– Chị Hương ơi, so với hiểu biết của chúng ta, vấn đề Campuchia phức tạp hơn nhiều. – Nghĩa cũng tìm cách làm vợi nỗi đau của chị dâu.
Không khí vui vẻ trong bữa cơm bỗng tụt hẳn xuống.
Nỗi xót xa của chị dâu đưa Nghĩa trở lại buổi tâm sự hôm nào với Nam trước ngày lên đường. Nghĩa còn nhớ rất rõ cảm giác tim mình thót lại, đất dưới chân mình bỗng dưng sụt hẫng đi đâu mất khi Nam cho biết được lệnh đi chiến đấu ở Campuchia. Nghĩa vừa phải động viên cháu lên đường, vừa xót cháu mình. … Mình cả đời lăn lộn với bom đạn như thế vẫn chưa đủ ư? Bây giờ lại đến lượt cháu mình, những người thuộc thế hệ cháu mình nữa… Mọi thương đau như lại tấy lên, như lại ứa máu… Những thương đau Nghĩa trải qua, những thương đau Nghĩa là nhân chứng trên đường chinh chiến, những thương đau ngay trong đại gia đình của mình… Ôi đất nước tôi!.. Nghĩa nắm chặt ly rượu để không thốt ra lời…
Khi mọi người ra xa-lông ngồi ăn tráng miệng, câu chuyện chuyển sang hỏi thăm dự định cho cuộc sống tương lai của gia đình Lễ ở Mỹ.
– Mệt mỏi, chị ạ. Tâm trạng bọn tôi bây giờ là mệt mỏi, là không thiết gì nữa, nhưng có lẽ bây giờ le lói hy vọng… – Thảo trả lời Hậu.
– Nhà tôi còn có thêm chuyện sức khoẻ nữa anh Hải chị Hậu ạ. – Lễ bổ sung cho ý của Thảo. – Đã có lần nhà tôi nghĩ đến lập một ngôi chùa nhỏ trong nhà để tu tại gia. Tôi gạt đi. Nhưng cả hai chúng tôi muốn an phận thủ thường, may ra có được những ngày thanh thản cuối đời.
– Nhưng anh chị cũng nên thỉnh thoảng về Việt Nam thăm gia đình lớn của mình chứ. Tôi nghĩ rằng rồi chuyện đi đi về về sẽ dễ dàng chứ không như bây giờ. Rồi còn để cho cháu Tín không quên anh chị em của cháu… – Lê Hải ngồi cạnh cùng góp chuyện.
– Vâng, lúc nãy Thảo nói bắt đầu hy vọng là như vậy anh Hải ạ. Ra ngoài này vợ chồng tôi cứ khen mãi anh Chính trong việc dạy dỗ các cháu giữ nề nếp họ Phạm. Tôi hy vọng đấy là sợi dây liên kết bền chặt.
– Anh Lễ ạ, trong cuộc đời người ta, có điều ý thức được, có điều không ý thức được, lại có cả những điều số phận đưa đẩy không cưỡng lại được. Bây giờ anh chị khát khao sự thanh thản, tôi hiểu được và thông cảm. Tôi thấy cũng nên như vậy. Tôi còn hy vọng trong thanh thản anh chị sẽ tìm lại được mình. …Rồi thời gian có thể sẽ đem lại nhiều ý nghĩa hơn cho cuộc sống… Anh em họ Phạm nhà anh chị là những người nhiều nghị lực…
Lễ đặt tay mình lên tay Lê Hải:
– Vợ chồng tôi rất cảm ơn lời động viên chí tình của anh. Anh nói đúng, có những điều không sao cưỡng lại được, có lẽ số phận gia đình tôi là như vậy. Anh làm cho tôi hy vọng vào thời gian.
– Tôi hiểu, tôi đã được nghe anh Nghĩa thuật lại cho nghe tất cả, …cả câu chuyện tâm sự bất tận giữa anh và anh Nghĩa đêm nào…
– Chuyến đi Hà Nội lần này là chuyến trở về nơi chôn nhau cắt rốn của tôi. Nhờ chuyến đi này, rồi buổi tối hôm nay ở nhà anh chị nữa, gia đình chúng tôi sẽ ra đi trong ít nhiều hy vọng.
