Thạch nghĩ ra không biết bao nhiêu cách hỏi khác, nhưng vẫn xoay quanh việc tìm cách yêu cầu Nghĩa phải tự mình rút lại chữ nếu, nhưng đều thất bại. Thạch đành chờ dịp cho keo khác…
Sau nhiều keo, không ai chịu lùi một ly.
Trong thâm tâm Nghĩa không tránh khỏi rùng mình…
Trong quá trình chất vấn, Thạch giữ được nguyên tắc không mớm cung, không truy ép… Song Nghĩa phải thừa nhận Thạch có những câu hỏi thông minh, lợi hại.., nhất là những câu hỏi về chính bản thân Nghĩa và Lê Hải. Đây thực sự là một người có trình độ nghiệp vụ đáng khâm phục. Càng về cuối, Nghĩa càng nhận rõ Thạch cố gắng làm sáng tỏ mọi vấn đề với tinh thần trách nhiệm cao.
… Thế nhưng Thạch đóng kịch thì sao? Hay đột nhiên vì lý do nào đấy Thạch thay đổi ý kiến? Hay là cách hỏi cung của Thạch tinh vi quá, xô lùa mình vào bẫy từ lâu rồi mà mình không biết? Càng trả lời những câu hỏi, càng hiểu những tình huống Thạch đặt ra, mình càng đi gần đến chỗ chết? Có lúc Thạch còn để cho mình tự nói, tự bình luận các tình huống, các chi tiết mới chết chứ! Hy vọng này vừa được nhen nhúm lên, ngờ vực khác làm cho tắt ngấm! Cứ thế, ngày cũng như đêm, Nghĩa biết là mình không ốm mà vẫn lúc nào cũng như là đang lên cơn sốt…
Không! …Sống thì sống, chết thì chết, phải giữ đúng sự thực, không hoang mang nao núng, không tự phản bội mình!..
Nghĩa tự nhủ như vậy không biết bao nhiêu lần. Cuộc đời từng trải gợi ra cho Nghĩa không biết bao nhiêu giả thiết… Song chính cuộc đời từng trải luôn luôn giữ cho Nghĩa khả năng và bản lĩnh tự tìm ra cho mình cách xử thế mà lý trí đòi hỏi, bất chấp mọi dày vò.
Nếu mình cứ bị kết tội là phản bội hay phản động thì sao? Ra sống vào chết cả một đời người để hứng chịu lấy nỗi oan khiên này? Bàn tay nào có thể dấy lên nỗi oan khiên này?.. Không!.. Không!.. Không!..
Sau những ngày và đêm như thế, Nghĩa được Thạch yêu cầu nghỉ hai ngày. Trong hai ngày nghỉ này, Nghĩa vẫn có thể nói thêm những điều cần nói.
– Thậm chí anh thấy có bất kể điều gì đã nói ra nhưng cần phản cung hay cần phủ nhận thì vẫn còn kịp! – Thạch nhắc đi nhắc lại hai ba lần câu này.
Nghĩa tự hỏi mình trong đầu không biết bao nhiêu lần: Thế nào là vẫn “còn kịp”? …Thà rằng anh ta đừng dặn dò gì cả, thì mình chỉ lo một, câu dặn dò này làm mình lo mười! Sao không làm luôn đi cho rồi mà lại phải nghỉ hai ngày? Thủ đoạn gì đây? …Nhưng mà lạ quá, đến giờ phút này vẫn chưa thấy Thạch hé ra một câu nào trực tiếp liên quan đến công việc của mình ở Viện, thế là thế nào? Đòn cân não? Tay này cao thủ?..
… Chẳng có gì là còn kịp hay không kịp cả! Phải trung thành với chính mình!
Hai ngày này đằng đẵng bằng hai mươi năm.
Hai ngày dài vô tận ấy đối với Nghĩa càng đen ngòm sâu thẳm, vì ngoài trời những trận mưa như trút nước đuổi nhau không chán.
Nước, nước và nước! Tiếng mưa ào ào như thác đổ có lúc làm cho Nghĩa có cảm giác mình đang bị chìm nghỉm trong muôn vàn sự giày vò về thân phận mình, về bao nỗi lo chết người không sao lường hết được… Những chuyện đau thương Lê Hải rỉ tai cho nghe hôm nào… Những chuyện đời Nghĩa đã từng trải… Nhiều lúc Nghĩa cảm thấy cái chết còn nhẹ nhõm, dễ chịu hơn rất nhiều so với ý chí phải sống… Nhiều lúc Nghĩa thấy thân thể mình mềm nhũn, dính chặt vào tấm phản mình nằm, tê dại, bất động…
Mẹ ơi, nếu mẹ biết chuyện này!.. Con sẽ được gặp lại mẹ nữa không?…
Trời đất sụt sùi giữa mùa mưa bão trái thời.
