Sau đó cái xe đò có người hành khách đội khăn tang lại tiếp tục hành trình của nó.
Nghe xong câu chuyện, má Sáu lắc đầu:
– Tôi hoàn toàn không hay biết chuyện này. Có lẽ ông nhầm chăng? Lái xe cũng thay đổi luôn. Tôi không hề biết mặt hay biết tên một người lái xe nào trong hãng của tôi, mặc dù tôi là chủ. Việc thợ thuyền tôi giao hết cho người giúp việc là ông Ba Khang.
– Bà cố nhớ lại một chút xem. – ông Tám nài nỉ.
– Chịu, tôi không biết ai vào với ai. Hãng Cánh Nhạn bây giờ cũng không còn nữa, lại càng không có quan hệ gì với những người đã làm việc cho hãng!..
– Hôm ấy tôi không thể nhầm được. Không nhờ người lái xe đó, thì tôi có lẽ đã bị tên mật vụ đóng vai ác ôn bắt ngay trên xe rồi.
– Thực tình tôi không thể giúp ông được gì, mong ông thông cảm.
Tiễn ông Tám Việt ra đến tận cổng, má Sáu Nhơn còn thanh minh:
– Mong ông hiểu cho. Để ông đi mất công thế này, tôi áy náy quá.
– Xin hỏi bà thêm một câu: Trong những người giúp việc cho bà, ai có thể giúp tôi hỏi rõ chuyện này?
– Tôi có hai người giúp việc, một là Ba Khang tôi đã nói rồi. Người còn lại là Bảy Dự. Người thứ ba nữa cũng có thể biết khá nhiều về công việc của tôi là ông Tư Cương.
– Phiền bà cho tôi gặp cả ba người này được không ạ? Ngay trong tối nay thì càng tốt.
– Tôi bây giờ là tư sản cải tạo, trong nhà lại có người đi di tản. Nếu ông không cảm thấy phiền toái, xin trân trọng mời ông tối nay đến dùng cơm với gia đình chúng tôi. Tôi sẽ mời bằng được những người ông muốn gặp. Còn nếu ông thấy không tiện, tôi sẽ thu xếp cho ông gặp họ vào dịp khác.
Ông Tám Việt đắn đo một lúc:
– Vâng, xin cảm ơn bà, tôi nhận lời.
Bữa cơm tối hôm ấy đông đủ các khách mời. Riêng nhà má Sáu thiếu ông Hai Phong, vì ngày hôm đó ông được trung tá Võ Sang và chính quyền huyện Cần Giờ mời về dự lễ khánh thành nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có mộ Út Thạnh và bé Thơ.
Ông Tám Việt ngạc nhiên thấy bữa cơm khá thịnh soạn, lại có cả hai chai rượu vang đỏ Bordeaux. Đã thế má Sáu và bà Hai là hai đầu bếp cự phách, lại có vợ ông Ba Khang phụ bếp nữa. Vân, Ngọc và Quân chỉ làm được những việc sai vặt, Vũ phải đi làm nên được miễn mọi việc.
– Tôi lâu lắm mới được ăn một bữa cơm nấu ngon như vậy, nhất là món canh chua Nam bộ!
– Cảm ơn ông quá khen. Tôi là người gốc An Giang thứ thiệt mà. – má Sáu đáp lời.
Ông Tám Việt thấy má Sáu nói chuyện cởi mở như vậy nên rất vui:
– Tôi không ngờ bà Sáu vào thời buổi này mà kiếm được nhiều loại thực phẩm quý như vậy trong thành phố, lại cả rượu nữa.
– Thực phẩm là nhờ cô Ba, vợ chú Ba đây. Cô ấy tháo vát lắm. Còn rượu là nhờ ông Tư kiếm cho, ngoài chợ làm gì có bán. – má Sáu giải thích.
– Thưa ông Tám, thực thà là hai chai rượu này tôi đi xin mấy người quen. Tôi nói là má Sáu có khách quan trọng. Cứ nói đến má Sáu thì xin được ngay. Họ hỏi có cần cô-nhắc không, nhưng tôi chỉ nhận hai chai vang thôi. – ông Tư Cương giải thích nguồn gốc hai chai rượu.
– Thưa ông Tám, chú Tư đây là bợm rượu đấy ạ.
