… Sau này, mỗi lần nghe trong thiên hạ nhắc đến mụ goá Bảy Quới Gia Định, Hai Hân vẫn còn thấy nhức buốt trong đầu hình ảnh một dã thú ghê sợ, nửa đười ươi, nửa lợn xề, tiếng nói the thé của nó xiên óc… Toàn thân Hai Hân lại sởn da gà, vì nỗi nhục hai lần của mình – phải quỳ gối trước đồng tiền và bị con mụ cuồng loạn này đánh gục cả về mặt tính dục! Lại còn kéo theo bệnh tật không biết bao nhiêu năm nữa! Mãi cho đến ngày nghe theo lời khuyên của Ba Khang, Hai Hân mới lấy vợ, cố gắng thay đổi cách sống của mình, uống thuốc nam, chịu khó tập luyện, nuôi hy vọng khỏi bệnh. Cảm giác nhơ nhớp khắp người và trong cổ họng đỡ dần, có thời kỳ bệnh dứt hẳn được mấy năm liền, khấp khởi hy vọng…
Ba Khang thỉnh thoảng còn giao cho Hai Hân việc này việc khác ngoài công việc của nhà in… Dần dà Hai Hân trở thành một mắt xích tin cậy trong đường dây hoạt động bí mật của Ba Khang.
…Tổ cha lão cái lão mắc dịch này! Người ta đã thoát cái cảm giác khốn nạn ấy được bấy lâu rồi, thế mà bây giờ lại chọc cái đống thối này ra làm khổ người ta!
Trong buổi đấu tố bế tắc hôm ấy, Tư Cương đành lôi câu thề độc của Hai Hân ra để chống chế lại. Hai Hân người nhũn ra, trong bụng chửi thầm lại Tư Cương như vậy!
Bây giờ nửa đêm nằm giữa Hà Nội, đầu óc bề bộn là thế, nào là các đề tài sắp sửa phải làm bài kiểm tra, các dự kiến công việc… Thế nhưng cảm giác ớn bệnh lại đánh thức trong đầu Hai Hân ý nghĩ thâm thù Tư Cương ngày nào. Hai Hân xoay trở cựa mình mãi, hai hàm răng nghiến vào nhau kèn kẹt, mồ hôi bắt đầu tự dưng vã ra…
…Ôi nhiều lúc chính mình cũng chẳng hiểu đấy là thâm thù hay là tại vì mình vẫn chưa thực sự khỏi bệnh?
…Hay là cái khổ có lẽ ở chỗ trước một vinh quang đang tới, con người ta có thói quen nhớ lại thuở hàn vi?.. May mắn sao thời kỳ bệnh hoạn quyết liệt nhất hình như tự nó đã qua đi. So với hồi ấy, bây giờ nhờ trời mình đã khá nhiều rồi… Lạy trời cho bệnh khỏi hẳn!..
…Vào thời kỳ ấy, vài năm trước khi giải phóng, thì kinh hãi lắm… Cứ định ngủ với người đàn bà nào thì việc đầu tiên là Hai Hân phải làm sao chiến thắng được cái cảm giác bầy hầy nhột nhạt ở cổ họng, ở khắp người, phải tìm chỗ ngồi thiền hít thở thật sâu vài chục phút để giúp cho đầu óc có thể xoá được hình ảnh một dã thú nửa đười ươi nửa lợn xề nhưng là người thật đang rống lên, mõm nó hít hít, lưỡi nó liếm liếm khắp mặt mình, răng nó nhai nhai cắn cắn khắp thân thể mình, da nó bì bì ráp ráp… Thời kỳ bệnh phát nặng, đã có lúc Hai Hân nghĩ đến treo cổ, vì không tài nào chịu đựng mãi cái cảm giác nhột nhạt tái đi tái lại như thế, trong lúc toàn thân ớn lạnh nổi da gà, mà mồ hôi vẫn vã ra từng cục… Thậm chí đêm tân hôn ngủ với vợ, Hai Hân cũng bị Võ Tắc Thiên Bảy Quới trong đầu hành hạ tra tấn như vậy… Hai Hân đã từng được nghe, được biết những chuyện phụ nữ mắc bệnh tâm thần do bị hiếp dâm…
…Nhưng mình thật không ngờ cái nghề đĩ đực có khi phải trả giá thật khủng khiếp! Hình như sức chịu đựng của đàn ông thua đàn bà. Ôi nếu không thoát được sự ám ảnh ma quỷ này thì còn gì là đời! Chết quách đi còn hơn!..
