– Tôi thừa nhận… Hình như khúc quanh co nào của lịch sử cũng đòi cái giá của nó anh ạ…
Cho đến lúc tiễn Lê Hải ra về trời đã xế chiều. Tiếng xe ô tô của Lê Hải đi xa rồi, nhưng Nghĩa vẫn bần thần một mình ngoài sân trước nhà.
Văng vẳng đâu đó tiếng rên rỉ của Lễ …Anh Nghĩa ơi, xin anh hiểu cho em… Con đường em đi đã đi quá nửa cuộc đời, em không thể… Đất nước đã chiến thắng cuộc chiến tranh này, nhưng anh chưa thắng được em…
Gần một tuần sau cái ngày của Lê Hải và Nghĩa gặp viện trưởng mới, báo chí đưa tin Hội nghị cấp cao 3 nước Đông Dương chủ động đưa ra sáng kiến bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc. Tại hội nghị này Việt Nam có một tuyên bố riêng về việc rút quân khỏi Campuchia. Dư luận tiến bộ trên thế giới đánh giá đây là cống hiến quan trọng của Việt Nam cho một giải pháp hoà bình vấn đề Campuchia.
Cầm tờ báo có tin trên trong tay, Nghĩa rời phòng làm việc, lấy cái Babetta lọc xọc phóng thẳng đến chỗ Lê Hải:
– Đọc đi! Đọc đi! Ước gì anh và tôi có thể trực tiếp cảm ơn người đã đưa ra quyết định dũng cảm và sáng suốt này!
– Ta thì bao giờ cũng là quyết định tập thể. Có người nói với tôi đi đầu trong việc đề xuất rút quân và tìm giải pháp chính trị cho vấn đề Campuchia là bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ đấy.
– Thật thế không anh Hải?
– Có lẽ thế.
– Ôi nếu tôi được chạy đến bắt tay ông ta!
Vợ chồng Mai-cơn Fốc tổ chức một tiệc nhỏ mừng nhà mới tại ngoại ô San Francisco.
Vợ chồng Lễ và vợ chồng Loan trao đổi với nhau qua điện thoại, cuối cùng đều quyết định nhận lời mời của gia đình Fốc. Loan là chỗ quen biết cũ, không đi không tiện. Còn Lễ lại là người chịu ơn Fốc đã trực tiếp xử lý những trục trặc liên quan đến việc nhập cư vào Mỹ. Buổi liên hoan mang tính chất bạn hữu, nên giấy mời ghi rõ mặc thường phục. Điều này cũng rất thuận tiện, vì đang giữa mùa hè.
Vợ chồng Lễ và vợ chồng Loan hẹn nhau cùng đến một lúc. Họ vốn là người có thói quen đúng giờ, nên mọi việc đều suôn sẻ như đã bàn.
Đến nơi, người giúp việc của nhà Fốc xem giấy mời rồi đưa khách đến chỗ đón tiếp. Đầu tiên khách ngạc nhiên là nhà của vợ chồng Fốc đẹp quá. Đấy là một biệt thự nhỏ, kiểu cách, nằm giữa một khu vườn rộng. Thoáng nhìn người ta biết ngay vườn còn là một sân golf mini. Biệt thự phù hợp cho một cặp vợ chồng quý phái mới cưới nhau hơn là cho một gia đình đông người. Hàng rào là những rặng hoa nhiều màu sắc được tỉa tót chu đáo. Thảm cỏ xanh mướt càng làm cho màu sắc của ngôi nhà nổi lên như tranh vẽ. Cuối vườn là một bể bơi hình bầu dục được cách điệu, bài trí nhã nhặn. Tìm được một biệt thự như vậy ở ngoại ô cái thành phố là thủ đô bang California này thật không dễ, lại phải nhiều tiền nữa… Trời đã về chiều, ánh nắng vàng nhạt đầy gió biển càng tăng thêm cảm giác dễ chịu cho khách đi dạo trong vườn.
Vợ chồng Lễ và vợ chồng Loan còn đang chưa hết ngạc nhiên về vẻ đẹp của nhà cửa vườn tược ở đây, thì lại ngạc nhiên vì khách đến dự toàn là người Việt, đếm vội đã được hơn ba chục người cả nam lẫn nữ. Lúc này khách vẫn đang tiếp tục đến. Đi dạo, chào hỏi nhau, dần dần Loan và Lễ nhận ra một số khá đông đã cùng sống với nhau tại trại cải tạo B7. Trừ Quách Minh Châu ra, đây là lần đầu tiên Lễ và Loan gặp lại số trại viên B7 cũ kể từ khi nhập cư vào Mỹ. Không biết bao nhiêu điều để hỏi, để kể.