– Sự thông cảm của các anh các chị tôi, của anh chị hôm nay, làm chúng tôi cảm thấy nhẹ lòng… – Thảo nói thêm vào. – Năm sáu năm trời nay, bây giờ chúng tôi mới được sống với cảm giác nhẹ nhõm thế này…
Vợ chồng Chính và vợ chồng Nghĩa ngồi nghe, trong lòng thầm cảm ơn Lê Hải. Không thể tìm đâu được những lời động viên vợ chồng Lễ hiệu quả hơn thế…
Nhân lúc mọi người xúm lại chỗ tủ chè để nghe bà Hậu giới thiệu cách ngâm rượu mơ rất độc đáo, chỉ còn Lê Hải và Lễ ngồi lại với nhau chỗ xa-lông vì đang dở dang câu chuyện, Lê Hải ghé sát vào tai Lễ:
– Tôi hỏi anh thực lòng, trong trại cải tạo các anh có được đối xử tốt không?
Đang vui vẻ mà mặt Lễ bốc lên đỏ dừ, chết lặng.
Lê Hải hiểu được. Ngồi im chờ một lúc, Lê Hải lựa lời:
– Anh không muốn trả lời là tôi đã hiểu câu trả lời của anh rồi… Trời đất! Biết làm thế nào!.. – mấy tiếng cuối cùng Lê Hải nói gần như rên lên.
Như là người được thoát nạn, Lễ vồ lấy tay Lê Hải, nắm chặt:
– Xin chân thành cảm ơn sự thông cảm của anh. Nhưng tôi cảm ơn anh gấp nhiều lần vì đã không ép tôi phải nói ra những điều tôi không muốn nói, những điều tôi đang muốn quên…
– Chiến tranh đã qua rồi mà cái bóng của nó vẫn tiếp tục cướp bóc chúng ta nhiều quá anh Lễ ạ… Không biết đến bao giờ…
Từ hôm vợ chồng Lễ ra ngoài này, cụ Tuyên bà nhanh nhẹn thêm một chút. Song cũng chỉ được vài ngày. Cái yếu của tuổi già và bệnh tật, nhất là bệnh huyết áp cao, vẫn ngày một lấn át mọi cố gắng của cụ. Mấy ngày gần đây cụ không đi lại được nữa. Thảo giành lấy mọi việc nâng đỡ chăm sóc vệ sinh cho cụ, trong thâm tâm nhói lên ý nghĩ không biết rồi đây mình có còn cơ hội thực hiện bổn phận con dâu đối với mẹ chồng nữa hay không…
– Sang bên ấy hai con cố nài chú thím Học về chơi, cho cả gia đình Hoài về.
– Cầu trời được như vậy mợ ạ.
– Mợ sẽ cố sống để chào đón chú thím, vợ chồng Hoài, các cháu…
– Có dịp, chúng con cũng sẽ cố gắng về thăm mợ.
– Nhớ đưa cho Hoài cái áo len mặc hồi còn bé.
– Dạ, nhà con đã gói cẩn thận và cho vào va-li rồi ạ. …Mợ nghỉ một lúc đi cho đỡ mệt. Con bóp chân cho mợ nhé.
– Ừ, hai chân hôm nay làm sao đau lắm, lại trở trời rồi, bắt đầu đau lên hai vai… Kể chuyện tiếp đi… Sao Huệ đã thế mà hai con không làm lễ cưới sớm cho cháu?..
– …
Thảo vừa lau nước mắt, vừa kể lại chuyện cũ cho mẹ chồng nghe.
Một ngày trước hôm bay trở vào Sài Gòn, vợ chồng Lễ không đi đâu nữa, suốt ngày chỉ luẩn quẩn bên cụ Tuyên bà. Không dám nói ra, nhưng vợ chồng Lễ lo lắng không biết có còn dịp nào được gặp lại mẹ nữa không. Một điều biết trước dường như là cầm chắc như thế mà không sao chịu đựng nổi!..