…Bây giờ có đến hàng trăm chuyện khác để lo, để nghĩ. May ra đủ sức xoá nhoà vĩnh viễn ảo ảnh và cảm giác choáng váng nhớp nhơ này? Có thể như vậy được không? Cái đêm đột xuất hôm nào vẫn rụt rè trước câu hỏi mới đặt ra này…
Hai Hân tìm câu trả lời trong hy vọng. Đêm nay trằn trọc không ngủ, lại cố đi tìm hy vọng, cố bấu víu vào những toan tính mới…
…Từ cuộc đời lang thang, ta sẽ có thể vượt lên trên sư huynh của ta? Sẽ đột xuất trở thành người hùng!
Những dư chấn của bệnh tật rồi cũng dịu đi, những ước vọng trong tầm tay đưa đẩy, dần dà đêm khuya cũng mang lại cảm giác dịu ngọt, đưa Hai Hân vào giấc ngủ, nâng Hai Hân lên tầng cao vời vợi…
Cũng tối hôm Hai Dân đến thăm, nhà ông Tiến lâu lắm mới lại có một buổi tối đầm ấm vui vẻ. Ai nói câu gì ra cũng hợp, mọi lời đều bàn vào chứ không bàn ra. Hoàn toàn không có câu nào ông chẳng bà chuộc. Thật hiếm khi nhà ông Tiến có được tiếng cười rộn rã như trong buổi tối này…
Riêng ông Tiến một mình vui vui một niềm tự hào thầm kín…
Vài tuần sau khi Nghĩa ở Thạch Thất về là đến ngày giỗ cụ Tuyên ông và gia đình Minh. Lại đúng vào chủ nhật, nên tất cả tề tựu đông đủ. Thím Tuấn đi xích-lô đến nhà ông Chính từ sáng sớm. Giỗ nào thím cũng là người cầm chịch, lần này cũng vậy. Sau khi thăm hỏi cụ Tuyên bà mấy câu, thím xuống bếp cùng với bà Hương cắt đặt mọi việc, xong lại lên ngồi đầu giường nói chuyện và chăm sóc cụ Tuyên bà.
– Em thấy chị hôm nay lại có sắc hơn mọi hôm. Tuần trước chị xanh quá. – Thím Tuấn vừa nói chuyện, vừa xoa bóp cho cụ Tuyên.
Cụ Tuyên bà nằm yên không nói, nhịp thở rất yếu, hai mắt nhắm lại. Song thím Tuấn thấy cụ Tuyên bà hình như hơi lắc đầu. Chứng tỏ cụ vẫn tỉnh.
– Em xoa bóp cho chị đỡ mỏi nhé.
Cụ Tuyên bà có vẻ gật đầu hoặc thím Tuấn cảm thấy như vậy. Thím nâng cụ Tuyên bà vào lòng mình rồi xoa bóp nhẹ nhẹ hai vai, sống lưng…
Cả nhà đều mừng là sáng hôm qua cụ Tuyên bà tự nhiên lại đòi ăn sữa. Nhưng bà Hương mới xúc cho cụ được nửa cái chén con con, cụ lại kêu mệt, không nuốt được… Chén sữa đành bỏ dở. Mấy ngày trước cụ luôn luôn kêu khó chịu và đầy bụng lắm, nhất định không ăn uống gì, kể cả uống nước. Ông Chính mấy lần nài ép cụ uống tý sâm mà cũng không được.
Cơm cúng làm xong, ông Chính thắp hương khấn bố và gia đình em Minh rồi vào đỡ mẹ để thím Tuấn ra lễ. Khi nâng được cụ lên tay mình, ông Chính thấy cụ thở gấp.
– Thím ơi, mẹ cháu làm sao ấy! Ôi mẹ…
Ông chưa nói dứt lời, cụ Tuyên bà đã nấc lên mấy tiếng và đi xa…
– Ôi chị cả! Chị cả ơi! Chị cả!… – thím Tuấn vừa gào vừa lay cụ Tuyên bà.
Tiếng khóc oà lên.
Lúc ấy là vào giờ Ngọ.