– Bảy Dự, đừng bêu xấu chú. – Ông Tư quay ra ông Tám: – …Ông Tám nên cảnh giác với chú này. Tôi không uống được rượu theo kiểu nhậu nhẹt lai rai ở trong này. Nhờ thế mà anh Ba và chú Bảy đây ngoan hẳn lên, không nhiễm phải cái bệnh suốt ngày lè nhè be bét.
– Trong này vãn đi một thời gian, bây giờ lại trở thành nạn dịch đấy, ông Tám ạ – BA KHANG CHÊM VÀO.
– Sao lại có nạn dịch này ông Ba?
– Tôi không rõ lắm. Có thể là do vô công rồi nghề.
– Vô công rồi nghề không phải là nguyên nhân, chú Ba ạ.
– Chú Bảy này lắm lý sự quá. Chú để ông Tư tiếp chuyện ông Tám đi. – Ba Khang ngăn bảy Dự. -…Anh Tư tôi đúng là người sành rượu thật ông Tám ạ, nhưng ổng không ghiền.
Ông Tám định hỏi tiếp về câu chuyện nạn dịch nhậu nhẹt, nhưng ông Tư Cương đã tiếp lời ông Ba:
– Vâng, thưa ông Tám, tôi có một số người quen thân không nghiện rượu, nhưng rất thích rượu ngon. Cái tính này tôi lây ông chủ cũ của tôi là ông Học. Nói cho sang thế thôi, thật ra là ông Học dạy cho. Vì khi đi chơi với các bạn mình, ông Học cũng thích kéo tôi đi cùng. Năm 1973 trước khi đi Mỹ, ông Học kêu tôi lên tặng hai chai Château Fort Lignac năm 1950, một đỏ một trắng. ổng nói với tôi: “Ông Tư, đây là tấm lòng của tôi!”.
– Họ chơi với nhau thành hội ạ? – anh trợ lý của ông Tám chỉ ngồi im, bây giờ mới hé miệng.
– Anh ạ, đấy là những người thích chơi với nhau, có phần lập dị. Hình như họ giống nhau cái tính khinh đời… Ta cứ quen miệng gọi là hội thế thôi. Họ ngồi với nhau mà nói về chính quyền Sài Gòn thì không ra cái gì…
– Tiêu chuẩn vào hội là thế nào hả chú Tư? – người sĩ quan bảo vệ của ông Tám tham gia vào câu chuyện.
– Chẳng biết họ lấy cái gì làm tiêu chuẩn. Tuổi tác họ rất khác nhau. Đã thế người thì rất giàu, người thì chỉ phong lưu một chút thôi, người thì có học cao… Song đại thể là toàn những người chí hướng kiểu như ông Học. Nếu xếp hạng thì có lẽ ông Học mới đứng hàng thứ ba thứ tư gì đó.
Người sĩ quan bảo vệ của ông Tám quên mất cả cương vị của mình trong bữa tiệc, hỏi luôn:
– Đứng đầu là ai ạ?
– Không thấy có đầu, mà cũng chẳng có đuôi, song người nổi nhất đám này có lẽ là luật sư Trần Ngọc Châu. Ông ta bị hạ thủ năm 1970 rồi. Chính quyền Thiệu, nhất là tướng cảnh sát Nguyễn Ngọc Loan(*) [(*) Viên tướng này đã bắn ngay trên hè phố không xét xử 1 chiến sĩ của MTGPMNVN bị cảnh sát Sài Gòn bắt được trong Tết Mậu Thân.] , rất ngán cái nhà ông Châu này.
– Không tiêu chuẩn, không tôn chỉ mục đích, thì cũng phải có điều kiện thế nào chớ? – vẫn cái nhà anh sỹ quan bảo vệ mau miệng.
Ông Tám Việt tai đỏ bừng vì ngượng và vì giận anh chàng sĩ quan bảo vệ của mình, trong lòng hối hận quên không dặn anh này ngồi chờ ngoài xe. Ông đang cố nghĩ cách xoay chuyển câu chuyện thì ông Tư đã trả lời tiếp:
– Hình như có điều kiện anh à. Để ý, tôi thấy họ thích bình luận mọi chuyện nhân tình thế thái và không thích làm quan. Ngoài ra hay bình với nhau về rượu. Chẳng thế mà tôi biết họ đã lâu nhưng vẫn chỉ được liệt vào hàng ăn theo thôi!
