Trong nỗi đau mất mát những người thân thương, những tin tức trung tá Nghĩa mang về cho cụ tối nay làm cho các mảng dĩ vãng của mấy chục năm trời bừng lên trong tâm trí cụ… Nhiều lúc bom đạn nổ đùng đùng, khói lửa mù mịt át đi hết cả…
– Chúng con chào cậu mợ ạ, chúng em chào hai anh… – cả Lễ và Hoài bảo nhau khoanh tay đồng thanh cúi chào.
– Cháu chào hai bác ạ, em chào hai anh a. – Mạnh cũng khoanh tay cúi chào theo.
– Mạnh phải chào cả anh Minh nữa chứ.
– Ứ ừ, anh Minh còn ngậm ti, cháu không chào…
– Anh chị yên tâm, bây giờ đang loạn lạc thế này, trường học ngoài này đằng nào cũng nghỉ. Mỹ ném bom Nhật dữ thế này, ngay cả trường Thăng Long của anh Tuyên đâu có tìm được chỗ chạy loạn… – ông Học rất muốn mời hai cháu cùng đi với con mình. Ông là con thứ hai trong nhà, sau ông Tuyên, vào Sài Gòn lập thân từ khi ông Tuyên chưa lập gia đình.
– Ừ, Nhật đã hất cẳng Pháp(*)[(*) Cuộc đảo chính của Nhật ngày 9-3-1945 cướp Đông Dương ra khỏi tay Pháp.]. Đánh nhau to đến nơi rồi. Mỹ ném bom Sáu Kho ở Hải Phòng cháy to quá. Nhất định Mỹ không chịu để Nhật độc chiếm Đông Dương đâu…
– Anh chị cứ cho hai cháu vào trong đó ở chơi với chúng em ít lâu. – ông Học nài nỉ.
– Hay là mợ cùng đi với chúng con đi. Mợ bảo thế nào cũng vào thăm nhà chú thím Học cơ mà… – Hoài giật giật tay mẹ…
– Thế ai trông em Minh?
– Bế cả em Minh đi, được không mợ?
Hoài rất thích có em gái và nói điều này với mẹ không biết bao nhiêu lần. Ông bà giáo Tuyên chỉ cười và hứa: Thế nào mẹ cũng đẻ cho con một em gái. Tuy nhiên ông bà giáo đinh ninh Hoài sẽ là con út. Nhưng cuối cùng Hoài lại có em Minh, kém Hoài những 7 tuổi.
Cụ Tuyên bà cảm thấy những tiếng nói ấy hình như lẩn quất đâu đây. Bất giác cụ buông tay quờ quờ ra chung quanh…
– Mình ơi, em đem cái kiềng đi cúng vào Tuần lễ vàng nhé?
– Nên lắm. Nên lắm, mình đem cả cái nhẫn cưới của tôi đi. Cách mạng đang cần tiền sắm vũ khí đánh Tây… Chúng ta cũng phải sửa soạn cùng cả nước đánh giặc. Đac-giăng-li-ơ (d’Argenlieu)(*) [(*) Georges Thirrry d’Argenlieu 1884 – 1964, thủy sư đô đốc hải quân Pháp.] đã đưa tàu chiến đổ quân vào nước ta rồi. Không thể cho giặc cướp nước ta một lần nữa…
…Ôi cái nhẫn cưới chính tự tay mình đánh cho chồng. Lũ bạn gái cùng làm trong hiệu kim hoàn Quảng Lợi cứ ra sức bắt nọn và trêu chọc mình mãi trước ngày cưới. Có đứa nói toang toác giữa nhà: “Ê, eo ơi, tiểu thư Bảo Khanh tự tay đánh nhẫn để cưới chồng!” – Thời còn con gái, bà Tuyên là hoa khôi trong đám thợ bạc và rất khéo tay của cái cửa hàng vàng nổi tiếng này ở phố Hàng Bạc.
Những giờ phút Hà Nội sục sôi. Bàn, ghế, giường, tủ, bao cát… được dựng lên thành các ụ chiến đấu trên vỉa hè các ngã ba ngã tư. Nhiều nơi các ụ lấn sâu xuống lòng đường. Tại nhiều phố tự vệ đã đục tường nhà nọ thông sang nhà kia để dễ liên lạc với nhau. Các xe GMC của lính Pháp vô cớ gầm rú chạy xé dọc xé ngang thành phố…Tại phố hàng Đậu, ga Hàng Cỏ, chợ Đồng Xuân, dốc Hàng Than, phố Hang Bún… các khẩu đại liên mười ba ly hai trên nóc xe của chúng hung hăng bắn thị uy bất kể vào chỗ có người hay không có người.
– … Nội nhật hôm nay phải đưa chị, các cháu và gia đình em ra khỏi Hà Nội anh Tuyên ạ. Mang theo được cái gì thì mang, còn bỏ lại hết!
– Gấp thế à?
