Bẵng đi một thời gian, rồi một hôm ông Ba Khang được má Sáu phái đi Hà Nội để nói cho ông Hai Phong biết các gia đình ba em trai ông đã ra đi, sống chết thế nào không rõ…
Ông Hai Phong vật vã, ốm lên ốm xuống mất mấy ngày.
…Cả mấy tháng nay, có những buổi sáng má Sáu như có việc gì vội vã. Má chỉ ăn sáng qua quít xong là gọi ngay xích lô đi nơi này nơi khác, thường đến bữa trưa mới về nhà. Đôi khi má đi đến tận chiều, những hôm như vậy má đều dặn trước bà Ngân, vợ Hai Phong. Có hôm má còn kêu cả ông Ba Khang và ông Tư Cương đi cùng, bàn với hai ông nhiều việc nhưng cả nhà vẫn chưa rõ má bàn những việc gì.
Vốn hiểu tính mẹ, ông bà Hai Phong không bao giờ dám hỏi má đi đâu hay làm gì. Còn vợ chồng Vũ và chồng Vân rúc rích với nhau:
– Chắc chắn nội của chúng ta đang đi tìm chiếc gậy thần…
– Nhưng hình như nội chưa tìm thấy!..
Riêng đám trẻ, mới vào Thành phố được ít lâu, má Sáu đã giao cho nhiều loại việc đặc biệt, dưới cái tên chung là thâm nhập thị trường và tìm hiểu cách làm ăn ở Sài Gòn. Cách thực hiện là cả nhà xoay trần ra làm sữa chua đem bán cho các nhà hàng, các bếp ăn, nhà trẻ, bệnh viện, rải ra một số quận.., công việc vừa khó, vừa mệt nhọc. Riêng Vũ vì đi làm ở cơ quan, nên hàng ngày phải đi sớm hơn nửa giờ và về muộn hơn nửa giờ để bỏ sữa cho các nhà hàng, lượm các hũ không về, còn mọi việc khác đều được miễn. Lâu lâu má Sáu lại tìm hiểu xem đám trẻ đã thành thạo đến mức độ nào, bảo chúng nên làm quen thêm nơi này nơi khác, bắt tìm hiểu thêm chuyện này chuyện khác… Hầu như tuần nào má Sáu cũng truy hỏi bọn trẻ, xem chúng đã học thêm hay biết thêm được điều gì trong khi đi bỏ sữa chua… Điều bọn trẻ hơi lạ là chẳng bao giờ thấy má Sáu hỏi chúng sữa chua bán được nhiều hay ít…
Má Sáu quy định: Bốn buổi tối trong một tuần tất cả đều phải học, theo chương trình riêng của mỗi người, nhưng tất cả đều phải học thêm tiếng Anh. Các buổi tối khác được nghỉ. Vũ được giao nhiệm vụ tổ chức, quán xuyến việc học tập của cả nhà. Quân được giao nhiệm vụ chăm lo cho gia đình có một thư viện riêng thiết thực phục vụ yêu cầu kinh doanh lớn sau này, má Sáu không bao giờ tiếc tiền cho việc này. Quân không ngờ bà mình vẫn còn nhiều tiền và có cách chi tiền khác người như vậy. Sự hiểu biết của bà nội về kinh tế, nhất là về thương mại còn làm cho Quân ngạc nhiên hơn nữa. Có quyển sách hay tạp chí nào mới, bà thường bảo Quân đọc lướt thật nhanh rồi thuật lại cho bà nghe. Có lúc nghe xong, bà biểu đọc thật kỹ rồi kể lại. Má Sáu là tổng chỉ huy của tất cả những việc này. Nhiều lúc bọn trẻ há hốc mồm thán phục những nhận xét, những phán đoán của má Sáu về những gì diễn ra trong Thành phố…
Nhờ trời, bà Ngân là người khoẻ mạnh và tháo vát. Một tay bà trông nom trông nom cháu nội để bớt công việc cho vợ chồng Vũ, một tay chợ búa cơm nước cho cả nhà, còn chăm lo sức khoẻ má Sáu và cho chồng. Có lúc ông Hai Phong phải nói với bà:
– Ngân ạ, trong nhà mình bây giờ giỏi lắm thì anh cũng chỉ làm được cái chân sai vặt!
