Dòng Đời – Nguyễn Trung

Câu nói cuối cùng của Lê Hải làm cho người tiếp ông nhăn mặt, nhưng chỉ một loáng thôi:

– Như thế là chúng ta đã nói được hết mọi chuyện với nhau?

– Vâng.

Cả khách và chủ cùng đứng dậy chúc sức khỏe, chào nhau ra về. Cuộc gặp vẻn vẹn chưa đầy mười phút.

Lúc nói chuyện bình tĩnh là thế, nhưng khi ngồi lên xe ra về Lê Hải cảm thấy nhịp thở rối loạn, mạch đập nhanh… Ông cố tự nhủ mình phải tỉnh táo, nhưng vẫn không làm sao tự cắt nghĩa được tâm trạng này.

…Cuộc đời binh nghiệp của mình đến đây kết thúc!..

Trên đường về, tướng Lê Hải bảo người lái xe đưa ông tạt vào một quầy hoa, sau đó đưa ông đến Quảng trường Ba Đình. Ông dặn chiến sĩ lái xe chờ ông ở đầu đại lộ Hùng Vương rồi ông đi bộ đến lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Tại đây ông đặt bó hoa đầu tiên xuống chân Lăng rồi đứng lặng yên hồi lâu. …Chính tại nơi đây, từ chiến khu cách mạng trở về, ông đã từng cùng đồng chí đồng bào tham gia Tổng khởi nghĩa, cùng đồng chí đồng bào nghe vị Cha già dân tộc đọc Tuyên ngôn Độc lập của đất nước. …Chính từ nơi đây ông bắt đầu cuộc trường chinh Nam Tiến cho đến ngày toàn thắng…

Ai biết người lính già này giờ đây đang nghĩ gì?

Tầm mắt nhìn về nơi xa xăm, mái tóc bạc trắng nhẹ bay trong gió, thời gian và muôn vàn đau thương gian khổ khắc sâu trên gương mặt, người lính già đứng mãi ở đấy dưới bầu trời đầy nắng.

Trăm ngàn cảm nghĩ lúc đầy khí thế tự hào, lúc đắm chìm bao điều xót xa trên mọi nẻo đường đời dồn lại trong tâm trí ông lúc này… Lê Hải cứ đứng mãi như thế, dưới bầu trời đầy nắng…

Sau những phút trầm ngâm như vậy, Lê Hải đi đến Đài Liệt Sĩ. Tại đây ông trịnh trọng đặt hoa, đốt hương, cúi đầu mặc niệm trong giây lát rồi đứng yên. Lời chào cuối cùng của ông với tư cách là một quân nhân gửi đến các đồng đội đồng chí đã ngã xuống? Cột mốc cuối cùng kết thúc con đường binh nghiệp để trở về cuộc sống dân dã?..

Ai biết được người lính già này đang nghĩ gì? Ai đọc được những gì đã khắc sâu vào tâm khảm con người này? Từ nơi đồng ruộng bùn lầy, từ đất mỏ lầm than đầy máu và nước mắt, con người này đã đi hết chiều dài của đất nước, đã cùng với cả nước chiến đấu cho đến ngày toàn thắng…

Người lính già này đang nghĩ đến máu và nước mắt của dân tộc đã thấm sâu trên từng tấc đất của Tổ quốc để có Độc lập và Thống nhất hôm nay? Người lính già này đang đăm chiêu nỗi lo về muôn vàn nỗi lo đang thách thức đất nước ở phía trước?

Ai biết được người lính già này giờ đây đang nghĩ gì?

Về nhà, tối hôm ấy tướng Lê Hải thắp hương trên bàn thờ ở nhà. Ông quỳ xuống lễ, rồi phủ phục trước bàn thờ hồi lâu. Bà Hậu đứng xa phía sau, lặng im nhìn chồng, không dám nói năng gì. Sau đó ông đứng dậy, bước lại cầm tay vợ:

– Hậu ạ, ngày hôm nay kể như anh đã hoàn thành nhiệm vụ người lính. Sáng nay anh đã đến đặt hoa ở Lăng Bác, báo cáo với Bác anh đã làm tròn nhiệm vụ người lính của Bác, sau đó anh đã đến viếng các đồng chí đồng đội đã hy sinh. Nén hương anh thắp trên bàn thờ tối nay là để tưởng nhớ đến bố mẹ anh, bố mẹ em, đến các cô chú và các anh em đã hy sinh, đến Tấm, đến Thạnh và các con… – Ông cố nói chậm rãi, nhưng giọng ông vẫn run lên.