Tiệc đứng được tổ chức ngoài trời.
Diễn văn chào mừng khách được Mai-cơn Fốc đọc bằng thứ tiếng Việt rất sõi và phong phú, chỉ chưa thật chuẩn lắm về phát âm các dấu.
– … Một lần nữa xin cảm ơn quý bà quý ông đã không tiếc thời giờ vàng ngọc đến thăm tệ xá. Vợ chồng tôi coi đấy là một ân huệ lớn. Các chương trình nhập cư cho quân nhân Việt Nam đã hoàn tất, công việc của tôi ở Camp Dalton kết thúc, tôi quyết định chọn một nghề tự do. Sự có mặt đông đủ của quý bà quý ông càng làm cho vợ chồng tôi tin vào quyết định của mình là chuyển từ Guam về Camp Dalton, rồi bây giờ lại chuyển về làm ăn ở San Francisco. Vợ chồng chúng tôi không phải là tỷ phú, vốn quý nhất của chúng tôi là mối quan hệ bằng hữu với quý bà quý ông và một chút chút tiếng Việt. Giúp đỡ phần nào quý bà quý ông trong đời sống hàng ngày ở đây, trong công việc làm ăn, có lẽ đấy là cách sử dụng tốt nhất bằng tiến sĩ luật của tôi. California là quê hương lớn nhất của cộng đồng người Việt tại Mỹ. Vì thế chúng tôi chọn San Francisco là quê hương cho mình. Tôi hiểu luật pháp và thực tiễn ở nước Mỹ hoàn toàn không giống như ở Việt Nam Cộng hòa của các bạn trước kia. Dân Mỹ chúng tôi có thói quen từ đánh đổ cốc cà phê vào tay nhau cũng có thể mang ra toà đi kiện! Quý bà quý ông lúc này lúc khác không tránh khỏi những vấp váp, những bỡ ngỡ, những điều cần tư vấn. Trong những trường hợp như vậy, xin quý bà quý ông hãy trao niềm tin của mình cho Văn phòng luật sư Mai- cơn Fốc! Ngày mừng tân gia của chúng tôi hôm nay, cũng là ngày khai chương Văn phòng luật sư Mai-cơn Fốc. Xin nâng cốc chúc sức khoẻ quý bà quý ông! Xin nâng cốc cho sự hợp tác và tình bằng hữu giữa chúng ta!
Tiếng vỗ tay. Tiếng chúc mừng.
Không biết do ai cử, Lý Lam, nguyên là thiếu tá, trại viên trại cải tạo B7, cầm lấy micrô thay mặt khách nói mấy lời cảm ơn.
Vợ chồng Fốc đi chúc rượu khắp lượt. Người giúp việc của Fốc bưng theo một khay các quyển sách nhỏ, nội dung giới thiệu các lĩnh vực văn phòng luật của Mai- cơn Fốc có thể tư vấn, môi giới – gần như là thượng vàng hạ cám, từ ly hôn đến khai sinh, khai tử, bảo hiểm, cách tính thuế, kiện cáo dân sự… Cuốn sách nhỏ còn có một số thông tin đáng chú ý, đăng tải một số hoạt động và lĩnh vực kinh tế đang nổi lên ở nước Mỹ, mục quảng cáo giới thiệu một số trường học, hiệp hội… Sách in đẹp, công phu, như một quyển tự vị con, dễ sử dụng, nội dung phong phú. Mai- cơn Fốc tận tay trao cho từng khách quyển sách nhỏ ấy, nói vài câu xã giao, giới thiệu đôi điều… và cứ thế đi lần lượt khắp vườn.
Đến chỗ vợ chồng Lễ và vợ chồng Loan, vợ chồng Fốc dừng lại khá lâu. Sau trao đổi mấy câu thăm hỏi xã giao, nữ tụ lại đứng thành một nhóm, nam thành một nhóm.
– Từ ngày ông Lễ đến Guam hôm nay tôi mới được hân hạnh gặp lại.
