Sau bữa cơm tối ở nhà ngày hôm ấy, Nghĩa lấy cái Babetta – xe máy tiêu chuẩn nhà nước cấp cho thương binh cấp tá, đi đến nhà anh trai Phạm Trung Chính ở phố Hai Bà Trưng. Nghe tiếng xe máy quen thuộc, hai con của Chính nhao ra:
– Bà ơi, chú Nghĩa đến. Chú Nghĩa. Cháu chào chú ạ…
– Cháu chào chú ạ.
– Chào hai cháu. Nhà ăn cơm chưa?
– Rồi ạ, mẹ cháu đang rửa bát. – Loan, đứa cháu gái lanh chanh, hai tay bíu lấy cánh tay Nghĩa. Nam, đứa cháu trai dắt xe cho chú.
– Con gái lớn thế này mà để mẹ rửa bát à?
– Mẹ cháu chỉ phân công cháu xếp hàng mua rau và thổi cơm chiều thôi ạ. Chắc mẹ cháu muốn cháu trở thành kỹ sư cấp dưỡng.
– Sinh viên con gái biết làm bếp giỏi, sau này chồng con được nhờ. Nhưng đừng bắt chước em Mai nhà chú. Nó vừa để mất cả ba tháng tem phiếu đấy, không biết là đánh rơi hay bị mất cắp.
– Thôi chết, thế lấy cái gì mà ăn hả chú?
– Thím Nguyệt sẽ phải chia khẩu phần mọi người nhỏ đi!
– Chú đừng lo, ở nhà cháu tem phiếu mẹ cháu quản hết. Nhưng anh Nam cháu lại được mẹ cháu ưu tiên không phải làm gì. Anh ấy còn có biết bao nhiêu thời giờ để vẽ. Con gái bao giờ cũng thiệt.
– Chú đừng nghe cái Loan. Mẹ cháu chỉ ưu tiên cho cháu học kỳ này thôi ạ. Nhưng ngày nào cháu cũng dán tương trợ cho em Loan cháu 10 hộp các-tông.
– Anh đã bảo là tương trợ thì không tính kia mà. Chú ơi, mẹ cháu lúc nào cũng bênh ông hoạ sỹ vô danh này chằm chặp.
– Chú xem, em Loan lúc nào cũng tức vì không biết vẽ như cháu.
– Chú Nghĩa ơi, Phạm Trung Picasso, hay Phạm Trung Van Gogh, đặt tên cho anh cháu như thế nào là hợp ạ?
– Ê, ê. Đấy là hai hoạ sĩ thuộc hai trường phái hoàn toàn khác nhau, thế mà lại đem gán vào cho một mình anh thì đúng là em không bao giờ học vẽ được! – Tuy vẫn phải một tay dắt xe cho chú Nghĩa, Nam vẫn lấy tay khác quệt lên má Loan một quệt dài.
– Thôi thôi, chú không dại gì dây vào chuyện của hai anh em cháu. Mậu dịch hồi này có giao đều gia công dán hộp cho nhà mình không?
– Hồi này thất thường lắm chú ạ. – Loan không để anh trả lời.
– Nam thi tốt nghiệp năm nay phải không cháu?
– Vâng ạ…
– Mẹ là bác sĩ, con sẽ đậu thủ khoa chứ?
– Cháu không dám mơ. Nhưng bác sĩ quân y thời bình chắc không có cơ hội chứng tỏ sự dũng cảm của mình như chú đâu ạ.
– Ví dụ bằng cách nào?
– Ví dụ như… băng bó chân cho chú ngoài chiến trường.
– A, chàng trai này bẻm mép.
Nghĩa bước vào đến nhà mọi người đã có mặt đông đủ ở phòng khách. Ai cũng nóng lòng về cuộc đến thăm này.
– Con chào mợ. Em chào anh chị. – Nghĩa vừa chào vừa chạy lại phía mẹ.
– Mong con suốt cả ngày hôm nay. – bà cụ giơ hai tay khẳng khiu ôm lấy Nghĩa. Cụ vừa đi vừa dựa vào Nghĩa – Ngồi xuống đây con. Mợ biết con về tối qua, Chính đã kể sơ sơ. Con kể đi. Ai còn sống? Ai chết? Khổ thân cho cháu Mạnh. Biết những gì kể đi. Có đúng Lễ và Hoài còn sống không? Chú thím Học đi Mỹ thật rồi à? Những mất mát trong gia đình chúng ta lớn quá. Bây giờ thêm sự chia ly… Mỗi người một phương…
– Sau khi nói chuyện điện thoại với em tối hôm qua, sáng nay anh đã kể với mợ. – Ông Chính xen vào, vừa nói vừa pha chè, rồi loay hoay đẩy các chồng hộp các-tông gia công cho mậu dịch sang một bên để kiếm chỗ kê cái quạt. Tiếng cánh quạt tai voi kêu vè vè… Cụ Tuyên bà xoay người né sang một bên vì không chịu được gió.