Cả đêm hôm ấy hai vợ chồng bàn bạc với nhau về cái quyết định cho nghỉ hưu đột ngột này.

– Hậu ơi, cuộc sống sau chiến thắng mới là điều quan trọng em ạ. Nhìn quá khứ như thế, mới sống được cho hiện tại và tương lai!

– Ôi anh Hải của em…

– …

– Mãi mãi anh vẫn là anh bộ đội Cụ Hồ!, là người chồng yêu quý của em!.. – bà Hậu ôm xiết chồng mình, nước mắt trào ra trên má…

Mười ngày sau, với lý do đẩy nhanh việc chuyển Viện thành Học Viện, người được cử thay Lê Hải đã đến nhận nhiệm sở và nhiệm vụ mới. Công việc bàn giao diễn ra thun thút đến ngạc nhiên. Lê Hải không sao hiểu nổi: giao gì nhận nấy, ngoài mấy lời cảm ơn, lúc chiếu lệ, lúc xã giao, người kế nhiệm Lê Hải không hé miệng có lấy một câu hỏi.

…Người kế nhiệm mình thuộc loại siêu việt? Hay là cấp trên cần mình ra đi nhanh?.. Hay là anh ta làm ăn qua loa?.. Hay là cái Viện của mình thực sự hết thời rồi? – Nghĩ vậy, đến phần bàn giao các hồ sơ, có tủ Lê Hải chủ định giao nguyên cả tủ. Ngoài việc đọc tên của tủ ra, Lê Hải lặng lẽ đưa chìa khóa, không nói thêm nửa lời. Nhưng lạ quá, người kế nhiệm vẫn không thèm hỏi lấy một từ!

…Ngay cả ngồi họp bàn giao cũng không có lấy một câu hỏi lại! Biên bản bàn giao công việc mình đưa cho cũng phóng tay ký, không thèm hỏi lại mình lấy một chữ! Hay là những công việc mình đã làm bây giờ trở thành lỗi thời thật rồi? Đáng xếp xó lắm rồi?..

Cho đến khi bắt tay nhau ra về, Lê Hải vẫn không dám chắc người kế nhiệm mình liệu có hiểu rõ đã nhận được từ tay mình những việc gì, những thứ gì. Nhưng Lê Hải ngậm tăm, tự bản thân cũng thấy không tiện hỏi.

…Nghĩa là chính mình cũng đáng được xếp xó một cách nhanh nhất?

Theo chế độ dành cho người có nhiều công lao, tướng Lê Hải được mời đi an dưỡng ở Cửa Lò bốn tuần lễ, kết hợp với việc tổng kiểm tra sức khoẻ để đưa vào hồ sơ hưu. Bà Hậu được mời đi cùng chồng, nhưng vì bận dạy học, nên bà chỉ nhận đi một tuần.

Trong bữa cơm vợ chồng Nghĩa tiễn vợ chồng Lê Hải đi nghỉ, câu chuyện “Tướng về hưu”(*) [(*) Lúc này truyện ngắn Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp từ lâu đã trở thành câu chuyện cửa miệng ngoài đời. ] của chính bản thân Lê Hải hầu như không dứt.

– Anh Hải ạ, tướng về hưu dễ trở thành kẻ lạc lõng trong đời, anh có lo không?

Ở người khác, câu hỏi này của bà Nguyệt có thể hiểu là diếc móc, và người nghe có thể phật ý. Song trong ngữ cảnh ở đây nó lại là câu hỏi đầy nỗi day dứt của sự đồng cảm. Bà thấy trong chuyện này có cái gì đó không ổn, mặc dù bà đã được ông Nghĩa nói rất rõ lý do của trên về việc cho tướng Lê Hải nghỉ hưu.

– Kìa anh Hải, chị Nguyệt đang hỏi anh đấy. – Bà Hậu giục chồng.

– Cô giáo dạy văn hỏi khó quá, học trò Lê Hải đang bí. – Lê Hải vừa cười vừa ăn, cố ra vẻ tự nhiên.

Thực ra câu hỏi của bà Nguyệt lại dấy lên bão tố trong đầu Lê Hải.

