Dòng Đời – Nguyễn Trung

Đợi người hầu rót xong rượu, ông già Học nâng cốc:

– Một lần nữa nhà tôi và tôi xin cảm ơn ông bà Loan. Chú thím cảm ơn các cháu. Xin chúc tất cả chúng ta hôm nay có một bữa cơm vui vẻ. Loanh quanh nửa vòng trái đất rồi lại cùng ngồi với nhau ở đây… – nét mặt ông Học thoáng một chút vấn vương gì đó.

Câu nói cuối cùng của ông già Học làm cho mọi người rời bỏ vùng Bordeaux và kiểu kinh doanh của La Cigale lúc nào không biết. Quả thật đoạn trường từ năm 1973 đối với gia đình ông già Học và từ ngày 30 tháng Tư đối với gia đình Loan và gia đình Lễ đến cuộc gặp mặt ở La Cigale bây giờ vẫn còn nóng hổi những ấn tượng của bao nhiêu sự việc như trong ác mộng.

Mọi người cảm ơn ông già Học về nhiều điều, thực sự thán phục cách nhìn đời và những quyết định dứt khoát của ông. Rượu ngon, bàn tiệc đầm ấm không khí gia đình, mặc dù có vợ chồng Tôn Thất Loan là người ngoài họ. Mọi người được giờ phút cởi mở tình cảm, tạm thời quên mọi âu lo.

– Chú ạ, cháu và Thảo nhiều lúc hỏi nhau, nếu không có chú, tụi cháu sẽ ra sao đây, ít nhất là cũng không có cái chuyện ngồi đây uống chai Grenache năm 75. – nói đến đây Lễ dừng lại, quay ra quàng tay lên vai vợ rồi nói tiếp: – … Thật không thể tưởng tượng nổi, có phải không em…

– Bác Học ạ, từ hôm được gặp bác lần đầu tiên đến hôm nay là gần hai năm rồi đấy ạ. Mỗi lần gặp bác tôi lại học thêm được nhiều điều. Nhưng tôi phục nhất cái tính quyết đoán của bác. Xin tỏ lòng ngưỡng mộ. – Tôn Thất Loan nâng cốc.

– Xin cảm ơn ông Loan quá khen. Có lẽ tôi phải bổ sung thêm một chút sự thật vào lời khen của ông. Xin ông hiểu cho đằng sau mỗi quyết đoán như vậy là những nỗi đau xé lòng. Nhờ trời, vào những lúc ấy tôi không mềm yếu. Thật không dễ dàng gì năm Bảy ba (1973) tôi bỏ cả cơ nghiệp đi sang đây, gần như tay không!

– Ông ơi, nhà in của ông bị quốc hữu hoá rồi. – bà già Học nhắc chồng.

– Bà nhầm rồi, tôi đã vứt bỏ nó đầu năm Bảy ba (1973), mãi đến… năm bao nhiêu đó sau này mới cải tạo xong cơ mà! Vứt nó đi tôi mới có gan bước vào kinh doanh tài chính như bây giờ! Thế là mất hay được hả bà?

– Tôi biết là ông vẫn tiếc lắm. – bà Học không chịu thua chồng.

– Vậy bác ra đi năm Bảy ba không phải vì sợ Việt cộng à? – bà Loan hỏi.

– Có sợ Việt Cộng, nhưng cái nhốn nháo còn đáng sợ hơn. Song cái chính là lúc bấy giờ tôi đã ngửi thấy trên thế giới đi vào kinh doanh tiền tệ là chóng giàu nhất. Thế là không gì có thể giữ chân tôi ở lại Sài Gòn được nữa! Cụ Nguyễn Du nói đúng ý tôi đấy: Máu tham hễ thấy hơi tiền là đi!

– Chú luôn luôn được đền bù là quyết định đúng, có phải thế không ạ? Cháu sống với chú từ bé nên nghiệm được điều này. – Hoài hỏi chú mình.

– Tạm nói thế này Hoài ạ: Chú vẫn cho là trời có mắt. Bõ công chú chấp nhận rủi ro! Cũng phải tạ ơn trời Phật cháu ạ, vì ít nhiều phải có chút may mắn thì mới thắng được. Chú cầu mong ở hiền gặp lành, nhưng mọi người cứ gán cho chú là kẻ vô thần.

