Trong việc truy tìm những đầu mối của các mẻ di tản sau, người ta tìm thấy khá nhiều tài liệu thật giả lẫn lộn, đủ mọi loại nguồn gốc, hầu hết là photo copy. Nào là bản hướng dẫn làm thủ tục khai báo với cơ quan nhập cư Mỹ, mẫu đơn xin tị nạn chính trị, bản tôn chỉ mục đích của Hội đoàn tụ gia đình – địa chỉ …CA-USA, địa chỉ liên lạc của Hội cựu chiến binh Báo đen – …Texas – USA, lời kêu gọi của hội này gây bạo loạn lật đổ chế độ Hà Nội, thủ tục thỉnh cầu sự can thiệp của Cao uỷ tị nạn quốc tế UNHCR, đường dây dịch vụ chuyển tiền, “10 điều khuyên trong thời gian sống ở trại tị nạn”, địa chỉ các thành viên Uỷ ban Nhân quyền phụ trách Việt Nam, Điều lệ Việt Nam Cứu Quốc Hội – các địa chỉ liên lạc tại Mỹ, Philippines, Thái Lan, Campuchia.., hiệp hội “Những người Mỹ vì Việt Nam tự do” – trong danh sách lãnh đạo của tổ chức này người ta thấy tên một số nhân viên CIA loại trùm sỏ ở Sài Gòn trước đây như J. Polgarier, M. Colbie… Tại quận của Bảy Dự người ta còn tìm được hai bản photo copy gồm các đoạn trích trong những bài báo tiếng Việt và tiếng Anh ở nước ngoài. Những đoạn trích này lấy ra từ các bài báo có chủ đề chính cho rằng sự đàn áp ở Việt Nam làm bùng nổ các làn sóng di tản; những bài này in chung dưới tiêu đề lớn “Tố cáo chế độ Hà Nội vi phạm nhân quyền…”. Ngoài ra có bốn thư tay của người di tản sống ở Mỹ gửi về cho gia đình. Trong các thư có một thư nêu địa chỉ liên lạc với thiếu tá nguỵ Lý Lam. Một thư khác là của đại tá nguỵ Quách Minh Châu gửi cho em vợ, thư về đến nơi thì người nhận đã đi di tản trước đó một tháng. Thư này kể nhiều chuyện về cộng đồng người Việt ở California. Châu không ngờ đến đây gặp lại một số bạn cũ trong Ban thư ký Tổng tham mưu ngày xưa, lại có thêm bạn mới. Trong thư người ta đọc được một số tên như Tôn Thất Loan, Phạm Trung Lễ, Năm Lửa – tức Năm Thịnh.., trước đây là chủ khách sạn Eden ở Sài Gòn…
Bảy Dự không một chút nghi ngờ các hoạt động vừa ăn cướp vừa la làng trong việc lôi kéo di tản, gây hoang mang và tạo cơ hội diễn biến hoà bình, lật đổ chính quyền cách mạng. Song nếu coi tất cả mọi người đi di tản là vì động cơ chính trị thì không thể chấp nhận được. Bảy Dự và Hai Hân đã nhiều lần tranh luận với nhau tới số, song chưa ai chịu ai. Cho đến nay các cuộc họp đều nhấn mạnh không thể coi thường sự can thiệp ngày càng trắng trợn từ bên ngoài, phê phán quyết liệt các nhận thức mơ hồ, hữu khuynh…
Cuộc họp hôm nay bàn về đối sách với những người đã đi di tản trong quận của Bảy Dự. Hai Hân tham gia với tư cách là đại diện ban dân vận của thành phố, ngầm hiểu là trên Bảy Dự một cấp.
Bảy Dự trình bày, giải thích khá dài, nhưng tựu trung lại có hai điểm mấu chốt nhất: Một là đối sử với gia đình hay thân nhân của những người di tản còn ở lại theo pháp luật, bình đẳng như các công dân khác, hai là nếu những người di tản có tài sản để lại, nhất là bất động sản, thì nhất thiết không được đụng đến. Lập luận của Bảy Dự là phải bám vào quan điểm chỉ đạo của thành phố là không nên làm cho tình hình rối rắm thêm.