– Giặc đánh to đến nơi rồi. Anh đưa cả nhà về Châu Khê, rồi sẽ tính sau. Họ hàng chúng ta ở quê ngoại đông hơn. Hôm nay hãy còn xe ca Hà Nội đi Hải Dương đấy anh ạ.
– Chú không đi cùng?
– Em được lệnh ở lại chỉ huy tự vệ chiến đấu. Anh Tiêu cho bọn em biết chỉ ngày một ngày hai giặc sẽ đánh ta thực sự thôi và cũng dặn em lại giục anh chị và các cháu phải tản cư ngay. Anh Tiêu cho biết Phương được trên cử đi công tác đặc biệt vùng Cao Bằng gần một tháng nay rồi…
– Thảo nào mấy tuần nay không thấy Tiêu và Phương về thăm nhà. Hai người gần như không lúc nào rời nhau.
Bà giáo Tuyên đứng nghe hai người nói chuyện với nhau rồi quay sang than thở với em chồng:
– Trời đất ơi, không biết gia đình chú thím Học với Lễ và Hoài trong Sài Gòn sống thế nào. Giặc Pháp chiếm Nam Bộ đã hơn năm nay rồi còn gì chú Tuấn nhỉ…
Hà Nội trước những giờ phút đi tới quyết định lịch sử Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh! là như thế. Cụ Tuyên bà nhớ rõ lắm… Buổi sáng hôm ấy, chú Tuấn chưa nói dứt lời, thím Tuấn, cháu Kiệt và cháu Cúc – hai con của chú thím – đã tay xách nách mang bước vào nhà. Chính ở tuổi 15, Nghĩa ở tuổi 14 nên giúp bố mẹ thu xếp được nhiều thứ. Vú Minh được giao cho mỗi việc lo đầy đủ quần áo và các thứ khác dành riêng cho bé Minh. Trời lúc này đã trở rét. Công việc sửa soạn rất nhanh. Hai giờ sau tất cả đã ngồi lên xích-lô ra Bến Nứa, mua vé xe chuyến đi về hướng đường 5. Chú Tuấn đi xe đạp theo ra tận bến xe…
Rồi đến lúc nồi súp-de phía đuôi cái xe ca nổ bành bạch, phun lên trời từng đám khói đen sặc sụa mùi dầu và than. Xe giật giật rú rú mấy lần như con ngựa già hí lên những tiếng hụt hơi trước khi cất vó… Tiếng động cơ nổ to mãi lên, át hết những lời tiễn biệt nhau giữa kẻ ở người đi, xe bắt đầu lăn bánh, bỏ lại phía sau quang cảnh phố xá tất bật, nháo nhác…
Chờ xe đi xa hẳn, chú Tuấn mới quay lại…
Những năm tháng chạy giặc đánh chiếm vùng tự do. Những đoạn trường cả gia đình phiêu dạt, chạy hết nơi này đến nơi khác. Phần lớn là chạy bộ, túi đeo, tay nải. Riêng bé Minh, lúc này đã gần bốn tuổi, có lúc được vú Minh gánh trong một cái thúng để bé dễ ngủ, đầu đòn gánh bên kia là bọc chăn và túi gạo. Có lúc các anh thay nhau cõng. Đi mãi, đi mãi, giặc đuổi phía sau… Cứ thế cả nhà bồng bế nhau lên đến tận phủ Yên Bình, trên Tây Bắc. Hồi ấy đấy còn là nơi rừng thiêng nước độc. Đêm đêm, nếu không có tiếng beo gầm, thì lại có tiếng chim kêu thủ thỉ thù thì. nghe rợn người. Sáng chưa bảnh mắt, rừng núi đã vang vang tiếng gà rừng gáy, tiếng chim bắt cô trói cột!.