– Chú ạ, xem ra cả dòng họ Phạm, cháu là loại bét. – Lễ so sánh. – … Cháu không biết cậu cháu nhiều lắm, nhưng mấy tuần ở Hà Nội sống với anh Chính, anh Nghĩa, cháu thấy hai anh cháu cũng là những người nhiều nghị lực như chú, mặc dù các anh ấy đi con đường khác. Hệt như chú, anh Chính cháu cũng có đầu óc rất họ Phạm. Một điều hai điều đều dạy con cháu phải giữ truyền thống họ Phạm!

Trên mặt ông già Học thoáng một nụ cười rạng rỡ.

– Ba có thể tưởng tượng nổi không, hôm tụi con được tướng Lê Hải mời cơm, trong buổi đó tướng Lê Hải cũng thừa nhận truyền thống họ Phạm. Con phục ông ấy là người có tâm và có tầm nhìn sâu sắc. Anh Loan chắc chưa biết, tướng Lê Hải là cấp trên của anh Nghĩa tôi.

– Ôi, anh Lễ có lẽ là sĩ quan duy nhất của quân đội Cộng Hoà được là khách của tướng Việt cộng đó! – Tôn Thất Loan kêu lên.

– Ông Loan thấy cháu tôi chưa, chỉ có người họ Phạm mới được như vậy! – bà già Học cổ vũ cho Lễ.

– Ông tướng này hiểu biết rộng chú ạ. Anh Loan mà tiếp chuyện ông ấy thì rất lý thú. … Ông ta xử sự tế nhị và rất hiểu người. Thật là có cách suy nghĩ khoáng đạt! Có lẽ ông ta là một trí thức dòng dõi. – Lễ nhận xét.

– Anh Lễ khen phò mã tốt áo! Tướng Lê Hải còn là cấp trên của ông Nghĩa thì nhất định phải là người thế nào rồi!.. Đã có lần tôi kể cho bác Học nghe về ông Nghĩa.

– Ba má có biết không, những ngày ở Hà Nội tụi con thấy dễ thở nhất kể từ sau 30 tháng Tư và từ đó bắt đầu le lói hy vọng. – Thảo tham gia ý kiến.

– Các cháu đang thôi thúc chú thím về thăm mẹ cháu, thăm thím Tuấn và các con cháu trong nhà họ Phạm… Có thể làm được việc này không các cháu nhỉ? – ông già Học dừng lại, trong lòng nghĩ đến người chị dâu của mình: …Chị cả ơi, thế hệ chúng ta bây giờ chỉ còn lại chị, vợ chồng em, thím Tuấn…

– Có thể được đấy ba ạ. Chính tướng Lê Hải khuyên tụi con phải giữ lấy cội nguồn và dạy bảo cháu Tín gìn giữ mối dây liên hệ giữa anh em con cháu họ Phạm.

Gần như suốt bữa ăn chính, câu chuyện cứ hết bắc cầu về Sài Gòn, lại ra Hà Nội, lại đến La Cigale… Đôi lần câu chuyện bị thức ăn ngon chuyển đề tài, nhất là khi mọi người dùng đến món bít-tết nai rừng nổi tiếng của La Cigale. Ông già Học kể cho mọi người nghe: Chính vì nhớ đến món này nên ông già mới tìm đến La Cigale. Bít-tết nai rừng thì nhiều nhà hàng có, song thật là Pháp, thật là La Cigale, từ cách ướp, cách rán, cho đến nước sốt, rau, gia vị, cách phục vụ thì chỉ có ở La Cigale… Ông già Học giải thích – Nó rất thích hợp cho các chai vang năm 75 của chúng ta!..

– …Thôi được, chú thím sẽ trù tính về thăm Hà Nội khi có cơ hội, cũng gần bốn chục năm rồi còn gì… Chú thấy giữ lấy mối quan hệ ruột thịt là điều quan trọng nhất của mỗi chúng ta ngồi đây. Tiền nong chúng ta đâu có đến nỗi thiếu, dù rằng người làm ăn thì tiền không bao giờ được coi là đủ… Xin lỗi ông bà Loan, tôi nói chuyện riêng của nhà trong buổi gặp mặt chung này. Mấy anh em trai tôi hồi còn thiếu thời chịu ơn anh chị cả chúng tôi nhiều lắm!..