Người nổ phát súng đầu tiên vẫn là Hai Hân:
– Quan điểm của lãnh đạo Thành phố là để chỉ đạo, còn đi vào thực hiện phải cụ thể hoá từng trường hợp. Theo anh Bảy thì sự ra đi của Năm Thịnh có phải là phản động không.
– Tôi cho là không.
– Nếu không hiểu hành động của Năm Thịnh là chống đối cải tạo tư sản, là chống đối đường lối chính sách của Đảng, thì hiểu nó là cái gì?
– Trước sau vẫn là bất mãn. Chúng ta không nên đã mất người lại còn biến họ thành thù.
– Bất mãn, bỏ cách mạng, bây giờ sống trong lòng địch và bè lũ phản động người Việt ở nước ngoài, thế không phải là phản động à? Bất mãn bỏ nước ra đi có khác gì lắm với chống chế độ? Anh có chắc rồi đây Năm Thịnh không quay về chống ta không?
– Hỏi thế làm sao trả lời được, nhưng Năm Thịnh ra đi là vì bất mãn.
Anh Bảy chỉ xem xét Năm Thịnh lúc ra đi, không nhìn vào diễn biến của sự việc, lại càng không để ý đến những tài liệu ta bắt được. Sao lại có thể nhìn nhận sự việc tĩnh tại thế, cũng không để ý đến môi trường Năm Thịnh đang sống bây giờ!
– Tôi không tán thành cách suy diễn như vậy. – Bảy Dự kiên quyết bác lại.
– Sai lầm là ở chỗ này! Cả hội nghị nghĩ xem, tình hình di tản trước khi ba anh em nhà Năm Thịnh ra đi như thế nào, bây giờ như thế nào? Tình hình chung trước đây phức tạp hơn, hay là sau vụ Năm Thịnh phức tạp hơn? Đối phó với tình hình hiện nay bằng cách suy nghĩ cầu an như của anh Bảy có được không?..
Cuộc tranh luận tay đôi chuyển sang cuộc thảo luận của cả hội nghị. Nhiều ý kiến thừa nhận điều rành rành là tình hình bây giờ phức tạp hơn nhiều. Nhiều ý kiến đồng tình không thể nhìn sự việc tách rời với những diễn biến chung quanh đang xảy ra. Một số ý kiến còn đi xa hơn, phê phán Bảy Dự là mơ hồ, mất cảnh giác…
Sau khi đa số dự hội nghị tán thành ý kiến của Hai Hân, cuộc thảo luận vấp phải vấn đề khó hơn: Các biện pháp xử lý. Quan điểm chỉ đạo của Thành phố luôn được nhắc đến, nhưng đi vào các trường hợp cụ thể của quận thì không dễ chút nào.
Trường hợp di tản của em vợ Quách Minh Châu dính dáng đến việc cuỗm một số tiền khá lớn của những người muốn di tản đang bị kẹt lại. Có những chứng cứ cho thấy chính hắn ta đứng ra tổ chức đường dây này và dụ dỗ nhiều người tham gia. Chỉ có khoảng một phần ba số người đóng tiền đi được trót lọt. Nhà của hắn ta lại là nhà đi thuê, do người vợ cả và một đứa con trai cả đang ở, những tài sản khác hắn bán tống bán tháo hết trước khi bỏ trốn ra nước ngoài, nghĩa là chẳng có gì để bồi hoàn cho những người bị lừa… Dựa vào thế lực hay tổ chức chính trị nào hắn ta làm được việc này? Xử lý thế nào đây? Không xử lý được thì vô hình chung khuyến khích các đường dây mới…
Đã thế có một số người không đi được trót lọt, quá tiếc của… Một số người trong đám họ vốn là họ hàng ruột thịt với Bảy Dự, nhờ ảnh giúp tìm cách đòi lại tiền. Bảy Dự không sao thoái thác được. Có lúc Bảy Dự hết cả kiên nhẫn:
– Bác làm việc phạm pháp như thế lẽ ra phải bắt giam đấy!
– Thôi… Bỏ qua đi… Bác nghe người ta xui dại mà…
– Tại sao khi đóng tiền đi di tản bác không đến báo cho chính quyền biết. Bây giờ mất tiền bác lại nhờ chính quyền đứng ra đòi hộ?