Nhân lúc cả nhà đi vắng hết, Thảo đang bận bịu dưới bếp, Lễ ngồi tâm sự với mẹ về tâm trạng chán chường của mình, được vài câu Lễ gục vào lòng mẹ, nghẹn ngào, nước mắt giàn giụa:
– Mợ ơi, con khổ quá! Con được sống với cậu mợ ít quá. Cả như bây giờ con cũng không ở lại với mợ được nữa!.. Khi con chờ anh Nghĩa vào trại cải tạo thăm con, đã có lúc con hy vọng chiến tranh qua rồi, gia đình mình sẽ đoàn tụ… Con đã bao phen đắm chìm để bảo vệ bằng được gia đình bé nhỏ của mình… Nhưng rồi con đã không giữ được Huệ, rồi cuối cùng gia đình con sẽ phải ra đi không sao cưỡng lại được, con lại bắt đầu phải sống xa mợ!.. Con là như thế… Con không tự thay đổi được mình nữa! Con khổ quá mợ ơi…
9.
Hai Hân ghi thêm một chiến tích mới: Nêu gương tiến công vào tâm lý hữu khuynh của một số cán bộ trong thành phố. Người bị Hai Hân nêu ra làm tiêu biểu là Bảy Dự. Hai Hân bỏ qua Ba Khang, vì đằng nào Ba Khang cũng xếp vào loại xế chiều về tuổi tác. Còn trình độ mọi mặt thì lại càng kém, không thể so với Bảy Dự. Gần đây chính Ba Khang có đơn xin nghỉ công tác, với lý do trình độ hạn chế.
…Bây giờ mình phải làm cho mọi người tâm phục khẩu phục bác bỏ Bảy Dự, nhất là bác bỏ sự mê tín vào cái trí thức quèn của anh ta… Giáo viên trung học, chứ có là cái gì ghê gớm đâu… Dân trong thành phố không ít người cứ chê bai cán bộ này là nông dân, cán bộ kia là công nhân nông trường… Họ còn nói điều hành công việc của thành phố thời bình phải là những người có học, có văn hoá… Ta sẽ chứng minh đấy không phải là lãnh địa riêng, là đặc quyền của các người!..
Sự bận rộn ngày đêm hình như chỉ mang lại cho hai Hân nhiều điều phấn khích. Cuộc đời phấn đấu từ một công nhân lam lũ trở thành giám đốc, lại phó Ban Dân vận, rồi đây chắc sẽ còn tiến xa nữa.., Hai Hân rút ra chân lý: Càng ngày mình càng hiểu, đời là nối tiếp các cuộc chinh phục không ngừng! Khi mình phiêu bạt giang hồ cũng thế, bây giờ cũng thế. Cảm ơn trời đất, mấy năm gần đây bệnh tật cũng êm êm, mình không biết mệt mỏi là gì…
Trong Thành phố: …Nào là vấn đề nuôi sống mấy triệu người. Nào là yêu cầu trật tự trị an. Ngay trước mắt cần trấn áp cả một thiên la địa võng các băng đảng ác ôn du thử du thực chăng rải khắp Thành phố – không ít các băng đảng này trước đây là những móc xích của CIA, của nguỵ quyền và của các tổ chức chính trị phản động. Nào là các tệ nạn văn hoá, xã hội khác. Nào là vấn đề chi viện cho Campuchia… Chưa nói gì đến những yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố, chuyện học hành của học sinh…
Bây giờ lại thêm những hậu quả tích tụ ngày một nhiều của tình hình di tản. Lác đác có một số hiện tượng đáng ngại về an ninh chính trị. Lãnh đạo Thành phố đòi hỏi phải thận trọng trong xử lý mọi công việc, không thể lẫn lộn các sự việc hình sự, kinh tế và chính trị…
Phụ trách công việc giữ gìn trật tự trị an cho dân cư của quận mình, Bảy Dự ý thức được yêu cầu nghiêm ngặt này. Mong muốn thì đúng đắn như vậy, song cuộc sống nhiều khi là con ngựa bất kham. Cách đây hơn một năm trong thành phố xảy ra vụ một số cán bộ ăn tiền của người di tản, móc ngoặc với bên ngoài tổ chức một mẻ di tản lớn trót lọt. Mẻ di tản lớn này cho đến nay vẫn gây xôn xao trong Thành phố, vì trong những người ra đi có ba gia đình anh em Năm Thịnh và một số người trước đây đã tham gia lực lượng thứ ba trong Mặt Trận. Quận của Bảy Dự có hai người tham gia vào vụ bê bối này. Hai Hân đặt tên cho vụ này là vụ Năm Thịnh. Sau vụ này số người trong quận của Bảy Dự di tản không thành tốp lớn nữa, nhưng số lượng không giảm…