Có những tối, ông bà Tuyên và thím Tuấn ngồi thì thầm với nhau bên bếp lửa lách tách, vừa để sưởi ấm, vừa để hun muỗi. Họ ôn lại những chuyện cũ, không một lời kêu khổ. Nhưng nhiều lúc bà Tuyên và thím Tuấn nước mắt ngắn, nước mắt dài, vì gia đình chia ly, mỗi người mỗi ngả, không biết sống chết thế nào… Trong khi đó bọn trẻ chụm đầu vào nhau… Chung quanh đĩa đèn thắp bằng dầu sở(*)[(*) Dầu ép từ cây sở, đổ lên đĩa và được thắp bằng ruột cỏ bấc.] trên chiếc bàn tre, chúng hí hoáy làm các bài tập… Chính, cậu con trai lớn nhất của cả nhà, vừa là thầy giáo của các em mình, bản thân cũng ngồi học thuộc lòng từng trang tất cả những cuốn sách nào mang theo được từ Hà Nội…
Có những bận trời rả rích mưa hàng tuần, thối đất thối cát. Không thể đi rừng lấy củi hay hái măng được, cả nhà quây quần bên bếp lửa, nướng sắn, nướng khoai… Có khi để ăn cho vui, cũng có khi để ăn trừ bữa – vì hết gạo. Sắn luộc, măng luộc ăn mãi cũng chán… Có hôm muối cũng thiếu. Đã có lúc dân làng mách đốt nứa lên lấy than giã ra làm muối để chấm, nhưng không ai dám thử. Bà Tuyên và thím Tuấn không giấu được nước mắt trước mặt bọn trẻ. Hôm nào có phiên chợ mua được ống mật mía(*) [(*) Mật mía, đựng trong ống nứa.] để ăn với sắn luộc hoặc sắn nướng, hoặc giả mua được cái chân giò, hôm ấy được coi là có đại tiệc…
Cuối năm 1947, giữa lúc ông giáo Tuyên cùng với các con trai nhờ vào dân địa phương bày cho cách phát nương, dựng nhà, trồng khoai trồng sắn, nuôi gà… có người mang công văn đến gặp ông giáo. Trên yêu cầu ông thu xếp việc gia đình để sang ngay An toàn khu bên Chiêm Hoá nhận công tác. Người mang công văn này cũng chuyển cho ông giáo thư của ông Tiêu báo tin ông Tuấn đã hy sinh giữa năm 1947 trong vùng địch hậu. Bà Tuấn chết đi sống lại nhiều lần…
Vừa thương xót em, vừa hiểu rằng gánh nặng của hai gia đình bây giờ dồn lên vai ông, biết làm thế nào đây? Lập bàn thờ ông Tuấn xong, cả hai bà đều khuyên ông Tuyên yên tâm đi nhận chỉ thị công tác của trên.
– Mình cứ yên tâm cùng với các chú nhà mình đi gánh vác việc nước. Dám bỏ Hà Nội lên đây thì em, thím Tuấn và các con, các cháu cũng tự lo cho nhau được. Nhắn chú Tiêu có dịp đi công tác qua ghé thăm bên này.
Trên đường đi, câu nói ấy của bà giáo làm cho ông Tuyên vững lòng. Sang đến Chiêm Hoá ông mới hiểu, trong thời gian hoạt động ở Liên khu I ông Tuấn đã đề nghị ông Tiêu yêu cầu ông Tuyên tham gia xây dựng ngành giáo dục trong kháng chiến. Ở Chiêm Hoá ít lâu, làm xong các việc trên giao cho để triển khai hệ thống giáo dục trong kháng chiến, ông được cử đi làm thầy giáo, làm hiệu trưởng ở nhiều tỉnh trong Liên khu Việt Bắc… Hai gia đình chị em bà Tuyên, vú Minh và đám trẻ ở lại tăng gia sản xuất tự nuôi nhau. Dân làng Khuân Phúc ở huyện Yên Bình chăm sóc họ như họ hàng ruột thịt… Mỗi năm đôi lần, đi bộ vài ba ngày đường về thăm nhà, nhìn cảnh hai bà, vú Minh, các con cháu chân tay rộp lên, người quắt lại đen xạm, lòng dạ ông giáo quặn lại. Nhất là Kiệt và Cúc bây giờ không còn bố nữa… Hai bà và cô Minh – chẳng biết từ bao giờ cả nhà không ai gọi cô là vú Minh nữa – kể cho ông nghe những lúc cả nhà muốn ngã gục. Giữa cuộc sống thành thị nhàn hạ của gia đình công chức cũ và cuộc sống tăng gia sản xuất trên núi rừng để tự túc, để tồn tại, để tham gia kháng chiến… thật là một khoảng cách đổi đời… “Quân chủ lực” của cả nhà là Chính, Nghĩa, Kiệt – ông giáo Tuyên vẫn gọi ba chàng trai của mình như thế. Ba thiếu niên đang sức ăn, sức lớn, tháo vát, việc gì cũng làm được. Cô Minh lại thạo việc trồng trọt, làm tương, nuôi lợn gà.., cuộc sống dần dần tạm ổn. Khi chạy khỏi Hà Nội, Chính đang học lớp thành chung năm thứ hai, Nghĩa năm thứ nhất, cả hai anh em đều học giỏi và nhảy cóc được một năm. Kiệt đang học dở dang élémentaire, Cúc – préparatoire. Tiếc phải bỏ dở học, Chính và Nghĩa cố nhồi vào bọc quần áo mấy quyển sách chuẩn bị cho hết thành chung (diplome) do ông giáo Tuyên từ lâu đã mua sẵn cho các con mình. Không ngờ mấy thứ đó lại rất được việc. Tối tối không có gì làm, Chính tự ôn bài và dạy các em học tiếp. Ông trưởng thôn Khuân Phúc thấy hay hay, nhờ anh em Chính mở các lớp xoá nạn mù chữ và dạy học cho đám trẻ trong làng. Anh em Chính hăm hở nhận lời. Thấy cả nhà trụ được, ông giáo vững lòng.