– Cứ mong anh đừng ốm, là mẹ con bà cháu em mừng lắm rồi! – bà Ngân đáp lại.
Người bất ngờ nhất về tài sắp xếp công việc và khả năng nhạy bén với thị trường của má Sáu không phải ai khác mà là Hai Phong. Ông không thể ngờ mẹ mình ở tuổi ngoài bảy mươi mà nhận xét về kinh tế thật sắc sảo, lúc giảng giải cho Hai Phong nghe vì sao khan hiếm mặt hàng này, lúc cắt nghĩa cung cách làm ăn hiện nay khiến tiền càng đuổi theo hàng, tiền càng mất giá…
Má Sáu mất hết cả cơ ngơi, lại phải xa các gia đình Ba Tước, Tư Quang, Năm Thịnh, nhưng được bù lại là bây giờ má có vợ chồng con cháu gia đình Hai Phong ngay trong ngôi nhà do chính tay vợ chồng má gây dựng nên. Cũng có thể vì quen với thăng trầm trong cuộc đời kinh doanh, cũng có thể là nhờ bản lĩnh được thử thách, má Sáu vẫn giữ được tâm trạng bình tĩnh trong những năm sau cải tạo tư sản, sớm tìm được niềm vui mới trong việc giúp đỡ gia đình các cháu nội của mình, gia đình ông Tư Cương, gia đình ông Ba Khang và nhiều người khác. Má còn tham gia đều các hoạt động xã hội khác.
Bản thân má Sáu là bà mẹ nuôi cách mạng hiểu theo bất kỳ khía cạnh nào của danh hiệu cao quý này. Con gái má, Út Thạnh, được công nhận là liệt sĩ. Con trai má, Hai Phong, trước khi tập kết ra Bắc đã là bí thư tỉnh uỷ. Con rể má là tướng Lê Hải. Sau giải phóng, vào những dịp kỷ niệm trọng thể ngày 30 tháng Tư, má vẫn được mời lên ngồi hàng ghế danh dự trong buổi mit-tinh của thành phố. Có buổi lễ, người lên phát biểu còn kể lại những chuyện năm sáu năm ròng các xe ca chở khách Cánh Nhạn là những con thoi tin cậy đưa tin đi tin về, đưa cán bộ ra vào thành phố, tiếp tế thứ này thứ khác cho cách mạng… Hồi đó mỗi ngày có đến một vài trăm lượt khách đi về trên các xe ca của hãng Cánh Nhạn. Tuyến dài đi từ thành phố đến các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ. Tuyến ngắn đi từ thành phố đến một số vùng lân cận phía Bắc. Mạng lưới mật vụ của Sài gòn gần như chìm nghỉm trên các tuyến xe đông người này. Trong những ngày 28, 29 và sáng 30 tháng Tư năm 1975, toàn bộ xe ca của hãng Cánh Nhạn trên các tuyến Long Thành, Trảng Bom, Đồng Dù được huy động để tham gia vào một việc duy nhất: Chuyển quân ta trên đường tiến về Sài Gòn…
Một lần, vào buổi sáng, có chiếc xe ô-tô đỗ xịch trước nhà má Sáu. Từ trong xe bước ra là một người cao lớn, quắc thước. Đi cùng là một người trẻ, mặc thường phục, chắc anh ta là sĩ quan bảo vệ, vì ở thắt lưng có bao súng nhô lên dưới áo sơ- mi. Ngoài ra còn một người nữa, mảnh khảnh, trông có vẻ trí thức, chắc anh này là thư ký hay trợ lý gì đó.
Người sĩ quan bảo vệ giới thiệu với má Sáu:
– Thưa má Sáu, con xin giới thiệu đây là chú Tám Việt. Chú hỏi thăm mãi mới biết má ở đây. Hôm nay chú tám đến thăm má.
– Xin chào bà. Bà là má Sáu Nhơn ạ?
– Vâng, Sáu Nhơn là tôi. Rước ông vào nhà. Chào hai anh.
Qua nước nôi, chuyện trò thăm hỏi một lúc, chủ và khách mới hiểu biết thêm về nhau. Má Sáu từ lâu đã từng nghe đến tên tuổi ông này, song má vẫn coi như mình không biết.