– Vâng, xin cảm ơn đại tá Fốc, nếu không có buổi hôm nay tôi sẽ không có dịp trực tiếp cảm ơn sự giúp đỡ của đại tá.
– Có gì đâu mà cảm ơn. Bây giờ tôi là người dân sự(*)• [(*) Fốc định nói là “dân thường” (civil man). ] rồi. Xin ông gọi tôi là tiến sĩ Fốc.
– Tiếng Việt của ông giỏi quá, ước gì tôi nói được tiếng Anh như ông nói tiếng Việt. – Lễ khen.
– Đấy là nguyên nhân quan trọng nhất khiến ông chuyển về San Francisco? – Loan hỏi.
– Nói chuẩn xác thì không phải là chuyển về, ông Loan ạ. Tôi đã hoàn thành hợp đồng làm việc cũ. Bây giờ tôi làm nghề tự do. Nói chuyện với ông Loan tôi không bao giờ được phép ngủ gật.
– Tại sao thế tiến sĩ Fốc?
– Về đối thoại, ông là bậc thầy của tôi, đại tá Loan ạ. – Fốc vừa nói vừa cười rất ranh mãnh.
– Xin cảm ơn lời khen ngợi của ông. Cả ông Lễ và tôi còn phải cảm ơn ông về một chuyện khác.
– Về chuyện gì thế, thưa hai ông?
– Ông Loan và tôi không ngờ gặp lại nhiều bạn cũ trong trại B7. Nhiều người từ khi chia tay với họ ở Bảo Lộc, hôm nay chúng tôi mới gặp lại.
– Chúng ta vẫn thường nói quả đất tròn mà. Riêng ông Loan và tôi rất có duyên với nhau, đây là lần thứ ba ông Loan là khách của tôi. Có phải thế không đại tá Loan?
– Ông nhớ giỏi quá.
– Vì mỗi lần được gặp ông đều có một sự kiện trọng đại khó quên.
– Là những sự kiện gì vậy, tiến sĩ Fốc? – Lễ hỏi.
– Lần đầu tiên là đêm Nô-en B52, lần thứ hai là Trung quốc đánh Việt Nam, và hôm nay là dịp khai trương Văn phòng tư vấn, ông Lễ ạ!
Tai Lễ ù lên, suýt nữa ly rượu buột khỏi tay. Lễ cố thở hít vào thật sâu, cố trấn áp cảm giác nôn nao đến nghẹt thở đang rộn lên. Trong đầu quay cuồng ly rượu B52 của Ngô Du ban cho năm nào… Nghĩ lại, bao nhiêu lần Lễ muốn nôn ra mà không được. Tiếp đến là ký ức về những nỗi lo sợ và thất vọng không sao tả xiết ập vào trại B7 khi nổ ra chiến tranh biên giới phía Bắc.
Lễ nhìn thấy Fốc mồm lắp bắp điều gì đó, nhưng đành đứng yên, không phản ứng gì được.
Câu chuyện bị ngắt quãng đột ngột, Loan phải lấp chỗ trống:
– Gặp nhau ở đây chúng tôi mừng lắm. Tôi còn một số bạn hữu cánh tướng Minh và cánh tướng Mậu tìm hoài không được, cũng không liên hệ được.
– Tôi sẽ để ý giúp ông chuyện này, ông Loan ạ. Ông gợi cho tôi một ý hay đấy, Văn phòng tư vấn của tôi phải tìm cách với tới được những khách hàng này. Một lần nữa cảm ơn hai ông đã tới dự. Mong hai ông coi Văn phòng này là cánh tay nối dài của mình…- Fốc tạm biệt Lễ và Loan rồi quay ra chào Thảo và vợ Loan, tiếp tục cùng với vợ đi chào các đám khác.
Chờ cho vợ chồng Fốc đi khỏi, Loan hỏi Lễ:
– Sức khoẻ anh hôm nay có chuyện à?
– Tôi bị choáng váng một chút, nhưng qua rồi, không sao.
– Ông già Học của anh có con mắt tinh đời.
– Sao tự dưng anh lại nhắc đến chú tôi?
– Anh còn nhớ câu chuyện trong bữa cơm ở nhà hàng La Cigale không? Ông già nói Fốc không thất nghiệp, nghĩa là Fốc vẫn còn làm việc!
– Y tiếp tục công việc với một danh phận mới, hình thức mới?