– Như thế là anh Chính đã kể cho mợ nghe hết rồi đấy ạ. Máy bay cất cánh chậm mất hai tiếng, mãi đến tám giờ tối hôm qua con mới tới Nội Bài. Về đến nhà khá muộn, con đành chỉ gọi điện thoại cho anh Chính thôi ạ. – Nghĩa quay ra nhận tách nước ông Chính đưa cho – Sáng nay em đã báo cáo với Học viện rồi. Có lẽ chỉ khoảng một hai tuần sau em lại bay vào trong ấy, anh Lê Hải đồng ý giúp rồi anh Chính ạ. Lễ còn sống, Hoài còn sống. Chắc chắn như vậy mợ ạ. Nhưng con chưa gặp được ai cả. Vào lần sau, nếu lại đi nhờ được máy bay quân sự thì đỡ mất tiền vé. Không nhờ được thì chạy tiền mua vé hàng không dân dụng. Chỉ có điều các chuyến bay của hàng không dân dụng thất thường lắm.
– Lễ và Hoài còn sống sao con không cố tìm đến chỗ các em? Trời ơi mấy chục năm nay rồi…
– Con muốn lắm mợ ạ. Lễ đang ở trại cải tạo, khá xa thành phố. Ban Quân quản cho con địa chỉ rồi, con đã liên hệ được với trại cải tạo bằng điện thoại. Nhưng ban chỉ huy trại cho biết tất cả sĩ quan nguỵ lúc này chưa được phép tiếp xúc với người nhà – vì đang là thời gian học tập để tự khai báo.
– Lễ làm gì mà phải vào trại cải tạo hả con? Có sớm được ra không?
– Đại tá ngụy mẹ ạ, đại tá lục quân, nghe đâu những năm gần đây làm việc gì đó trong Bộ Quốc phòng hay trong Bộ Tổng tham mưu của quân đội ngụy.
Ngoài ông Chính ra, cả nhà ngơ ngác. Bà Hương – vợ ông Chính, Loan và Nam ngồi im kiên nhẫn chờ đợi nghe tiếp. Cụ Tuyên bà hai tay run run bám vào vai ông Nghĩa:
– Chết, nó làm to như thế cho Mỹ ngụy liệu có phải tù lâu không con? Nếu có nợ máu nữa thì sao? Cả nhà mình ngoài này theo cách mạng… Chắc nhà mình trong đó còn nhiều người khác làm cho Mỹ nguỵ. Ông trời sao mà tai ác thế.
– Có khi quân chú Nghĩa và quân chú Lễ đã bắn nhau tơi bời trong trận nào đó rồi cũng nên. – Nam nói chen vào lời than vãn của bà nội.
– Trời ơi là trời! – cụ Tuyên bà rú lên, hai tay ôm chặt lấy ngực, đầu gục xuống.
Bà Hương và ông Chính vội lao thẳng đến chỗ cụ. Bà ngoái lại mắng con:
– Nam, sao con nói năng linh tinh thế!
– Chết, cháu xin lỗi bà ạ. Con xin lỗi cả nhà ạ!..
– Mợ, cháu Nam tưởng tượng ra như vậy thôi, mọi chuyện đã qua rồi. Làm gì có chuyện chúng con bắn nhau bây giờ nữa ạ!