– … Cây ngay không sợ chết đứng!
– … Chết đứng thì cũng vẫn là cái chết đầy oan khiên!
– … Mợ ơi! Con chỉ lo lúc về không được gặp mợ! Mợ ơi…
Hai ngày của dằn vặt! Hai ngày của độc thoại!
Trong hai ngày này, điều an ủi duy nhất là mưa gió là thế mà tối đến bắt đầu có một hai người đến thăm kể từ hôm Nghĩa tới đây. Đó là các lính gác chòi, viện cớ trú mưa, nhưng chuyện trò cởi mở, hỏi thăm nhau về nhiều chuyện gia đình… Nghĩa thấp thỏm hy vọng cuộc điều tra có bước ngoặt chăng? Hay là họ đến chỉ vì trú mưa? Hay là một lối đòn cân não?..
Sáng ngày thứ mười một, trời mọng nước, nhưng mưa lúc này tạm dứt. Thạch đến gặp Nghĩa rất đúng giờ.
Thoạt nhìn thấy Thạch, Nghĩa chớp mắt mấy cái liền rồi bất giác kêu lên trước:
– Ôi, anh làm sao mà hốc hác thế này?
Thạch sững lại một lúc, không trả lời câu hỏi của Nghĩa, cố gắng lấy lại bình tĩnh, rồi nói một cách trang nghiêm:
– Trước hết chân thành cảm ơn anh về tinh thần hợp tác.
– Anh ốm hay sao mà tự nhiên gầy rộc đi thế? – Nghĩa vẫn chưa hết ngạc nhiên về sự thay đổi của Thạch.
– Có lẽ tại hai ngày nay tôi mất ngủ… – Thạch chống chế.
– Thôi, tôi vẫn là người không có quyền hỏi, có phải không?
– Anh Nghĩa ạ, anh đã cùng với tôi làm rõ những chuyện mà anh và tôi trong 10 ngày qua cùng phải làm rõ. Quan trọng hơn nữa là cho phép tôi bày tỏ lòng khâm phục đối với sự trung thực và tinh thần dũng cảm của anh. Thiếu hai yếu tố này mọi điều sẽ bị nhiễu và nguy hiểm vô cùng.
– Tôi tưởng nguy hiểm chỉ nằm về phía tôi? – Nghĩa hỏi lại.
Thạch không trả lời ngay, nhìn trời nhìn đất một lúc rồi nói:
– … Thực ra chúng tôi đã dự kiến phải vài tháng mới xong vụ này, song nhờ hai đức tính này của anh, tôi chỉ cần mười ngày…
– Sao nữa ạ?
– Xin anh đừng hỏi!.. Tôi được lệnh của đồng chí phụ trách việc này chuyển lời xin lỗi về những phiền phức đã gây ra cho anh, chuyển lời cảm ơn của đồng chí ấy về sự hợp tác của anh. Tôi cũng xin truyền đạt kết luận của đồng chí ấy là vụ việc này đã kết thúc, anh và anh Lê Hải hoàn toàn minh bạch.
– Sao, liên quan cả đến anh Lê Hải nữa? – Nghĩa giật nảy người.
– Xin lỗi… đề nghị đừng hỏi. – giọng Thạch vẫn lành lạnh, đều đều: – …Cơ quan chúng tôi sẽ báo cáo lên trên bằng văn bản và đồng thời sẽ chính thức thông báo cho thủ trưởng của anh tinh thần văn bản này. Chiều hôm qua thủ trưởng đơn vị anh đã được thông báo sơ bộ những điều tôi vừa nói với anh. Anh Lê Hải cũng sẽ được thông báo đầy đủ. Anh có điều gì cần hỏi thêm về anh nữa không?
Nghĩa đứng im, không tin vào tai mình.
– Trả lời tôi đi anh Nghĩa! – Thạch giục.
– Tôi muốn nghe anh nói nữa.
– Chúng tôi muốn mời anh nghỉ lại đây vài hôm lấy lại sức trước khi đưa anh trở về Hà Nội… Nhưng… chưa mời tôi đã biết là anh sẽ không nhận lời.