– Thì có tin chính quyền mới nhờ chính quyền đứng ra đòi chớ! Thế chính quyền không bảo vệ quyền lợi chính đáng của dân à?.. Cháu giúp bác đi…
– Đành là thế, nhưng bây giờ người nhận tiền của bác cao chạy xa bay rồi. Vì sao hồi ấy bác lại phải tìm cách cho gia đình di cư bất hợp pháp như thế. Nhà ta có làm điều gì sai không mà phải đi lén?
– Chỉ có buôn bán thôi mà, có làm gì đâu… Cháu biết quá đi rồi. Chính phủ ta thì không có chủ trương cho đi, mà nơi đến cũng dứt khoát không nhận. Vậy không đi lén thì đi bằng cách nào?
– Biết thế mà bác vẫn liều?..
– Người thì nói bây giờ cái gì cũng quốc doanh hết, sống thế nào được! Người khác lại nói bên ấy làm ăn dễ lắm, thế thì tội gì không đi! Ai biết đâu bị mắc lừa như thế này!..
Bảy Dự hiểu thêm ra nhiều điều.
Trong quận của Bảy Dự có hai người tham gia vào vụ bê bối Năm Thịnh, một cán bộ phường và một cán bộ quận, hơn một năm rồi vẫn chưa giải quyết xong. Hai cán bộ này đã buộc phải thôi việc và bị xử lý theo pháp luật về tội tham nhũng. Nhưng câu hỏi chưa làm rõ được là: Vụ bê bối này chỉ đơn thuần là chuyện sa đoạ của cán bộ hay còn nguyên do gì khác? Nếu có vấn đề chính trị thì càng không đơn giản chút nào. Bảy Dự vẫn còn nợ trên câu trả lời và cũng tự cảm thấy tín nhiệm của mình ngày một giảm sút. Ngay trong cuộc họp này Bảy Dự cũng thấy ý kiến của mình không được coi trọng như trước nữa… Trong khi đó ý kiến của Hai Hân ngày càng được vì nể, nhất là khi Hai Hân phê phán quan điểm hữu khuynh của Bảy Dự…
Hai Hân toàn thắng trong việc bác bỏ ý kiến Bảy Dự, nhưng hội nghị không toàn thắng trong việc thông qua những giải pháp ổn định tình hình và kiểm soát tình trạng di tản. Đại thể vẫn là những quyết sách chung chung: nắm vững phương châm chỉ đạo của Thành phố, tăng cường giải thích chính sách và học tập chính trị trong các cụm dân cư, phổ biến những thông tin về tội ác dã man của hải tặc để răn đe…
Là phó Ban Dân vận của Thành phố, trong thâm tâm Hai Hân thừa nhận những biện pháp đã thông qua không tác động được bao nhiêu vào những nguyên nhân gốc rễ của vấn đề di tản.
Hai Hân tặc lưỡi trong đầu: …Làm gì giữ được di tản ở lại mới tài, chung chung thế này không nước mẹ gì! Trí tuệ của cả hội nghị cũng chỉ tìm ra được ngần ấy giải pháp, chứ đâu có phải riêng mình mà băn khoăn!.. Cái chính là hội nghị tâm phục khẩu phục về cái bệnh hữu khuynh của Bảy Dự!..
Một tháng sau, với lý do phải tăng cường chất lượng giảng dạy của trường phổ thông trung học Quang Trung trong quận, Bảy Dự được cử về đấy tham gia ban giám hiệu…
Hai Hân nhận được tin trên trong lúc ăn tối tại xí nghiệp in quốc doanh Tự Lực, chân muốn nhảy cẫng lên nhưng không tiện. Quanh bàn ăn không có ai có thể chia sẻ tin vui này… Gần đây Hai Hân có thói quen những ngày không phải đi công tác thì thường tham gia đánh bóng chuyền với công nhân sau giờ làm việc, ở lại tắm rửa, ăn cơm tối xong mới về nhà. Vợ Hai Hân đã quen cái cảnh ăn cơm một mình. Hôm nào phải họp hành, hoặc giả có việc gì vui thì Hai Hân ngủ lại trong xí nghiệp. Tối nay có một số việc phải bàn thêm, nhưng Hai Hân đang cuồng lên, quyết định về nhà.