– Chúng con chỉ xin thay kính đã bị nứt vỡ thôi ạ! Để thế trông xấu lắm… – Bảo Vân thưa lại.
– Nội đã nói là không được!
– Nhưng kính bị nứt lớn như thế thì tranh dễ bị hư lắm ạ… – Vũ năn nỉ.
– Đấy là một kỷ niệm buồn!.. Các con dứt khoát không được đụng vào bức tranh này!.. – nghĩ một lúc má Sáu nói tiếp: – Ngay cả việc thỉnh thoảng quét bụi, từ nay chỉ một mình mẹ Ngân của các con được phép làm thôi!
Đám anh em Vũ ngơ ngác nhìn nhau… Nhưng lời của má Sáu là mệnh lệnh nghiêm khắc nhất trong nhà…
Má Sáu không thích xem ti-vi, không thích đọc báo, nhưng có thói quen bắt Vũ trong bữa cơm tối phải nói cho má nghe một vài tin tức hay sự việc quan trọng trong ngày.
Một lần, ngồi quây quần chung quanh bàn vào bữa cơm tối, Bảo Vân vô tình kêu lên:
– Nội ơi, ở với nội chúng con thích lắm, nhưng vô công rồi nghề như thế này tụi con sẽ hư mất!
– Làm sữa chua bỏ cho các nhà hàng đâu có phải là một nghề, ai làm mà chẳng được, nội à! – Bích Ngọc hỗ trợ cho em chồng.
– Vân nói chưa thật đâu nội ạ. Không có việc đúng với khả năng mình chúng con khổ lắm! Làm thêm các việc khác thì nội không cho. – Quân, chồng của Bảo Vân thêm vào.
Má sáu Nhơn chỉ ngồi im. Một lúc sau má mới quay ra hỏi đám trẻ:
– Khi nào các cháu xong chương trình đại học Luật và đại học Anh ngữ?
– Cứ theo đà này, chúng cháu dự kiến học một năm nữa là cùng thôi ạ. Nhưng học hàm thụ cho mình, lại không cần bằng, thì xong lúc nào chẳng được ạ? – Quân đáp lại.
– Quân, thời gian quý hơn vàng, nhưng thời cơ nào cũng chỉ có một lần! Đừng bao giờ quên điều này! Như vậy ít nhất các con còn phải đi bỏ sữa chua một năm nữa! Các con nghe rõ cả chưa? – giọng má Sáu nghiêm nghị hẳn lên.
– Eo ơi, nội cưỡng bức tụi con lao động khổ sai mà không có án! – Bảo Vân kêu lên.
– Các con đừng vội đao to búa lớn với nội.
– Nhưng thưa nội, bằng ấy năm đi bỏ sữa chua mà nội vẫn chưa cho là đủ ạ? – Bảo Vân không chịu.
– Đừng sợ khổ trước mắt, các con ạ. Khi nào đủ lông đủ cánh, nội sẽ trao cho các con cái gậy thần. Nội sẽ không bao giờ chịu để con cháu mình phải hổ thẹn với mọi người! – má Sáu dịu giọng, cười hiền hoà.
– Ôi, thế thì ngay bây giờ nội vung cái gậy thần lên đi! Chúng con xin nội!..
– Rồi các con sẽ làm không hết các việc đáng làm hơn nhiều!
Không hiểu sao, câu nói vui của má Sáu vừa làm vợi nỗi lo của cả nhà, vừa làm cho không khí bữa cơm nhẹ nhõm hẳn đi. Câu chuyện cơm bữa của cả nhà vẫn là bàn ngược bàn xuôi tính chuyện làm ăn thế nào để có thể sống được trong thành phố đắt đỏ này, nhất là quá nửa số nhân khẩu trong nhà không có tem phiếu vì chưa đủ điều kiện để được nhập hộ tịch.
– … Miệng ăn sông băng núi lở! Đừng bao giờ ỷ lại vào dành dụm mà ăn không ngồi rồi! – má Sáu thường xuyên nhắc nhở bọn trẻ nhà mình như vậy.
Cuối bữa cơm, Vân sực nhớ ra một việc:
– Ngày mai nhà ta phải nộp bản đăng ký gia đình văn hoá cho phường, trong đó có mục khai học lực từng người, con nghĩ mãi mà không biết nên khai như thế nào!