Nghĩa đã đủ thời giờ định thần trở lại, bắt tay Thạch, giọng điềm đạm:
– Vâng, tôi đã nghe rõ.
– Anh nhận lời mời của chúng tôi chứ?
– Tôi chân thành cảm ơn anh. Tôi hiểu được tất cả. Tôi nghĩ vậy… Anh nói đúng, rất cảm ơn thịnh tình của anh muốn giữ tôi lại nghỉ ngơi vài hôm. Nếu được, tôi muốn về nhà. Ngay bây giờ ạ!
– Tôi biết mà, có bày ra bao nhiêu yến tiệc ở đây cũng vô nghĩa… Thú thực với anh chúng tôi có gì đâu mà mời, cả vùng này hiện đang mất mùa và đói lắm anh ạ. – giọng nói của Thạch bắt đầu trở nên thân mật.
– Vâng, tôi biết. Hai tối qua chuyện trò với các chiến sĩ đến trú mưa, tôi được nghe khá rõ tình hình ở đây. Trước khi đi B tôi đã tập hành quân dã chiến hàng tháng ròng khắp vùng này. Mấy huyện quanh đây tôi thuộc như trong lòng bàn tay…
– Mời anh sang chỗ tôi, chúng ta uống với nhau một chén rượu nhạt trước khi chia tay.
– Cảm ơn.
– Anh nhận lời chứ? Tôi xin bảo đảm trưa nay anh ăn cơm ở nhà!
Nghĩa vui vẻ nhận lời.
Trong khi mọi người chuẩn bị xe cộ, ngồi cầm chén rượu trước mặt Thạch, Nghĩa cân nhắc kỹ rồi mới gạn hỏi:
– Anh Thạch, anh có thể trả lời, có thể không. Tại sao lại xảy ra chuyện tôi bị bắt?
– Anh đã nghĩ đúng, bây giờ tôi không thể trả lời cặn kẽ, sau hai mươi năm sự việc có thể được công bố công khai. Nghề nghiệp đòi hỏi thế, mặc dù tôi không muốn như vậy.
– Nghĩa là anh không còn gì để nói nữa? – Nghĩa vẫn cố nài.
– Tôi chỉ có thể nói một chút thế này để anh yên tâm: Khởi sự là một nhóm biệt kích bị bắt, trong các tài liệu của chúng có mấy tờ rơi tôi đã đưa anh đọc. Một số chuyện cũ dấy lên… Thế là nhiều rồi đấy, tôi muốn dừng ở đây.
– Nghĩa là còn nhiều điều anh không muốn nói?
– Chỉ xin nhắc lại là: Bây giờ chúng ta có thể yên tâm chia tay nhau. Chúc anh và gia đình mạnh khoẻ. – Thạch cố tình điếc với câu hỏi của Nghĩa.
– Xin hỏi một câu nữa. – Nghĩa đắn đo rồi mới nói tiếp: – …Giả thử vì lý do nào đấy tôi bị xử trí oan thì sao?
– Tôi hiểu câu hỏi của anh.
– Tôi có nhiều lý do để hỏi anh như thế.
– Tôi hiểu. Nhưng bây giờ tôi chỉ muốn cảm ơn, cảm ơn anh nhiều lắm.
– Anh cảm ơn tôi? Vì lẽ gì?
– Vì anh rất ngoan cố sống. Không lung lạc giây phút nào cả.
– Làm sao có thể nhận xét như vậy hả anh Thạch?
– Nghề nghiệp của tôi anh ạ. Thực ra chỉ cần anh dao động một chút, sẽ dễ dàng cho tôi nhiều.
– Để kết tội tôi?
– Vâng. Chứng minh anh vô tội mới khó cho tôi… Khó rất nhiều.
– Có lẽ vì thế hai ngày qua anh già sọp hẳn đi? – Nghĩa hỏi.
Thạch chớp mắt như bị điện giật, nhưng bản lĩnh và nghề nghiệp giúp Thạch giữ được thăng bằng, tay nâng thẳng chén rượu, cố tình không trả lời câu hỏi của Nghĩa:
– Chúc anh ngoan cố sống!
– Xin chúc sức khỏe anh! – Nghĩa cụng lại.
Nghĩa tập tễnh bước quay ra, Thạch đỡ tay dìu Nghĩa tiễn biệt.
– Nếu vậy tôi còn độc một việc: Chân thành cảm ơn anh, anh Thạch! – Nghĩa xiết chặt tay người đối thoại với mình, nhìn Thạch hồi lâu, rồi vin tay vào cửa xe.