Ông Tám Việt là cán bộ lãnh đạo cao cấp, nhiều người ở miền Nam biết tiếng suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Vì lý do bảo mật để dễ đi lại hoạt động, ông có nhiều tên gọi hay bí danh khác nhau. Có cơ sở biết ông là Tám Vinh, có vùng lại biết ông là Năm Vượng, địa phương Vũng Lái lại gọi ông là Chín Vân… Ông Tám Việt tìm đến nhà má Sáu Nhơn để cảm ơn về việc một chiếc xe đò của má đã cứu ông thoát nạn.
Ông kể lại, hôm ấy mật vụ Sài Gòn ập đến chỗ náu của ông ở Gò Vấp. Đi họp về còn cách một phố nữa thì đến nhà, cơ sở báo cho ông phải trốn đi ngay. Ông đổi hướng đi, gọi xích lô ra thẳng bến xe miền Tây, nhảy lên một chiếc xe đò đông nhất. Đó là chiếc xe của hãng Cánh Nhạn chạy tuyến Sài Gòn – Cao Lãnh. Ông đủ thời giờ cải trang ngay trong xe, nhưng ngặt nỗi xe vẫn phải chờ trong bến, vì chưa đến giờ chạy. Ông chỉ lên khăn tang trên đầu ông vừa mới đội lên ở trong xe, van nài người lái xe cho chạy sớm để còn kịp về đưa ma ở quê. Nhưng người lái xe nhất định từ chối. Ông càng vật nài to tiếng hơn. Anh ta nhận ngay ra cách chít khăn tang của khách, nói rõ to cho cả xe nghe thấy:
– Không được bố già ạ. Xe hãy còn chỗ và chưa đến giờ chạy, làm sai con không đủ lương đền đâu!
Ông Việt càng năn nỉ, người lái xe càng giận giữ, càng to tiếng, có lúc gần như muốn đánh nhau với ông Việt. Anh ta loay hoay ngó nghiêng tìm kiếm vật gì, mồm doạ dẫm đánh đòn. Chờ lúc thuận tiện, người lái xe nói thầm rất nhanh sát vào tai ông Việt:
– Chú cứ ngồi xuống cuối xe, mọi việc con lo.
Xe đã rú ga, bắt đầu lăn bánh, một hành khách không biết từ đâu chạy đến đấm cửa rồi nhảy vọt lên. Người này rất ngang ngược, hết chiếm chỗ ngồi của người bên cạnh anh ta, ngó ngó nghiêng nghiêng lại bỏ đi chiếm chỗ của người khác. Ai không chịu, anh ta to tiếng, thậm chí còn bạt tai người ta. Ngồi chỗ nào y cũng dòm ngó từng người chung quanh. Cứ lần lần như thế, xe chưa ra khỏi bến được bao lâu mà y đã chiếm được một chỗ ngồi gần giữa xe.
Tự nhiên xe đổi hướng, đi sát vào một trạm cảnh sát dọc đường rồi đỗ hẳn. Người lái xe bỏ chỗ ngồi, đi lại chỗ người hành khách hung hăng, đột nhiên tống cho anh ta một đấm trời giáng vào giữa mặt, rồi túm ngực lôi anh ta xềnh xệch xuống giao cho bốt cảnh sát:
– Xin nhờ mấy ông xử lý tên ác ôn này cho. Hắn ta hành hung khách trên xe, không biết là vì tranh chỗ hay định giở trò cướp bóc.
Hơn một chục hành khác bị tên ác ôn gây sự cũng xuống xe làm chứng cho lời khai của người lái xe.
Tên ác ôn cãi rất hăng, nói rằng đang săn một tên Việt Cộng nguy hiểm, đưa ra bao nhiêu thứ giấy tờ, thậm chí chửi cả cảnh sát. Thế là hắn ta bị khám người, trong đó có một tờ giấy gì đó rất lạ, kiểu như một truyền đơn. Y bị còng tay luôn.
– Lắm giấy tờ thế mà sao lại có truyền đơn của Việt cộng? – người cảnh sát vừa còng tay tên ác ôn vừa hỏi.
Tên ác ôn giãy lên như đỉa phải vôi. Y kêu là phải có ai đó trong xe nhét vào túi y…