– Tìm gặp được những người trong họ còn ở lại cũng thích thú đấy ông Tư nhỉ. – ông Tám Việt bây giờ mới nói len vào được.
– Không còn đông lắm đâu ông Tám à, di tản đi nhiều nước rồi. Nhưng nếu cụng tất cả những người còn ở lại với nhau, rượu của họ bây giờ vẫn còn hàng két. Chỉ để thỉnh thoảng thay tua mời nhau bật nút một chai khi có chuyện gì đáng uống. Toàn là vang hoặc cô-nhắc những năm 1950, 1960, 1970. Có khi lâu không gặp, nhớ nhau quá, cũng kêu nhau đến, nhấm nháp mấy câu chuyện tào lao. Còn đi xin thì chỉ cho nhau loại 1970 thôi.
– Lâu thế mà không thành dấm à? – anh sĩ quan bảo vệ lại lộp chộp.
– Không. Họ biết cách giữ, nhất là phải để chai rượu nằm ngang để nút chai không bao giờ bị khô thì vô tư.
– Họ biết má Sáu Nhơn hay sao mà chú Tư kiếm được rượu của họ? – Lại một câu hỏi nữa của người sĩ quan bảo vệ.
Lần này ông Tám Việt đưa mắt lườm anh ta hẳn hoi. Cũng may, hình như không ai để ý, hoặc cố tình không để ý.
– Bà Sáu chúng tôi đây một tay dựng lên 3 cơ đồ cho 3 con trai. Một thời bà đã nổi tiếng với cái tên chị Hai Nhà Bè. Bà buôn bán lớn với phong cách chị Hai.
– Ông Tư có say không đó, sao lại lôi cả tên cúng cơm của tôi ra đây mà nói vậy? – má Sáu không muốn để ông Tư quá trớn.
– Tôi thường nghe nói đến tác phong anh Hai. Nhưng chưa nghe thấy nói tác phong chị Hai! – ông Tám thắc mắc.
– Xin lỗi bà Sáu, tôi đã lỡ miệng. Xin cho tôi nói có đầu có đuôi. – Đoạn ông Tư quay sang ông Tám: – Ông Tám à, giới kinh doanh ở cảng Nhà Bè rất kính nể cách làm ăn xởi lởi của bà Sáu, nên tôn bà lên làm chị Hai. Cái tên chị Hai Nhà Bè từ đấy mà ra ông Tám à. Nghĩa là cách làm ăn rất thảo, không so đo, sẵn sàng chín bỏ làm mười, giúp được ai việc gì bà đều hết lòng. Họ một điều gọi bà là “chị Hai”, hai điều gọi bà là “chị Hai”. Nếu tôi hỏi mua rượu của họ, thì chắc chắn lúc này một cây vàng một chai họ cũng không bán! Nói là để đãi khách cán bộ quan trọng thì lại càng không!
Câu nói cuối cùng của ông Tư làm cho ông Tám suy nghĩ. Má Sáu rất tế nhị, nói át đi:
– Ông Tư lại quá lời rồi. Tôi giúp một người, thì mười người quay lại giúp tôi. Tôi cho người mua hàng chịu một, nhưng người bán hàng cho tôi thấy tôi bán chạy lại cho tôi chịu mười, có gì đâu mà sởi lởi. Còn người duy tâm thì nói là tôi mát tay!
– Cô Sáu ạ, hôm nay cháu thấy cô tự khai ra cách làm ăn thả con săn sắt bắt con cá rô! Cách làm ăn của tư sản thời chưa cải tạo đấy ạ! Cô tự nói ra, chứ không phải cháu mớm cung đâu nhé. Xin cả nhà làm chứng cho ạ! – Bảy Dự trêu má.
– Bảy Dự, cậu có định tố tôi trước mặt ông Tám đây không? Tôi quên chưa giới thiệu với ông Tám, cậu Bảy đây là nguyên uỷ viên Ủy ban cải tạo xã hội chủ nghĩa đấy, khét tiếng chống tư sản đó! – câu nói vui của bà Sáu làm cả nhà đều cười.
– Thưa cô Sáu, cô lại nói sai rồi ạ. Đấy là Ủy ban cải tạo công thương nghiệp. – Bảy Dự vẫn tìm cách trêu bà.