Mọi người trong gia đình, trong họ tộc ngồi quây quần bên nhau cho đến sáng, để thay hương cho cụ Tuyên bà, để cụ khỏi bị lạnh lẽo một mình trong đêm thâu, để cùng nhau ôn lại những ngày đã qua, những năm qua… Cụ Tuyên ông, cụ Tuyên bà, chú Tuấn, chú Phương, gia đình Minh, Huệ, Nam, âm dương hầu như không còn cách biệt, tất cả như đang về đây cùng nhau sum họp, trò chuyện, cùng nhau ôn lại những chặng đường đã qua, những kỷ niệm xưa…
Ngay sau khi cụ Tuyên bà mất, cả nhà họ Phạm họp bàn nên báo cho cánh họ Phạm bên Mỹ như thế nào. Bàn đi bàn lại, mọi người nghiêng về ý kiến nên tổ chức xong lễ tang rồi mới báo, vì như thế mọi người bên ấy đỡ ân hận về việc không thể về nước chịu tang được. Sở dĩ có ý kiến này, vì nghĩ rằng đường sá cách trở, thủ tục bên Mỹ bên ta đều không đơn giản, càng khổ cho mọi người bên ấy. Song bàn nữa, lại thấy sợ bị trách. Cuối cùng ông Chính quyết định: Điện báo ngay, song khuyên mọi người bên ấy thắp cho cụ Tuyên bà nén hương là đủ, vì đường sá cách trở… Cả nhà họ Phạm chấp thuận.
Tướng Lê Hải tiếp khách gần hết cả buổi chiều tại nơi an dưỡng. Khách là người được trên cử đến thông báo cho ông về sự việc Nghĩa bị tạm giữ ở Thạch Thất. Ông hỏi nhiều và được trả lời nhiều. Ông rùng mình nhớ đến một vụ án chính trị xảy ra đã lâu, hình như từ cuối những năm 1960, nghĩa là vào khoảng thời gian ông đang tham gia tổ chức phong trào đồng khởi ở miền Tây Nam bộ… Mãi cho đến khi ra Bắc ông mới nghe thấy loáng thoáng đâu đó về vụ án này, và cũng chỉ là dư luận xì xèo loanh quanh một số cán bộ cao cấp. Giải thích của trên cho cán bộ loại cấp tướng như ông cũng gọn lỏn, chỉ mang tính chất trấn an tư tưởng: “Có một sự việc đáng tiếc đã xảy ra, nhưng mọi việc đã chấm hết.” Nghĩ lan man, ông Lê Hải lo không biết chuyện của Nghĩa có dính dáng gì đến chuyện xa xưa này không. Lịch sử liệu có lặp lại không?.. Sau này còn xảy ra một số chuyện mới…
Những suy nghĩ miên man giống như một cơn gió nào đó từ đâu ập tới, ông rùng mình ớn lạnh…
Chưa hết bàng hoàng về cuộc gặp này thì ngay tối hôm đó ông nhận được điện thoại của Nghĩa báo tin cụ Tuyên bà mất. Một giờ sau ông đã ngồi trên xe lên đường về Hà Nội, vì tình bạn hữu với Nghĩa, song còn vì ông hiểu Nghĩa đã chạy thi với thời gian như thế nào, bắt đầu từ cái đơn xin giải ngũ mà ông đã cố tình cho xếp xó vào tập hồ sơ lý lịch cá nhân của Nghĩa…
Thoạt đầu tại nhà nghỉ, sau khi tiễn khách về, ông Hải cảm thấy nhẹ hẳn người khi được báo Nghĩa đích thân gọi điện thoại. Ông vui mừng cuống cuồng vồ lấy máy, nhưng điều trớ trêu là để nghe Nghĩa báo tin cụ Tuyên bà mất!
Về đến Hà Nội đã quá nửa đêm, ông bảo lái xe đưa đến thẳng nhà ông Chính. Đến nơi, thấy nhà ông Chính đèn còn sáng. Ông vừa bước xuống xe thì thấy bố mẹ Yến trong nhà đi ra. Bố mẹ Yến sang nhà ông Chính viếng cụ Tuyên bà. Hỏi thăm bố mẹ Yến mấy câu, tướng Lê Hải bước vào nhà.
Mọi người vô cùng cảm động về ân tình của ông Lê Hải. Cả họ Phạm ra đứng bên cạnh linh cữu cụ Tuyên bà. Tướng Lê Hải thắp hương vái cụ, đứng yên lặng hồi lâu…
Chuyện thăm hỏi một lúc về những ngày cuối cùng trước khi cụ Tuyên bà ra đi, tướng Lê Hải đứng dậy cáo lui. Ông Chính và Nghĩa đi tiễn Lê Hải.
Ra đến cổng, Nghĩa nói với anh:
– Anh chào anh Hải đi, em xin nói chuyện riêng một lúc với anh Hải.