– Dạ không sao ạ. Hôm gặp bác lần đầu tiên, bác gửi gắm nhiều vào điều mọi người có thể chia sẻ chung được. Hôm nay bác quan tâm nhiều đến mối quan hệ ruột thịt. Tôi thấy như vậy rất phải. Mấy năm nay tiếp xúc với cộng đồng người Việt, đúng là mối quan hệ hiệp đồng gắn bó là điều thiếu nhất, yếu nhất.

– Anh Loan ạ, anh đến đây lâu hơn tôi, có thể anh có lý. – Lễ nêu ý kiến của mình. – …Tôi thì bi quan hơn anh nhiều. Tôi cho rằng nhiều người Việt ta thích phá nhau, khó mà nói đến hiệp đồng, đến gắn bó được! Chưa chi đã bốn năm nhóm khác nhau đến gặp tôi và Thảo, nhóm thì ép, nhóm dụ dỗ, nhóm hù doạ các kiểu. Kẻ thì xưng là môn đệ của Nguyễn Văn Thiệu, người thì xưng là Phục quốc, đám khác là Cứu quốc hội.., chẳng làm sao biết được ai vào với ai.

– Cháu phải tập làm quen với họ đi.

– Hỏi đi hỏi lại, họ thực ra chỉ đòi hai việc thôi chú ạ. Đòi góp tiền và ép vào tổ chức! Có đám nói do Quách Minh Châu và Lý Lam giới thiệu. Cháu hỏi lại Quách Minh Châu, thì ông ta thề là không xui ai làm việc này!

– Thế là rõ rồi đấy. Chú thì mọi người kiềng mặt rồi. Còn cháu là ma mới, dễ hiểu thôi.

– Ba à, con khiếp nhất là cái hôm đám này đến tận nhà nói thẳng với con: Nhà bà là quan hệ ruột thịt với Việt cộng ở Hà Nội, hoặc là hợp tác với chúng tôi, hoặc là xin ông bà coi chừng! Gã này vừa nói, vừa lấy cái tay giả xỉa vào mặt con… – Thảo kể cho mọi người nghe đám này bắt ép việc lấy chữ ký và lập quỹ cứu nước của Phục quốc. – …Nhiều lúc con thấy mệt quá đi. Con phải giở luật pháp của nước Mỹ ra, họ mới chịu yên, nhưng không biết được bao lâu.

– Anh Lễ chị Thảo phải đến học kinh nghiệm của bác Học. Hình như tình hình chiến sự trong nước trên biên giới Việt-Trung và trên mặt trận Campuchia đang kích thích các phe nhóm ở đây hoạt động chống Hà Nội. Trên báo chí tôi cũng thấy rộ lên những bài không thân thiện.

– Có người còn nói bóng nói gió với tôi là quen biết cả anh và Mai-cơn Fốc, anh Loan ạ.

– Thảo và Lễ ơi, các con nên nhớ ở đây cũng có quy luật mềm nắn rắn buông! Ông Loan nhận xét có lý đấy, tình hình chiến sự trong nước mình bây giờ, rồi sự nhộn nhạo của công đoàn Đoàn kết ở Ba-lan từ mấy năm nay, tình trạng lục đục Xô – Trung, nội bộ các nước cộng sản Đông Âu theo nhau bất an… Ở bên này hết Phục quốc, lại đến Cứu quốc, rồi Quốc dân đảng, tất cả đang hy vọng lắm đấy. Đây là lúc chú thấy rõ được ai đi với ai, làm việc cho ai…

– Anh Lễ ơi, bọn em núp dưới bóng chú Học, nên êm ru. Hay là anh chị dọn quách về đây ở với tụi em đi, để cháu Tín cũng gần bọn trẻ nhà em. – Hoài gợi ý Lễ và Thảo.

– Chưa chi đã bàn lùi thì không được, Hoài ạ. Chị sẽ tính kỹ.

– Chú ạ, cháu thấy hơi lạ, những người đi vận động phần lớn rất trẻ, gần như mặt vẫn còn búng ra sữa. Đám trẻ này thì dính dáng gì đến chiến tranh vừa qua? Hoạ hoằn mới thấy có một người tự xưng là sĩ quan hay nhân viên cũ của Sài gòn. Có thể có sự chỉ huy từ đâu đấy… Mỹ có ủng hộ các hội hè này không chú? – Lễ hỏi ông già Học.

Tác giả: