…Ông già này còn chắc lép điều gì với mình chăng? – nghĩ bụng như thế, nhưng ông Tiến đành đứng yên chờ đợi, chỉ lo lúc này nói câu gì lỡ miệng thì bỏ mẹ…
Vốn người từng trải, ông trưởng Ban hiểu những điều vừa hứa với ông Tiến là đang dắt ông Tiến vào lửa, trong thâm tâm ông không muốn thế. Ông trưởng Ban lẩm bẩm trong đầu:… Thì chính mình cũng đang chơi với lửa đấy thôi!…
…Làm thế nào được? Cả đời mình đã bao phen vỡ mặt vì cái chuyện lý luận một đằng mà cuộc sống cứ đi một nẻo, càng sáng tạo lắm cuộc sống càng bất kham doãng ra!.. Bố láo!.. Làm gì có thứ lý luận nào đẻ ra cuộc sống!… Bao nhiêu đổ vỡ rồi mà cứ tiếp tục mãi thế này? Chẳng lẽ sau ta là cơn đại hồng thủy? Ôi lẫn cẫn mất rồi, không sao nhớ được chỗ nào trong Kinh thánh nói câu này…
Ông trưởng Ban đứng im, hai mắt như đang đào bới cái gì dưới lòng đất…
…Ôi sống cái nghề biện minh này sao nó bạc bẽo thế! Bao phen mình ăn no những tiếng eo sèo nhức óc.., từ trên trời xuống, từ dưới lên, từ mọi phía… Có được quyết sách gì đúng thì phải ra sức bốc thơm, dán cho nó cái nhãn mác tầm cao lý luận! Nhưng thực ra đâu có phải là công lao của lý luận! Thế mà vẫn bị ăn đòn vì nó chưa đủ cao!.. Nhiều lúc cảm thấy hổ thẹn với chính mình… Điều gì không cưỡng lại được, buộc phải viết chạy theo cuộc sống, thì lại được trang điểm bằng cái tên gọi là sự sáng tạo của lý luận… Vơ vào được cái gì để chứng minh sự sáng tạo này là vơ tuốt!.. Ấy thế mà vẫn cứ bị phê bình là công tác lý luận còn tụt hậu… Có điều gì bảo phải làm, thì vô luận thực hư sai đúng mơ hồ viển vông thế nào… lý luận cũng phải gò vào lấy được!.. Công kênh cái dốt, xéo lên lương tâm mà gò vào lấy được!.. Tất cả đều phải theo đơn đặt hàng… Chết một nỗi càng gò vào bao nhiêu thì chính cái mặt mình càng trâng tráo bấy nhiêu, cho cái miệng đời tha hồ phỉ nhổ! Thế mới khổ cho cái thân hạc này!..
…Ôi bao phen ta phải ra đi đến nơi rồi! Bao phen lại phải cố dấn lên, không thế ta đâu còn là ta hôm nay…
Trưởng Ban đứng mãi như cây chết giữa đường thế này làm ông Tiến lo lắm, có đến năm sáu bảy mối lo, không biết nên câm lặng hay nên nói gì… Chẳng lẽ cứ đứng đực ra mà nhìn lão ta à? Mày phải thăm dò xem lão ta còn định giở chứng cái gì nữa chứ!.. Một thằng người nào đó trong ông Tiến giục giã cái mồm ông Tiến mấp máy:
– Anh có mệt không ạ? Hay là mời anh ngồi nghỉ lại phòng tôi một lát đã ạ! Để tôi pha cho anh chén sâm… – ông Tiến lựa lời.
– Không rõ ông trưởng Ban nghễnh ngãng hay cố ý không nghe thấy lời mời của ông Tiến.
– Ở vào tuổi của anh nên rất thận trọng ạ… Nhất là hồi này anh gầy đi nhiều quá… – ông Tiến tỏ vẻ ái ngại.
– Thôi cũng đành liều!.. – ông trưởng Ban bâng quơ như người vừa mới bừng tỉnh.
– Chết, đừng, đừng anh ạ… Ở tuổi anh, sức khỏe như thế này, mà còn định liều gì nữa ạ? – ông Tiến giật thót người.
– …Cũng liều nhắm mắt đưa chân!.. – ông trưởng Ban như chỉ nói với chính mình, lúc này đôi chân mới lê tiếp loẹt quẹt trên sàn nhà như một hình nộm biết đi… Ông không hề để ý có ông Tiến đi bên cạnh…
Tiễn ông trưởng Ban về đến phòng làm việc, dắt ông ta ngồi vào ghế hẳn hoi, ông Tiến cố ý chào thật to:
– Chào anh tôi về ạ.
Ông trưởng Ban lúc này mới gật gật cái đầu, tay khua khua ra hiệu cho ông Tiến về đi.
Trên đường về phòng làm việc của mình có mấy bước chân, thế mà trong đầu ông Tiến bao nhiêu ý nghĩ nhảy múa quay cuồng, về những lời hứa của trưởng Ban, về tương lai, về cái câu nói khó hiểu khi chia tay…
Ngồi vào bàn làm việc rồi, mà ông Tiến cứ hỏi đi hỏi lại mãi trong đầu:
… Cũng liều nhắm mắt đưa chân? Già quắt ra như thế mà còn liều liều cái gì nữa? Chắc còn muốn leo cao? Tham vọng hết chỗ nói… Thế mà vẫn đối xử keo kiệt với người ta!..
… Đúng là đã có quyết định cho ông ta nghỉ hưu rồi cơ mà? Nhưng ông ta cao thượng hay cao thủ nhỉ?.. Lần này là tin thật chứ không phải là tin đồn nữa! Hay chính vì thế mà ông ta phải liều nhắm mắt đưa chân!?..
… Vẫn còn chăm lo đến tăng cường thanh thế của Ban? Người thay ông ta sẽ là ai đây? Mình trót lộ cờ rồi, ông ta thật tinh quái… Như thế liệu có đến lượt mình không? Nhưng ông ta đã hứa như đinh đóng cột…
… Đáng về vườn lắm rồi ông anh ơi! Cái công thức quán triệt của người ta là một kiệt tác như thế mà đến giờ này vẫn chưa mở mồm có được một lời khen cho ra hồn. Rõ thật là đồ hẹp hòi! Đồ bủn xỉn!.. Thật là may… Mình mặc cả sát sườn như thế hóa ra lại được việc…
…Nhưng mà giao việc cho người ta mà lại nói cũng liều nhắm mắt đưa chân. Thế là thế nào? Còn định giở trò gì nữa?.. – nghĩ đến đây ông Tiến thấy mặt mình nóng bừng bừng, hai bên thái dương giật mạnh, toàn thân bắt đầu dấp dấp mồ hôi…
Ông Tiến không sao biết được dứt khoát mình đang lo sợ mối lo gì…
Tiếng chuông reo làm đứt đoạn mọi luồng suy nghĩ, lúc này ông Tiến mới biết là hết giờ làm việc. Vội thu dọn mấy thứ trên bàn giấy của mình, ông quyết định bảo lái xe đưa đi thửa cái khung trước đã rồi mới về nhà.
Một tuần sau khi cùng với Nghĩa kiến nghị lên trên giải pháp cho vấn đề Campuchia, Lê Hải được mời đến gặp người phụ trách công tác tổ chức có thẩm quyền để làm thủ tục nghỉ hưu. Trong mấy ngày này, ngày cũng như đêm, đi đứng ngồi trên mặt đất mà Lê Hải cứ tưởng mình đang lơ lửng ở đâu đó, trong đầu gần như chỉ có một cảm giác bàng hoàng, bàng hoàng đến tê dại… Có lúc Lê Hải phải tự tay cấu vào người mình để xua đi sự bàng hoàng này…
– Kiến nghị của mình là đúng hay sai? – Lê Hải tự hỏi mình như vậy, lại đưa tay cấu má mình…
Ngồi trên xe đi đến cuộc gặp này, Lê Hải sắp xếp lại các sự việc, cân nhắc ý kiến định nói. Mình sẽ nói thật ngắn gọn thôi, nhưng dứt khoát… Ông liên tưởng đến những ý kiến trao đổi với Nghĩa suốt cả tuần qua về mọi câu hỏi có thể đặt ra trong cuộc gặp này.
– Những bài báo của Đoàn Danh Tiến là bối cảnh rất tốt cho việc ra quyết định để anh nghỉ hưu. Sự trùng khớp ngẫu nhiên thật hoàn hảo anh ạ!
– Bối cảnh với lại hoàn hảo?.. Anh vẫn tin vào kiến nghị của chúng ta chứ, anh Nghĩa?
– Dứt khoát như vậy.
– Tôi cũng nghĩ thế.
– Nếu tòa án binh có khép tôi vào tội tử hình, tôi vẫn giữ đến cùng kiến nghị này. Chúng ta có thể đúng, có thể sai, nhưng chúng ta không phản bội!
– Bối cảnh! Nhận xét gì mà lạ hoắc?! Mà có lẽ đúng là để tạo bối cảnh thật cũng nên! Nhưng… Nhưng chẳng lẽ cho một người về hưu như mình mà cần phải dọn đường bằng một loạt bài báo? Tôi quan trọng đến thế cơ à?
– Anh chưa đủ tiêu chuẩn một mình độc hưởng loạt bài báo này đâu! Chuyện là thế này, thông thường để cán bộ như cỡ anh nghỉ hưu, suôn sẻ cũng phải mất hàng năm. Mấy bài báo kia rút ngắn khoảng thời gian này xuống còn vài tuần. Như thế tiện lợi quá còn gì? Chắc chắn nhờ loạt bài báo này việc phong tặng danh hiệu đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ cho một loạt chiến sĩ đại loại như anh thuận lợi hơn nhiều.
– Đại loại như tôi hả? Bỏ cái lối vòng vo tam quốc đi anh Nghĩa! Sao anh không nói toạc ra là để loại tôi dễ hơn… Nói thế có phải là đỡ chối tai không?
– Tôi hiểu. Sự cương trực của anh đã đủ sức góp phần loại chính anh thì nó cũng sẽ đủ sức giúp anh tự tìm lấy một từ thích hợp! Cần gì phải đến tôi gà cho anh việc chữ nghĩa.
– Không khiến. – Hai tai Lê Hải nóng bừng bừng…
Lê Hải nhớ lại tỷ mỷ những ý kiến đã trao đổi với Nghĩa. Ông lấy việc Nghĩa trước đây viết đơn xin giải ngũ ra làm gương cho mình và tự nhủ phải giữ vững phẩm chất người bộ đội Cụ Hồ. Nghĩ miên man, ông thấy xe chóng đến nơi quá.
Sau mấy lời chào hỏi xã giao và một vài câu hỏi thăm dò, người tiếp khách đi thẳng vào câu chuyện.
– Tôi muốn nói rõ để đồng chí yên tâm là tổ chức yêu cầu đồng chí nghỉ hưu với lý do duy nhất là tuổi tác và sự cống hiến xứng đáng của đồng chí.
– Ngoài ra còn lý do nào khác nữa không?
– Về cá nhân đồng chí thì không.
– Cả về kiến nghị mới đây nhất của Viện tôi vừa mới trình lên trên?
– Về công tác… – chủ nhà dừng lại khá lâu, như để chỉnh đốn từ ngữ chặt chẽ, rồi mới nói tiếp: – Viện của đồng chí đã làm xong nhiệm vụ của nó, nay trên đã quyết định chuyển Viện của đồng chí sang làm chức năng một học viện, nhiệm vụ chủ yếu là đào tạo lý luận. Làm nghiên cứu như vừa rồi Viện của đồng chí không còn thích hợp nữa.
– Rõ. – Lê Hải phải đưa hai tay bám lấy thành ghế, có cảm tưởng như đang có động đất.
– Vấn đề cuối cùng, chuyện này không liên quan gì đến việc đồng chí nghỉ hưu, nhưng mong đồng chí lưu ý: Gần đây đồng chí có nhiều phát biểu, nhiều kiến nghị. Sắp tới mong đồng chí thận trọng hơn, cân nhắc kỹ hơn… Nói chung nên bám sát đường lối chính sách của Đảng. Nghỉ hưu rồi, đồng chí vẫn nên chú ý điểm này, vì đây là nghĩa vụ làm gương cho các thế hệ tiếp theo.
Lê Hải hiểu ngay ý kiến này là lời phê bình nghiêm khắc đối với một người làm tướng, liên quan đến quyết định cho mình nghỉ hưu.
Đường đời dày dạn đủ tôi luyện cho Lê Hải sự bình tĩnh cần thiết. Ông thở sâu một lúc, rồi đáp lại thong thả, dứt khoát:
– Tôi hiểu, và tôi nghĩ là tôi hiểu đúng ý kiến của đồng chí. Tôi xin nói lại thế này. Một là tôi chấp hành nghiêm túc quyết định cho tôi nghỉ hưu. Hai là nhận xét cuối cùng của đồng chí thực chất là một lời phê bình nghiêm khắc. Nhưng tôi nghĩ hoàn toàn khác và không chấp nhận. Đồng chí tự nghĩ xem lời phê bình này có dính dáng đến việc tôi nghỉ hưu không? Còn sau khi tôi nhận quyết định nghỉ hưu, nếu các đồng chí thấy cần thảo luận về lời phê bình này, tôi sẵn sàng. Cảm ơn đồng chí đã dành thời giờ tiếp tôi. Cảm ơn sự thẳng thắn của đồng chí.