Ngay cả những lúc ông nghĩ rằng hoàn toàn làm chủ được mình, mà ông vẫn thấy mình như đang lơ lửng ở đâu trong không trung, biết bao nhiêu ý nghĩ trái chiều nhau va đập nhau dữ dội trong tâm thức. …Tự hào, mãn nguyện, tê tái, lo lắng.., đôi lúc ông cảm thấy người lúc nào cũng như sắp lên cơn sốt giống như những năm tháng ở bưng biền. Cái cảm giác bàng hoàng hôm nào lại bừng bừng…Nghỉ hưu là chuyện đương nhiên, có gì nên chuyện? Nhưng nhập nhằng nghỉ hưu với bị loại làm một thì thà là thẳng thừng bị loại đứt đuôi con nòng nọc vẫn còn dễ chịu hơn! Lại còn thêm cái chuyện chuyển đổi chức năng của Viện thành Học viện nữa chứ! Có khác gì bị trói chân trói tay, bịt miệng, rồi mới bị đá sang bên đường, muốn cựa quậy gì cũng không được!?.

Có lúc Lê Hải phải cố giấu mình đang bị nghẹn.

– Trường tôi có mấy cụ về hưu bị hụt hẫng một cách khổ sở, không ai có thể giúp được gì. Có cụ ngày ngày đến trường như lúc còn đang đi dạy, lang thang ngoài sân, kể cả ngày mưa gió, can ngăn không được. – giọng bà Nguyệt đầy ái ngại.

– Không biết anh có như vậy không, anh Hải? – bà Hậu hỏi chồng.

– Anh hy vọng là không, Hậu ạ.

– Tôi tin là anh Hải nói thật đấy, chị Hậu đừng lo. Chúng tôi đã nói chuyện với nhau suốt cả một tuần nay chỉ về đề tài này! – Nghĩa tìm cách an ủi Hậu.

– Em rất lo. Anh sẽ không được yên thân nghỉ hưu đâu. Chung quy cũng là tại anh! – Giọng bà Hậu ít nhiều hờn trách.

– Ô hay, sao lại tại anh? – ông Hải hỏi lại.

– Em đã nói cho anh nghe nhiều lần rồi. Trước tiên là tại thành quả tổng kết của anh! Anh sắc sảo quá, nhiệt huyết quá, nhưng không biết giữ mồm miệng!

Lê Hải đặt đũa bát xuống, nắm lấy tay vợ:

– Hậu ạ, đây không phải là lần đầu tiên trong đời anh phải đối mặt với loại chuyện này. Chẳng lẽ anh phải sống khác với con người anh hay sao? – Lê Hải quay ra bà Nguyệt – Bây giờ tôi có thể trả lời được câu hỏi của chị lúc nãy, chị Nguyệt ạ. Cả anh chị cũng phải tin vào tôi…

– Anh chị Nghĩa xem nhé… – bà Hậu không để cho chồng nói dứt lời, hai tay vung ra trước ngực, sôi nổi. – Loại bỏ được một kẻ lắm ý kiến trái ngược, trả công cho kẻ dọn đường, cài cắm người mới, nếu không là cái đích của nhập cục ba việc làm một thì là cái gì? Nhập cục ba việc làm một như thế mới là cái đáng nói! Chỉ có anh Hải em còn đang bị choáng nên chưa nhận ra thôi!

– Hoá ra đến bây giờ thực lòng em vẫn không chịu anh là cuộc sống sau chiến thắng mới là điều quan trọng? Nói thật đi, có phải thế không Hậu?

– Em hiểu anh, em tán thành suy nghĩ này chứ. Nhưng ở đây em không nói về anh, em nói về ngoài đời cư xử với anh! Đấy là hai chuyện khác nhau anh Hải ạ! Ba việc nhập cục làm một!..

Ông bà Nghĩa buông đũa bát, ngớ ra nhìn vợ chồng Lê Hải, nhất là nhìn bà Hậu. Cả hai chưa bao giờ thấy bà Hậu có giọng nói lạ thường như vậy – đôi mắt bà Hậu long lanh, xếch ngược lên trong khi nói.

Tiễn vợ chồng Lê Hải đi nghỉ được ba hôm, đại tá Phạm Trung Nghĩa bị bắt.

Sáng hôm ấy, Nghĩa đột nhiên được mời lên phòng thủ trưởng mới. Trong phòng, ngoài thủ trưởng mới, Nghĩa thấy hai cán bộ ăn mặc thường phục. Thủ trưởng chủ động giới thiệu với Nghĩa hai người này. Một trong hai người mặc thường phục giải thích một số điều. Sau đó tự tay người thủ trưởng mới đưa cho Nghĩa một quân lệnh.

Tác giả: