– Đúng là anh nghĩ gì, làm gì cũng đều là vì Ban!
– Các bài báo phân tích những quan điểm sai trái của Lê Hải anh đặt dưới cái mũ chung “chống tư tưởng hữu khuynh” tôi thấy hợp lắm. Bõ công tôi chọn mặt gửi vàng. Không nêu đích danh Lê Hải, song những bài báo này tạo không khí thuận lợi cho việc giải quyết loại đề tài Lê Hải.
– Thưa anh sao lại gọi là loại đề tài Lê Hải ạ? Xuất hiện một thứ nhân văn giai phẩm mới ạ?
– Không phải thế. Tình hình khó khăn phức tạp hiện nay khiến một số người suy nghĩ lệch lạc. Chuyện này cũng thường tình thôi… Trên bảo phải uốn nắn.
– Giá mà tôi nắm được ý này ngay từ đầu thì các bài viết vừa rồi còn mang nhiều tính khái quát hoá hơn và thuyết phục hơn. Những biểu hiện tôi nêu lên trong những bài này ít nhiều còn hơi cá biệt, vì quá chú ý đến Lê Hải. Rồi còn Phạm Trung Nghĩa, còn cái viện của hai người này nữa…
– Có lẽ tại tôi giao việc chưa kỹ. Anh phải nhân đà những bài báo vừa rồi dấn tới, phục vụ trực tiếp yêu cầu của Ban.
– Xin anh cho ý kiến chỉ đạo ạ. – hai tay ông Tiến xoa vào nhau.
– Đề tài sắp tới quan trọng hơn loại đề tài Lê Hải nhiều… Lượng sức xem có thể viết một loạt bài mới được không?
– Xin anh cứ nói ạ.
– Lần này tập trung phê phán những vấn đề lớn: tâm lý bi quan về tình hình kinh tế đất nước, ý thức cảnh giác lỏng lẻo đối với thù trong giặc ngoài, sự hoài nghi vô nguyên tắc đối với đường lối của Đảng, những biểu hiện dao động trước những diễn biến phức tạp đang xảy ra tại các nước Liên Xô – Đông Âu. Bốn chủ đề lớn như thế, liệu có kham nổi không?
Đoàn Danh Tiến suy nghĩ một lúc rồi trả lời:
– Dạ… những bốn vấn đề một lúc cơ ạ?
– Phải.
– Nhiều quá. Nếu mỗi vấn đề làm một bài riêng thì được anh ạ, tôi đã có sẵn các tư liệu. Mà nên nói thành từng bài riêng anh ạ. Như thế thì ý sẽ tập trung và phân tích sâu được.
– Ờ… Có lẽ nên như thế… Anh đã có ý niệm sơ bộ gì trong đầu chưa?
– Chính anh đã nói ra rồi ạ: Từ các bài báo chung quanh đề tài Lê Hải tiếp tục dấn tới.
Ông trưởng Ban cân nhắc một lúc rồi mới nói:
– Anh có đức tính mà Lê Hải không có. Anh luôn bắt đầu nhiệm vụ được giao bằng ý thức quán triệt, nghĩa là rất nhạy. Còn cái mạnh của Lê Hải là có đầu óc phê phán. Chỉ mỗi tội là gần đây Lê Hải hay phê phán lung tung, hết kiến nghị này đến kiến nghị nọ, toàn một giọng điệu trái khoáy với chỉ đạo…
– Xin anh cho ý kiến có nên nhân kỳ này xử lý triệt để luôn cái hiện tượng Kim Ngọc không ạ? Hiện tượng này bây giờ ngày càng rộ lên, vượt quá những gì chỉ thị 100(*) [(*) Chỉ thị 100 của Ban Bí thư, ban hành tháng 10-1981, cho phép hợp tác xã nông nghiệp khoán sản phẩm đến từng nông dân xã viên và ổn định mức Nhà nước thu mua lương thực.] cho phép.
Câu hỏi của Tiến làm ông trưởng Ban ngỡ ngàng.
– Đang chuyện nọ xọ chuyện kia! Anh hiểu thế nào là hiện tượng Kim Ngọc?
– Là cái hiện tượng muốn làm rã đám hợp tác xã nông nghiệp đang nhan nhản khắp nơi. Thành phong trào rồi đấy ạ.
– Nói thế là anh chẳng hiểu cái gì cả. Kim Ngọc đã trở thành chuyện cổ tích từ đời tám hoánh rồi!
Tiến hoảng quá, vội chống chế:
– Anh ạ, báo chí cả nước bây giờ đang phê phán tình trạng rệu rã của hợp tác xã nông nghiệp. Đầu têu chuyện này không phải là Kim Ngọc thì là ai? Phải đả tận gốc, sao lại tránh né?
– Thế tại sao lại có chuyện rệu rã?
– Anh còn lạ gì cái tính tự phát của nông dân nữa.., Lênin đã nói rồi.
– Chỉ có thế thôi à?
– Có một số chuyện khác nữa anh ạ. Có nơi đã thành hò vè. Nào là: “Mỗi người làm việc bằng hai, Để cho chủ nhiệm mua đài mua xe!” Nào là: “Mỗi người làm việc chuyên cần, Để cho chủ nhiệm xây sân xây nhà!”… vân vân… Tôi nghĩ chủ nhiệm sai thì sửa chủ nhiệm, còn hợp tác xã thì phải giữ!
– Rất lập trường! Nhưng anh không biết nơi này nơi khác trong nông thôn đã xuất hiện một loại cường hào mới rồi à? Đó là tình trạng ngày càng có nhiều cán bộ cơ sở vừa bất cập, vừa thoái hoá nghiêm trọng.
– Chết, anh dùng danh từ cường hào mới làm tôi khiếp quá. Có đao to búa lớn quá không anh? Địch mà nó bám lấy để xuyên tạc thì chết chế độ!
– Viết lên giấy trắng mực đen thì không nên, nhưng tôi và anh nói chuyện với nhau thì sự việc thì phải gọi thẳng tên ra như thế… – Đến đây ông trưởng Ban đã tìm ra được ý kiến dứt khoát: – Thế này nhé, nếu trong khi viết bài phê phán những quan điểm đi ngược lại với đường lối kinh tế của Đảng mà anh đụng phải vấn đề đại loại như chuyện Kim Ngọc, thì anh chỉ nên viết một câu rất chung, đại ý: Cần chấm dứt tình trạng làm ăn trái với quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp. Anh nhớ là viết đúng một câu chung chung như thế thôi, đừng dại gì mà đi vào chi tiết! Không cẩn thận là chết đấy!
– Vâng ạ. Cách nói khái quát hoá của anh rất lập trường mà lại bao hàm hết cả. Người đọc tha hồ rộng đường suy luận.
– Nếu phải viết, tôi cũng đành không đi vào thực chất của sự việc. Vì những vấn đề loại này khó lắm, chính tôi cũng chưa lý giải nổi… – giọng ông trưởng ban trở nên tư lự: – Anh xem, nguồn sống của người nông dân chủ yếu dựa vào mảnh đất 5%… Thật không sao hiểu được!.. Mà anh thì chưa hiểu thế nào là hiện tượng Kim Ngọc, lại càng không hiểu vì sao nó xảy ra.
– Anh ạ, nhưng ông Kim Ngọc mất chức rồi, có nghĩa là đã được bật đèn xanh để phê phán, cần gì phải dè dặt nữa anh? Nếu không thì ông ấy bây giờ làm to phải biết.
– Trước đây chừng mươi mười hai năm gì đó, nghĩa là vào khoảng sáu sáu sáu bẩy (1966, 1967), bí thư tỉnh uỷ Kim Ngọc tự tiện cho Vĩnh Phúc làm “khoán chui”, tất nhiên là thí điểm tại một số huyện thôi… Đầu óc bây giờ loãng rồi, tôi nhớ mang máng như vậy.
– Nghĩa là trên không cho phép ạ?
– Đã gọi là chui thì còn phép với tắc gì! Tội lỗi chỉ là ở chỗ ban chủ nhiệm hợp tác xã được phép bỏ cái lối đánh kẻng ghi công chấm điểm(*) [(*) Ghi ngày công, hoặc cho điểm các việc rồi quy ra ngày công của nông dân xã viên để chia thu hoạch từ sản xuất.] , chuyển sang “khoán” cho nông dân xã viên. Cái gì vượt “khoán” là được hưởng tất! Hiệu nghiệm lắm. Càng cấm đoán, càng chỉ làm cho kiểu “khoán” này biến tướng đi thôi. Chính vì thế năm Tám mốt mới (1981) phải chính thức ra cái “khoán 100”(**) [(**) Tháng 10-1981] , nói gọn là khoán sản phẩm.