– Bọn mình chưa hộ tịch cũng phải khai hả em? – Bích Ngọc, vợ Vũ, hỏi lại em chồng.
– Người ta bảo khai tuốt chị ạ. Hộ tịch lại là chuyện khác!
– Đem ra đây đọc cho cả nhà nghe, có gì mà lúng túng thế con? – ông Hai Phong giục Vân.
Vân rút ngăn kéo dưới bàn, cầm lên một cuộn giấy, vừa mở ra vừa nói:
– Con khai như thế này, con xin đọc ạ:
Anh Vũ, Huỳnh Thái Vũ, đại học ngoại thương, đại học ngoại ngữ, mở ngoặc, tiếng Anh, đóng ngoặc.
Chị Ngọc, Lưu Bích Ngọc, đại học nông nghiệp.
Anh Quân, Phạm Đình Quân, đại học bách khoa, mở ngoặc, chế tạo cơ khí, đóng ngoặc.
Con, Huỳnh Thái Bảo Vân, đại học xây dựng.
Má, Lương Thị Ngân, đại học dược, đã nghỉ hưu.
Ba, Huỳnh Thái Phong, đại học chính trị, đã nghỉ hưu…
Ông Hai Phong ngắt lời Vân:
– Không được, sao lại ghi thế Vân?
– Nhưng ba có học trường đại học nào đâu ạ, mà cả nhà này ai cũng đại học cả. Ba chỉ có giấy chứng nhận học chính trị tại trường Nguyễn Ái Quốc, con cứ cho là tương đương với đại học đi, nên con ghi đại như vậy ạ.
– Người ta đòi ghi học lực cơ mà, chứ có đòi ghi trình độ chính trị đâu! Không ổn! Dứt khoát không ổn!.. – ông Hai lắc đầu nguây nguẩy. – …Đọc tiếp đi!
– Vâng, con xin đọc tiếp. Nội Sáu Nhơn. Học lực của nội: bà của đại học ạ!
Đến đây cả nhà phá lên cười.
– Vân con, sao lại giễu nội như vậy? – má Sáu Nhơn cũng cười theo.
– Con không biết ghi như thế nào, nhưng một mình nội đã dựng lên bao nhiêu cơ nghiệp như vậy thì rất đáng là bậc bà của đại học ạ!
– Út Vân nói có lý đấy má. – ông Hai Phong nói với má Sáu. – …Má xem đại học mẹ đại học con, cả bốn năm cái bằng đại học của nhà này cộng lại có địch nổi má không!
Cả nhà nhao nhao đồng tình với ông Hai Phong. Bà Hai Phong rất thích cách ví von này, cứ nói đi nói lại:
– Phải phong cho má cái bằng bà của đại học mới đúng! Con thông minh lắm, Bảo Vân ạ…
Vũ hưởng ứng ý kiến của mẹ:
– Ngôn ngữ ta phong phú thật má ạ. Về học lực chúng ta có các cấp bậc: tốt nghiệp đại học, trên đại học, sau đại học, bà của đại học!
– Em sẽ đi đăng ký bản quyền tác giả về học vị “bà của đại học”, nghĩa là trên cả master, trên cả “Ph. D”. – chồng của Vân tham gia ý kiến.
– Nhưng bản quyền đăng ký phải đứng tên Huỳnh Thái Bảo Vân! Không được đứng tên anh, anh Quân nhé!
– Nội của chúng ta thật là tuyệt vời, có phải thế không các con…
– Nhưng con đề nghị hôm nào nội trao cho chúng con cái gậy thần thì chúng con mới trao bằng cho nội ạ! – Vân chưa chịu ngay ý kiến của mẹ.
Bữa cơm tối thường là giờ phút vui vẻ nhất trong ngày ở nhà bà Sáu. Cả nhà đoàn tụ, nói về không biết bao nhiêu thứ chuyện trên đời. Cũng có thể giàu trí tưởng tượng và tính hài hước, chuyện gì chung quanh bàn ăn cũng rôm rả và nhiều tiếng cười. Tối hôm nào con của vợ chồng Vũ không đi ngủ sớm, thì mọi câu chuyện lại tập trung vào chú công dân tý hon này.
Riêng ông Hai Phong đôi lúc vẫn đượm một vẻ buồn khó giấu diếm, mặc dù ông rất có ý thức gìn giữ không khí lạc quan trong nhà.
Đã có lần bà Hai Phong hỏi chồng:
– Anh bớt hen so với hồi còn ở Hà Nội mà sao vẫn ốm thế.
– Về già không mập càng tốt chứ sao.
– Anh cũng không chịu khó ăn nữa! Hay là hàng ngày em nấu gì thêm để anh bồi dưỡng nhé?
– Khỏi cần em ạ. Anh cảm thấy trong người vẫn bình thường.
– Nhưng hồi này anh buồn buồn thế nào ấy.
– Không có chuyện gì đâu, em đừng lo…
Một lần chỉ có hai mẹ con ở nhà, má Sáu hỏi Hai Phong:
– Con vẫn còn tâm tư vì câu nói của em Năm con, có phải không? Nói thiệt cho má nghe đi!
Hai Phong lúng túng như người làm điều gì vụng trộm bị bắt quả tang, ngẫm nghĩ một lúc mới nói được với mẹ:
– Má rất hiểu con.
– Sao con để bụng lâu thế?
– Con vẫn thương yêu tất cả các em các cháu. Con có giận gì Năm Thịnh đâu ạ.
– Thế sao con buồn?
– Má ạ, so với cả nước gia đình ta vẫn là có nhiều may mắn lớn. Nếu má so với những mất mát của gia đình Lê Hải!.. Trong chiến tranh má đã mất Út Thạnh và bé Thơ. Kháng chiến thắng lợi, ai cũng mong các thương đau sẽ se dần lại. Thế mà nhà ta bây giờ kẻ ở người đi, bỏ nhau nửa vòng trái đất!..
– Nhiều đêm má nhớ chúng hoài, nhưng chẳng biết làm thế nào! Má đã khóc rất nhiều về mẹ con Út Thạnh. Má không muốn khóc nữa! Hôm ba gia đình chúng nó dắt díu nhau đến chào má, tất cả quỳ xuống lạy sống má. Má dắt từng đứa đứng dậy. Đứa nào cũng khóc. Má hiểu tất cả, nhưng lúc ấy má cố không khóc. Trong lòng má vừa khấn trời Phật có cách gì giữ chúng lại, vừa cầu mong cho chúng thoát mọi hiểm nguy dọc đường…
– Con rất thương Năm Thịnh, vì nó bị giày vò nhiều nhất.
– Năm Thịnh là con người hào hiệp nhất trong số anh em con. Nó đã vì ai thì không nề hà bất cứ điều gì. Chỉ có điều nó rất trực tính và lúc nào cũng đùng đùng như lửa. Chống ai là nó đốp chát liền! Nó giống ba con như đúc cái tính này!
– Chính vì thế con càng bứt rứt…
– Má hiểu! Cắn răng lại mà chịu đựng. Rồi má sẽ nói cho con rõ thêm về cái lẽ mất còn ở đời này. Bây giờ là sống cho lũ trẻ, con hiểu không? Con chịu đựng như thế ăn nhằm gì so với má?!
Ông Hai Phong chết lặng.
…Câu chuyện đã mấy năm rồi, thế mà ông Hai Phong cứ tưởng như vừa mới xảy ra, cách đây vài giờ, vài phút… Thực ra lúc nào đó nguôi ngoai được chốc lát thì thôi, hầu như ngày đêm ông đang sống với bao chuyện đau lòng trong gia đình mình… Ngay trong ông là một cuộc đấu tranh không dứt, giữa cái phải và cái ông không tài nào coi được là phải, giữa cái ông cho là đúng và cái ông dứt khoát coi là sai, giữa những điều mình tin và những điều mình không tin, giữa một bên là chân lý mình đã gửi gắm cả tâm hồn và cuộc đời mình và một bên là những điều ông không bác bỏ được nhưng không thể nào chấp nhận được… Lại thêm sự hành hạ của bệnh tật.
Điều lạ lùng là người mà ông dám bộc bạch được nỗi lòng mình lại chính ông Ba Khang, người giúp việc của má Sáu, và ông Tư Cương — cũng kể như người nhà… Ngoài ra ông Hai Phong không dám thổ lộ với ai tâm trạng mình, ngay cả đối với mẹ mình. Có thể mọi người ruột thịt trong nhà đều có cách nghĩ khác ông…