thuộc của má.
Má Sáu dứt lời, sự im lặng đột ngột ập tới. Mọi chú ý trong cuộc đàm thoại này bây giờ dồn về ông Tám Việt.
– Cảm ơn bà Sáu. Xin thú thực, bà làm tôi bất ngờ… – ông Tám Việt cân nhắc thêm một chút rồi cả quyết: – Xin hỏi thật lòng, vì sao bà lại chọn cách trả lời như vừa rồi?
Má Sáu cười để có thời giờ lựa lời:
– Tôi trân trọng sự chân thật của ông… Nói chuyện với nhau thì phải thế…Suy nghĩ của tôi đơn giản như vầy, mong ông đừng giận: Tôi bây giờ là người dân của một dân tộc được giải phóng, dân tộc tự do, chủ nhân của một quốc gia độc lập. Có phải, vậy không ông Tám? – má Sáu dừng lại chờ câu trả lời.
– Rất đúng ạ.