– Nếu vậy thì càng nghiêm trọng, càng đáng phê phán chứ ạ?
– Mỗi lần về quê anh có thấy kẻng đánh rồi mà bảy tám giờ sáng nông dân mới lục tục ra ruộng không? Mặt trời mới cao hơn con sào đã nghỉ trưa? Trái hẳn với truyền thống hai sương một nắng của người nông dân ta… Điều này không đập vào mắt anh à?
– Vâng, nông dân đời mới quả không chuyên cần như trước.
– Có khoán 100 rồi mà hợp tác xã vẫn chưa ổn, nông nghiệp không phát triển lên được bao nhiêu. Chính tôi cũng không cắt nghĩa nổi…
– Vâng, đúng là chưa rõ đúng sai thì cứ nói theo đường lối là đắc sách nhất anh ạ.
– Anh vẫn chưa hiểu việc tôi định giao. Vào thời điểm sắp Đại hội thế này mà tự dưng mình tung ra một loạt bài trực tiếp ca ngợi Ban mình thì lộ liễu quá, thô thiển quá, có phải không? Viết những bài nổi bật để gián tiếp đề cao Ban ta mới là cái đích trong loạt bài báo sắp tới… Nói thế đã rõ chưa?
– Bây giờ tôi hiểu ý anh rồi ạ. Xưa nay tôi vẫn phục anh về tầm nhìn chiến lược, bây giờ tôi được thêm bài học về phương pháp luận.
– Thế thì cái bằng giáo sư của anh phải nhường lại cho tôi.
– Chỉ sợ anh không nhận thôi ạ… Tiếc là chưa ai phát minh ra cái bằng gì để phong hàm cho những người chế tạo ra giáo sư!
Ông trưởng Ban phì cười vì câu nói của Tiến, hai má hóp bạnh lên khiến bộ mặt xương xẩu của ông cao nhọn hẳn sang hai bên.
– Ờ nhỉ. Không có cái loại bằng này thật!.. Câu nói vui của anh hoá ra chí lý… Sớm bắt tay vào việc đi, không thì lại lỡ cơ hội.
– Dạ thưa…
– Còn chuyện gì nữa?
– Xin anh đừng giận…
– Trượng phu với nhau cả mà!
– Vâng… Nhưng anh cho là tôi lộ cờ mà vẫn giúp tôi có bằng giáo sư?
– Chuyện nhỏ. Tôi nói thẳng ra là để từ nay anh không bao giờ phản thùng tôi thôi! – lần này ông trưởng Ban cười thành tiếng, thoải mái.
Ông Tiến cười theo, song nấn ná trong đầu một lúc nữa, rồi đột nhiên quyết liệt:
– Anh ạ. Tôi nghĩ phải dứt khoát.
– Đánh tiếp Kim Ngọc à?
– Không phải thế ạ. Dứt khoát ở đây nghĩa là giữa anh và tôi… Anh trong bụng còn nghĩ cho tôi là lộ cờ thì không bền với nhau được ạ.
Ông trưởng Ban không tin vào tai mình, mắt giương to, nhìn sát vào tận mặt Tiến:
– Sao? Tôi mà anh còn phải đặt vấn đề như thế à?
– Anh thì hay nghi ngờ, mà tôi thì muốn ăn chắc, anh biết tính tôi từ bao nhiêu năm nay rồi đấy. Hôm nay anh bảo tôi lộ cờ, không biết ngày mai anh sẽ nghi tôi chuyện gì nữa?
Ông trưởng Ban ngả người ra phía sau mà cười, nhưng do bị hen nặng, tiếng cười của ông vẫn rè rè làm sao ấy:
– Thôi được, anh muốn dứt khoát thế nào? Mới tậu được mảnh bằng mà đã đòi lên giá hả? – ông trưởng Ban nói vui để thăm dò.
– Thưa anh đơn giản thôi ạ. Nhảy vào lửa vì anh tôi cũng sẵn sàng. Đề tài khó mấy tôi cũng cố gặm. Ngược xuôi tôi xoay được tất. Chưa vừa ý, anh cứ mặc sức chữa, tôi không tự ái… Miễn sao anh đạt mục đích…