– Ông Nghĩa cố tìm cách làm cho câu chuyện nhẹ nhõm đi, nhưng chính ông cũng thấy lòng mình thắt lại. – Để con kể tiếp mợ nghe. Đúng như anh Chính nói, ngày xưa chú Học làm cho chi nhánh nhà in IDEO (Imprimerie d’Extrême Orient) của Pháp ở Sài Gòn, con nhớ lời dặn này nên mới lần ra đầu mối. Con nhờ một anh bạn trong Ban Quân quản Sài Gòn tìm tòi trong giới kinh doanh ngành in xem có tăm tích gì không. Lục lọi mãi, họ thấy chủ nhà in Ánh Sáng có tên là Phạm Trung Học… Anh ấy đoán đấy có thể là người chúng ta định tìm nên tìm thêm cho con một vài điều về nhà in này. Vào tới Sài Gòn, trước tiên con tìm địa chỉ mợ và anh Chính dặn. Hỏi thăm mãi mới biết tên phố mới do chính quyền ngụy đặt là đường Phát Diệm. Đến nơi, chủ nhà cho biết: ngày xưa có Ông Phạm Trung Học ở đây, không biết là Học nào, nhưng chuyển đi nơi khác lâu lắm rồi. Sau đó con mới tìm đến địa chỉ ông chủ nhà in Ánh Sáng, ở phố Gia Long… Sài Gòn rộng quá, loay hoay mãi mới tìm được cái xích lô. Đến nơi, trời đã gần tối. Nhà riêng của ông chủ nhà in này khá to và đẹp. Con sợ đây có thể là một ông Học khác. …Thiếu gì người trùng cả tên lẫn họ, nhưng đã cất công vào đến đây chẳng nhẽ về không. Con phân vân quá, cứ đứng mãi trên vỉa hè. Bấm chuông mấy lần mới có một ông đã khá cao tuổi ra mở cổng. Đó là ông quản gia. Trong nhà chỉ còn lại mỗi gia đình ông này. Hỏi ướm con đủ mọi chuyện, biết con là cháu chú Học, họ giữ con ở lại ăn cơm. Con nhận lời để muốn nghe thật nhiều chuyện. Càng hỏi ra, càng đúng là chú Học nhà mình thật mợ ạ. Con trả lời trôi chảy nhiều câu của ông già để gợi chuyện. Hoá ra ông quản gia biết cậu là nhà giáo, nói rõ tên họ cậu mợ, chú Tuấn, chú Phương, tên anh Chính, tên con, và em Minh, biết tên một số các cô các chú khác nữa ngoài này. Nhưng ông ấy không biết chú Tuấn, chú Phương đã hy sinh, không biết cậu và gia đình em Minh bị bom Mỹ giết chết, mà con cũng chưa muốn kể vội. Như thế chứng tỏ chú thím Học và các em chưa hay biết tý gì về ai còn ai mất ngoài này mợ ạ. Ông quản gia nói đích xác Lễ đã vào trại cải tạo, gia đình Lễ vẫn ở Sài Gòn.
– Tại sao nhà chú Học chỉ còn mỗi gia đình ông quản gia? – bà Hương thắc mắc.
– Ông quản gia cho biết: tháng giêng 1973 thấy Hội nghị Paris nhúc nhích, chú Học vội đưa tất cả gia đình và con cháu sang sinh sống tại California, đem theo cả gia đình Hoài. Bốn tháng sau Mạnh chết trong trận đánh vào Củ Chi, từ đấy chú Học bỏ hẳn việc làm ăn ở Sài Gòn. Nhà cửa và công việc kinh doanh của nhà in chú giao hết cho ông quản gia. Nghe nói một năm sau chú chuyển hẳn sang kinh doanh địa ốc và chứng khoán ở Mỹ. Theo lời ông quản gia, chú Học là một nhà kinh doanh giỏi.
– Chú thím Học vẫn có mỗi mình Mạnh thôi hả con?
– Vâng, chú thím cảnh nhà con một mợ ạ. Mợ còn nhớ không ạ, năm ấy nó là một thằng bé hiếu động, không lúc nào đứng ngồi yên một chỗ.
– Con nhớ rõ lắm mợ ạ. – ông Chính xen vào – Khi chú thím Học và Mạnh ra thăm chúng ta ngoài này, Mạnh lúc nào cũng quấn quít với Lễ và Hoài. Ba đứa nghịch phá như quỷ sứ. Mạnh nhất định không chịu về trong ấy cùng chú thím. Lúc sắp ra ga, Mạnh nước mắt ròng ròng, mếu máo, chân tay vùng vằng: …Con không về, con không về, con thích chơi với anh Lễ chị Hoài… Trong ấy con không có bạn. Dỗ thế nào cũng không được, chú thím Học đành xin cho Lễ và Hoài vào Sài Gòn chơi ít hôm…
– Mợ nhớ lắm chứ… – cả một quá khứ sống lại trong tâm trí cụ Tuyên bà.
– Vâng. Thế là cái ít hôm ngày ấy đã trở thành hơn ba chục năm, mợ ạ. Khó mà tưởng tượng nổi! – Nghĩa nói tiếp. – Ông quản gia kể Mạnh tốt nghiệp trường sĩ quan Đà Lạt sau Lễ 3 năm, khi chết là thiếu tá. Mạnh đã lập gia đình, có một con trai. Ông bà Học tuy chỉ có Mạnh, nhưng thực ra là có ba con, vì Lễ và Hoài ông bà quý như con đẻ, chăm lo cho đến lúc lập nghiệp, có gia đình riêng. Con nghĩ rằng chú thím Học rất tin cẩn ông quản gia…